TIN TỨC SỰ KIỆN | TIN TỨC

BỆNH UNG THƯ GAN -

Ung thư gan là bệnh gì?

Bệnh ung thư gan nguyên phát là do sự phát triển bất thường của tế bào gan, tạo khối u đầu tiên tại gan. Ung thư xuất hiện đầu tiên ở cơ quan khác của cơ thể và tế bào ung thư của cơ quan khác lan đến gan, trưòng hợp này gọi là ung thư gan thứ phát hay ung thư gan do di căn. Bài viết này chỉ đề cập đến ung thư gan nguyên phát.

Ung thư gan có thường xảy ra?

Trên thế giới, ung thư gan xếp hàng thứ năm trong các bệnh ung thư thường gặp nhất và là nguyên nhân gây tử vong do ung thư xếp hàng thứ ba trong năm 2018.

Tại Việt Nam, ung thư gan là bệnh ác tính thường gặp nhất ở nam giới, theo sau là ung thư phổi, ung thư dạ dày và ung thư đại tràng. Ở nữ giới, đứng đầu danh sách là ung thư vú, ung thư dạ dày và ung thư phổi.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 7,8 triệu người Việt Nam đang sống chung với virus gây viêm gan B (HBV) và gần 1 triệu người Việt đang sống cùng với virus gây viêm ganC (HCV). Điều này có nghĩa: Trong 9 người sẽ có 1 người nhiễm HBV hoặc HCV.

Nghiên cứu mối liên quan giữa ung thư gan và nhiễm HBV/ HCV:

  • Năm 2015, khi nghiên cứu trên 24091 người bệnh ung thư gan, tác giả Nguyễn Đình Song Huy và cộng sự tìm thấy: 62.3% ca ung thư gan nhiễm HBV mạn, 26% ca ung thư gan nhiễm HCV mạn, 2,7% ca ung thư gan đồng nhiễm HBV-HCV. 40% các ca ung thư gan có xơ gan.
  • Năm 2018, tác giả Lê Văn Quang và cộng sự nghiên cứu trên 198 người bệnh ung thư gan đã ghi nhận: 81.3% trường hợp ung thư gan liên quan đến nhiễm HBV và 5.6% ca ung thư gan liên quan nhiễm HCV.

Các nguyên nhân gây ung thư gan nguyên phát là gì?

Các bệnh gây các biến đổi (đột biến) trong DNA của các tế bào gan có thể gây ung thư gan ngyên phát. Sư xơ hóa hay xơ gan do bất kỳ bệnh gan nào có thể gây nguy cơ ung thư gan.

1. Các yếu tố nguy cơ chính gây ung thư gan:

1.1. Nhiễm virus B mạn:

Trên thế giới có khoảng 257 triệu người nhiễm HBV mạn tính. Xơ gan do nhiễm HBV mạn tính gia tăng nguy cơ ung thư gan lên 1000 lần. Cơ chế gây ung thư là sự kết hợp giữa phản ứng viêm và sự tích hợp genome của virus vào DNA của người bệnh.

1. 2. Nhiễm Virus C mạn:

Nhiễm HCV là dịch toàn cầu, ảnh hưởng đến 71 triệu người. 80% người nhiễm HCV tiến triển đến nhiễm mạn tính, tỷ lệ này cao hơn so với tỷ lệ 5% chuyển sang nhiễm mạn tính của nhiễm HBV.

Nguy cơ ung thư gan sau nhiễm HCV khoảng 5%. Đồng nhiễm HCV-HBV làm gia tăbng nguy cơ ung thư gan, Nhiễm HCV kèm uống rượu tăng nguy cơ ung thư gan gấp 2 lần so với nhiễm HCV đơn thuần. Các nghiên cứu cho rằng điều trị thuốc kháng HCV làm giảm nguy cơ ung thư gan.

1.3. Nghiện rượu nặng:

Uống rượu (> 80 g/ ngày hoặc > 6-7 ly/ngày trong hon 10 năm làm tăng nguy cơ ung thư gan 5 lần. Trên người bệnh xơ gan mất bù do rượu, nguy cơ ung thư gan khoảng 1% mỗi năm.

1.4. Các yếu tố về chuyển hóa:

Béo phì và đái tháo đường, gây bệnh gan nhiễm mõ không liên quan đến rượu (nonalcoholic steatohepatitis, NASH), là những nguy cơ gây ung thư gan.

1.5. Nhiễm aflatoxin:

Chất sinh ung thư gan aflatoxin là sản phẩm của nấm có trong các loại hạt thực phẩm thường gặp tại Hạ Sahara Phi châu, Đông Á và Đông Nam Á. Aflatoxin làm tổn thương DNA và gây các đột biến của gene p53 dẫn đến ung thư gan.

2. Các yếu tố nguy cơ hiếm gặp khác:

2.1. Xơ gan mật nguyên phát

2.2. Thiếu Alpha1-antitrypsin

2.3. Androgenic steroids

2.4. Hemachromatosis

Các triệu chứng của ung thư gan là gì?

Các triệu chứng của ung thư gan có thể liên quan toàn thân, bao gồm:

  • Sụt cân không chủ ý
  • Mệt mỏi
  • Chán ăn
  • Đau bụng
  • Buồn nôn và ói
  • Vàng da, vàng mắt, tiểu vàng xậm
  • Chướng bụng

Các dâu hiệu của bệnh gan là gì?

Phòng ngừa bệnh ung thư gan bằng cách nào?

Cách quan trọng nhất để ngừa ung thư gan là không để mắc loại bệnh gan nào và ngăn ngừa xơ hóa gan nặng.

Phòng ngừa ung thư gan bao gồm:

  • Chủng vaccine ngừa nhiễm HBV
  • Điều trị sớm bệnh viêm gan virus B mạn và điều trị khỏi viêm gan virus C mạn bằng thuốc đặc hiệu.
  • Nên tránh uống rượu
  • Ăn rau, trái cây, cá và các acid béo từ cá liên quan đến giảm nguy cơ ung thư gan
  • Tầm soát ung thư gan

Ai nên tầm soát ung thư gan? Làm xét nghiệm gì để tầm soát ung thư gan?

Mọi người lớn nên tầm soát ung thư gan. Những người bệnh xơ gan hoặc nhiễm HBV, HCV nên làm xét nghiệm tầm soát ung thư gan mỗi năm.

Các xét nghiệm tầm soát bệnh ung thư gan bao gồm:

  • Xét nghiệm máu: HbsAg, AntiHBs, AntiHCV, các bệnh rối loạn chuyển hóa (tăng đường huyết, tăng mỡ máu), các men của gan, dấu ấn ung thư gan AFP
  • Chẩn đoán hình ảnh: siêu âm bụng hoặc chụp cắt lớp điện toán (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI). Nếu có khối u nghi ngờ ung thư gan: sẽ làm thêm xét nghiệm sinh thiết gan.

Nếu tôi đươc chẩn đoán ung thư gan, có các phương pháp điều trị nào?

Phát hiện và điều trị sớm ung thư gan có ý nghĩa quyết định với khả năng sống của người bệnh. Điều trị nhằm diệt tế bào ung thư hoặc loại bỏ khối u gan ra khỏi cơ thể. Tùy theo ung thư gan đã di căn đến phần khác của cơ thể chưa để chọn phương pháp điều trị tốt nhất.

Các phương pháp điều trị là phẫu thuật và can thiệp không phẫu thuật:

1. Phẫu thuật:

1.1. Cắt gan: tùy theo vị trí của khối u, có thể cắt một phần gan có khối u.

1.2. Ghép gan

1.3. Thắt động mạch gan

2. Phương pháp điều trị không phẫu thuật:

2.1. Phương pháp gây tắc mạch qua chụp động mạch gan chọn lọc TACE hoặc TOCE

2.2. Phương pháp phá hủy u gan qua da dưới hướng dẫn của siêu âm: tiêm hóa chất vào trong khối u, điều trị lạnh, điều trị bằng vi sóng, đốt sóng cao tần (RFA) .

2.3. Hóa trị: một số phác đồ điều trị thuốc nhắm vào các tế bào ung thư làm chúng chết đi.

2.4. Xạ trị

 

Bác sĩ Ngô Thị Kim Cúc - Chuyên khoa II Nội Nhiễm, Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin.



ĐỐI TÁC CỦA CHÚNG TÔI

KhamOnline