TIN TỨC SỰ KIỆN | TIN TỨC
Bệnh tiêu hóa đang đe dọa 10% dân số
Theo thống kê của ngành y tế, số người thực nhiễm bệnh về tiêu hóa ở nước ta hiện lên đến gần 10% dân số. Đây là một con số rất báo động. Bởi nguyên nhân gây các bệnh tiêu hóa được nói đến nhiều nhất là do vệ sinh an toàn thực phẩm. Và hệ lụy của nó không chỉ là những bệnh về tiêu hóa, mà còn có thể là các bệnh ung thư đe dọa tính mạng.
Các khoa tiêu hóa luôn quá tải
Tại Bệnh viện E, mỗi ngày thường có từ 140 - 150 bệnh nhân mắc các bệnh về đường tiêu hóa điều trị nội trú và hàng trăm người đến khám bệnh về tiêu hóa. PGS-TS Nguyễn Thúy Vinh - Phó GĐ Bệnh viện E - cho biết: Trong số các ca bệnh về đường tiêu hóa, số người bị loét dạ dày tăng khá nhanh. Nếu như trước đây, bệnh nhân loét dạ dày chỉ chiếm 1% trong tổng số ca mắc bệnh tiêu hóa phải nhập viện thì hiện nay, tỉ lệ này đã lên đến 10%. Đáng lưu ý, có khoảng 20-25% trong số bệnh nhân loét dạ dày phải điều trị tại bệnh viện là cán bộ công chức, doanh nghiệp...
Theo các giáo sư đầu ngành về tiêu hóa, khi mắc các bệnh tiêu hóa sẽ khiến hệ tiêu hóa dễ bị tổn thương, dễ dẫn đến ung thư, nguy cơ tử vong cao hơn rất nhiều so với bất kỳ cơ quan nào khác trong cơ thể. Điều đáng báo động là những bệnh ung thư liên quan đến đường tiêu hóa như: Ung thư dạ dày, gan, đại tràng ngày càng gia tăng, phần lớn được phát hiện khá muộn nên không còn khả năng cứu chữa. Số liệu cho thấy, trung bình mỗi năm VN có từ 11.000 - 12.000 người mắc mới ung thư dạ dày và 8.000 người tử vong.
Tổ chức Y tế thế giới đã ước tính hơn 50% dân số thế giới bị nhiễm Helicobacter pylori (HP) - một loại vi khuẩn sống trong dạ dày có liên quan tới sự phát sinh ung thư dạ dày. Trong khi ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, tỉ lệ nhiễm HP đang giảm thì ở VN, tỉ lệ nhiễm loại vi khuẩn này vẫn còn cao. Hiện nay, bệnh ung thư dạ dày chiếm gần 20% số ca ung thư ở VN.
Một thực tế đáng lo ngại là việc phát hiện bệnh ung thư dạ dày thường ở giai đoạn muộn, người bệnh mất đi cơ hội sống thêm từ 10 -15 năm. Thực tế công tác chẩn đoán, điều trị bệnh chưa đạt yêu cầu. Hội Khoa học tiêu hóa VN cho rằng, tại nhiều cơ sở khám - chữa bệnh, kể cả ở một số bệnh viện lớn nhận thức về nguyên nhân gây bệnh của HP chưa được coi trọng. Thậm chí, có nơi không làm xét nghiệm chẩn đoán HP trước và sau điều trị.
Bệnh vào từ miệng
Nguyên nhân quan trọng khiến các bệnh về tiêu hóa gia tăng là do ô nhiễm môi trường, điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm không bảo đảm; nhiều người có thói quen ăn uống tùy tiện, thiếu tính khoa học, không đủ chất, ăn các loại thực phẩm chứa các hóa chất độc hại, nhiễm khuẩn... Các chuyên gia về dinh dưỡng cảnh báo: Với tình trạng tràn lan các loại thức ăn nhiễm độc, thức ăn không rõ nguồn gốc tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn như hiện nay thì chỉ vài năm tới, các bệnh ung thư liên quan tới đường tiêu hóa sẽ tăng mạnh. Theo các chuyên gia đầu ngành về tiêu hóa, những người thường xuyên bị stress, có thói quen thức khuya, ăn uống thất thường, ăn nhiều chất béo, ít vận động, thiếu ngủ... cũng rất dễ bị viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày, ung thư hệ tiêu hóa (dạ dày, đại tràng)...
Thức ăn không đảm bảo vệ sinh là nguyên nhân gây các bệnh tiêu hóa.
Theo thống kê, mỗi người đều đã mắc phải những bệnh về tiêu hóa, nhẹ thì táo bón, rối loạn tiêu hóa, trào ngược dạ dày, ợ hơi, trướng bụng, nặng hơn thì là viêm loét dạ dày, hội chứng ruột kích thích, viêm ruột, ung thư... Tuy nhiên, người dân lại rất coi nhẹ căn bệnh này mà chưa hiểu rõ về tác động có hại của bệnh lý tiêu hóa đối với sức khỏe con người.
PGS Nguyễn Thúy Vinh khuyến cáo, mọi người cần có chế độ ăn uống thích hợp, đảm bảo vệ sinh, khi có các biểu hiện về bệnh tiêu hóa cần đến khám bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa. Người bệnh không nên tự mua thuốc điều trị hoặc uống không đúng đơn của bác sĩ để tránh tình trạng bệnh nặng hơn, tái đi, tái lại hoặc kháng thuốc.
Trẻ bị tiêu chảy không nên uống thuốc cầm tiêu chảy
PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng -Trưởng khoa Nhi - BV Bạch Mai, Hà Nội - khuyên rằng: Khi trẻ nhỏ bị tiêu chảy, cha mẹ tuyệt đối không tự ý cho trẻ uống thuốc kháng sinh hoặc thuốc cầm tiêu chảy vì các loại thuốc đó không những không có tác dụng tiêu diệt virus, mà còn làm giảm nhu động ruột khiến phân không được thải ra ngoài, dẫn đến tình trạng đầy bụng, nguy hiểm cho trẻ. Trong mọi trường hợp bị tiêu chảy, ưu tiên trước nhất là bù nước (oresol) để tránh rối loạn điện giải. Tại gia đình, nên thực hiện việc bù nước cho trẻ bằng đường uống. Chẳng hạn, với trẻ dưới 1 tuổi, nên cho trẻ uống chậm, độ 1-2 phút uống 1 thìa oresol. Nếu trẻ bị nôn ra thì sau 10-15 phút mới cho uống lại, từng ngụm nhỏ. Nếu việc bù nước không thành công (uống vào nôn ra), bị tiêu chảy ồ ạt, tốc độ mất nước nhanh... thì cần phải ngay lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế. Bởi vì khi trẻ bị mất nước quá nhiều sẽ dẫn đến giảm khối lượng tuần hoàn, rối loạn điện giải, co giật, sốc, hôn mê, dẫn đến tử vong do trụy tim mạch.