TIN TỨC SỰ KIỆN | TIN TỨC

Tư vấn trực tuyến "Phòng ngừa, tầm soát ung thư Đại trực tràng - Các phương pháp Nội soi tiêu hoá"

Vào lúc 14 giờ 30 thứ hai 06.5, Thanh Niên Online kết hợp với Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin (Yersin International Clinic) tổ chức buổi tư vấn trực tuyến với chủ đề “Phòng ngừa, tầm soát ung thư đại trực tràng - Các phương pháp nội soi tiêu hoá”.

Buổi tư vấn trực tuyến có sự tham gia của các khách mời:

- Giáo sư - bác sĩ Trịnh Đình Hỷ - (Cộng Hòa Pháp) - nguyên giảng viên của Viện Trường Saint Antoine (Pháp), nguyên Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện vùng Orleans (Pháp), Giáo sư danh dự Đại học Y Dược TP.HCM và Đại học Y khoa Huế, Cố vấn của Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin.

- Thạc sĩ - bác sĩ Trần Quốc Vĩnh - Chuyên khoa Nội soi tiêu hóa, Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin

Ung thư đại trực tràng là một trong những loại ung thư phổ biến với tỷ lệ tử vong rất cao. Tuy nhiên, căn bệnh này có thể phòng ngừa và nếu phát hiện sớm có thể chữa khỏi hoàn toàn. Vậy làm thế nào để tự bảo vệ mình và người thân khỏi chứng bệnh này ?

 

Quý độc giả quan tâm đến nội dung hội thảo xin mời theo dõi và đặt câu hỏi trực tuyến hoặc gửi câu hỏi theo địa chỉ Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin. Email: [email protected], điện thoại: 08.39336688.

 

Hân hạnh được phục vụ quý độc giả!

 

Bắt đầu hoạt động từ năm 2012, Phòng khám đa khoa quốc tế Yersin là một đơn vị y tế chất lượng cao trong cả nước.

Với cơ sở vật chất hoàn hảo và đội ngũ nhân viên giàu kinh nghiệm, Phòng khám Yersin đáp ứng được các yêu cầu chẩn đoán và điều trị từ đơn giản đến phức tạp.

Tại Yersin, nội soi là một trong những chuyên khoa nổi bật. Phòng khám áp dụng nhiều loại kỹ thuật đa dạng theo yêu cầu của bệnh nhân: Soi tiêu chuẩn, Soi với tiền mê, Soi qua mũi, Soi viên nang... Đặc biệt, Yersin có máy soi dành riêng cho nhi khoa để soi đại tràng, dạ dày và thanh quản.

Các thiết bị và dụng cụ tại Yersin đều được khử trùng theo tiêu chuẩn quốc tế. Hệ thống máy soi đa dạng, hiện đại, sản xuất năm 2011.

Nhân dịp hội thảo về ung thư đại trực tràng, bạn đọc có thể gửi thắc mắc về chứng bệnh này tại đây và đăng ký nhận Phiếu quà tặng tại địa chỉ: http://www.yersinclinic.com/vouchernoisoi.htm.

Phòng khám đa khoa quốc tế Yersin: Số 10 Trương Định, P.6, Q.3, TP.HCM

 

Dưới đây là nội dung giao lưu:

 

* Ngoai noi soi ra, xin bac si cho biet con co phuong phap tam soat tung thu dai truc trang nao an toan hon khong?

Trần Chung(TP.HCM)

 

- Thạc sĩ - bác sĩ Trần Quốc Vĩnh: Xin chào bạn, ngoài phương pháp nội soi, ung thư đại trực tràng có thể được tầm soát bằng nhiều kỹ thuật khác như:

- Xét nghiệm: Có thể chỉ đơn giản như tìm máu ẩn trong phân hoặc phức tạp hơn như các xét nghiệm hóa miễn dịch, các xét nghiệm đánh giá sự thay đổi ADN của tế bào niêm mạc. Các xét nghiệm tìm chất đánh dấu ung thư đại trực tràng (CEA) cũng hay được dùng.

- X-quang đại tràng với đối quang kép cũng có thể phát hiện được khối u tương đối sớm.

- Chụp CT kèm với phần mềm tái tạo hình ảnh nội soi ảo.

Nói chung, tất cả các kỹ thuật trên đây đều thuộc nhóm “không xâm lấn”, có nghĩa là rất an toàn. Tuy nhiên, ngày nay, với các thiết bị mới, các quy trình chặt chẽ và các bác sĩ có kinh nghiệm, mức độ rủi ro và biến chứng trong khi nội soi đã được giảm đến mức không đáng kể.

Bạn cũng nên biết là tất cả các kỹ thuật “an toàn” nêu trên đều không thể so sánh được với nội soi và nếu không may, một trong các kỹ thuật trên có kết quả nghi ngờ, bước kế tiếp của bạn hầu như chắc chắn là ở phòng soi.

 

* Xin bác sĩ cho biết làm sao mọi người biết được họ có nguy cơ bị ung thư đại trực tràng hay không? Bệnh này có di truyền hay không? Tôi có bố bị bệnh này. Thế tôi và em tôi có nguy cơ bị di truyền hay không. Đến nay, chúng tôi không có triệu chứng gì lạ. Vậy có nên đi nội soi hay không? Nội soi có rủi ro, biến chứng gì hay không? Chi phí bao nhiêu.

Nguyễn Hoàng(Bình Dương)

 

- Thạc sĩ - bác sĩ Trần Quốc Vĩnh: Xin chào bạn, câu hỏi của bạn có nhiều nội dung khác nhau, xin lần lượt trả lời như sau:

a. Có một số yếu tố được coi là làm tăng nguy cơ bị ung thư đại trực tràng. Các yếu tố thường được nêu ra bao gồm:

• Bệnh lý viêm đặc hiệu đường ruột, bao gồm viêm loét đại tràng và Crohn

• Tiền sử cá nhân hay gia đình bị ung thư đại trực tràng

• Một số hội chứng di truyền như bệnh đa polyp gia đình hay hội chứng Lynch

Một số yếu tố trong chế độ sống và sinh hoạt có thể có ảnh hưởng tuy không nghiêm trọng như các yếu tố nguy cơ nói trên:

• Ít vận động

• Ít ăn rau, trái cây. Chế độ ăn ít chất xơ và nhiều chất mỡ

• Thừa cân

• Dùng nhiều rượu/thuốc lá

b. Bệnh có yếu tố gia đình. Những người có mối quan hệ huyết thống gần nhất của bệnh nhân ung thư đại tràng, có nguy cơ bị ung thư đại tràng là 18% (tăng gấp 3 lần so với người bình thường ở Hoa Kỳ). Bố bạn có bệnh, do đó anh em bạn đều thuộc vào nhóm nguy cơ cao. Bạn cần đi nội soi tầm soát theo chỉ định của bác sĩ. Đừng đợi đến khi có triệu chứng vì khi đó thường là đã muộn.

c. Nội soi chẩn đoán có tỷ lệ biến chứng rất thấp. Ngày nay, biến chứng liên quan đến nội soi hầu như chỉ xảy ra trong hai trường hợp:

- Bác sĩ chưa có kinh nghiệm

- Phòng nội soi tổ chức không tốt, quy trình không đảm bảo an toàn

d. Về vấn đề chi phí, bạn nên tham khảo ở trung tâm mình định đến soi. Mỗi trung tâm có các chính sách riêng về việc chăm sóc, theo dõi bệnh nhân và xử lý trang thiết bị. Do đó, mức chi phí có thể khác biệt rất nhiều.

 

* Tôi muốn đặt hẹn với bác sĩ Quang tại Yersin để nội soi bao tử có được không? Phòng khám có làm việc thứ 7 và chủ nhật không?

Hoàng Hải(TP.HCM)

 

- Thạc sĩ - bác sĩ Trần Quốc Vĩnh: Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin hiện chỉ làm việc vào thứ 7, nghỉ Chủ nhật hẰng tuần. Để đặt hẹn, bạn có thể gọi (08) 3933 6688 hoặc email: [email protected]. Xin cảm ơn bạn đã quan tâm.

 

* Tôi muốn soi tiền mê đại tràng thì chi phí bao nhiêu ạ? Tôi không có chỉ định nào nội soi nhưng nay 42 tuổi, cũng rất sợ ung thư đại tràng. Tôi có nên nội soi để tầm soát hay không? Bác sĩ cho tôi hỏi khử trùng theo tiêu chuẩn quốc tế là thế nào? Tôi đươc chỉ định nội soi đại tràng nhưng thực sự rất ngại vì sợ lây HIV. Ống nội soi đi vào cơ thể bệnh nhân có được thay mới sau mỗi lần dùng không? Nếu tôi muốn mua ống mới hoàn toàn thì chi phí là bao nhiêu. Xin cảm ơn.

Văn Minh(Đồng Nai)

 

- Thạc sĩ - bác sĩ Trần Quốc Vĩnh: Xin chào bạn, về vấn đề chi phí, bạn nên tham khảo ở trung tâm mình định đến soi. Mỗi trung tâm có các chính sách riêng về việc chăm sóc, theo dõi bệnh nhân và xử lý trang thiết bị. Do đó, mức chi phí có thể khác biệt.

Về vấn đề nội soi tầm soát, phần lớn các hướng dẫn hiện nay đề nghị bắt đầu tầm soát sau 50 tuổi. Nếu bạn không có yếu tố nguy cơ nào và không có biểu hiện bất thường gì về đường tiêu hóa, bạn không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu bạn có yếu tố nguy cơ - hoặc đang có một vài biểu hiện rối loạn tiêu hóa, bạn nên đi khám để bác sĩ cân nhắc thêm.

Về vấn đề tiêu chuẩn quốc tế, có thể nói là hiện nay các đơn vị nội soi ở các nước đang phát triển đều sử dụng máy rửa tự động. Các bước trong quy trình rửa bao gồm các chu kỳ, thời gian giữa các bước, thời gian tiếp xúc với dung dịch khử trùng... Tất cả các công đoạn này đều được nhà sản xuất cài đặt sẵn. Một chu kỳ xử lý máy tối thiểu phải là 30 phút. Do đó, một máy soi chỉ có thể soi tối đa khoảng 16 bệnh nhân mỗi ngày. Ngược lại, hiện nay ở Việt Nam phổ biến dùng biện pháp rửa bằng tay nên các công đoạn thường bị rút ngắn và có thể không đảm bảo tiêu chuẩn khử trùng.

Vế vấn đề lây nhiễm HIV, về nguyên tắc là có thể xảy ra nếu ống soi và kẹp sinh thiết không được xử lý đúng. Để đảm bảo an toàn, bạn chỉ nên soi ở các trung tâm có sử dụng máy rửa tự động với quy trình đúng chuẩn.

Về việc thay mới, rất tiếc là ống soi quá đắt tiền để có thể làm điều đó. Một ống soi mới hiện nay khoảng 25.000 - 50.000 USD. Cũng đang có một số nghiên cứu về ống soi dùng một lần rồi bỏ nhưng hiện nay vẫn chưa áp dụng rộng rãi vì chi phí vẫn còn quá cao. Thật ra thì điều đó không cần thiết lắm vì các nghiên cứu đều chứng minh là việc khử trùng đúng cách sẽ đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân về phương diện lây nhiễm.

 

* Xin hỏi bác sĩ Hỷ, soi tiền mê, soi tiêu chuẩn và soi viên nang khác nhau như thế nào. Trong trường hợp nào thì được chỉ định soi tiền mê. Soi tiêu chuẩn có phải là soi sống, không dùng thuốc mê? Như thế có đau không? Biện pháp nào là có kết quả chính xác nhất?

Quan Trường(Hải Phòng)

 

- Giáo sư - bác sĩ Trịnh Đình Hỷ: Bạn muốn nói là nội soi đại tràng gây mê (hiện nay đã thay thế tiền mê, neuroleptanalgesia), nội soi đại tràng không gây mê (còn gọi là soi “sống”) và nội soi đại tràng viên nang? Tiêu chuẩn “vàng” hiện nay là nội soi đại tràng gây mê, kết quả chính xác nhất và đồng thời cho phép cắt polyp nếu phát hiện, và như vậy phòng ngừa ung thư đại trực tràng. Nội soi đại tràng “sống” có thể chịu đựng được bởi một số người, nhưng đa số cảm thấy đau khi BS đẩy ống lên hay xoay ống và do đó có thể không soi được toàn phần. Nội soi đại tràng viên nang là một phương pháp đầy hứa hẹn, nhưng hiện nay còn đang được thử nghiệm, giá rất đắt và không cho phép cắt polyp nếu phát hiện.

 

* Bác sĩ cho tôi hỏi ung thư đại trực tràng ở giai đoạn nào thì có thể chữa khỏi được. Tôi có đứa cháu bị ung thư bs bảo mới giai đoạn đầu thì khả năng chữa khỏi có cao không? Cảm ơn bác sĩ.

Trần Tân Phong(TP.HCM)

 

- Thạc sĩ - bác sĩ Trần Quốc Vĩnh: Xin chào bạn, có nhiều cách phân loại nhưng nói một cách đơn giản thì những khối u đã di căn xa (qua máu hay bạch huyết) hoặc những u xâm lấn tại chỗ và lan qua các cơ quan lân cận đều thuộc nhóm không mổ được và không chữa khỏi được.

Các khối u chưa di căn và có mức độ lan tại chỗ ít (chỉ ở niêm mạc hay dưới niêm mạc) có thể chữa khỏi bằng nội soi và hầu như không để lại di chứng.

Các khối u chưa di căn và có mức độ lan tại chỗ đã qua khỏi lớp dưới niêm vẫn có thể chữa khỏi bằng biện pháp phẫu thuật nhưng thường có một vài di chứng.

Nói chung, khả năng u chữa khỏi rất cao khi được phát hiện sớm qua nội soi khi bệnh nhân chưa có triệu chứng.

 

* Xin bác sĩ cho biết dây nội soi ngâm trong dung dịch để khử trùng bao nhiêu lâu là đạt tiêu chuẩn? Tôi nghe nói nguy cơ bị các bệnh như HIV, viêm gan do dây nội soi không được khử trùng tốt là rất cao. Có đúng không ạ?

Băng Thanh(TP.HCM)

 

- Thạc sĩ - bác sĩ Trần Quốc Vĩnh: Xin chào bạn, Khi nói đến khử trùng máy soi, phần đông người dân chỉ biết là ngâm vào dung dịch khử trùng mà không biết rằng đây là một chu trình phức tạp gồm nhiều bước mà việc ngâm dung dịch khử trùng chỉ là một trong các bước đó. Bất cứ sự vi phạm nào trong quy trình này đều dẫn đến gia tăng nguy cơ lây nhiễm. Tuy nhiên, nếu chỉ nói riêng về thời gian cần thiết cho việc ngâm dung dịch khử trùng, đối với Cidex là 20 phút - đối với Cidex OPA là 12 phút. Tổng thời gian tối thiểu để hoàn tất xử lý khử trùng một máy soi là khoảng 30 phút.

Về việc lây nhiễm HIV và viêm gan, về nguyên tắc là có thể nhưng không phải là rất cao. Một phần cũng vì việc chứng minh mối liên hệ nhân quả đối với các trường hợp này thực sự rất khó (bệnh nhân bị nhiễm khi soi nhưng chỉ phát bệnh nhiều tháng hay nhiều năm sau đó). Trên thực tế, đã có báo cáo xác nhận việc lây nhiễm HBV, HCV, HP, Pseudomonas, Salmonella, Mycobacterium. Tuy chưa có báo cáo nào xác nhận nhiễm HIV do máy nội soi cả nhưng các hướng dẫn đều nhấn mạnh nguy cơ này và tầm quan trọng của việc khử trùng máy soi đúng cách.

 

* Tam soat ung thu dai truc trang co bat buoc phai noi soi khong? Co may phuong phap chan doan va phuong phap nao chinh xac nhat?

Nguyen Minh (P5, Q.GV)

 

- Giáo sư - bác sĩ Trịnh Đình Hỷ: Tầm soát ung thư đại trực tràng không bắt buộc phải làm nội soi đại tràng nhưng có thể bắt đầu tìm máu ẩn trong phân và trong trường hợp dương tính thì phải tiến tới nội soi.

Một phương pháp nữa là chụp X-quang đại tràng đối quang kép hoặc bằng CT scanner nhưng không chính xác bằng.

Nếu nghi ngờ có polyp hay ung thư thì phải làm nội soi.

 

* Bác sĩ cho cháu hỏi cháu thường xuyên tiêu chảy, nhiều ngày lại táo bón, nói chung là tiêu hóa không tốt. Đó có phải là triệu chứng của ung thư đại tràng không ạ?

Duy Nghĩa(TP.HCM)

 

- Giáo sư - bác sĩ Trịnh Đình Hỷ: Triệu chứng của bạn là những triệu chứng rất thông thường. Bạn nên đi khám BS tiêu hóa để được khám kỹ lưỡng và làm những xét nghiệm cần thiết.

 

* Tôi ở Bình Thuận, cho tôi hỏi bệnh ung thư có di truyền không? Bà nội tôi chết vì ung thư thận, ba tôi chết vì ung thư gan. Tôi hay bị nhức đầu, đau lưng, tôi nên khám chuyên khoa nào?

Bảo Văn()

 

- Giáo sư - bác sĩ Trịnh Đình Hỷ: Có một số ung thư có tính chất di truyền hay gia đình, đứng đầu là ung thư đại trực tràng. Khi trong gia đình thân độ 1 (cha mẹ, anh chị em, con) có người có ung thư hoặc polyp tuyến, thì nguy cơ bị ung thư hoặc polyp gia tăng gấp 4-8 lần. Do đó, nên phòng ngừa bằng cách tầm soát và phát hiện polyp sớm bằng nội soi đại tràng để cắt bỏ chúng đi.

Còn nhức đầu, đau lưng thì không liên quan gì đến ung thư đại trực tràng.

 

* Tôi nghe nói chụp X-quang có thể thấy được khối u trong đại tràng, có đúng không ạ?

Thanh Liêm(TP.HCM)

 

- Giáo sư - bác sĩ Trịnh Đình Hỷ: Chụp X-quang có thể xem được khối u đại tràng, nhưng không rõ bằng nội soi và không cho phép sinh thiết để xác định là ung thư. Hiện nay, trừ trường hợp đặc biệt, nội soi đại tràng đã thay thế chụp X-quang và đã trở thành phương pháp tiêu chuẩn để chẩn đoán và phòng ngừa ung thư đại trực tràng.

 

* Nội soi đại tràng có gây tê không ạ? Nếu không gây tê thì có đau lắm không ạ? Em nghe nói có người xỉu khi nội soi. Có bác sĩ lại bảo nội soi mà không đau thì không soi kỹ được, có đúng không ạ?

Huy Cẩn(TP.HCM)

 

- Thạc sĩ - bác sĩ Trần Quốc Vĩnh: Nội soi đại tràng là một thủ thuật khó của nội soi tiêu hóa. Do tính chất dài và “ngoằn ngoèo” của đại tràng nên khi nội soi đại tràng, bệnh nhân thường hay khó chịu. Một số bệnh nhân nhạy cảm có thể bị xỉu (do quá sợ hãi).

 

Trên thế giới hiện nay, để giảm thiểu sự khó chịu, lo lắng của bệnh nhân người ta thường gây mê (đúng hơn là an thần) cho bệnh nhân. Kỹ thuật hiệu quả, an toàn.

 

Ý kiến nội soi mà không đau thì không kỹ được là một ý kiến không đúng, thậm chí ngược lại mới đúng. Nhiều nghiên cứu cho thấy với nội soi không đau (có an thần) thì tỷ lệ đi hết đại tràng (từ hậu môn đến manh tràng) cao hơn hẳn.

 

* Xin hỏi BS Hỷ trường hợp nào không nên thực hiện nội soi dạ dày? cảm ơn!

Dương Tùng(Tân Bình, TP.HCM)

 

- Giáo sư - bác sĩ Trịnh Đình Hỷ: Nội soi dạ dày gần như không có chống chỉ định. Xin đặt câu hỏi một cách cụ thể hơn.

 

* Xin hỏi Tôi phẫu thuật cắt tử cung và buồng trứng phải cách đây 5 năm. Hiện nay mỗi ngày tôi uống trên 2 lít nước, ăn nhiều rau và trái cây tươi nhưng vẫn bị bón. Đôi lúc tự nhiên đau bụng đi tiêu lỏng một lần rồi tự hết. Vậy tôi bị bệnh gì? Tôi muốn nội soi trực tràng nhưng rất sợ bị đau, tôi phải làm sao? Xin bác sĩ Hỷ tư vấn. Chân thành cám ơn.

Văn Hải(TP.HCM)

 

- Giáo sư - bác sĩ Trịnh Đình Hỷ: Có nhiều khả năng là bạn bị rối loạn chức năng tiêu hóa, và tiêu lỏng xảy ra chỉ là tiêu lỏng “tháo“ sau một cục phân bón. Nên tiếp tục ăn nhiều rau và trái cây tươi, vận động cơ thể và uống đều thuốc chống táo bón, loại macrogol hoặc mucilage. Đi khám BS tiêu hóa để xem có cần soi trực tràng - sigma không, và nếu chỉ soi trực tràng trực tràng - sigma thôi thì không đau đớn gì, chỉ thấy hơi căng và khó chịu một lát thôi.

 

* Khoảng 3 năm trở lại đây tôi bị triệu chứng: Đi ngoài nhiều lần trong ngày (3-4 lần), phân thường lỏng, màu đen có nhầy, thức ăn tiêu hóa không hết (phân sống). Thường buồn đi ngoài (rất khó kiểm soát) sau khi ăn no hoặc sau khi uống bia. Khoảng 2 năm trước tôi có đi kiểm tra (nội soi đại tràng) tại bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, BS kết luận tôi bị Rối loạn kích thích đại tràng. Sau đó tôi tiếp tục đi nội soi dạ dày tại Trung tâm xét nghiệm Hòa Hảo thì được kết luận là Viêm loét dạ dày. Xin hỏi BS đó là những triệu chứng của bệnh gì và cách chữa trị như thế nào?

Hoàng Lam(Thủ Đức)

 

- Thạc sĩ - bác sĩ Trần Quốc Vĩnh: Chào bạn, những triệu chứng của bạn kết hợp với nội soi đại tràng (kết quả có lẽ là bình thường), gợi ý hội chứng đại tràng kích thích (IBS) phù hợp với chẩn đoán của bác sĩ ĐH Y dược.

Về cách chữa trị đối với bệnh lý hội chứng đại tràng kích thích bao gồm các biện pháp sau: thay đổi lối sống (tránh stress), dùng các thuốc điều hòa nhu động ruột, các thuốc nhuận trường, các thuốc chống tiêu chảy thích hợp.

Ở trung tâm chẩn đoán Hòa Hảo, nội soi kết luận là viêm loét dạ dày là chẩn đoán hình ảnh của bệnh viêm, loét dạ dày. Với bệnh viêm loét dạ dày, một câu hỏi được đặt ra là bạn có bị nhiễm khuẩn Helicobacter Pylori (HP) hay không. Nếu có, bạn cần phải được điều trị phối hợp các thuốc kháng tiết acid và kháng sinh. Bên cạnh đó, cũng cần có biện pháp thay đổi lối sống (tránh stress).

 

* Gần đây tôi có nghe liệu pháp ăn kiêng hoặc nhịn ăn để chữa ung thư. Vậy đối với bệnh nhân ung thư nên sống vui vẻ, lạc quan, ăn uống bổ dưỡng để át lại bệnh tật hay phải thực hiện chế độ ăn kiêng ngặt nghèo hoặc nhịn ăn?

Bảo Lâm(TPHCM)

 

- Giáo sư - bác sĩ Trịnh Đình Hỷ: Điều này hoàn toàn sai lầm ngược lại với khoa học. Trong trường hợp bị ung thư thì phải có một tình trạng dinh dưỡng tốt để đối kháng lại với bệnh tật. Do đó nhịn ăn tuyệt thực phải hoàn toàn gạt bỏ và người bệnh phải cố gắng ăn uống cho đầy đủ.

 

* Xin hỏi Giáo sư - bác sĩ Trịnh Đình Hỷ cách phòng ngừa bệnh ung thư đại trực tràng như thế nào? xin cảm ơn.

Trần Uy Phúc(TP.HCM)

 

- Giáo sư - bác sĩ Trịnh Đình Hỷ: Nếu bạn có tiền sử gia đình ung thư hoặc polyp đại trực tràng thì nên đặt vấn đề phòng ngừa đó, tức là làm nội soi đại tràng. Hoặc là có triệu chứng như đi cầu ra máu...

 

* Cách đây 1 tháng, tôi có đưa mẹ tôi 75 tuổi đến bệnh viện khám, khi bị táo bón 3 tuần. Sau khi khám chụp phát hiện có polyp, nay gia đình tôi đang rất phân vân không biết có nên cắt bỏ polyp hay không, vì sợ bà không đủ sức khỏ, hay hoang mang lo lắng (bị cao huyết áp và tiểu đường). Vậy xin hỏi Giáo sư - bác sĩ Trịnh Đình Hỷ cho tôi lời khuyên, xin cảm ơn.

Nguyễn Chánh(TP.HCM)

 

- Giáo sư - bác sĩ Trịnh Đình Hỷ: Khám chụp đó là gì (X-quang hay nội soi?) Polyp đó ở vị trí nào? Kích thước và dạng ra sao?

Thiếu những thông tin đó thì tôi khó lòng tư vấn được, xin thông cảm.

 

* Tôi thường bị táo bón cho nên phần hậu môn bị lồi ra 1 tí, tôi có đi nội soi ở BV Y Dược cách đây 5 năm, chẩn đoán là trĩ và viêm đại tràng. Xin hỏi trong thời gian sau này không đau đớn nhưng mỗi lần táo bón là bị sưng đỏ như vậy có bị ung thư không? Xin Giáo sư - bác sĩ Trịnh Đình Hỷ cho biết, cảm ơn.

Cầm Giang(Hà Nội)

 

- Giáo sư - bác sĩ Trịnh Đình Hỷ: Trĩ và viêm đại tràng là hai bệnh lý khác nhau. Trĩ không liên quan gì đến ung thư đại trực tràng cả. Còn “viêm” sưng đỏ chắc chỉ là do sự cọ xát, kích thích cơ học ở phần cuối trực tràng thôi, không có gì quan trọng.

 

* Xin hỏi Giáo sư - bác sĩ Trịnh Đình Hỷ là tại sao lúc đi vệ sinh khi lau bằng giấy bị rát, phải rửa bằng nước. Có phải tôi có vấn đề về đại tràng hay không? xin cho biết, cảm ơn.

Lê Trọng Tuấn(TP.HCM)

 

- Giáo sư - bác sĩ Trịnh Đình Hỷ: Đây cũng chỉ là do sự cọ xát, kích thích cơ học nơi hậu môn thôi, chứ không phải là vấn đề đại tràng gì cả.

 

* Khi đi cầu, thỉnh thoảng tôi bị nhói đau và có máu. Xin hỏi bác sĩ như vậy là bệnh gì? Tôi rất lo lắng vì người ta nói đó là triệu chứng của bệnh ung thư trực tràng.

Tuệ Văn(TP.HCM)

 

- Giáo sư - bác sĩ Trịnh Đình Hỷ: Chắc là bạn bị bệnh hậu môn như nứt hậu môn cho nên bị đau và có máu. Nên đi khám BS chuyên môn tiêu hóa và làm nội soi hậu môn và trực tràng để chẩn đoán chính xác đồng thời loại bỏ ung thư hay polyp trực tràng.

 

* Xin hỏi tôi thỉnh thoảng sau khi đi ngoài ra máu tươi, máu không lẫn trong phân thì có nguy hiểm về ung thư đại trực tràng hay không? Và tầm soát như thế nào? Người này có bệnh trĩ nhưng tiền sử không bị bón.

Phong Nhiên(TP.HCM)

- Giáo sư - bác sĩ Trịnh Đình Hỷ: Vấn đề đặt ra là có phải đi ngoài ra máu tươi (lẫn hay không trong phân) có phải là do trĩ hay do một khối u đại trực tràng? Đừng quên rằng “xe này có thể che xe khác” là một chuyện vẫn xảy ra thường xuyên. Bạn nên đi khám BS và soi hậu môn-trực tràng, rồi nếu BS khuyên, đi làm nội soi đại tràng.

 

* Xin Giáo sư - bác sĩ Trịnh Đình Hỷ cho biết tôi đã phẫu thuật trực tràng cách đây 4 năm. Polyp 12 mm, không hóa trị và xạ trị. Nói chung là ổn định. Tuy nhiên có một số biến chứng sau mổ như: Thoát vị thành bụng; Xơ hóa đoạn nối stapfer nên đưa đến tình trạng phân khó thoát khi đi qua đoạn xơ hóa. Xin hỏi: Có thể điều trị và chữa trị tình trạng xơ hóa không? Cách thức điều trị. Xin cảm ơn.

Trần Dương Giang(TP.HCM)

 

- Giáo sư - bác sĩ Trịnh Đình Hỷ: Không hiểu tại sao lúc đó polyp 12 mm lại không được cắt bằng nội soi mà lại phải phẫu thuật, có phải chăng polyp đó đã là ung thư? Thoát vị thành bụng thì có thể mổ lại được. Còn nếu đoạn nối bị xơ hóa thì phải xem nó bị hẹp là bao nhiêu mm? Nếu hẹp <10 mm thì có thể nong được bằng nội soi làm nhiều lần.

 

* Xin hỏi BS Hỷ là nếu bị viêm loét đại tràng uống thuốc có hết hay không? Nếu không hết thì phải điều trị như thế nào? xin cho biết.

Minh Tùng(TP.HCM)

 

- Giáo sư - bác sĩ Trịnh Đình Hỷ: Viêm loét đại tràng có nhiều lý do, trong đó có nhiễm khuẩn, do thuốc chống viêm, thiếu máu... Trong trường hợp bệnh viêm loét đại tràng mạn tính là một bệnh đặc biệt người ta chưa biết rõ nguyên nhân, thì bệnh này tiến triển từng đợt một, và phải được điều trị và theo dõi bởi một BS chuyên môn tiêu hóa bằng những thuốc như 5-ASA, corticoid, miễn dịch...

 

Các tổn thương đại tràng cũng phải được theo dõi bằng nội soi, bởi vì sau một thời gian tiến triển lâu năm (10-15 năm), có nguy cơ xuất hiện những vùng loạn sản và ung thư.

 

* Xin hỏi bác sĩ Hỷ, soi tiền mê, soi tiêu chuẩn và soi viên nang khác nhau như thế nào. Trong trường hợp nào thì được chỉ định soi tiền mê. Soi tiêu chuẩn có phải là soi sống, không dùng thuốc mê? Như thế có đau không? Biện pháp nào là có kết quả chính xác nhất?

Hà Lệ Hồng()

 

- Giáo sư - bác sĩ Trịnh Đình Hỷ: Chắc bạn muốn nói: soi đại tràng gây mê toàn thân(hiện nay đã thay thế tiền mê, neuroleptanalgesia), soi đại tràng không gây mê (còn gọi là soi sống), và nội soi đại tràng viên nang? Hiện nay, soi đại tràng gây mê là tiêu chuẩn "vàng" vì hiệu quả nhất và chính xác nhất, trong khi soi sống gây đau đớn và có thể không được đầy đủ. Còn nội soi đại tràng viên nang rất có tương lai nhưng vẫn chưa được áp dụng phổ biến và giá còn rất cao.

 

Xin BS cho biết: Nguyên nhân, biểu hiện và phương pháp điêu trị tốt nhất của ung thư đại trực tràng hiện nay?

Võ Khắc Nguyên(324 Quang Trung-Bồng Sơn-Hoài Nhơn-Bình Định)

 

- Thạc sĩ - bác sĩ Trần Quốc Vĩnh: Cho đến hiện nay vẫn chưa biết rõ nguyên nhân của ung thư đại trực tràng. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố nguy cơ sau:

 

- Yếu tố gia đình: những người có quan hệ huyết thống đời thứ nhất với những người bị ung thư đại trực tràng có khả năng bị bệnh cao.

 

- Các bệnh lý mãn tính ở đại tràng như: viêm loét đại tràng mãn tính, bệnh Crohn...

 

- Các bệnh lý đa Polyp gia đình (Familial Adenomatous polyposis).

 

- Chế độ ăn uống: ăn nhiều mỡ, ăn nhiều thịt đỏ (thịt bò, thịt cừu), ít ăn chất xơ (rau, ngũ cốc...).

 

Các biểu hiện của ung thư đại trực tràng đôi khi rất mơ hồ và không đặc hiệu, có thể bao gồm: rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy, táo bón hoặc tiêu chảy xen kẽ với táo bón), đi cầu ra máu, thay đổi tính chất phân (phân nhỏ, dẹt), đầy hơi, chuột rút, mệt mỏi, khó thở...

 

Cách điều trị: Tùy theo giai đoạn, độ xâm nhiễm và di căn của ung thư đại trực tràng mà có các phương cách điều trị khác nhau. Chủ yếu là phẫu thuật, một số ít các trường hợp có thể kết hợp với hóa trị và xạ trị.

 

* Xin hỏi Giáo sư - bác sĩ Trịnh Đình Hỷ điều trị ung thư đại - trực tràng như thế nào? Điều trị trong bao lâu và có hết hẳn không? cảm ơn.

Thanh Vũ (Cà Mau)

 

- Giáo sư - bác sĩ Trịnh Đình Hỷ: Điều trị ung thư đại trực tràng hiện nay chủ yếu là cắt bỏ khối ung thư, hoặc bằng phẫu thuật, hoặc bằng nội soi trong trường hợp chưa xâm lấn tới lớp cơ của thành đại tràng.

 

Tiên lượng tùy thuộc mức độ di căn hạch. Nếu chưa có di căn hạch hoặc di căn hạn hẹp gần tổn thương thì cắt bỏ khối u là đủ và bệnh nhân sẽ khỏi hẳn. Trong trường hợp có di căn thì điều trị bổ túc bằng hóa trị nhưng tiên lượng kém hơn. Điều quan trọng trong mọi trường hợp là theo dõi kỹ lưỡng để phát hiện và điều trị khi có những dấu hiệu tái phát.

 

* Xin cho biết tôi bị táo bón lâu năm (khoảng 3 năm), tôi ăn cũng có ăn rau, khoai lang, trái cây, uống nước cũng nhiều... nhưng vẫn bị táo bón (đi phân như phân mèo, cục nhỏ nhỏ dính lại và có lần còn dính máu nữa), có khi ngồi cả tiếng mới đi được 1 chút, vậy xin BS Hỷ cho biết, bệnh của em có nghiêm trọng không? Và phải chữa như thế nào? chữa ở đâu? chữa có hết hẳn không? cảm ơn BS.

Phước Hải(TP.HCM)

 

- Giáo sư - bác sĩ Trịnh Đình Hỷ: Bệnh của bạn chắc không có gì là nghiêm trọng và chỉ là rối loạn chức năng ruột mà thôi. Điều trị thì cũng chỉ cần ăn nhiều rau, trái cây tươi, vận động nhiều, uống thuốc chống táo bón như macrogol, mucilage đều đặn. Tuy nhiên, vì bạn có lần có phân dính máu, vì thế nên làm nội soi hậu môn-trực tràng-đại tràng để loại bỏ một tổn thương đại trực tràng như polyp và ung thư.

* Người thân tôi bị ung thư đại tràng đã mổ và điều trị hóa chất được hai năm. Bác sĩ cho biết ung thư đã ở giai đoạn hai. Xin tư vấn cho biết có loại thuốc nào hiện giờ có thể hỗ trợ để bệnh nhân có thể kéo dài thời gian sống thêm không?

Minh Lâm()

 

- Giáo sư - bác sĩ Trịnh Đình Hỷ: Hiện nay điều trị ung thư đại tràng chỉ dựa trên cắt bỏ và nếu cần bổ túc bằng hóa trị. Và không có loại thuốc nào khác có thể hỗ trợ bệnh nhân kéo dài thời gian sống thêm. Điều quan trọng vẫn là theo dõi kỹ lưỡng để phát hiện và điều trị thích hợp khi có tái phát.

 

* Làm thế nào để tầm soát ung thư đại trực tràng? Chi phí tầm soát ung thư trực tràng khoảng bao nhiêu?

Nguyễn Thanh Hải(352/12A Lê Đức Thọ, P.16, Gò Vấp)

 

- Thạc sĩ - bác sĩ Trần Quốc Vĩnh: Để tầm soát ung thư đại trực tràng ta có thể sử dụng các phương pháp sau:

 

1. Tìm máu ẩn trong phân.

 

2. Xét nghiệm ADN phân.

 

3. Chụp X-quang đại tràng đối quang kép.

 

4. Nội soi đại tràng ảo bằng CT hay MRI (phương pháp mới nhất hiện nay).

 

5. Nội soi đại tràng Sigma.

 

6. Nội soi đại tràng toàn phần.

 

Chú ý là nếu các phương pháp 1, 2, 3, 4 và 5 cho kết luận là dương tính hoặc nghi ngờ thì cũng cần phải gửi đến nội soi đại tràng toàn phần. Nội soi đại tràng được coi là tiêu chuẩn vàng để tầm soát ung thư đại trực tràng.

 

Chi phí để tầm soát ung thư đại trực tràng khác nhau tùy thuộc vào phương tiện, cách thức thực hiện...

 

* Bác sĩ cho cháu hỏi đại trực tràng là ở đâu, sao lại dễ bị ung thư thế? Cháu nghe nói ung thư phổi hoặc ung thư vú mới phổ biến, chưa bao giờ nghe nói về ung thư đại trực tràng.

Trương Thị Lệ Huyền(Quảng Nam)

 

- Thạc sĩ - bác sĩ Trần Quốc Vĩnh: Đại trực tràng là phần thấp của hệ tiêu hóa, có vai trò chủ yếu là tống xuất chất thải của cơ thể. Ung thư đại trực tràng là một loại ung thư phổ biến và nguy hiểm. Tính chung trên toàn thế giới, tỉ lệ ung thư đại trực tràng đứng hàng thứ 2 (sau ung thư phổi). Ở Việt Nam, tuy chưa có số liệu thống nhất nhưng ung thư đại trực tràng được đánh giá là loại ung thư đứng hàng thứ 4, thứ 5 cho cả nam lẫn nữ.

 

* Xin hỏi tôi phẫu thuật cắt tử cung và buồng trứng phải cách đây 5 năm. Hiện nay mỗi ngày tôi uống trên 2 lít nước, ăn nhiều rau và trái cây tươi nhưng vẫn bị bón. Đôi lúc tự nhiên đau bụng đi tiêu lỏng một lần rồi tự hết. Vậy tôi bị bệnh gì? Tôi muốn nội soi trực tràng nhưng rất sợ bị đau, tôi phải làm sao? Xin bác sĩ Hỷ tư vấn. Chân thành cám ơn.

Minh Vương(Hải Phòng)

 

- Giáo sư - bác sĩ Trịnh Đình Hỷ: Các triệu chứng của bạn chắc là do rối loại chức năng tiêu hóa là một bệnh rất phổ biến, với đôi khi đi tiêu chảy sau khi bón kinh niên nên tiếp tục ăn nhiều rau và trái cây tươi, vận động nhiều và uống thuốc loại macrogol, hoặc mucilage đều đặn mỗi ngày. Về soi trực tràng thì nên đi khám BS tiêu hóa để tư vấn có nên làm hay không.

 

* Thưa bác sĩ, độ tuổi nào thường bị ung thư đại trực tràng. Và dấu hiệu nhận biết của căn bệnh này?

My Linh(10/18 Thoại Ngọc Hầu, Tân Phú)

 

- Thạc sĩ - bác sĩ Trần Quốc Vĩnh: Ung thư đại trực tràng thường hiếm gặp ở người trẻ. Ung thư đại trực tràng thường bị ở lứa tuổi trên 50. Vì vậy, người ta khuyên nên tầm soát ung thư đại trực tràng ở lứa tuổi trên 50. Những người có những yếu tố nguy cơ cao (chẳng hạn trong gia đình có người bị ung thư đại trực tràng, bệnh đa Polyp gia đình, hội chứng Lynch) nên tầm soát ở lứa tuổi sớm hơn, ít nhất là sớm hơn 5 đến 10 năm so với thông thường (trên 50). Chẳng hạn như hội chứng Lynch nên tầm soát ở lứa tuổi trên 30.

Bệnh ung thư đại trực tràng không có lây nhiễm.

 

* Xin hỏi tôi nội soi cách đây 3 tháng ở BV Đại học Y dược (kết quả viêm loét đại tràng). Xin hỏi BS Hỷ bệnh này có nguy hiểm không? có thời gian nội soi, mấy năm lại nội soi nữa?

Vũ Vinh(Hà Nội)

 

- Giáo sư - bác sĩ Trịnh Đình Hỷ: Viêm loét đại tràng có nhiều lý do, đôi khi do nhiễm khuẩn hoặc dùng thuốc chống viêm, thiếu máu cục bộ đại tràng. Bệnh viêm loét đại tràng mạn tính là một bệnh đặc biệt không rõ nguyên do, tiến triển từng đợt và có thể điều trị bằng thuốc giảm viêm (5-ASA, corticoid...), điều quan trọng là theo dõi bằng nội soi vì sau một số năm tiến triển (15-20 năm) có nguy cơ xuất hiện một số vùng loạn sản và ung thư trên đại tràng bị viêm.

 

* Tôi thường đi cầu nhiều lần trong ngày, phân lúc đặc lúc lỏng, đôi khi bị chảy rất nhiều máu tươi và máu rất nhanh đông ở thành bồn cầu. Xin bác sĩ cho tôi hỏi, với những triệu chứng như vậy, tôi có khả năng bị ung thư đại trực tràng hay không? Nếu có, xin bác sĩ hướng dẫn cách điều trị?

nguyen dang dien(95/3 nguyen thai hoc quan 1)

 

- Thạc sĩ - bác sĩ Trần Quốc Vĩnh: Triệu chứng đi cầu bị chảy nhiều máu tươi gợi ý tổn thương phần thấp nhất của ống tiêu hóa là hậu môn và trực tràng.

 

Những tổn thương gây chảy máu tươi ở hậu môn thường do bệnh trĩ hoặc rách hậu môn. Những tổn thương gây chảy máu tươi từ trực tràng có thể do loét, do polyp hoặc do ung thư.

 

Các triệu chứng đi cầu lúc đặc, lúc lỏng có thể là do các rối loạn tiêu hóa kèm theo. Để chẩn đoán các bệnh này, bạn nên đến khám bác sĩ để được thực hiện nội soi.

 

* Xin hỏi BS Hỷ tôi đi phân có chất nhầy trong phân. Có phải là triệu chứng đại tràng không? Nếu phải thì phải điều trị như thế nào? điều trị trong bao lâu? xin cảm ơn BS.

Thanh Nam (Bình Dương)

 

- Giáo sư - bác sĩ Trịnh Đình Hỷ: Trong đa số trường hợp chất nhầy trong phân chỉ là chất nhầy tiết ra bởi các tế bào tuyến đại tràng tiết chất nhầy (mucus) là một điều hết sức bình thường, không cần điều trị. Trong một số trường hợp rất nhỏ chất nhầy có thể tiết ra bởi một polyp nhu mao lớn tại trực tràng và có thể gây thiếu kali. Như vậy để loại bỏ giả thuyết đó bạn nên đi khám BS chuyên khoa tiêu hóa để làm nội soi trực tràng.

 

* CON CUA TOI NAM NAY 6 TUOI, BE HAY BI DAU BUNG DI KHAM NHI DONG BAC SI CHO LAM XET NGHIEM PHAN VA CHO KET QUA CO VIRUS HP DUONG TINH, BAC SI CHI DINH NOI SOI DE CO HUONG DIEU TRI. TOI BAN KHOAN VA LO LANG VI THAY CHAU CON NHO, LIEU NOI SOI CO ANH HUONG DEN SUC KHOE VA TINH THAN CUA BE HAY KHONG XIN BAC SI CHO TOI LOI KHUYEN.

ANH DUNG(GO VAP)

 

- Thạc sĩ - bác sĩ Trần Quốc Vĩnh: Đối với trường hợp này, băn khoăn của bạn là đúng, bởi vì nội soi là một thủ thuật xâm lấn trong khi cháu còn nhỏ. Để nội soi những trường hợp này, người ta thường phải kết hợp với gây mê. Hiện nay, nội soi có kết hợp với gây mê là rất an toàn, không ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của bé. Bạn nên dẫn bé đến những trung tâm có nội soi nhi khoa để thực hiện thủ thuật nội soi.

 

* Đi khám tổng quát có nội soi đường ruột, vậy có phát hiện ra được nguy cơ ung thư đại trực tràng không? Làm thế nào để phát hiện sớm? Xin cảm ơn!

Ngọc Tuấn(Thành phố Quy Nhơn)

 

- Thạc sĩ - bác sĩ Trần Quốc Vĩnh: Ung thư đại trực tràng xuất phát chủ yếu từ các polyp (là một tổn thương nhô vào lòng đại trực tràng xuất phát từ niêm mạc đại trực tràng). Việc phát hiện và cắt bỏ polyp trong khi nội soi đại tràng là một phương pháp hữu hiệu để phòng chống ung thư đại trực tràng (người ta chứng minh rằng nó giảm đến 50% tỉ lệ tử vong do ung thư đại trực tràng).

 

* Xin hỏi BS Hỷ năm 2006, tôi được BS nói tôi có một Polype dày 3 mm và cần thiết cắt bỏ ngay khi nội soi và chẩn đoán tôi bị Crohn. Vậy tôi nên đi khám lại ở đâu và phải điều trị như thế nào?

Ngọc Thi(Tiền Giang)

 

- Giáo sư - bác sĩ Trịnh Đình Hỷ: Điều quan trọng trong trường hợp của bạn là kết quả giải phẩu bệnh: polyp đó là loại nào, có liên quan tới bệnh Crohn hay không? Theo tôi bạn nên đi khám lại BS đã làm nội soi cắt polyp và chẩn đoán là bệnh Crohn cho bạn.

 

* Xin hỏi tôi thỉnh thoảng sau khi đi ngoài ra máu tươi, máu không lẫn trong phân thì có nguy hiểm về ung thư đại trực tràng hay không? Và tầm soát như thế nào? Người này có bệnh trĩ nhưng tiền sử không bị bón.

Thanh Toàn (Cần Thơ)

 

- Giáo sư - bác sĩ Trịnh Đình Hỷ: Nếu đi ngoài có máu tươi thì trong đa số trường hợp là trĩ hoặc nứt hậu môn. Tuy nhiên cũng phải khám hậu môn trực tràng để loại bỏ một tổn thương như: polyp hoặc ung thư nhất là khi mới chảy máu và bệnh nhân khá lớn tuổi. Đừng quên "chiếc xe này có thể che chiếc xe khác" là một chuyện xảy ra khá thường xuyên. Đã có nhiều người tin rằng mình bị chảy máu do trĩ trong 6 - 12 tháng trước khi phát hiện là bị ung thư trực tràng.

 

* Để có thể biết và phòng ngừa ung thư trực tràng, cách tốt nhất là nội soi, nhưng hiện nay, cũng như bản thân đã từng, thì nội soi rất đau và khó chịu. Vậy có cách nào khác khả dĩ hơn để vừa có thể biết và phòng hoặc chữa trị kịp thời, cũng như giảm tối đa những sự khó chịu khi nội soi (trước và sau). Xin chân thành cảm ơn.

Trần thị Băng Tâm(986/53 CMT8, Phường 5, Quận Tân Bình)

 

- Thạc sĩ - bác sĩ Trần Quốc Vĩnh: Nội soi đại trực tràng là tiêu chuẩn vàng trong tầm soát ung thư đại trực tràng. Tuy nhiên, đây là một thủ thuật khó trong nội soi tiêu hóa (do tính chất dài và ngoằn ngoèo của đại tràng) nên bệnh nhân thường đau và khó chịu đến mức nhiều khi trở thành ám ảnh và việc truyền miệng làm cho nội soi trở thành một nỗi sợ huyền thoại. Có hai cách giải quyết vấn đề này:

 

Một là làm một cách nào đó cho hình ảnh đại tràng mà không phải nội soi: để giải quyết vấn đề này người ta thực hiện "nội soi đại tràng" bằng CT hoặc MRI (nội soi ảo), dĩ nhiên đây là hình ảnh giả lập. Cách khác nữa là nội soi bằng viên nang có gắn chip, viên nang này sẽ truyền hình ảnh ra ngoài để xử lý. Tuy nhiên, với các phương pháp này, chúng ta không thể lấy mẫu mô để xác định tính chất lành hay ác tính của tổn thương và dĩ nhiên là cũng không thể cắt bỏ polyp mà chúng ta quan sát thấy. Lúc ấy, ta cũng phải gởi đến nội soi đại tràng.

 

Hai là bằng một cách nào đó để giảm thiểu sự khó chịu của nội soi. Với sự phát triển mạnh mẽ của ngành gây mê hồi sức, bài toán này đã được giải quyết. Phương pháp nội soi kết hợp với gây mê đã được triển khai phổ biến và mạnh mẽ trên toàn thế giới. Ở Việt Nam đã có nhiều bệnh viện, trung tâm triển khai phương pháp nội soi gây mê này và cho kết quả tốt đẹp. Hơn nữa, nội soi gây mê giúp cho cuộc soi thành công hơn.

 

* Trong gia đình có người bị ung thư đại trực tràng trên 50 tuổi, người thân có cần đi tầm soát bằng các phương pháp nội soi tiêu hóa không?

Bình Minh(Đà Nẵng)

 

- Giáo sư - bác sĩ Trịnh Đình Hỷ: Khi trong gia đình có người bị ung thư đại trực tràng thì người thân mức độ 1 (cha, mẹ, anh chi em, con) nên đi làm nội soi đại tràng để tầm soát polyp và ung thư đại trực tràng vì nguy cơ được xem là khá cao.

 

* Bác sĩ có thể nói cho tôi biết bệnh ung thư đại trực tràng có thể gây ra những hậu quả gì hay không?

kim oanh()

 

- Thạc sĩ - bác sĩ Trần Quốc Vĩnh: Ung thư đại trực tràng là một ung thư phổ biến và nguy hiểm. Ở Mỹ, năm 2010 có khoảng 160.000 người bị ung thư đại trực tràng và tỉ lệ tử vong là quá nửa. Ung thư đại trực tràng ở giai đoạn xâm lấn các cơ quan lân cận hoặc di căn xa là một thách thức của điều trị và có tiên lượng rất xấu. Ung thư đại trực tràng giai đoạn 4 (có di căn xa) thì tiên lượng sống sau 5 năm là từ 0 - 5% (theo Francois Yves). Vì vậy, có thể kết luận ung thư đại trực tràng gây những hậu quả rất nặng nề.

 

* Xin bác sĩ cho biết là bị bệnh trĩ lâu ngày có bị biến chứng sang ung thư đại trực tràng hay không? Từ nhỏ tới giờ cháu bị bệnh trĩ, điều trị mãi mà vẫn chưa khỏi. Nghe người ta đồn là bị trĩ lâu sẽ bị ung thư, cháu lo lắm.

Công Trí(TPHCM)

 

- Thạc sĩ - bác sĩ Trần Quốc Vĩnh: Trĩ là một cấu trúc tĩnh mạch hoàn toàn bình thường của cơ thể con người. Bệnh trĩ là do sự phồng giãn quá mức của các múi tĩnh mạch trĩ, các múi tĩnh mạch này có thể vỡ ra và gây xuất huyết. Người ta có câu "Thập nhân cửu trĩ" để nói lên mức độ phổ biến của bệnh lý này. Tuy nhiên, một điều đáng mừng là bệnh trĩ không gây biến chứng ung thư đại trực tràng.

 

* Toi bi benh tieu chay gan 4 nam nay roi toi di chua benh rat nhieu cho nhung khong khoi benh cua toi la dau bung duoi va di tieu chay mong bac si tu van giup cho toi som khoi benh.

tang tan cong

(407/8/1 pham van chieu f14 quận Gò vấp)

 

- Giáo sư - bác sĩ Trịnh Đình Hỷ: Xin hỏi thêm là bạn đã được khám xét tổng quát và kỹ lưỡng với tất cả các xét nghiệm cần thiết tại BV nào chưa và từ 4 năm nay thể trạng ra sao, bạn có sụt cân hay không? Bạn đã làm nội soi đại tràng và sinh thiết để tìm một loại viêm đại tràng đặc biệt là viêm đại tràng vi thể (collagen hoặc lymphocytic colitis) chưa? Trong khi chờ đợi tốt nhất là bạn nên dùng thuốc chống triệu chứng tiêu chảy như Imodium hoặc codeine chẳng hạn.

 

* Xin bác sĩ cho biết vì sao có người nội soi từ mũi, có người nội soi từ hậu môn. Cách nào soi hiệu quả hơn và ít đau hơn?

Lê Minh()

 

- Thạc sĩ - bác sĩ Trần Quốc Vĩnh: Hệ tiêu hóa được chia làm hai phần là tiêu hóa trên và tiêu hóa dưới, ngăn cách nhau bởi góc Treitz. Khoảng cách giữa điểm tận cùng của tiêu hóa trên và tiêu hóa dưới là hơn 8 mét và không thể nào có một máy soi đủ dài như vậy để soi từ trên xuống dưới. Do vậy người ta phân thành nội soi tiêu hóa trên và nội soi tiêu hóa dưới.

Nội soi tiêu hóa trên được đưa vào qua các lỗ tự nhiên, phổ biến nhất là miệng và gần đây là mũi.

Nội soi tiêu hóa dưới dĩ nhiên phải qua đường hậu môn.

Hai máy nội soi này là hoàn toàn khác nhau.

Phương pháp nội soi qua mũi do máy nhỏ hơn và đường đi thẳng hơn nên ít đau và ít khó chịu hơn nội soi qua đường miệng.

 

* Tôi thường đi ngoài phân đen, không có khuôn, bụng của tôi vào ban đêm (chỉ khi đi ngủ) hay sôi "rột rẹt", tôi ăn uống bình thường. Mong bác sĩ tư vấn có phải tôi có dấu hiệu ung thư dạ dày hay đại tràng không?

Minh Nam(TP.HCM)

 

- Giáo sư - bác sĩ Trịnh Đình Hỷ: Nếu đi ngoài phân đen mà thử máu không thiếu máu thì không lo gì. Các triệu chứng của bạn là chỉ do rối loạn chức năng tiêu hóa mà thôi. Bạn không có dấu hiệu gì cho thấy bạn ung thư đại tràng hay dạ dày.

 

Nguồn: Thanhnienonline



ĐỐI TÁC CỦA CHÚNG TÔI

KhamOnline