TIN TỨC SỰ KIỆN | TIN TỨC

Tưởng niệm 79 năm ngày mất của BÁC SĨ ALEXANDRE YERSIN (01.03.1943 – 01.03.2022)

“ĐÃ CÓ MỘT HIỀN NHÂN VĨ ĐẠI Ở VIỆT NAM”

Trong 3 năm gần đây thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã trải qua một trận đại dịch COVID kinh hoàng, xé toang một thế giới bình yên và để lại nhiều đau thương cho cả nhân loại. Trong dịp này người ta nhìn lại những trận đại dịch trong lịch sử , một trong số đó cũng kinh hoàng không kém là đại dịch “cái chết đen” – bệnh dịch hạch được tìm thấy và điều trị thành công bởi mà ân nhân của nhân loại đã sinh sống và làm việc tại Việt Nam: Bác sĩ Alexandre Yersin.


Bác sĩ Alexandre Yersin đã cống hiến gì cho thế giới và cho Việt Nam ?

  1. Tìm ra nguyên nhân và cách điều trị bệnh dịch hạch, giúp nhân loại tránh thảm họa đại dịch “cái chết đen”.
  2. Tìm ra và phát triển thành phố Đà Lạt, nơi được đánh giá là thơ mộng nhất thế giới
  3. Hiệu trưởng đầu tiên của Đại Học Y Đông Dương ( là Đại Học Y đầu tiên của toàn cõi Đông Dương) đặt nền móng cho sự phát triển nền y học Việt Nam.
  4. Là người sáng lập và giám đốc đầu tiên Pasteur Nha Trang (1895) nơi sản xuất thuốc, đào tạo nhân lực y tế, nghiên cứu về bệnh sốt rét, các loại vi trùng, ký sinh trùng gây bệnh cho người , súc vật và thảo mộc.
  5. Là người đầu tiên đặt nền móng cho ngành thú ý Việt Nam.
  6. Góp phần nhập khẩu và phát triển cây canh- ki-na (quinquina) để chế tạo Kí –ninh (quinine) điều trị bệnh sốt rét - một bệnh  rất phổ biến của vùng nhiệt đới ) và cây cao su.
  7. Là Giám đốc hàm của viện Pasteur Paris – anh cả của toàn bộ của các viện Pasteur trên toàn thế giới.

Rất nhiều trong công việc đó là những thứ đầu tiên. Một đời người làm một việc đã khó , hơn nữa là những phát kiến đầu tiên. Nhưng Yersin đã làm tất cả điều đó một cách thành công với một tấm lòng đơn sơ, giản dị , đầy tính cống hiến của một bác sĩ.  Ông quả là một hiền nhân, một hiền nhân vĩ đại của thế giới .Trong bài viết nhỏ này chúng ta nhìn lại công lao của Yersin đối với việc tìm ra và tiêu trừ đại dịch dịch hạch trên toàn thế giới.

BỆNH DỊCH HẠCH NGUY HIỂM NHƯ THẾ NÀO ?

Bệnh dịch hạch là một bệnh nhiễm trùng cấp tính, đúng hơn là cực kỳ cấp tính, có nghĩa là có thể ban sáng phát bệnh ban đêm đã chết với những vùng thân thể đen xạm nên còn được gọi là “cái chết đen”.

Cái chết đen đã từng gây ra 3 trận đại dịch trên toàn thế giới và chúng ta nhìn lại  nó đã gây thảm họa như thế nào :

- ĐỆ NHẤT ĐẠI DỊCH DỊCH HẠCH (Đại dịch Justinian – lấy theo tên triều đại nhà vua Justinian): giết chết ước 5 ngàn người mỗi ngày ở Constantinople, độ 100 triệu người trên toàn thế giới, làm giảm ước độ 50 % dân số Châu Âu thời bấy giờ. Kinh hoàng đến độ một bác sĩ đã thốt lên:“ Không còn ai để chết”.

- ĐỆ NHỊ ĐẠI DỊCH DỊCH HẠCH (CÁI CHẾT ĐEN) : cái chết đen gây khủng hoảng trên thế giới bắt đầu từ tháng 10 năm 1347 đã cướp đi khoảng 200 triệu sinh mạng trong vòng 4 năm (nghĩa là trong một giây có khoảng 500 người chết). Đây có thể coi là một trận đại dịch khốc liệt nhất trong lịch sử nhân loại.

Vấn đề khủng khiếp hơn cả cái chết là người ta hoàn toàn không hiểu về nó, không biết tránh như thế nào và chết một cách bất thình lình. Người ta chỉ còn biết chịu trận chủ yếu bằng cách ly.  Thời gian cách ly thời đó khoảng 40 ngày . Thuật ngữ quarantine (tạm dịch là cách ly) có nguồn gốc từ chữ quarant (40 ngày). Kinh hoàng và không biết gì, cứ thấy chết là chết .

- ĐỆ TAM ĐẠI DỊCH , DỊCH HẠCH bắt đầu từ 1855 tại Vân Nam (Trung Quốc): giết chết khoảng 12 triệu dân Trung Quốc và Ấn Độ. Người ta vẫn khiếp sợ và không biết gì. Năm 1894, bệnh dịch hạch lan đến Hồng Công gieo bao sợ hãi và tang tóc.

Sự xuất hiện của Alexandre Yersin ngay trong tâm dịch được xem như kỳ tích xuất hiện. Ông đến Hồng Kông ngày 15.06.1894 với tư cách cá nhân đển tìm nguyên nhân gây ra bệnh dịch. Ngay trong hành động này, ông thực sự là một người can đảm. Lúc ấy , phái đoàn hợp pháp và hợp tác quốc tế hùng hậu do giáo sư Kitasato  người Nhật  dẫn đầu với lý do tương tự. Người Nhật được quyền sử dụng một phòng thí nghiệm tại bệnh viện, và độc quyền mổ xác bệnh nhân chết vì dịch hạch để nghiên cứu.

Vì với tư cách cá nhân, Ông không có phòng thí nghiệm cũng không có xác chết  Ông thuê một căn lều cạnh bệnh viện và phải bỏ tiền “hối lộ” để mua xác chết về mổ nghiên cứu. Trong điều kiện thiếu thốn , thiếu ánh sáng ông đã thấy gì ? Ông đã tìm nguyên nhân trong hạch thay vì trong máu. Trong hạch xác chết Ông thấy có rất nhiều vi trùng  hình que, hai đầu tròn , nhuộm Loeffler màu nhạt. Ông lấy vi trùng từ hạch người chết cấy vào các con chuột thí nghiệm thì các con chuột đều bệnh và chết. “Thì ra là đây!”.

Bằng nỗ lực thiên tài của mình cho dù là cực kỳ thiếu thốn và không hợp pháp, trong sự dè bỉu và cản trở của phái đoàn hùng hậu và hợp pháp, Yersin đã tìm nguyên nhân gây bệnh dịch hạch. Đó chính là vi trùng. Với phát hiện này, có thể nói Yersin đã cứu cả thế giới. Trong niềm sung sướng tìm nguyên nhân gây bệnh, với sự khiêm tốn và biết ơn sâu sắc với người thầy Pasteur của mình, ông đã đặt tên cho con vi trùng dịch hạch là PASTEURELLA PESTIS (tôi còn lưu giữ một cuốn sách y khoa bệnh truyền nhiễm xuất bản năm 1951 gọi tên vi trùng dịch hạch là Pasteurella Pestis). Tên này được tồn tại mãi đến năm 1967, 63 năm sau ngày tìm ra vi trùng dịch hạch, 24 năm sau ngày Yersin mất, thế giới mới chính thức “trả lại tên cho em”. Vi trùng dịch hạch có tên chính thức là YERSINIA PESTIS, chính thức ngưỡng mộ và vinh danh YERSIN.  Tính khiêm tốn, lòng biết ơn và không màng công danh đã làm nên một Yersin vĩ đại.

Về sau ngày Yersin phát hiện vi trùng dịch hạch, người ta còn phát hiện thêm là bệnh dịch hạch thực ra đa số truyền bệnh do một con bọ chét  sống trên loài chuột. Bọ chét sống trên cơ thể chuột, hút máu, truyền bệnh làm chuột chết. Bọ chét sẽ từ chuột chết sang một kỳ chủ mới là con người. Con bọ chét không biết bay, nhưng một cú nhảy của nó có thể đến 4 thước cơ đây. Quả thật là một nhảy xa nguy hiểm vô địch.  Trước đây các nhà dịch tễ có khuyến cáo là, một làng, một xã, một phường nào đó có ít nhất 4 con chuột chết không rõ nguyên nhân là phải báo dịch, dịch hạch. Còn nguy lắm thay!

Hình ảnh Alexandre Yersin tại lán tre mộc mạc, đơn sơ - Nơi ông tìm ra vi khuẩn gây ra dịch hạch

Ngày nay, mặc dù bệnh dịch hạch vẫn là một bệnh rất nguy hiểm nhưng những trận đại dịch như ngày xưa đã biến mất. Kinh hoàng và chết chóc đã không còn. Thỉnh thoảng có một vài trận dịch lẻ tẻ nhưng cả loài người còn rất cần phải cảnh giác.

Năm 1957, tác phẩm Dịch Hạch của Albert Camus được giải Noben văn chương đã cảnh giác loài người về một số lài vi trùng, virus còn lẩn khuất đây đó một ngày bùng lên có thể trở thành đại dịch. Và quả thật đại dịch COVID đã gây khủng hoảng toàn cầu. Trong những ngày khó khăn này chúng ta lại nhớ về bác sĩ YERSIN, người đã tìm ra vi trùng dịch hạch , góp phần chấm dứt những Đại Dịch Hạch khủng khiếp trong lịch sử nhân loại, chúng ta lại nhớ về YERSIN - một hiền nhân vĩ đại đã sống tại Việt Nam.

Mộ của Ông nằm ở Suối Dầu (Nha Trang – Khánh Hòa) với khói hương nghi ngút. Quần thể mộ Yersin và bảo tàng Yersin (Viện Pasteur Nha Trang) là trường hợp duy nhất Ở Việt Nam xếp hạng dị lích lịch sử văn hóa quốc gia cho một người nước ngoài. Người Việt Nam nhớ ông như một người Việt chính tông: “Ông Năm” Yersin, và thế giới nhớ ơn ông như một ân nhân vĩ đại đã sống và làm việc tại Việt Nam.

Tự hào lắm Ông Yersin!


Bác Sĩ Trần Quốc Vĩnh

Phòng khám Đa khoa Quốc Tế Yersin.



ĐỐI TÁC CỦA CHÚNG TÔI

KhamOnline