THÔNG TIN Y KHOA | NHI
TRẺ SỐT, BA MẸ CẦN LÀM GÌ?
Sốt là một phản ứng của cơ thể từ rất nhiều nguyên nhân, mà chủ yếu là do nhiễm khuẩn (nhiễm virus hoặc vi khuẩn). Hầu hết các trẻ có thể sốt với các chỉ số nhiệt độ khác nhau. Phụ huynh nên biết cách đo nhiệt độ cho trẻ, xử trí sốt cơ bản như thế nào, khi nào cần khám bác sĩ và theo dõi những triệu chứng nặng có thể xảy ra…
Gọi là sốt khi nhiệt độ trên 100.4 F tương đương 38 độ C. Các nguyên nhân bệnh lý hay gặp là:
- Nhiễm virus (cảm lạnh, cảm cúm, ...)
- Viêm dạ dày - ruột cấp
- Nhiễm trùng tai
- Viêm thanh khí phế quản cấp
- Viêm tiểu phế quản cấp
- Viêm phổi
- Nhiễm trùng tiểu
Có nên điều trị trẻ bị sốt?
Trẻ sốt cao không phải luôn là chỉ định cần điều trị. Thay vào đó, điều quan trọng là xem xét trẻ có biểu hiện hành vi và xuất hiện các triệu chứng đi kèm. Những triệu chứng đi kèm cần được khám bởi bác sĩ ngay cả khi sốt đang giảm. Trong đa số trường hợp, một đứa trẻ sốt có thể theo dõi và điều trị tại nhà. Điều quan trọng là ba mẹ phải biết được khi nào trẻ sốt cần khám bác sĩ, khi nào sốt cần điều trị và khi nào chỉ cần một sự theo dõi hợp lý.
Khám ngay với bác sĩ khi trẻ đang sốt hoặc sốt giảm kèm các dấu hiệu sau:
- Trẻ kém đáp ứng
- Trẻ nhìn sững
- Trẻ thở bất thường
- Trẻ tím môi, lưỡi và các ngón tay chân
- Cổ cứng
- Đau đầu nhiều
- Đau bụng dữ dội
- Mảng bầm tím da mới xuất hiện
- Trẻ gần như không ăn uống được
- Khóc liên tục
- Bứt rứt
- Tiêu chảy nhiều hơn
- Nôn nhiều hơn
- Tiểu ít, khóc không có nước mắt, kém linh hoạt
- Đau tai
- Đau khi đi tiểu
Những hướng dẫn chung cho trẻ sốt cần khám bác sĩ khi:
- Trẻ dưới 3 tháng tuổi sốt 38 độ C (100.4F đo nhiệt đường hậu môn) hay cao hơn bất kể có hay không có triệu chứng đi kèm sẽ không được dùng thuốc hạ sốt cho đến khi đã khám bác sĩ.
- Trẻ từ 3 tháng đến 36 tháng tuổi sốt 38 độ C (100.4F đo nhiệt đường hậu môn) hay cao hơn kéo dài hơn 3 ngày kèm các biểu hiện như quấy khóc, lả người, không ăn uống, …)
- Trẻ từ 3 tháng đến 36 tháng tuổi sốt 38.9 độ C (102F đo nhiệt đường hậu môn) hay cao hơn
- Trẻ bất cứ tháng tuổi nào có sốt kèm bệnh lý mãn tính (tim, ung thư, lupus, thiếu máu, …)
- Trẻ sốt kèm ban trên da mới xuất hiện.
Điều trị bắt buộc
- Trẻ sốt có các vấn đề bệnh lý kèm theo
- Trẻ sốt có tiền sử sốt co giật
- Trẻ sốt khó chịu, có thể điều trị hạ sốt cho trẻ dễ chịu hơn dù không cần thiết
Điều trị không bắt buộc
- Hầu hết trường hợp sốt không cần điều trị. Trẻ trên 3 tháng sốt 39C mà không kèm triệu chứng khác, trẻ linh hoạt vui chơi thì không cần điều trị
- Ba mẹ nếu không nắm rõ tình tình sốt của trẻ thì nên khám bác sĩ
Điều trị sốt như thế nào?
- Thuốc:
- Acetaminophen/Paracetamol dùng liều theo cân nặng 10-15mg/kg, cách mỗi 4-6h khi cần và không quá 5 lần/24h và không dùng cho trẻ dưới 3 tháng khi không có sự tư vấn của bác sĩ
- Ibuprofen dùng liều theo cân nặng 5-10 mg/kg, cách mỗi 6h khi cần và không dùng cho trẻ dưới 6 tháng
- Lưu ý: Thuốc hạ sốt chỉ cho khi cần thiết và sẽ không nên tiếp tục nếu triệu chứng khó chịu do sốt đã giảm
- Tăng lượng nước:
- Sốt có thể làm trẻ mất nước. Đề làm giảm lượng nước mất, ba mẹ nên động viên trẻ uống đủ nước. Trẻ sốt có thể không cảm thấy đói, nên không cần thiết phải ép trẻ ăn. Tuy nhiên bù dịch bằng sữa tươi, sữa công thức và nước nên thường xuyên.
- Trẻ lớn hơn có thể ăn những thức ăn có vị thơm ngon, soup hay đồ ăn lạnh. Nếu trẻ không thể uống trong nhiều giờ, nên cho trẻ khám bác sĩ
- Nghỉ ngơi: Sốt gây cho hầu hết các trẻ mệt và khó chịu. Trong thời gian này ba mẹ nên động viên trẻ nghỉ ngơi theo nhu cầu, không cần thiết ép trẻ ngủ hay nghỉ ngơi nếu chúng bắt đầu thấy khỏe hơn. Trẻ có thể đi học lại hay tham gia các hoạt động nếu nhiệt độ về bình thường đủ 24h
- Tắm: Tắm với mục đích hạ sốt không hiệu quả bằng thuốc và cũng không nên lạm dụng. Alcohol (cồn) không sử dụng trong tắm như ông bà xưa quan niệm vì nguy cơ ngộ độc khi chúng hấp thu qua da.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hải Thanh, Chuyên khoa Nhi
Phòng khám đa khoa Quốc tế Yersin.