THÔNG TIN Y KHOA | CHẨN ĐOÁN HÌNH ẢNH

Khối U Giấu Mặt

Ung thư phổi thường khó phát hiện bằng phương pháp X quang thông thường, vì nhiều trường hợp khối u được giấu khéo léo sau các mô. Với phương pháp MSCT, khả năng phát hiện và đánh giá ung thư phổi sẽ cao hơn.

Không phải lúc nào bệnh ung thư cũng được phát hiện bởi những triệu chứng đặc trưng riêng của nó. Thường thì những khối u luôn khéo léo giấu mặt và chỉ bị phát hiện bởi những dịp tình cờ, có khi khám bệnh này lại ra bệnh khác, như trường hợp anh T. (Gò Vấp).

Tưởng vậy mà … không phải vậy

Thời tiết giao mùa, bệnh là lẽ thường nên thấy ho khan cả tháng trời, anh T. cũng không chú ý mấy, chỉ uống vài viên thuốc kháng sinh nhưng không thấy đỡ. Có điều, những cơn ho chỉ khiến anh cảm thấy hơi bất tiện chứ ngẫm ra cũng không sốt, không đau ngực gì, thành thử anh cũng để mặc.

Không biết rủi hay may, ngón tay anh bỗng sưng đau các khớp. Đau khớp thì không phớt lờ được, anh T. thu xếp đi khám và điều trị tại phòng khám Yersin. Kết quả chụp phim X quang tim phổi phát hiện thấy hình ảnh đám mờ đáy phổi phải. Nghi ngờ “có vấn đề”, bác sĩ chỉ định cho anh T. chụp CT ngực, kết quả ghi nhận u thùy dưới phổi phải.

Hỏi kỹ lại, anh T. cho biết có ho, tức có triệu chứng ở phổi nhưng lý do chính để anh vào viện lại là một bệnh khác. Bệnh phổi chỉ phát hiện tình cờ khi khám toàn thân.

Trường hợp của anh T. cho thấy tầm quan trọng của khám sức khỏe định kỳ và sàng lọc ung thư sớm. Trong hầu hết các trường hợp, việc chẩn đoán và phát hiện sớm bệnh tật có vai trò rất quan trọng, nhất là trong bệnh ung thư. Theo y văn, ung thư phổi, nếu phát hiện và điều trị ngay từ giai đoạn sớm (IA) thì tỷ lệ sống còn sau 5 năm điều trị có thể lên 70%, trong khi phát hiện và điều trị ở giai đoạn muộn (III – IV) thì tỷ lệ sống sau 5 năm chỉ khoảng dưới 5 %.

Bệnh của người hút thuốc

Các nhà sản xuất thuốc lá đã buộc phải in lên vỏ bao thuốc lá dòng chữ “Hút thuốc lá gây ung thư phổi”, nhưng xem ra vẫn chưa khiến dân nghiện thuốc lá chùn tay. Nếu biết, có đến 80% trường hợp ung thư phổi do hút thuốc lá, các anh liệu có đắn đo khi rút một điếu thuốc ?

(Ảnh minh họa: Nguồn Internet)

Khói thuốc là một nguy cơ quan trọng và nguyên nhân chủ yếu nhất dẫn đến ung thư phổi. Những hợp chất nguy hại trong thuốc lá phá hủy các tế bào phổi và hình thành ung thư. Đó là lý do tại sao hút thuốc lá có thể gây ung thư phổi. Thậm chí những người không hút thuốc lá nhưng hít phải những chất trên (Hút thuốc thụ động) cũng bị mắc ung thư.

20% còn lại là tổng hợp của một nhóm những nguyên nhân khác: tia xạ, bụi phổi, di truyền,…

Tầm soát ung thư phổi

Có nhiều phương pháp tầm soát ung thư phổi như: X quang, xét nghiệm đàm tìm tế bào ung thư, CT … nhưng hiện nay, MSCT là kỹ thuật nhạy hơn nhiều so với các phương pháp khác trong việc phát hiện ung thư phổi gian đoạn sớm (I).

Không giống như chụp X quang, CT phổi thực hiện cắt lát phổi theo hình ảnh cắt ngang. Điều này cho phép bác sĩ khảo sát phổi từ trên xuống dưới và cách khảo sát lát cắt mỏng giúp ta tầm soát được những tổn thương có kích thước nhỏ. Đổi với khối u có kích thước khoảng 20 mm, độ tin cậy trên CT khoảng 97 %.

(Ảnh minh họa: Nguồn internet)

Với hình ảnh tái tạo 3D, CT phổi có thể đo được sự tăng trưởng của khối u theo 3 chiều để đánh giá thể tích của khối u, trong khi X quang chỉ có thể đo khối u tại điểm rộng nhất. Do vậy, việc tầm soát ung thư phổi với máy MSCT ở những đối tượng có thời gian hút thuốc lá trên 10 năm đã và đang được khuyến cáo.

Trong quá trình tầm soát ung thư phổi, bệnh nhân được yêu cầu nằm trên bàn của máy quét CT. Bàn này di chuyển cơ thể của bệnh nhân vào vị trí cần khảo sát, đầu đèn sẽ phát tia, lượng tia còn lại sau khi đi xuyên qua cơ thể sẽ được ghi nhận bởi các detector, gửi về máy tính xử lý thông tin và hiện thị ra các hình ảnh tương ứng trên màn hình máy tính. Kỹ thuật chụp ảnh này tránh bất kỳ sự chồng chéo nào của các cơ quan hoặc có mô khác.

Những ai cần tầm soát ung thư phổi

Tầm soát ung thư phổi được khuyến cáo cho cá nhân ở độ tuổi trên 45 có các yếu tố nguy cơ sau:

  • Có tiền sử hút 1 gói thuốc lá mỗi ngày trong 10 năm, hoặc 2 gói thuốc lá mỗi ngày trong 5 năm,…
  • Tiếp xúc nhiều với khói thuốc lá.
  • Tiếp xúc với các tác nhân gây ung thư (ví dụ: amiăng, tia xạ, hóa chất, bụi …) kéo dài.
  • Ho kéo dài chưa rõ nguyên nhân hoặc điều trị thuốc không đáp ứng.
  • Ho ra máu chưa rõ nguyên nhân

Trưởng Khoa Chẩn Đoán Hình Ảnh, Bác sĩ Phan Thị Thu Thủy

Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin

___________________________________________________________________________________

Quý khách vui lòng liên hệ số điện thoại 0933 668 827 hoặc email CS@khamonline.com để đặt hẹn và được tư vấn.



ĐỐI TÁC CỦA CHÚNG TÔI

KhamOnline