THÔNG TIN Y KHOA | CHẨN ĐOÁN HÌNH ẢNH

Nhà hình ảnh học, anh là ai?

Nếu Chẩn đoán Hình ảnh được xem như là “cái bóng của sự thật” thì những nhà Hình ảnh học chính là người đi truy lùng sự thật, còn các kỹ thuật viên lại là những “chiến binh” giấu mặt.

Chuyện siêu âm song thai, sanh ra chỉ 1 bé gái đã khiến giới truyền thông “sôi sục” trong thời gian qua. Kết quả được xác nhận là do trình độ hạn chế của bác sĩ siêu âm. Vậy đó, có được phương tiện kỹ thuật để khảo sát cơ thể rồi, còn cần những người biết vận hành các phương tiện ấy cũng như những người biết “đọc” các dữ liệu ghi nhận được, kết quả ấy có ý nghĩa gì, nói lên điều gì… Đó là công việc của các kỹ thuật viên và các nhà hình ảnh học.

 

Kẻ săn lùng sự thật


Nếu Chẩn đoán Hình ảnh được xem như là “cái bóng của sự thật” thì những nhà Hình ảnh học chính là người đi truy lùng sự thật. Trên bước đường săn lùng sự thật, họ được trang bị 6 loại “vũ khí” khác nhau, từ thô sơ đến hiện đại, mỗi loại có những tính năng đặc biệt khác nhau, từ X quang đến Siêu âm, MRI – Cộng hưởng từ, DSA – Chụp mạch máu số hóa xóa nền và Y học hạt nhân.

 

Do đó, để đạt được hiệu quả tối đa trong công việc, các nhà Hình ảnh học phải hiểu khá rõ “cách thức sử dụng” từng loại cũng như biết cách kết hợp chúng với nhau, kiểu như “tân cổ giao duyên”.

 

Ngày nay, chuyên ngành Hình ảnh học không khuyến khích đào tạo ra các bác sĩ X quang, bác sĩ siêu âm, bác sĩ CT hay MRI mà đào tạo theo hướng chuyên sâu cho từng hệ cơ quan. Chúng ta có những chuyên khoa sâu theo từng hệ Nội – Ngoại ví dụ như Ngoại thần kinh, Ngoại Lồng ngực, Ngoại gan mật, Ngoại chấn thương chỉnh hình…, thì Chẩn đoán Hình ảnh cũng vậy. Chuyên ngành này có các bác sĩ Hình ảnh học cụ thể như Hình ảnh học thần kinh trung ương, Hình ảnh học lồng ngực, Hình ảnh học tim mạch, Hình ảnh học cấp cứu, Hình ảnh học Tiết niệu - sinh dục, Hình ảnh học bụng - chậu, Hình ảnh học cơ xương khớp, Hình ảnh học can thiệp, Hình ảnh học cấp cứu, Hình ảnh học Nhi khoa, Hình ảnh học sản phụ khoa…

 

Như vậy, người bác sĩ Chẩn đoán Hình ảnh sử dụng các kỹ thuật hình ảnh để làm việc trong chuyên ngành sâu của mình, chứ không trở thành bác sĩ chuyên về một loại kỹ thuật như chúng ta thường hay nghĩ từ trước đến nay. Nhà Hình ảnh học trước hết phải nắm vững dịch tễ học, bệnh học, triệu chứng học và sử dụng khá linh hoạt các kỹ thuật chẩn đoán để phân tích, tổng hợp và cung cấp càng nhiều thông tin càng tốt nhằm hướng đến chẩn đoán cuối cùng phù hợp nhất.

 

Những chiến binh thầm lặng

 

Nhắc đến Hình ảnh học Y khoa mà không nói gì đến kỹ thuật viên Chẩn đoán Hình ảnh sẽ là thiếu sót rất lớn! Các bạn kỹ thuật viên là những người luôn sát cánh, “song kiếm hợp bích” với bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh để cho ra đời những “tác phẩm” giúp cho việc chẩn đoán được chính xác hơn.

 

Nói một cách nôm na, Bác sĩ là người ra chiến lược, phác đồ (protocol) trong việc truy lùng sự thật, còn chính kỹ thuật viên mới chính là người phải “xông pha trận mạc” để thực hiện kỹ thuật đó. Họ là người tạo ra “bức tranh”, còn bác sĩ là nhà phê bình, phân tích các tác phẩm nghệ thuật đó! Chẩn đoán có chính xác, có hợp lý, có cung cấp được nhiều thông tin hay không là nhờ sự hợp tác chặt chẽ này, nhưng ít ai nhớ đến công lao của các bạn kỹ thuật viên, những chiến binh thầm lặng…

 

Kỹ thuật viên là người tiếp xúc với bệnh nhân trực tiếp trong quá trình thực hiện các kỹ thuật chiếu chụp, là cầu nối đáng tin cậy để chia sẻ những thắc mắc giữa người bệnh với bác sĩ. Trong quá trình chụp, kỹ thuật viên cũng chính là người phải xử trí những vấn đề phát sinh như sự khó chịu khi ở trong lồng MRI, giải quyết các tiếng ồn, xử trí các phản ứng do tiêm thuốc tương phản, thậm chí còn phải thụt tháo bơm rửa trong những kỹ thuật đặc biệt khác…

 

Trên tất cả những khó khăn đó, kỹ thuật viên chính là người phải chịu phơi nhiễm cao nhất đối với tia X, các bạn phải đeo liều kế và được tổng hợp lại sau mỗi năm để xử trí kịp thời trong trường hợp vượt quá liều bức xạ qui định.

 

Riêng đối với bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, các bạn kỹ thuật viên vừa là những người anh em vì cùng “sát cánh” trong mọi “phi vụ” truy tìm sự thật, vừa là đồng nghiệp khi chính các bạn phải luôn là người phát hiện bất thường đầu tiên khi chụp để báo cho bác sĩ xử lý tiếp các protocol tiếp theo, thậm chí là “thầy” của các bác sĩ trong những ngày mới nhập môn Chẩn đoán Hình ảnh. Thật vậy, đối với các bác sĩ trẻ mới gia nhập gia đình Chẩn đoán Hình ảnh, kỹ thuật viên chính là người tiếp xúc gần gũi và hướng dẫn thực tế nhiều nhất, chỉ từng chiều thế trong X quang, cách rửa phim, cách thực hiện các thủ thuật phức tạp, những nhận định mang tính chất kinh nghiệm trên các loại máy khác nhau, cách sử dụng các loại máy hiện đại…

 

Hiện nay, vai trò của người kỹ thuật viên Chẩn đoán Hình ảnh càng lúc càng được đặt đúng giá trị của mình, các bạn đã có Hội nghị Khoa học toàn quốc đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh vào đầu năm 2012, nơi đây đã hội tụ rất nhiều bài báo cáo nghiêm túc và đầy tính khoa học. Nhưng quan trọng nhất của hội nghị là các bạn đã và đang thực hiện việc chuẩn hóa tất cả các protocol chiếu chụp để sao cho khi chụp hình tại tuyến dưới thì tuyến trên cũng phải chấp nhận và xem xét được hình ảnh, không cần phải chụp lại những phim khác nếu chỉ vì lý do… phim tuyến dưới chưa đạt chuẩn! Với những đóng góp vô hình của các bạn, từng bước, từng bước một, mong rồi sẽ đến ngày xã hội phải nhận định được vị trí của các bạn, những chiến binh không còn giấu mặt!

 

Thạc sĩ, Bác sĩ Hồ Hoàng Phương



ĐỐI TÁC CỦA CHÚNG TÔI

KhamOnline