THÔNG TIN Y KHOA | CHẨN ĐOÁN HÌNH ẢNH

Em rờ ai?

MRI là kỹ thuật khá phổ biến ở Việt Nam từ năm 1996 đến nay và được rất nhiều người “truyền tụng” về chức năng của nó. Giới áo trắng Việt lại phiên âm kỹ thuật MRI thành một cái tên “lai căng” Anh - Pháp - Việt rất ngộ nghĩnh: “Em Rờ Ai?”.

Thực tế thì em chẳng rờ ai, cũng chẳng ai rờ em. MRI là kỹ thuật chụp cộng hưởng từ, và bệnh nhân khi chụp sẽđược đặt trong lồng máy có từ trường cao.Các nguyên tử trong cơ thể sẽ cộng hưởng với sóng vô tuyến và phát ra tín hiệu. Tín hiệu này sau đó được ghi nhận và xử lý bởi hệ thống vi tính để tạo ra hình ảnh bên trong cơ thể.

 

Khối nam châm khổng lồ

 

Ai cũng biết cộng hưởng có sức mạnh ghê gớm.Năm 1850, chiếc cầu Maine tại Angers (Pháp) bị sập. 200 con người đã thiệt mạng bởi lý do rất… trời ơi. Đoàn binh sĩ đi qua cầu bước đều nhịp nhàng với tần số đi đều vô tình bằng đúng tần số riêng của cầu, khiến cầu bị cộng hưởng và dao động với biên độ mạnh rồi… sập. Kỹ thuật dùng trong MRI tương tự như vậy. Đó chính là sự cộng hưởng để tạo nên hợp lực tối đa từ các proton trong cơ thể.

 

Cộng hưởng ở kỹ thuật MRI là cộng hưởng từ. Ai cũng biết, trái đất thực ra là khối nam châm khổng lồ, nhưng so với máy MRI chỉ như chuột nhắt so với khủng long. Máy cộng hưởng từ là máy dùng từ trường cực mạnh, trong đó thành phần chính là khối nam châm khổng lồ với cường độ thường sử dụng hiện nay là từ 0,3 Tesla đến 1,5 Tesla, mạnh gấp 6.000-30.000 lần từ trường trái đất! Từ trường càng mạnh, độ chính xác, độ phân giải càng cao.

 

MRI viết tắt từ MagneticResonnance Image - chụp ảnh bằng cộng hưởng từ. Nói một cách khoa học, cộng hưởng từ là kỹ thuật tạo nên hình ảnh từ sự cộng hưởng của các prtoton trong cơ thể khi đặt vào từ trường rất mạnh. Việc sử dụng thiết bị này cho phép bác sĩ “nhìn” vào bên trong bệnh nhân nhằm khảo sát các hệ thống cơ quan và tìm ra bệnh lý một cách dễ dàng hơn.

 

Thiên lý nhãn

 

Nếu ví X quang và siêu âm có cái nhìn “xuyên thấu” qua cơ thể bệnh nhân thì CT và MRI còn có cái nhìn chi tiết, chính xác hơn, tinh tường hơn, một cách nào đó có thể xem như là “thiên lý nhãn”. MRI - Cộng hưởng từ được chỉ định tương đối rộng rãi và có những thế mạnh - yếu riêng khi so sánh với CT. Nếu “quét” từ đầu xuống chân, MRI có thể áp dụng với:

 

- Sọ não: MRI rất nhạy để đánh giá các bất thường của não bộ, có thể phát hiện những dấu hiệu không nhìn thấy trên CT. MRI não giúp phát hiện đột quị, các bất thường mạch máu, u não, dị tật bẩm sinh, viêm nhiễm, bệnh lý chất trắng… Khu trú hơn có thể khảo sát khá chi tiết các bệnh lý vùng hố yên, hốc mắt, ống tai giữa, các dây thần kinh sọ…

 

- Ngực: MRI rất tốt để đánh giá các mạch máu vùng ngực cũng như hạch bạch huyết, hạch trung thất, cơ và đám rối cánh tay. Nếu bệnh sử người bệnh nghi ngờ có khối u, lymphoma, ung thư, phình mạch và các bất thường mạch máu khác, bác sĩ sẽ chỉ định MRI.

 

- Tim: Các chỉ định tiêu biểu của MRI tim bao gồm các bệnh lý tim bẩm sinh và mắc phải. Bệnh nhân có thể nhập viện do những lý do thứ phát như đau ngực, bệnh van tim, có tiền sử cơn đau thắt ngực hoặc nghi ngờ cơn đau thắt ngực, đánh giá cấu trúc và chức năng tim.

 

- : MRI có khả năng phân biệt mỡ, nước và silicone, do đó đây là phương tiện được lựa chọn để khảo sát tuyến vú rất tốt. Chụp MRI vú để phát hiện và tầm soát ung thư vú là một kỹ thuật mới có thể được sử dụng phối hợp với chụp nhũ ảnh và siêu âm vú.

 

- Bụng: MRI là phương tiện tuyệt vời để khảo sát gan, lách, thận, thượng thận, tụy. Nếu bạn có tiền căn ung thư, đau, mất chức năng cơ quan, chảy máu, xơ gan, viêm gan, bạn thường được chỉ định làm MRI. MRI giúp phát hiện hạch phì đại, bệnh lý di căn, u, phình mạch và các bất thường cấu trúc khác. MRCP (Magnetic Resonance Cholangiopancreatography) và MRU (Magnetic Resonance Urography) là những kỹ thuật không xâm lấn, không cần dùng thuốc tương phản nhưng vẫn có được hình ảnh tốt của cây đường mật, ống tụy cũng như hình ảnh hệ niệu.

 

- Vùng chậu: MRI là kỹ thuật ưu thế nhất để khảo sát vùng chậu, giúp đánh giá bệnh lýcủa tử cung, buồng trứng đối với nữ và tiền liệt tuyến, túi tinh đối với nam.

 

- Cơ xương khớp: MRI có thể đánh giá cả các khớp lớn và khớp nhỏ như khớp vai, khuỷu, cổ tay, gối, và các cấu trúc khác của chi với hình ảnh giải phẫu cực kỳ chi tiết. Bác sĩ thường chỉ định MRI khi có đau, sưng, yếu, tổn thương dạng khối sờ được, giới hạn vận động…

 

- Cột sống:MRI là kỹ thuật ưu thế hẳn so với CT vì đánh giá khá tốt các chi tiết về đĩa đệm, dây chằng, gân cơ, chèn ép thần kinh…

 

- Mạch máu:MRI có thểđánh giá mạch máu mà không xâm lấn. Kỹ thuật này được gọi là MR angiography (MRA). MRA có thểđánh giá các mạch máu vùng đầu và cổ để phát hiện các vị trí chít hẹp mạch máu, tắc nghẽn mạch máu, phình mạch não, dị dạng động tĩnh mạch (AVM) và bóc tách mạch máu. Kỹ thuật này có thể đánh giá cả hệ động mạch và tĩnh mạch.

 

Tương tự CT, trên đây cũng chỉ là một số ứng dụng thường qui trong thực hành hàng ngày.Chẩn đoán hình ảnh còn có những kỹ thuật chuyên biệt đánh giá được chức năng, tầm soát ung thư hay phối hợp với các kỹ thuật khác để cung cấp được nhiều thông tin hơn cho chẩn đoán.

 

Thạc sĩ, Bác sĩ Hồ Hoàng Phương



ĐỐI TÁC CỦA CHÚNG TÔI

KhamOnline