THÔNG TIN Y KHOA | NỘI TỔNG QUÁT
Rủi Ro Từ Các Chất Tạo Hương Vị
Lisa Baxter luôn đọc cẩn thận các nhãn thành phần thực phẩm khi đi siêu thị. Cô thậm chí còn mang theo một danh sách những thứ mình có thể và không thể ăn, và cô phải đặc biệt dè dặt với các thức ăn có chứa “phosphate” vì chúng để lại vị kim loại trong miệng và làm cô thấy rất ngứa.
Baxter, 52 tuổi, 1 nhân viên xã hội ở Queens, New York có bệnh thận từ 20 năm nay nói: “Tôi thấy như mình đang có rận vậy !”. Cô bị ngứa từ gan chân cho tới giữa lòng bàn tay. Baxter phải chạy thận 3 lần một tuần và cô biết phosphate làm cô thấy tệ hơn. Bệnh nhân có bệnh thận khó chuyển hóa nhiều loại khoáng chất, phụ gia được thêm vào thức ăn để tăng hương vị. Ăn quá nhiều các chất này có thể gây loãng xương và dẫn tới những vấn đề đe dọa mạng sống như bệnh tim.
Bác sĩ Geofrey Block, Giáo sư trợ giảng tại khoa Y thuộc Trung tâm Sức khỏe Khoa học trường Đại học Colorado phát biểu “Tôi thấy phosphate tàn phá cơ thể người như thế nào”. Ông đề cập đến loại khoáng chất tạo ra phosphate và ông đang nghiên cứu tác động của nó trên cơ thể người từ hơn 20 năm nay. “Tôi đã thấy nhiều bệnh nhân (bệnh thận) phải bị đoạn chi.”
Thậm chí với người khỏe mạnh, có vài bằng chứng cho thấy ăn quá nhiều phosphate cũng gây ra một số vấn đề, tuy chưa được khẳng định. Một nhà nghiên cứu của FDA và Uy ban An toàn Sức khỏe Châu Âu, khi nghiên cứu về phosphate, đều kêu gọi phải nghiên cứu thêm về khả năng ảnh hưởng sức khỏe của nó.
Mona Calvo, một chuyên gia của Trung tâm An toàn thực phẩm và Dinh dưỡng bổ sung, nêu lên trong một nghiên cứu: “Ngày càng có nhiều chứng cứ cho thấy cả việc ăn quá nhiều (chất phosphate) hay ăn không cân bằng với các chất dinh dưỡng khác đều làm cho người ta dễ mắc bệnh thận, loãng xương, bệnh tim và các bệnh mãn tính khác.”. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng xác nhận là các bằng chứng còn chưa đủ thuyết phục”. [Nghiên cứu của bà chưa được coi là chính sách của FDA và cơ quan này chưa có bình luận gì khác].
Ăn quá nhiều dẫn đến tai hại
Phosphorus có nhiều trong các sản phẩm tự nhiên như sữa, thịt và rau củ. Nó giúp các tế bào hoạt động đúng chức năng. Phosphate giúp tăng hương vị và độ ẩm trong thịt nguội, thức ăn đông lạnh, ngũ cốc, phô mai và đồ nướng (bánh mì hay thực phẩm nướng trong lò vi sóng) cũng như trong sô đa và các loại bột trà lạnh chế biến.
(Ảnh minh họa: internet)
Block, chuyên gia điều trị bệnh về thận nói “Không có sự sống nào tồn tại mà không có phosphore cả”. Vấn đề là chúng ta ăn nhiều hơn lượng cơ thể cần.
Theo Block, đối với 26 triệu người Mỹ đang bị bệnh thận, phosphate có thể tích tụ trong cơ thể. Kết quả là nội tiết tố thay đổi, chính nó là nguyên nhân kéo calcium ra khỏi xương, tích tụ trong mạch máu và gây ra bệnh tim mạch, tăng nguy cơ tử vong.
Tiến sĩ Alex Chang, một nhà điều tra lâm sàng và bác sĩ thận ở Geisinger Health System tại Pennsylvania nói rằng gần một phần ba dân số Mỹ tiêu thụ gấp đôi lượng phosphore cần thiết theo tiêu chuẩn Mỹ khuyến cáo, khoảng 700 miligam mỗi ngày. “Các thực phẩm chế biến sẵn chứa quá nhiều phosphorus và người Mỹ thì tiêu thụ quá nhiều các thực phẩm này.”
Chang là đồng tác giả của một nghiên cứu năm 2013 nhằm đánh giá nồng độ phosphate của hàng ngàn người lớn không bị ung thư, tiểu đường, hay bệnh thận. Ông phát hiện việc ăn nhiều phosphate có liên quan đến những ca tử vong của những người khỏe mạnh trong dân số Mỹ.
Tuy vậy, cả nghiên cứu của Chang hay bất kỳ nghiên cứu nào khác được công bố cho đến hôm nay đều không chứng minh được phụ phẩm phosphate trực tiếp gây ra các vấn đề sức khỏe.
Block nói:” Chúng tôi không rõ, và đó là lí do chúng tôi cần nghiên cứu thêm.”
Mối lo ngại gia tăng
Phosphate lần đầu được chấp thuận bởi Bộ Nông nghiệp Mỹ sử dụng trong thịt xông khói và thịt hộp vào năm 1971. Theo Lucina Lampila, một bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng tại Institut of Food Technologist, phosphate được thêm vào thịt gia cầm và các loại thịt khác trong những năm 1980.
(Ảnh minh họa: Nguồn internet)
Ngày nay, nhiều sản phẩm trong siêu thị – theo 1 báo cáo thì khoảng 45% - sử dụng 10 loại phosphate khác nhau trong thực phẩm. Xác định có bao nhiêu lượng phosphate trong thực phẩm không phải dễ. Nếu phosphate vốn có tự nhiên trong sản phẩm, lượng thêm vào có thể không cần ghi chi tiết. Cục An toàn thực phẩm Mỹ phân loại lượng phosphate thêm vào thực phẩm là thành phần “nói chung công nhận an toàn”. Thành phần phosphate phải được ghi trong nhãn nhưng hàm lượng chính xác lại có thể không cần nêu ra.
Trong một nghiên cứu vào tháng 4 năm 2015 của mình, Chang xác định lượng phosphate trong một số thức uống phổ biến và ông nhận thấy rằng nồng độ phosphate khác hơn so với con số mà công ty thực phẩm công bố. Cả hai nghiên cứu của Calvo và Chang đều yêu cầu cần có nội dung chi tiết hơn về các chất cấu thành ghi nhận trong nhãn thực phẩm.
Chang nói: “Nhu cầu thông tin phosphorus chính xác trên thị trường là cực kỳ quan trọng cho các bệnh nhân, đặc biệt là những người bị bệnh thận.”
Lampila, người làm trong ngành thực phẩm hơn 1 thập kỷ, nói rằng phosphate an toàn. Cô nói thêm: “Các công ty thực phẩm chỉ dùng lượng nhỏ phosphate vì phosphate tự nó có một mức giới hạn. Nếu thêm quá nhiều vào một sản phẩm thì hương vị sẽ bị hỏng.”
Năm ngoái, Tổ chức thận quốc gia đề nghị FDA yêu cầu các nhà sản xuất thực phẩm ghi rõ lượng phosphate trên nhãn thành phần dinh dưỡng. FDA nói trong một email rằng Cục sẽ không nhận xét gì về việc thay đổi nhãn dán cho tới khi những nhãn dán này được hoàn thành.
Gần đây, nhóm Công tác vì môi trường, một tổ chức an toàn của người tiêu dùng đã hợp tác với Tổ chức thận quốc gia trong việc nâng cao ý thức về phosphate. Nhóm này đã liệt phosphate vào bảng hướng dẫn “Danh sách đen” dành cho những phụ gia thực phẩm liên quan tới vấn đề sức khỏe, được xuất bản năm ngoái.
Dawn Unduraga, một chuyên gia tư vấn dinh dưỡng của nhóm Công tác vì Môi trường phát biểu “Chúng tôi nhận thấy vấn đề phosphate cần được quan tâm nhiều hơn”.
Cho đến khi có nhiều bằng chứng trực tiếp hơn, một số nhà dinh dưỡng đang tư vấn cho khách hàng của mình giới hạn lượng phosphate trong chế độ ăn của họ, cho dù họ có bị bệnh thận hay không. Họ đề nghị bạn tránh xa sô đa và tìm từ “phosphate” trên nhãn dãn sản phẩm. Từ này có thể đứng riêng lẻ hay đi kết hợp với những từ khách như là “sodium tripoly phosphate”.
Tiến sĩ Lisa Hugh, một chuyên gia dinh dưỡng tại Waldorf nói rằng “Tôi khuyên mọi người tìm mua thực phẩm càng ít chất phụ gia càng tốt”.
Nhóm Biên Dịch Y Khoa, Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin
Nguồn WebMD
(Bản quyền các bài dịch thuộc về các dịch giả và yersinclinic.com. Mọi hành vi đăng lại, trích dẫn phải ghi rõ nguồn yersinclinic.com)
___________________________________________________________________________________
Quý khách vui lòng liên hệ số điện thoại 0933 668 827 hoặc email CS@khamonline.com để đặt hẹn và được tư vấn.