THÔNG TIN Y KHOA | NỘI TỔNG QUÁT
Đừng Xem Thường Bệnh Cảm Cúm
Mỗi năm có từ 5-15% người lớn và 15-42% trẻ em trên toàn thề giới mắc bệnh Cúm với gần 250.000-500.000 trường hợp tử vong vì Cúm.
Tiêm ngừa là cách phòng bệnh tốt nhất cho chính bạn và người thân của bạn!
10 ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH CÚM
1. Bệnh Cúm là gì?
Bệnh Cúm là bệnh lây truyền gây ra bởi virus Cúm (Influenza virus) và xảy ra ở mọi lứa tuổi. Bệnh thường được xem là bệnh đường hô hấp nhưng có ảnh hưởng toàn thân, bệnh thường xảy ra đột ngột, người bệnh có thể nằm liệt giường 2-3 ngày và có thể kéo dài hơn 2 tuần. Bệnh có thể gây ra những biến chứng nặng nề và có thể dẫn đến tử vong ở những người thuộc nhóm nguy cơ cao như trẻ em, người già, người có bệnh mạn tính …
2. Triệu chứng và biến chứng của bệnh Cúm
Bệnh Cúm và bệnh cảm lạnh có thể có những triệu chứng giống nhau nhưng bệnh Cúm thường nguy hiểm hơn nhiều. Các triệu chứng điển hình là sốt cao (39 độ C – 40 độ C), nhức đầu, ho dữ dội, suy nhược nặng, đau nhức người, tiêu chảy, nôn ói … Không giống như bệnh cảm lạnh, bệnh Cúm có thể dẫn đến những biến chứng nặng như viêm phổi, biến chứng tim mạch, hô hấp, nhiễm trùng huyết có thể đe dọa tính mạng ở nhiều người.
3. Bệnh Cúm lây truyền như thế nào?
Bệnh Cúm là bệnh truyền nhiễm. Bạn có thể nhiễm Cúm từ không khí hoặc từ những người hắc hơi hay đang ho; hoặc do tiếp xúc với bệnh nhân đang bị Cúm, hoặc do sờ mó vào những vật dụng đang bị lây nhiễm và sau đó mầm bệnh sẽ xâm nhập vào hệ hô hấp của bạn. Các nghiên cứu cho thấy rằng khi ho, không khí được đẩy đi với tốc độ bằng tốc độ âm thanh, một hành khách bị Cúm có thể lây lan cho 72% hành khách trên một chuyến bay thương mại.
4. Ai có nguy cơ cao mắc bệnh Cúm?
Mọi người đều có thể mắc bệnh Cúm. Sức khỏe tốt không hoàn toàn giúp bạn tránh được bệnh nhưng những đối tượng cần lưu ý nên tiêm ngừa Cúm bao gồm:
- Trẻ từ 6 tháng đến 18 tháng tuổi
- Người trên 50 tuổi
- Nhân viên y tế
- Người làm công việc tiếp xúc với nhiều người
- Người sống và làm việc trong môi trường đông đúc
- Người thường xuyên đi du lịch theo đoàn
- Phụ nữ dự định mang thai trong mùa Cúm
- Người có bệnh mãn tính như: Bệnh tim mạch, hen, tiểu đường, phổi mạn tính, bệnh thận, ung thư, nhiễm HIV,...
- Người sống chung với các đối tượng nêu trên
5. Bệnh Cúm có nguy hiểm như bệnh Cúm gia cầm?
Virus Cúm có ba nhóm chính là A, B, C nhưng nhóm A là nhóm nguy hiểm nhất. Phân nhóm A chia thành nhiều phân nhóm nhỏ dựa trên cấu trúc của hai thành phần kháng nguyên gọi là H và N. Các phân nhóm H3N2 và H1N1 là những phân nhóm hiện đang lưu hành và gây bệnh Cúm theo mùa ở người, trong khi đó phân nhóm H5N1 gây ra các đợt dịch Cúm ở gia cầm trong những năm vừa qua.
Trái ngược với quan niệm sai lầm cho rằng bệnh Cúm không phải là bệnh nguy hiểm, theo thống kê của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, hàng năm có khoảng 250.000 – 500.000 người tử vong vì bệnh Cúm, cao hơn 1.000 lần toàn số người tử vong trong các dịch Cúm gia cầm trên toàn thế giới từ 2003 – 2008.
6. Có cách nào phòng ngừa bệnh Cúm?
Có. Bạn có thể phòng ngừa bệnh Cúm bằng cách tiêm ngừa. Hiệu quả của vaccine chủng ngừa đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu lâm sàng. Nhiều quốc gia trên thế giới đã khuyến cáo người dân cần tiêm ngừa trong suốt mùa Cúm. Vaccine ngừa Cúm có thể sử dụng cho trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên.
7. Vaccine Cúm có an toàn cho tôi không?
Vaccine không gây bệnh Cúm cho bạn do chứa các virus đã bị giết chết không có khả năng gây bệnh, mà chỉ đơn thuần báo động cơ thể về mối đe dọa của virus Cúm. Vaccine Cúm đã được chứng minh là an toàn và được cơ thể dung nạp tốt. Phản ứng phụ thường găp nhất chỉ là đau tại nơi tiêm, thường kéo dài không quá 24 -48 giờ.
8. Thời điểm nào tốt nhất để tiêm ngừa Cúm?
Nên tiêm ngừa trước khi mùa Cúm xảy ra mỗi năm, nhưng cũng không là quá muộn nếu tiêm ngừa nếu tiêm ngừa trong khi mùa Cúm đang xảy ra. Theo tổ chức Y Tế Thế Giới, ở các nước thuộc vùng nhiệt đới, Cúm xảy ra quanh năm cho nên có thể tiêm vaccine Cúm định kỳ hằng năm vào bất kỳ lúc nào trong năm với các vaccine hiện hành.
9. Tại sao phải tiêm ngừa Cúm mỗi năm?
Virus Cúm thường thay đổi. Nói chung, những chủng virus mới sẽ luân chuyển trong mỗi mùa Cúm vì vậy mỗi năm trước khi mùa Cúm xảy ra, Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) sẽ định danh những chủng virus hoạt động mạnh nhất từ đó chúng được đưa và công thức của vaccine Cúm.
10. Lợi ích của việc tiêm ngừa Cúm
Tiêm ngừa Cúm giúp:
- Cứu sống người có nguy cơ cao
- Tránh mắc bệnh và tránh phải nhập viện
- Tránh nghỉ việc và hủy bỏ kỳ nghỉ
- Giảm nguy cơ lay bệnh Cúm cho gia đình và bạn đồng nghiệp
- Tiêm ngừa Cúm nhằm ngăn chặn đại dịch Cúm gây ra bởi một dòng virus Cúm có động lực cao xuất hiện đột ngột do đột biến gien khi người bệnh cùng nhiễm virus H5N1 và virus Cúm A của người.
10 LÝ DO BẠN NÊN TIÊM NGỪA CÚM
10 - Tiêm ngừa Cúm làm giảm 89% nguy cơ lây nhiễm Cúm ở người khỏe mạnh.
9 - Tiêm ngừa Cúm giảm 78% số ngày nghỉ việc ở người có độ tuổi làm việc.
8 - Tiêm ngừa Cúm mang lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp.
7- Tiêm ngừa Cúm giúp giảm 57% nguy cơ nhập viện và 67% nguy cơ tử vong ở tuổi già.
6- Tiêm ngừa Cúm giảm 79% nguy cơ nhập viện do viêm phổi ở người có bệnh tiểu đường.
5- Tiêm ngừa Cúm giảm đến 41% các cơn hen kịch phát ở bệnh nhân hen.
4- Tiêm ngừa Cúm làm giảm 76% các đợt bệnh phổi cấp ở người có bệnh phổi mạn tính.
3- Tiêm ngừa Cúm làm giảm 67% nguy cơ nhồi máu cơ tim và gỉm 54% nguy cơ tai biến mạch máu não ở bệnh nhân tim mạch.
2- Tiêm ngừa Cúm giảm 85% nguy cơ bị hội chứng Cúm và giảm 41% nguy cơ nhiễm khuẩn hô hấp ở trẻ em.
“Và lý do quan trọng nhất là bạn quan tâm đến sức khỏe của chính bạn và những người thân yêu của bạn và muốn họ được bảo vệ khỏi nguy cơ bệnh Cúm”
(Tài liệu này được thực hiện bởi sự phối hợp của Hội Y Học Dự Phòng Việt Nam và VPĐD Sanofi Pasteur S.A. Tài liệu này chỉ mang tính chất tham khảo. Bạn nên tham vấn trực tiếp với bác sĩ tại các bệnh viện và Trung Tâm Y Tế Dự Phòng để được hướng dẫn cụ thể)
___________________________________________________________________________________
Quý khách vui lòng liên hệ số điện thoại 0933 668 827 hoặc email CS@khamonline.com để đặt hẹn và được tư vấn.