THÔNG TIN Y KHOA | NỘI TIM MẠCH
Nhồi máu cơ tim
Khi Vito Corleone ôm ngực ngã quỵ trong vườn cà chua, khán giả hiểu rằng "Bố già" lên cơn đau tim. Nhưng với bác sĩ, căn bệnh này có tên khoa học và chính xác hơn: "Nhồi máu cơ tim". Vậy thì cái gì gây ra cơn đau tim? Khi nào sẽ xuất hiện cơn đau tim? Ai có nguy cơ bị lên cơn đau tim?
Trái tim của chúng ta co bóp không ngơi nghỉ 70-80 lần/phút, tức hơn 100.000 lần mỗi ngày để bơm máu cung cấp cho tất cả cơ quan trong cơ thể. Bạn có tự hỏi cái gì nuôi dưỡng tim để tim có thể đảm trách nhiệm vụ đó?
Hệ thống động mạch vành bao quanh tim đảm trách vai trò “vú nuôi” này. Hệ thống này xuất phát từ gốc động mạch chủ, gồm 2 nhánh: Động mạch vành trái (lại chia tiếp thành 2 nhánh: nhánh liên thất trước và nhánh mũ) và động mạch vành phải.
Bình thường, nếu mạch máu trơn láng thì dòng máu lưu chuyển trơn tru, tim được nuôi dưỡng tốt. Nhưng nếu mỡ trong máu cao tạo thành những mảng xơ vữa bám vào thành mạch, gây hẹp lòng mạch vành thì việc cung cấp máu nuôi cơ tim sẽ bị thiếu, gây ra Bệnh mạch vành – hay còn có một vài tên gọi khác: Bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ, Thiếu máu cơ tim, Thiểu năng vành hay Suy vành.
Nhưng câu chuyện không chỉ dừng ở đó. Mảng xơ vữa bám vào thành mạch có thể ngày một dày thêm, làm hẹp thêm lòng mạch. Và nếu mảng xơ vữa này bị viêm rồi nứt ra, nơi mảng xơ vữa bám vào thành mạch sẽ bị chảy máu tạo thành cục máu đông gây tắc đột ngột lòng mạch vành, làm khởi phát cơn đau tim – Nhồi máu cơ tim.
Có nhiều yếu tố nguy cơ tạo nên những mảng xơ vữa gây ra các cơn đau tim nói trên, như hút thuốc, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, béo phì, stress, ít vận động...
Cơn đau tim
Tùy theo mức độ gây hẹp mà biểu hiện triệu chứng của Bệnh mạch vành sẽ khác nhau. Nhẹ thì chỉ có cảm giác nặng ngực, nhiều hơn thì ran ngực, nóng rát ngực sau xương ức, nhiều hơn nữa thì có cơn đau lói ngực, cơn đau thắt ngực, cảm giác siết chặt, bóp nghẹt... Nguy kịch nhất là cơn đau tim – nhồi máu cơ tim, đau ngực dữ dội, đau như dao đâm và có những đặc điểm sau:
- Vị trí: đau sâu phía sau xương ức, ngay chính giữa ngực hoặc ngực trái nên chúng ta thường thấy người lên cơn đau tim lấy tay ôm ngực trái rồi khuỵu xuống.
- Hướng lan: Đau ngực có thể không lan nhưng điển hình là đau ngực trái lan ra cánh tay trái đển ngón tay út và lan lên hàm.
- Hoàn cảnh khởi phát cơn đau: cơn đau ngực thường xuất hiện sau một cuộc gắng sức thể lực như đi bộ đường dài, đi cầu thang bộ, khiêng đồ nặng, chơi thể thao, sau ăn no, sau giao hợp,…
- Thời lượng: cơn đau ngực nhẹ có thể chỉ xảy ra trong vài giây vài phút, nặng hơn có thể kéo dài nhiều phút, vài chục phút và cơn đau tim có thể kéo dài trên 30 phút, thậm chỉ hàng giờ, lặp đi lặp lại liên tục.
Hình ảnh sưu tầm (Nguồn: Internet)
Cứu lấy trái tim
Khi đã xác định bạn mắc bệnh mạch vành, bác sĩ sẽ có những cách can thiệp từ nội khoa đến ngoại khoa để bạn thoát khỏi căn bệnh này.
Về nội khoa, bác sĩ thường cho dùng các loại thuốc nitrate giãn mạch vành, thuốc chống kết tập tiểu cầu, thuốc tiêu sợi huyết, thuốc ức chế men chuyển, điện giải…
Về ngoại khoa, bác sĩ làm phẫu thuật bắc cầu nối động mạch vành.
Trung gian giữa nội khoa và ngoại khoa là can thiệp mạch vành, tái thông chỗ hẹp tắc bằng bóng nong và giá đỡ Stent. Stent bản chất là một lưới hợp kim sẽ được đặt vào trong lòng mạch vành giúp tái thông chỗ hẹp tắc.
Ngày nay, với nhiều tiến bộ trong lĩnh vực tim mạch can thiệp, đã có rất nhiều stent được tẩm thuốc chống tái hẹp và sau khi đặt vào lòng mạch, thuốc được tẩm trên stent sẽ phóng thích dần, tác dụng lên nội mạc mạch máu tại vị trí đặt stent và hạn chế hiện tượng tái hẹp khá hiệu quả.
Thủ thuật đặt stent động mạch vành
Tầm soát và ngăn chặn
Không ít người “đùng một cái” lên cơn đau tim và “té ngửa” ra rằng mình có bệnh từ xưa đến nay mà không biết. Nhìn cảnh đó, nhiều người lại đâm lo lắng, không hiểu mình có mắc bệnh tim không, ở giai đoạn nào, cần điều trị chưa...
May thay, với căn bệnh này, bạn có rất nhiều phương pháp tầm soát và xét nghiệm để xác định tình trạng trái tim của bạn. Trước hết là đo điện tâm đồ và xét nghiệm mỡ máu (Bộ mỡ: Cholesterol total, Triglyceride, HDL-C, LDL-C). Đây là 2 phương pháp đơn giản nhất mà hầu hết các cuộc kiểm tra sức khoẻ định kỳ đều dùng.
Nếu bác sĩ phát hiện bạn “có vấn đề”, họ có thể yêu cầu bạn thử nghiệm điện tâm đồ gắng sức, siêu âm tim, siêu âm tim gắng sức. Nếu những phương pháp trên cho kết quả dương tính, bác sĩ sẽ tiếp tục chỉ định bạn chụp động mạch vành qua da. Và gần đây, CT đa lát cắt mạch vành được xem là một nghiệm pháp không xâm lấn giúp khảo sát tình trạng vôi hóa động mạch vành và đánh giá sơ bộ có hẹp động mạch vành hay không. Tuy nhiên xác định mức độ hẹp động mạch vành chỉ là tương đối.
Nếu có nguy cơ mắc bệnh mạch vành hoặc đã được chẩn đoán bệnh mạch vành, bạn cần phải thay đổi lối sống: Ngưng hút thuốc, giảm cân nếu béo phì, chế độ ăn lành mạnh giảm chất béo, tập thể dục đều đặn, giảm bớt những gánh nặng công việc, giảm bớt những căng thẳng trong cuộc sống, điều trị đái tháo đường, tăng huyết áp nếu có.
Nhưng hay hơn tất cả vẫn là chúng ta nên bắt đầu ngay từ khi chưa xảy ra bệnh mạch vành với một cuộc sống điều độ, tập thể dục, không hút thuốc, chế độ ăn kiêng chất béo, giảm muối, giảm ngọt, giảm tinh bột, nhiều rau xanh, trái cây… để có một trái tim khỏe mạnh.
Hình ảnh sưu tầm (Nguồn: Internet)
*** Xử lý khi lên cơn đau tim
Nếu là một cơn đau ngực nhẹ: nằm nghỉ ngơi, tránh gắng sức, dung thuốc giãn vành theo hướng dẫn của bác sĩ tim mạnh.
Nếu là một cơn đau tim của nhồi máu cơ tim cấp: Nằm nghỉ tuyệt đối, ngậm Nitro glycerin dưới lưỡi và gọi xe cấp cứu đến bệnh viện càng sớm càng tốt để được cấp cứu kịp thời, không nên trì hoãn dù bất kỳ nguyên nhân gì.
6 tiếng đồng hồ kể từ lúc khởi phát cơn đau tim được gọi là THỜI GIAN VÀNG để can thiệp tái thông chỗ hẹp tắc động mạch vành, cứu sống được vùng cơ tim đang nguy kịch.
Bác sĩ CKI Vũ Minh Đức
___________________________________________________________________________________
Quý khách vui lòng liên hệ số điện thoại 0933 668 827 hoặc email CS@khamonline.com hay Đăng ký qua link: https://goo.gl/TNGSa8 để đặt hẹn và được tư vấn.