THÔNG TIN Y KHOA | NỘI TỔNG QUÁT

Điều Trị Bệnh Ung Thư: Khoa Học Và Dân Gian

Gần đây, có một số tin tức mới về việc điều trị bệnh ung thư được cho là nguồn từ Bệnh viện Johns Hopkins, một bệnh viện lớn có uy tín khá cao ở Mỹ được khá nhiều người theo dõi và tin tưởng. Bản tin cung cấp khá nhiều thông tin mang tính khoa học và khá chính xác nhưng đồng thời cũng kèm với khá nhiều thông tin đi ngược với các điều trị kinh điển của y khoa. Đâu là sự thực và người bệnh có thể làm gì để tự cứu mình?

Thực hư về “Bản tin cập nhật về ung thư của Bệnh viện Johns Hopkins”

Trước hết, có thể tóm tắt các nội dung chính bản tin như sau:

  • Ai cũng có tế bào ung thư.
  • Một hệ miễn dịch mạnh sẽ giúp tiêu diệt ung thư.
  • Ung thư gây ra do thiếu hụt một số chất dinh dưỡng và chế độ dinh dưỡng phù hợp sẽ giúp điều chỉnh chúng.
  • Hóa trị và xạ trị làm hại các tế bào lành. Phẫu thuật làm ung thư lan tràn.
  • Tế bào ung thư sống nhờ vài loại chất trong thức ăn. Chế độ ăn đúng giúp điều trị ung thư.
  • Oxygen cũng giúp tiêu diệt ung thư.
  • Cơ thể mang tính acid làm xuất hiện bệnh, ung thư và lão hóa. Chế độ ăn làm kiềm hóa giúp giải quyết vấn đề này.
  • Ung thư là một căn bệnh về tâm trí, thể xác và tinh thần. Một tinh thần chủ động và tích cực sẽ giúp bệnh nhân ung thư tranh thủ để sống sót.

Nói cách khác, bản tin nghi ngờ kết quả điều trị ung thư bằng các phương pháp cổ điển như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị và đề nghị sử dụng những biện pháp ôn hòa hơn như điều chỉnh chế độ ăn, bổ sung chất dinh dưỡng, thay đổi môi trường cơ thể. Trên thực tế, tuy bản tin chứa đầy những lời lẽ thuyết phục và những lý luận “có vẻ” khoa học, đây chắc chắn không phải là một giải pháp tin cậy để người bệnh trông vào. Ai cũng biết, một nửa chiếc bánh vẫn là chiếc bánh nhỏ nhưng một nửa sự thật không còn là sự thật. Bản tin này được tung ra vào khoảng năm 2011, không rõ nguồn gốc, nhưng đã nhanh chóng lan tràn trên các trang mạng và được trích dẫn lại bởi vô số trang tin thông tin y tế và không y tế, đến mức người ta phải dùng khái niệm “lan tràn như một virus“để nói về nó. Điều làm mọi người ”tin đến sái cổ” là do cái tên Johns Hopkins đi kèm. Mức ảnh hưởng của nó quá lớn đến mức chính Bệnh viện Johns Hopkins phải ra thông báo chính thức phủ nhận “tác quyền” của mình và yêu cầu mọi người góp sức ngăn chận việc lan truyền những thông tin sai lầm này.

(Xin xem thông tin chính thức tại: Thông báo của BV Johns Hopkins với các phân tích chi tiết về các thông tin sai lầm trong bản tin mạo danh)

Sự phản khoa học dưới cái vỏ khoa học

Không phải ai cũng tin một cách mù quáng vào các thông tin trên mạng, bên cạnh những trang tin chỉ đơn thuần sao chép và đăng lại “bản tin” này, có nhiều cá nhân tìm hiểu và phân tích các  dữ kiện để đánh giá tính xác thực và độ tin cậy của chúng. Thật vậy, người ta tin vào các thông tin này vì nhiều chi tiết được nêu ra là quá đúng và quá hiển nhiên như xạ trị và hóa trị gây hại tế bào máu chẳng hạn, hoặc xạ trị và hóa trị không làm mất khối u v.v… Những thông tin được đưa ra dễ được người ta chấp nhận vì:

  • Giải pháp điều trị của nó hợp tự nhiên, nhẹ nhàng và ít tốn kém
  • Giúp có một hy vọng mới cho những người đã thất bại với xạ trị và hóa trị
  • Cung cấp một thay thế dễ dàng cho những người đang khổ sở vì tác dụng phụ của xạ và hóa trị

Có khá nhiều người bệnh ung thư giai đoạn cuối mà các bác sĩ cho về để “uống thuốc nam”, một cách nói khác để xác nhận sự bất lực của mình. Trong trường hợp đó, việc thay đổi chế độ ăn hay bất cứ bài thuốc nào khác cũng sẽ là một cứu cánh, một tia hy vọng và không thể phủ nhận tác dụng tích cực của chúng trong trường hợp này. Ngược lại, khi người bệnh còn trong khả năng điều trị của y học hiện đại nhưng lại từ chối nó vì tin vào tác dụng thần kỳ của “một thực phẩm chức năng thần diệu”,“liệu pháp oxy tuyệt vời” hay “nước uống ion hóa/kiềm hóa”v.v… thì đó là một tội ác. Trên thực tế, ranh giới giữa cái tốt và cái xấu, kẻ giúp đỡ và người gây họa chỉ là một lằn ranh rất nhỏ mà không phải ai cũng nhìn thấy. Chúng ta không phủ nhận vai trò của một vài thực phẩm chức năng hay chất vi lượng bổ sung, cũng không dám phủ định hoàn toàn khả năng chống ung thư của một vài bài thuốc dân gian. Điều chúng ta cần làm là phải hiểu và nhận định rõ vai trò của khoa học và dân gian trong vấn đề này.

Điều trị khoa học và điều trị dân gian

Đã qua cái thời mà người bác sĩ phải mày mò điều trị bệnh nhân bằng những vị thuốc tự chế. Ngày nay, mỗi một phương pháp điều trị dù bằng thuốc hay mổ, xạ, hóa trị đều là kết quả của những quá trình nghiên cứu lâu dài dựa trên các bằng chứng cụ thể.

Một phương thuốc hay một phác đồ để có thể được áp dụng trên thực tế, cần có những yêu cầu sau:

  • Đạt được mục đích điều trị đề ra. Mục đích này có thể là trị khỏi căn bệnh, tiệt trừ tác nhân gây bệnh, kéo dài cuộc sống người bệnh, giảm thiểu triệu chứng người bệnh v.v…
  • Tác dụng này phải đạt được ở một tỷ lệ mong muốn, có thể lý tưởng như 100% nhưng đôi khi có thể chỉ ở một tỷ lệ khá thấp như 60, 70%.
  • Các con số được chứng minh bằng những nghiên cứu mang tính khách quan và có thể lập lại trong hoàn cảnh tương tự.
  • Việc điều trị đi kèm với các tác dụng phụ có thể chấp nhận được và không làm xấu hơn hay thay đổi tiên lượng của người bệnh

Để đảm bảo các tiêu chí này, một thuốc mới được đưa ra cần qua nhiều pha nghiên cứu từ phòng thí nghiệm, trên động vật, trên người tình nguyện trước khi nghiên cứu trên bệnh nhân và được chấp nhận thương mại hóa. Một phương pháp mổ mới cần xác lập tỷ lệ thành công, tỷ lệ biến chứng và tử vong, cũng như các ưu điểm và lợi thế so với phương pháp mổ hiện có. Một phác đồ hóa trị hay xạ trị ung thư được chấp nhận khi đạt được các yêu cầu của bác sĩ điều trị. Tùy theo bệnh, yêu cầu này có thể là khỏi bệnh hay chỉ là kéo dài thời gian sống còn. Hầu hết các phác đồ điều trị bệnh đều sinh ra từ sự đồng thuận của nhiều chuyên gia trong cùng lĩnh vực của các hiệp hội chuyên ngành. Nói cách khác, các bác sĩ biết mình làm gì và sẽ được gì để thông báo với người bệnh trước khi quyết định.

Ngược lại, các phương pháp điều trị ung thư dân gian hầu hết đều dựa vào những bài báo hay mẫu tin có công thức như sau:

“Anh… Nguyễn Văn A… bị bệnh… ung thư B… được chẩn đoán ở bệnh viện … C…. với X quang, siêu âm, thử máu v.v…… Sau khi bác sĩ chê và cho về nhà chờ chết, anh A đã thực hiện/uống  ….. phương pháp D/chất E ……Hiện nay, anh A đã khỏi bệnh hoàn toàn.”

(Hình ảnh: nguồn internet)

Bất chấp một vài ca “thành công”, vấn đề lớn nhất của các biện pháp điều trị dân gian là không có chứng cứ thuyết phục và chưa có cơ sở khoa học vững chắc. Anh Nguyễn Văn A có thực sự bị ung thư không? Hay thậm chí anh Nguyễn Văn A đó có tồn tại không hay chỉ là một nhân vật hư cấu? Những hướng dẫn điều trị đó xuất phát từ cơ sở nào và có ai nghiệm chứng hay không? Thật vậy, nếu phân tích sâu vào những thông tin ủng hộ điều trị dân gian đó, sẽ có trăm ngàn lỗ hổng. Vấn đề là người bệnh chỉ muốn tin mà không muốn bằng chứng.

Riêng về điều trị ung thư, đã có rất nhiều những câu chuyện như thế: dùng rong biển với Fucoidan, dùng lá đu đủ đực, dùng tỏi đen, dùng cây xạ đen, cây trinh nữ hoàng cung v.v… Có lẽ vẫn tồn tại những điều kỳ diệu và vẫn có những người đã khỏi bệnh ung thư nhờ những cây cỏ, lá thuốc này và ẩn sâu trong từng chiếc lá có thể là một hoạt chất chống ung thư nào đó mà chúng ta chưa biết đến, chỉ phát huy tác dụng trong một vài trường hợp hiếm hoi. Vì thế, việc sử dụng chúng rõ ràng chỉ mang tính cầu may thay vì là một biện pháp điều trị đáng tin cậy.

Bản tin giả mạo và các thực phẩm chức năng điều trị ung thư

“Bản tin của Johns Hopkins“ nhấn mạnh về việc sử dụng chế độ dinh dưỡng và các chất bổ sung để điều trị ung thư thay vì các biện pháp điều trị kinh điển. Không biết là vô tình hay cố ý nhưng bản tin này đã đẩy người bệnh rơi vào ma trận của những thực phẩm chức năng điều trị ung thư. Thật vậy, trên thị trường Việt Nam hiện nay, người bệnh tự đi tìm phương thuốc cho mình sẽ cảm thấy hoa mắt trước những thần dược Fucoidan từ rong biển Nhật Bản, Vidatox chiết xuất từ nọc bò cạp xanh, Curmasom chiết xuất từ củ nghệ giúp diệt tế bào ung thư và rất nhiều những thuốc khác. Người bệnh của chúng ta chỉ biết tin vào những câu chuyện mơ hồ, tin vào cái mác sản xuất ở Mỹ, Úc ….  mà không để ý đến những chi tiết xác thực:

  • Tất cả những thuốc này chỉ làm người bệnh “cảm thấy” khỏe, mà không có bằng chứng nào khác về việc trị khỏi ung thư hay cải thiện tiên lượng của người bệnh.
  • Nội dung được cấp phép “thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị ung thư” đã bị những “bác sĩ nhà thuốc tây” chế biến thành “thực phẩm chức năng điều trị ung thư” để lừa gạt người bệnh.
  • Ngay ở tại Mỹ, các thuốc này bị buộc phải in lên nhãn thuốc và chai thuốc thông tin ghi rõ: Thuốc chưa được đánh giá bởi FDA. Thuốc không được dùng để chẩn đoán hay điều trị bất cứ bệnh nào.

Vì những tác hại có thể gây ra bởi “bản tin“ này, Bệnh viện Johns Hopkins phải đưa ra những lời giải thích về những luận điểm sai lầm của nó.

  • Ai cũng có thể có tế bào ung thư: Điều này đúng vì trong sự phát triển của hàng tỷ tỷ tế bào trong cơ thể, dưới ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài, việc xuất hiện một vài sản phẩm lỗi hay tế bào bất thường là rất phổ biến. Tuy nhiên, cơ thể có những cơ chế  tự điều chỉnh để lập tức loại bỏ những tế bào bất thường này mà không bao giờ đưa đến ung thư. Mặt khác, nhiều loại ung thư có thể trị khỏi hoàn toàn chứ không phải là vẫn còn nhiều tế bào ung thư tiềm ẩn như bản tin gây ngộ nhận.
  • Miễn dịch mạnh giúp điều trị ung thư: Các nhà chuyên môn cho biết ung thư chẳng liên quan đến việc hệ niễn dịch mạnh hay yếu mà căn bản là hệ miễn dịch có nhận biết được các tế bào lạ hay không. Bằng nhiều cơ chế khác nhau, một số tế bào ung thư có thể tìm cách ẩn nấp và lẫn tránh khỏi tác dụng điều chỉnh của hệ miễn dịch. Nhiều nghiên cứu đang tập trung vào việc cải thiện khả năng nhận diện ung thư của hệ miễn dịch và đã đạt được một số thành công bước đầu trong việc tạo ra vaccine cho ung thư tiền liệt, tụy và một vài loại ung thư máu.
  • Xạ trị và hóa trị làm hại các tế bào lành: Trên thực tế, ngành Y đã và đang đưa ra những phác đồ điều trị hạn chế tác hại cho các tế bào khỏe mạnh mà chỉ chọn lọc vào các tế bào ung thư. Việc vơ đũa cả nắm khi cho rằng xạ trị, hóa trị LUÔN làm hại cơ thể MỘT CÁCH NẶNG NỀ đã làm tăng thêm sự e ngại của bệnh nhân đối với các phương thức điều trị này.
  • Ung thư và chế độ ăn: Trong khi đúng là một vài loại ung thư có liên quan đến chế độ ăn, việc đề cao vai trò của dinh dưỡng trong bản tin là không đúng. Bác sĩ Elizabeth Platz của Johns Hopkins cho biết: đường, sữa, muối, thịt, chocolate, trà , café … đều an toàn đối với bệnh nhân ung thư. Vấn đề nếu có, là một chế độ ăn không an toàn làm tăng nguy cơ béo phì, một yếu tố góp phần tăng rủi ro bị ung thư. Nói chung, một chế độ ăn cân bằng tránh được béo phì kết hợp với chế độ vận động hợp lý và hạn chế rượu có thể giúp ngừa được khoảng 1/3 số bệnh ung thư.

Trong khi các vitamin và các chất bổ sung dinh dưỡng có thể giúp ích cho những người BỊ THIẾU HỤT, việc sử dụng chúng không đem lại ích lợi gì cho các người bệnh có chế độ ăn cân bằng và đầy đủ.

Người bệnh nên làm gì?

Các bác sĩ không bài xích các phương thuốc dân gian điều trị ung thư. Trong nhiều trường hợp, họ còn chủ động phổ biến hoặc hướng dẫn các bệnh nhân về các bài thuốc này. Điểm khác biệt duy nhất là các bác sĩ biết được khi nào nên dùng và điều gì là tốt cho bệnh nhân ở các thời điểm khác nhau. Các biện pháp điều trị kinh điển như xạ, hóa, phẫu thuật có thể kém hiệu quả khi bệnh nhân đến quá trễ nhưng trong nhiều trường hợp khác, chúng có thể là giải pháp hữu hiệu giúp bệnh nhân khỏi bệnh hoàn toàn. Vì thế, người bệnh hoặc người thân cần tỉnh táo để hiểu rõ tình trạng bệnh của mình và những lựa chọn khác nhau trong điều trị. Đừng bao giờ từ bỏ một phương pháp điều trị kinh điển được đề nghị để đi theo một chọn lựa nhẹ nhàng như ăn kiêng hay dùng thuốc bổ. Đôi lúc, việc chậm trễ điều trị có thể phải trả giá bằng mạng sống hay mất đi khoảng thời gian quý báu còn lại. Mặt khác, việc kết hợp các phương thuốc dân gian thường là được chấp nhận nếu không gây ảnh hưởng đến các phác đồ điều trị. Trong mọi trường hợp, đừng lẳng lặng thực hiện mà nên trao đổi thẳng thắn với bác sĩ về vấn đề này.

(Hình ảnh: nguồn internet)

Mặt khác, ở các nước phương tây, việc không ngừng xác lập các phương thuốc, các phác đồ điều trị mới có hiệu quả là nhờ một phần rất lớn vào các thử nghiệm lâm sàng. Thật vậy, lấy bệnh ung thư làm ví dụ, khi các điều trị thông thường không hiệu quả, thay vì “về uống thuốc nam = không làm gì nữa” như ở ta, các bệnh nhân Âu Mỹ thường tìm hiểu về các thử nghiệm lâm sàng ở nhiều trung tâm nghiên cứu khác nhau để đăng ký tham gia. Việc đăng ký tham gia thử nghiệm lâm sàng không chỉ là chỗ bám víu cuối cùng của người bệnh mà còn là con đường để tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả hơn trong tương lai. Không phải mọi thử nghiệm lâm sàng đều thành công mà ngược lại, phần lớn các thử nghiệm có kết quả thất bại hoặc không đáng lạc quan. Tuy vậy, những thử nghiệm thành công sẽ giúp các nhà nghiên cứu định hướng cho các thử nghiệm tương tự cho đến khi đạt được mục đích điều trị. Xét về mặt nào đó, các bệnh nhân này đã tự nguyện cống hiến một phần cuộc đời mình cho sự nghiệp bảo vệ sức khỏe của nhân loại.

TS.BS Võ Xuân Quang

Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin

___________________________________________________________________________________

Quý khách vui lòng liên hệ số điện thoại 0933 668 827 hoặc email CS@khamonline.com để đặt hẹn và được tư vấn.



ĐỐI TÁC CỦA CHÚNG TÔI

KhamOnline