THÔNG TIN Y KHOA | NỘI TỔNG QUÁT
Oanh Vàng Không Thánh Thót
Khàn tiếng không chị gây bất tiện hay khó chịu trong cuộc sống của một số người, khan tiếng còn là dấu hiệu của một số bệnh lý, trong đó có những bệnh nguy hiểm như lao dây thanh, ung thư,… Nếu bị khàn tiếng bạn nên tìm hiểu rõ nguyên nhân và chữa trị.
Có người sinh ra đã có giọng nói ngọt ngào như chim hót, thỏ thẻ như oanh vàng. Nếu là giới nam thì cũng chẳng ảnh hưởng gì mấy, nhưng một cô gái sở hữu giọng khàn ắt hẳn sẽ thấy ít nhiều mặc cảm hoặc khó chịu.
(Ảnh minh họa: Nguồn Internet)
Lại có những ca sĩ, những người làm nghề phát thanh viên hẳn hoi, một ngày xấu trời bỗng nhận ra mình bị mất tiếng hoặc khàn tiếng, như nhân vật Johnny Fontane trong tác phẩm “Bố Già”. Còn gì đau lòng hơn khi sự đam mê và nguồn sống của mình bị đe dọa? Mà càng nỗ lực gào lên để mọi người nghe thấy, cổ họng càng đau, tiếng càng khàn. Nguyên nhân vì đâu.
Nguyên nhân khàn tiếng
Thực ra, khàn tiếng là triệu chứng không đặc hiệu của nhiều bệnh ở thanh quản, từ những polyp lành tính đến những khối ung thư đe dọa đến tính mạng. Triệu chứng của khàn tiếng rất dễ nhận thấy nhưng nhiều người không để ý, đến khi bệnh nặng, gây nhiều biến chứng nguy hiểm mới tìm đến thầy thuốc.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến khàn tiếng, nhưng tựu chung có thể phân ra làm 2 nhóm, một là do tổn thương trên dây thanh, hai là nguyên nhân từ hệ thần kinh.
Tổn thương trên dây thanh cũng có nhiều dạng. Có thể đơn giản chỉ là viêm mãn, hạt xơ, nang nước hay polyp dây thanh. Nếu nội soi sẽ thành những tổn thương tại chỗ như viêm mạn tính (làm dây thanh dày và cứng, rung động kém), hạt xơ dây thanh, polyp dây thanh, u nang dây thanh … Nhưng việc tổn thương dây thanh cũng có thể do những nguyên nhân khác trầm trọng hơn như lao thanh quản – khi nội soi có thể thấy tổn thương sùi, loét, giả mạc trắng, bề mặt tổn thương “dơ” và các hạt lao trên dây thanh, thường có kèm theo lao phổi – hoặc thậm chí ung thư dây thanh. Với ung thư dây thanh, việc nội soi có thể phát hiện u, sùi niêm mạc dây thanh, giai đoạn trễ có thể ung thư xâm lấn vào xoang lê, thực quản gây nuốt đau, nuốt vướng. U chèn ép vào khí quản gây khó thở.
Về hệ thần kinh, tình trạng tổn thương dây thần kinh quặt ngược gây liệt dây thanh khá thường gặp. Nguyên nhân là do viêm, sau mổ bướu cổ, sau chấn thương thanh quản, mổ ngực, u trung thất, u phổi di căn trung thất gây xâm lấn, chèn ép … Bệnh nhân sẽ thấy bị khàn tiếng, phát âm bé, phát âm khó khăn rồi không phát âm được, không khó nuốt. Ngoài ra, các bệnh lý khác cũng gây khàn giọng như u thực quản, hạch ở quanh khí phế quản, phình tách động mạch chủ, u tuyến giáp trạng. Thường bệnh phát triển âm thầm hay rầm rộ, nhưng khi gây khàn tiếng là thường giai đoạn cuối, bệnh tiến triển rất nặng, tiên lượng xấu. Khi nội soi sẽ thấy một bên dây thanh không cử động. Khi liệt lâu, dây thanh teo lại, sụn phễu lệch sang bên.
(Ảnh minh họa: Nguồn Internet)
Tổn thương não gây liệt dây thanh cũng gây nên khàn tiếng. Bệnh nhân thường lâm vào tình trạng này do các bệnh u não, tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não, viêm não, làm tổn thương vùng Broca. Bệnh nhân thường nói ngọng, nói khó và mất tiếng, kèm theo liệt họng, liệt màn hầu cùng với các triệu chứng thần kinh như liệt nửa người, có khi hôn mê. Nội soi sẽ phát hiện liệt dây thanh một hoặc hai bên tùy theo bệnh lý thần kinh.
Nội soi thanh – khí quản bằng ống mềm
Đây là một phương pháp thăm khám trực tiếp hệ thống thanh quản nhờ vào một ống soi mềm rất nhỏ (Như cây viết chì) qua mũi (miệng) vào thanh quản. Nhờ quan sát hình ảnh trên máy soi và đánh giá hoạt động thanh môn, bác sĩ có thể biết được bất thường đang xảy ra trên dây thanh và các vùng lân cận như vòm hầu, họng, amidan, xoang lê hai bên, miệng thực quản. Với các tổn thương nghi lao, ung thư, nhiễm nấm …, qua ống mề, bác sĩ sẽ sinh thiết tổn thương vừa quan sát thấy. Từ đó, có được chẩn đoán chính xác và phương pháp điều trị thích hợp.
(Ảnh minh họa: Nguồn Internet)
Hiện nay, tổn thương trên dây thanh thường được chẩn đoán và điều trị bằng phẩu thuật, bệnh nhân sẽ được gây mê, soi treo bằng ống cứng để sinh thiết, cắt hạt, polyp, nang nước. Bệnh nhận phải chịu nhiều áp lực từ việc “mổ xẻ”, mất nhiều công sức vì phải nhập viện, chuẩn bị xét nghiệm trước mổ.
Áp dụng kỹ thuật mới trong nội soi chẩn đoán – điều trị các bệnh lý vùng thanh quản, nội soi ống mềm đã phát huy được vai trò tối ưu trong việc phát hiện và điều trị các bệnh lý ở hai dây thanh.
Ngoài ra, nội soi ống mềm có thủ thuật nhẹ nhàng, không đau, nhanh chóng, hình ảnh nội soi cực kỳ rõ nét. Qua nội soi ống mềm, nguyên nhân gây khàn tiếng sẽ rất rõ. Sinh thiết qua nội soi ống mềm giúp tìm nguyên nhân bệnh của các tổn thương trên dây thanh.
Chưa kể nội soi thanh quản ống mềm còn đi một bước xa hơn, điều trị bệnh lý vùng thanh quản, cắt hạt xơ trên dây thanh, cắt polyp, nang nước trên dây thanh, hay polyp vùng thanh quản… Với thủ thuật này, bệnh nhân không cần nhập viện, thời gian thực hiện chỉ mất khoảng 10 phút, bệnh nhân ra về ngay vì không cần gây mê. Thủ thuật nhẹ nhàng, chính xác, không đau, hiểu quả rất cao, không cần kiêng nói sau thủ thuật. Giá cả thủ thuật hoàn toàn phù hợp với mọi người và hầu như không biến chứng.
Khi có dấu hiệu khàn tiếng trên 2 tuần, đã dùng thuốc, nghỉ ngơi vẫn không hết, nên đến bác sĩ nội soi ống mềm để chẩn đoán nguyên nhân.
Các trường hợp khàn tiếng lâu ngày không hết, khi nói bị mệt, đứt hơi, nặng ngực … có nhiều khả năng bị hạt xơ dây thanh, polyp dây thanh, nang dây thanh … chỉ cần cắt qua nội soi ống mềm sẽ khỏi hẳn.
Các bệnh nhân lớn tuổi, có tiền sử hút thuốc lá, khi có dấu hiệu khàn tiếng cần đến bác sĩ nội soi chẩn đoán sớm để phòng ngừa trường hợp ung thư dây thanh, vì khi phát hiện sớm, điều trị bằng phẫu thuật cắt u và xạ trị, bệnh gần như khỏi.
Cách phòng ngừa khàn tiếng tốt nhất là tránh viêm họng, hạn chế nói nhiều, nói lớn, hãy nói không với thuốc lá, các chất kích thích, rượu bia.
Cuối cùng khi bị khàn tiếng kéo dài, cách tốt nhất là tìm đúng nguyên nhân gây khàn tiếng bằng nội soi để có phương pháp điều trị thích hợp.
Bác sĩ Phạm Thị Vân Thanh
___________________________________________________________________________________
Quý khách vui lòng liên hệ số điện thoại 0933 668 827 hoặc email CS@khamonline.com để đặt hẹn và được tư vấn.