THÔNG TIN Y KHOA | NỘI TỔNG QUÁT
Mối Liên Quan Giữa Đái Tháo Đường Và Gout
Người bị đái tháo đường type 2 thì nguy cơ bị gout cao hơn và ngược lại. Gout làm tăng rủi ro bị bệnh đái tháo đường.
Gout là dạng viêm khớp, đột ngột gây phù nề và đau ở các khớp. Biểu hiện đầu tiên là ở khớp ngón chân cái, tuy nhiên cũng xảy ra ở các khớp khác. Thường là rất đau.
Một số điều kiện làm tăng nguy cơ bị cả đái tháo đường và gout, nhưng bạn có thể kiểm soát được phần nào.
Nguyên nhân gây bệnh gout
Gout xảy ra do sự tích tụ acid uric trong máu (bệnh tăng acid uric máu). Acid này là sản phẩm do phân hủy purine, là chất hiện diện trong các mô của cơ thể và thực phẩm. Thông thường, acid này sẽ hấp thu vào máu, qua thận và thải ra ngoài qua đường tiểu.
Nếu cơ thể thừa acid uric hoặc thận thải không hết thì nồng độ acid uric trong máu sẽ tăng vọt. Theo thời gian, acid uric sẽ hình thành tinh thể và tích tụ ở các khớp và mô mềm. Đây là nguyên nhân gây đau khớp.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Cơn đau đầu tiên của gout thường kéo dài từ 7-10 ngày. Ước tính khoảng 85% người bị đợt gout đầu tiên sẽ tái phát trong vòng 3 năm. Bệnh gout có yếu tố gia đình. Do đó, nếu cha mẹ hoặc anh chị em bị gout thì bạn cũng có nguy cơ bị.
Liên quan giữa gout và đái tháo đường
Người đái đường type 2 thường có nồng độ acid uric trong máu cao. Ngược lại, người bị gout và có nồng độ acid uric trong máu cao thường dễ bị đái tháo đường. Tuy nhiên, không phải người nào có nồng độ acid uric trong máu cao cũng bị gout, nhưng nếu acid uric tiếp tục tăng cao thì nguy cơ bị gout sẽ cao.
Đái tháo đường type 2 là do cơ thể không dùng được insulin và đường ứ lại trong máu cao thay vì di chuyển vào các tế bào. Trường hợp này gọi là đề kháng insulin. Nghiên cứu cho thấy, đề kháng insulincó vai trò trong dẫn đến bệnh gout còn tăng acid uric trong máu lại làm tình trạng đề kháng insulin nặng hơn.
Một nghiên cứu vào năm 2010 được xuất bản trên The American Journal of Medicine đã kiểm tra hàng ngàn người tham gia và con cái của họ. Các nghiên cứu viên phát hiện, người có nồng độ acid uric trong máu cao thì nguy cơ đái tháo đường cũng cao.
Một nghiên cứu năm 2014 trên the Annals of the Rheumatic Diseases phát hiện sự liên quan giữa bệnh gout và đái tháo đường rõ rệt hơn ở phụ nữ. Các nhà nghiên cứu cho biết, phụ nữ bị gout có 71% nguy cơ bị đái tháo đường so với người bình thường.
Các nguyên nhân khác:
- Béo phì. 90% ca đái tháo đường type 2 xảy ra ở người quá cân hoặc béo phì. Người béo phì có nguy cơ bị gout cao gấp 4 lần so với người có thể trạng trung bình. Cân nặng thừa làm thận giảm khả năng thải acid uric.
- Tình trạng sức khỏe. Khoảng 80% người đái tháo đường type 2 bị cao huyết áp. Tình trạng này dẫn đến tăng acid uric và đề kháng insulin. Ngoài ra, gout và đái tháo đường cũng gây biến chứng ở thận và tim mạch.
- Tuổi tác. Người trên 45 thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị hai bệnh này.
Tác nhân kích thích gây bệnh gout
Một vài tác nhân gây bệnh ở người này nhưng không hẳn gây bệnh ở người kia. Tuy nhiên thông thường là do:
- Uống nhiều rượu, nhất là bia và rượu mạnh.
- Thực phẩm giàu purine như thịt đỏ, nội tạng (gan) và hải sản.
- Soda có đường và thực phẩm chứa đường fructose.
- Thuốc điều trị cao huyết áp, phù chi và suy tim.
- Nhịn ăn và mất nước.
Nếu nghi ngờ các tác nhân gây kích thích bệnh gout, hãy tư vấn với bác sĩ để phòng tránh.
Điều trị bệnh gout
Với người đái tháo đường type 2, nên giữ acid uric bằng hay dưới 6mg/dl để giảm các biến chứng. Có thể tư vấn với bác sĩ làm xét nghiệm máu để biết rõ nồng độ acid uric của mình.
Ngoài ra, bác sĩ có thể kê toa thuốc giúp giảm acid uric hoặc hỗ trợ thận thải nhiều hơn.
Điều trị:
- Với thuốc Uricosuric giúp cơ thể thải trừ acid uric.
- Thuốc ức chế Xanthine oxidase giúp cơ thể giảm sản xuất acid uric.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Nếu đang giai đoạn cấp, một số thuốc có thể giúp giảm đau, giảm phù như:
- Colchicine, là loại thuốc điều trị gout cổ điển, sẽ đạt hiệu quả tốt nhất nếu dùng ngay lúc đó. Thuốc thường gây tác dụng phụ về dạ dày, tuy nhiên cũng gây một số tác dụng phụ khác nữa.
- Corticosteroids như prednisone, có thể dùng bằng đường uống hoặc tiêm trực tiếp vào khớp. Một số dạng thuốc tiêm khác có thể giúp cơ thể tự sản xuất corticosteroids.
- Thuốc kháng viêm không steroid như ibuprofen, naproxen. Không nên dùng aspirin vì có thể làm đau nặng hơn.
Kiểm soát bệnh gout và đái tháo đường
Thay đổi lối sống có thể giúp giảm acid uric cũng như kiểm soát được đường huyết.
Kiểm soát chế độ ăn: Dinh dưỡng đóng vai trò chính giúp kiểm soát tốt 2 bệnh lý trên. Ngoài chế độ ăn cho người đái tháo đường, cần lưu ý thêm:
- Cắt giảm các thực phẩm giàu purine như thịt đỏ, hải sản.
- Hạn chế bia rượu để phòng tái phát.
- Tăng cường các sản phẩm từ sữa như sữa ít béo hoặc yogurt ít béo giúp chống lại bệnh gout.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Tốt nhất là nên tư vấn với chuyên gia dinh dưỡng để có chế độ ăn uống phù hợp.
Vận động: Tập thể dục thường xuyên giúp kiểm soát đường huyết, giảm cân cũng như tăng thải trừ acid uric. Hãy tư vấn với bác sĩ để có chế độ tập luyện phù hợp.
Tránh mất nước: Uống nhiều nước sẽ giúp cơ thể thải trừ acid uric và giúp thận làm việc tốt. Lý tưởng là uống khoảng 2 lít nước mỗi ngày (khoảng 8 ly nước), uống nhiều hơn nếu có tập thể dục.
Kiểm soát các bệnh lý khác: Cao huyết áp, bệnh thận và béo phì có thể làm tăng acid uric và gây đợt gout cấp. Nếu có bất kỳ các bệnh lý trên, hãy chắc chắn là bạn có đi khám bác sĩ và tuân thủ phác đồ điều trị.
Nhóm Biên Dịch Y Khoa, Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin
Nguồn WebMD
(Bản quyền các bài dịch thuộc về các dịch giả và yersinclinic.com. Mọi hành vi đăng lại, trích dẫn phải ghi rõ nguồn yersinclinic.com)
___________________________________________________________________________________
Quý khách vui lòng liên hệ số điện thoại 0933 668 827 hoặc email CS@khamonline.com để đặt hẹn và được tư vấn.