THÔNG TIN Y KHOA | NỘI TỔNG QUÁT
Làm sao bảo vệ thận khi bị đái tháo đường
Với bệnh nhân đái tháo đường, chăm sóc thận là điều quan trọng vì thận đảm đương công việc rất quan trọng là lọc máu và đưa các chất thải ra ngoài. Đái tháo đường có thể làm tổn thương, ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của thận và cũng là nguyên nhân chính gây suy thận.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Đái tháo đường gây biến chứng ở thận như thế nào?
Bị đái tháo đường có nghĩa là đường trong máu cao. Khi đó, thận phải làm việc vất vả hơn để lọc máu. Theo năm tháng, do tăng cường làm việc quá nhiều, thận sẽ bị tổn thương gây rò rỉ một lượng nhỏ protein vào trong nước tiểu.
Tổn thương ngày một nặng dần và rò rỉ nhiều protein hơn vào nước tiểu. Lúc này, huyết áp sẽ có chiều hướng tăng dần, các chất thải cũng tích tụ dần trong máu. Nếu không điều trị, chức năng hoạt động của thận sẽ bị suy yếu. Một khi thận bị suy hoàn toàn thì người bệnh cần phải lọc máu qua máy (chạy thận nhân tạo) hoặc ghép thận.
Biểu hiện triệu chứng khi thận bị tổn thương.
Bệnh thận thường rất ít triệu chứng cho đến khi thận ngưng hoạt động.
Một trong những dấu hiệu sớm nhất của bệnh thận là ứ dịch. Trên lâm sàng có biểu hiện phù mắc cá chân, tăng cân và tiểu thường xuyên hơn. Kèm theo đó có thể có triệu chứng khó ngủ hoặc khó tập trung. Có thể có biểu hiện dạ dày khó chịu, không có cảm giác đói hoặc thấy mệt mỏi.
Tuy nhiên các triệu chứng này thường không đặc hiệu. Đó là lý do vì sao người đái tháo đường cần đi khám thường xuyên để làm xét nghiệm đánh giá chức năng thận.
- Huyết áp: Cao huyết áp có thể là biểu hiện của bệnh lý ở thận. Mỗi lần khám đều có đo huyết áp, sau đó bác sĩ sẽ tư vấn về chỉ số phù hợp với sức khỏe.
- Xét nghiệm máu: xét nghiệm eGFR để đánh giá chức năng lọc của thận.
- Xét nghiệm nước tiểu: để kiểm tra nồng độ protein, creatinin và albumin nhằm phát hiện tổn thương thận.
Điều trị
Nếu bị đái tháo đường kèm tổn thương thận, người bệnh cần thực hiện vài điều để điều trị cũng như ngăn ngừa biến chứng nặng thêm.
- Thay đổi lối sống: Chọn thực phẩm tốt cho sức khỏe và tập thể dục thường xuyên sẽ giúp cải thiện nồng độ đường trong máu, huyết áp cũng như cholesterol. Vì các thủ phạm này là nguyên nhân khiến thận phải làm việc nhiều hơn. Có thể bác sĩ sẽ đề nghị cắt giảm protein, muối và chất béo trong khẩu phần ăn. Hơn thế, người bệnh cần hạn chế bia rượu và bỏ hút thuốc.
- Thuốc: Một số thuốc ức chế sẽ giúp kiểm soát huyết áp cũng như làm chậm tiến trình tổn thương thận cho người đái tháo đường. Thận trọng khi dùng thuốc giảm đau. Nhiều thuốc kháng viêm không steroid như ibuprofen hoặc naproxen, nếu uống mỗi ngày sẽ có nguy cơ gây tổn thương thận.
- Theo dõi: Kiểm tra huyết áp thường xuyên tại nhà cũng là phương pháp kiểm tra bệnh đái tháo đường. Và tất nhiên theo dõi sát huyết áp để kiểm soát và có hướng điều trị sớm.
Nhóm Biên Dịch Y Khoa, Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin
Nguồn WebMD
(Bản quyền các bài dịch thuộc về các dịch giả và yersinclinic.com. Mọi hành vi đăng lại, trích dẫn phải ghi rõ nguồn yersinclinic.com)
___________________________________________________________________________________
Quý khách vui lòng liên hệ số điện thoại 0933 668 827 hoặc email CS@khamonline.com hay Đăng ký qua link: https://goo.gl/TNGSa8 để đặt hẹn và được tư vấn.