THÔNG TIN Y KHOA | NỘI TỔNG QUÁT
Tầm sớm hơn trị muộn
Người xưa nói, "phòng bệnh hơn chữa bệnh". Các nhà nghiên cứu y học ngày nay nói thêm, "tầm sớm hơn trị muộn". Ngoài việc phòng ngừa bệnh tật, chúng ta còn cần tìm ra bệnh trước khi chúng tác oai tác quái.
Cái tin cô giáo S.C mất đột ngột khiến sinh viên khoa báo chí trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn bàng hoàng. Các giảng viên và giới báo chí đồng nghiệp thì thương xót vô hạn, bởi cô ra đi khi còn rất trẻ. Nhiều người biết chuyện tiếc nuối, giá như đi tầm soát sức khoẻ định kỳ, biết đâu cô đã phát hiện bệnh sớm!
Từ chuyện cá nhân
Nhưng "tầm soát sức khoẻ định kỳ" là một cụm từ vẫn còn xa lạ đối với đa số người dân Việt Nam chúng ta. Thậm chí ngay cả khi cơ thể có những dấu hiệu cảnh báo, nhiều người vẫn thường "cho qua" và chỉ đến bệnh viện khám khi "chịu hết nổi". Lúc đó thường thì đã muộn, việc chữa trị tốn rất nhiều công sức, thời gian và tiền của.
Có rất nhiều lý do để bỏ qua việc tầm soát sức khoẻ định kỳ, nào là không có thời gian, nào ngại ngùng e dè, nhất là đối với chị em phụ nữ khi khám phụ khoa hoặc quý ông khi tầm soát ung thư tuyến tiền liệt. Tiếp theo đó là nỗi sợ, sợ đau, sợ nhìn thấy máu…, thậm chí có những lý do rất chung chung như… sợ bệnh viện, sợ… khám xong "ra" bệnh!
Tuy nhiên, lý do thực sự đằng sau đó là chúng ta còn quá thờ ơ với sức khoẻ bản thân. Người còn trẻ thì cho rằng mình đang sức trẻ, không bệnh tật nào đụng đến được. Người lớn tuổi lại cho rằng chưa có bệnh mà đi khám là tốn tiền, xa xỉ. Thế nhưng, những năm gần đây, số người trẻ mắc bệnh nan y ngày một tăng nhanh, và có những bệnh tiềm ẩn mà chỉ bùng phát khi đã "hết thuốc chữa". Những triệu chứng như mệt mỏi, nhức đầu, đau ngực, đánh trống ngực… thường bị phớt lờ hoặc chỉ đơn giản đổ lỗi cho trời nắng, nóng, công việc căng thẳng…, cùng lắm ra hiệu thuốc mua vài viên thuốc do… các cô bán thuốc "kê đơn", thế là xong.
Đến tầm xã hội
Về mặt xã hội, xét riêng khía cạnh bảo hiểm y tế, chúng ta cũng có thể thấy còn chút bất cập. Bảo hiểm y tế chỉ chi trả cho các trường hợp khám chữa bệnh, không được chi trả khi khám tầm soát bệnh. Luật bảo hiểm y tế không cho phép thanh toán các trường hợp khám sức khỏe định kỳ, làm các xét nghiệm chẩn đoán bệnh tật để phòng ngừa. Như thế, có thể thấy, quỹ bảo hiểm y tế chỉ mới dừng ở việc trị bệnh, chưa chi cho chuyện ngừa bệnh tật.
Ngay cả công tác y tế dự phòng ở nhiều địa phương cũng còn sơ sài. Việc quảng bá tuyên truyền phòng ngừa bệnh trong khu dân cư cũng còn rất hạn chế, nơi có nơi không. Đơn giản như việc phân phát thuốc sát khuẩn Cloramin B trong tình trạng dịch tay chân miệng đang bùng phát, bên cạnh một số nơi được phát thuốc tận nhà vẫn còn nhiều nơi, người dân tìm đến tận trạm y tế cũng không có thuốc.
Một mặt cũng khá tích cực của vấn đề là quy định về sử dụng lao động, trong đó bắt buộc người sử dụng lao động phải có chương trình khám sức khoẻ cho người lao động. Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp chỉ làm việc này chiếu lệ để "đối phó" với quy định của nhà nước, và dĩ nhiên việc khám qua loa sơ sài sẽ không thể giúp phát hiện các bệnh tiềm ẩn, đặc biệt là những bệnh hiểm. Đó là chưa kể, một số cá nhân tuy được đãi ngộ khám sức khoẻ định kỳ nhưng lại vẫn quay về những lý do phía trên để "trốn" buổi khám định kỳ.
Ý thức sức khoẻ
Như thế, có thể thấy mấu chốt quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi người. Mỗi con người, mỗi gia đình là một tế bào của xã hội, và tế bào đó có sức khoẻ tốt thì cộng đồng mới khoẻ mạnh. Chúng ta cần quan tâm, tôn trọng sức khoẻ bản thân và gia đình nhiều hơn. Phải đưa kế hoạch chăm sóc sức khoẻ định kỳ vào lịch sinh hoạt của gia đình, từ những việc đơn giản và tỉ mỉ như cạo vôi răng, uống thuốc tẩy giun, vệ sinh khử trùng nhà... đến những việc phức tạp và mang tính tổng thể hơn, như tầm soát cholesterol, tiểu đường, ung thư...
Tạo một thói quen không phải dễ, nhưng đến một lúc nào đó, bạn sẽ thấy “áy náy” với bản thân mình và không khỏi có chút lo lắng khi vì lý do nào đó, bạn không (chưa) thể đi khám sức khoẻ đúng kỳ đã định. Lúc đó, bạn đã thực sự thành công trong việc thay đổi ý thức bản thân!
10 việc nên làm khi bạn 20 tuổi trở lên:
- Đo huyết áp: Có thể tự làm tại nhà, và nên làm thường xuyên.
- Đo mức cholesterol: Bạn nên thử cholesterol ít nhất 5 năm một lần và nên làm thường xuyên hơn nếu có các yếu tố nguy cơ.
- Đi nha sĩ: Bạn nên khám và cạo vôi răng từ 6 tháng đến 1 năm 1 lần.
- Thử tiểu đường: Ít nhất 1 năm 1 lần, bạn nên thử mức độ glucose trong máu lúc đói để phát hiện sớm bệnh tiểu đường.
- Kiểm tra ngực: Các bạn nữ nên tự khám ngực mỗi tháng một lần và đi siêu âm ngực ít nhất 1 năm 1 lần.
- Khám phụ khoa và phết tế bào tử cung: Bạn nên khám phụ khoa ít nhất 1 năm 1 lần, và nên phết tế bào tử cung (pap's mear) mỗi lần khám phụ khoa hoặc ít nhất 3 năm 1 lần.
- Kiểm tra tinh hoàn: Nam giới nên kiểm tra tinh hoàn thường xuyên. Nếu thấy đau, có cục hoặc thay đổi kích thước, bạn nên thăm khám bác sĩ ngay.
- Tầm soát ung thư da: Nên khám da liễu 1 năm 1 lần để bác sĩ kiểm tra loại trừ các nguy cơ.
- Khám mắt: Nên khám mắt ít nhất 2 năm 1 lần hoặc thường xuyên hơn nếu có vấn đề về thị lực
Bài: Bác sĩ Trần Minh Hoàng