THÔNG TIN Y KHOA | NỘI SOI - TIÊU HÓA

Nỗi ám ảnh nội soi

Ngoài nỗi sợ về sự đau đớn, khó chịu trong khi làm nội soi, bệnh nhân còn một nỗi lo lắng ngấm ngầm: Nội soi có nguy hiểm không? Câu trả lời là “không", nếu...

Câu chuyện về một kỳ thủ trẻ gặp tai biến trong khi nội soi được đăng trên khắp mặt báo và trở thành chuyện truyền miệng để “cảnh báo” nhau khi nhắc đến thủ thuật nội soi. Không thể phủ nhận, dù không phải là phẫu thuật nhưng nội soi vẫn có một số nguy cơ. Tuy nhiên, nếu có sự chuẩn bị và kỹ thuật tốt, nội soi sẽ trở về đúng bản chất của nó, an toàn, nhẹ nhàng. Điều này đòi hỏi kiến thức của cả người thực hiện thủ thuật lẫn bệnh nhân.


Bệnh nhân: Chớ quên, đừng ngại!


Dạo qua các diễn đàn trên mạng, dễ nhận thấy có nhiều ý kiến cho rằng nội soi là một cực hình bên cạnh những lời khẳng định nội soi “không có gì ghê gớm”. Trên thực tế, một buổi khám nội soi cần được chuẩn bị chu đáo và cần có sự tham gia của nhiều người, kể cả chính bạn. Nội soi có thể an toàn trong 99% trường hợp, nhưng bạn vẫn có thể rơi vào 1% rủi ro gặp phải tai biến, hay thậm chí tử vong vì những nguyên nhân hết sức... lãng xẹt. Vì vậy, bạn cần chuẩn bị thấu đáo về kiến thức, tinh thần và cả thể chất để trải qua cuộc nội soi một cách nhẹ nhàng, dễ dàng.


Trước hết, bạn phải nhớ làm đúng lời dặn dò của bác sĩ. Phải nhịn ăn uống trước khi thực hiện thủ thuật ít nhất 8 tiếng. Nếu bạn đã ăn, bạn sẽ dễ nôn ói, dễ bị sặc, thức ăn vào đường thở sẽ cực kỳ nguy hiểm. Hơn nữa, thức ăn sẽ che tầm nhìn của bác sĩ và dễ khiến bác sĩ bỏ sót những tổn thương, như thế thì soi cũng vô ích mất rồi.
Bạn cũng đừng quên “khai báo” nếu mình có mang răng giả. Răng có thể rơi vào phổi bạn trong khi gây mê, hậu quả thế nào thì có lẽ không cần miêu tả, bạn cũng có thể hình dung được. Và nếu có tiền sử dị ứng thuốc tê, bạn nhớ nhắc bác sĩ kẻo bạn có khả năng bị choáng phản vệ trong khi tiến hành thủ thuật.


Nguy hiểm hơn, nếu có tiền sử dùng thuốc kháng đông mà quên không cho bác sĩ biết, bạn có thể bị chảy máu không cầm được khi làm nội soi. Riêng đối với soi đại tràng, bạn đừng ngại mà không uống đủ lượng thuốc rửa được kê đơn, vì điều này khiến trong ruột bạn còn ứ nhiều dịch, việc soi sẽ rất khó khăn.


Hãy thả lỏng cơ thể và làm theo chính xác những hướng dẫn của bác sĩ, bạn sẽ không cảm thấy quá khó chịu hay đau đớn gì cả.


Bác sĩ: chu đáo, cẩn thận


Để đảm bảo thực hiện thủ thuật nội soi không tai biến, ngoài việc người bệnh phải được chuẩn bị thích đáng, dụng cụ và trang thiết bị cũng phải được xử lý đúng cách, quy trình vận hành phải chính xác và kỹ năng cũng như kiến thức của bác sĩ phải đạt yêu cầu.


Kỹ năng của bác sĩ và cách tổ chức của một đơn vị làm nội soi rất quan trọng. Một quy trình tốt cần xem xét mọi yếu tố trước, trong và sau khi soi để đảm bảo sự an toàn tối đa cho người bệnh. Có khá nhiều chi tiết thường bị bỏ qua hay xem thường như kiểm tra mạch huyết áp trước và sau khi soi, theo dõi độ bão hòa oxy trong khi soi, cung cấp các thông tin cần thiết sau khi soi hay bác sĩ không thăm khám lại sau khi làm thủ thuật.


Một vấn đề mang tính quyết định cho sự an toàn trong quá trình nội soi là chất lượng và độ vệ sinh của máy nội soi cũng như dụng cụ nội soi. Bản thân máy nội soi cần được xử lý ở một cấp độ gọi là khử khuẩn mức độ cao. Riêng những dụng cụ đưa vào các vị trí sâu thì cần phải được vô khuẩn tuyệt đối.


Các máy nội soi luôn phải có bộ phận rửa tự động giúp đảm bảo khử khuẩn nhờ các chu trình rửa được cài đặt trước, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Việc rửa máy bằng tay có thể chấp nhận được, nhưng thường không đảm bảo vệ sinh do yếu tố chủ quan của người thao tác.


Về dụng cụ, chúng ta cần xem xét vấn đề một cách thực tế. Dụng cụ có thể được dùng lại nếu được xử lý phù hợp. Còn nhớ những năm khó khăn, một cây kim tiêm bắp thông thường cũng được nấu tới nấu lui để dùng cho hàng chục bệnh nhân. Khi kim bị tù, cùn thì mài đi mài lại để sử dụng tiếp. Ở thời điểm hiện tại, chúng ta có thể cho rằng điều đó là nguy hiểm nhưng trong những năm kháng chiến thì có ai nói đó là sai? Cũng như vậy, ở các nước phát triển hiện giờ sử dụng dụng cụ chỉ dùng một lần rồi bỏ. Nhưng mức thu nhập của người dân Việt Nam còn thấp thì điều này lại là khó chấp nhận. Mấu chốt ở đây là người bệnh có quyền được biết về mức độ an toàn của những thiết bị sắp được đưa vào cơ thể mình.


Nội soi Việt Nam, cho đến bao giờ...


Nếu như ở các nước phát triển, dụng cụ nội soi thường được dùng một lần thì ở Việt Nam, dụng cụ nội soi thường phải khử khuẩn và dùng nhiều lần cho nhiều bệnh nhân như đã nói ở trên. Nhưng đây chưa phải là khác biệt lớn nhất. Thực tế đáng buồn lòng là hiện nay, nhiều cơ sở y tế bị áp lực bởi số lượng bệnh nhân buộc lòng phải cắt giảm khá nhiều tiêu chuẩn phục vụ trong quá trình làm nội soi.


Trước hết, nội soi là một thủ thuật khá đặc biệt mang tính “riêng tư”. Bệnh nhân cần được tôn trọng để tránh những sự bực mình không đáng có. Đối với nội soi dạ dày, những sơ suất thường gặp là không che chắn đủ khiến các chất dịch dạ dày, nước bọt vung vẩy khắp nơi trên mặt, cổ, quần áo. Bệnh nhân thường cũng không dám lên tiếng khi trở nên đầu bù tóc rối, quần áo lôi thôi, mặt mày nhếch nhác. Căn bản, người bệnh không than phiền vì không biết rằng thật ra, việc soi dạ dày nên được tiến hành một cách sạch sẽ và gọn gàng.


Bệnh nhân soi đại tràng lại cần một chỗ thay đồ riêng tư, cần một bộ đồng phục giúp soi dễ dàng nhưng vẫn đảm bảo được “chức năng nguyên thủy” của quần áo. Khi soi xong, bệnh nhân cần có một chỗ nghỉ để có thể hồi phục hoàn toàn và ra về với một nụ cười tươi tắn. Một nơi như thế vẫn là một điều xa xỉ đối với nhiều cơ sở nội soi ở Việt Nam. Không ít bệnh nhân bị buộc phải ra về trong cảnh bụng còn căng chướng như cái trống. Thật khốn khổ nếu sau đó bạn phải đi gặp đối tác làm ăn, hay tệ hơn nữa là đi gặp người yêu và cứ liên tục “xả hơi” một cách không thể kiểm soát.


Bản thân các thủ thuật nội soi là một thành tựu đáng kể của y học hiện đại. Việc chỉ định và thực hiện nội soi một cách đúng đắn sẽ đem lại những lợi ích to lớn cho cá nhân và cộng đồng. Thực tế hiện nay cho thấy các ứng dụng về nội soi còn bị lệch lạc về nhiều mặt và phần lớn bệnh nhân chưa được cung cấp thông tin đầy đủ trong suốt quá trình chỉ định - thực hiện - theo dõi nội soi. Bài viết này không nhằm mục đích trấn an nỗi sợ nội soi của bạn, chỉ mong rằng bạn có kiến thức thấu đáo để có sự chuẩn bị tốt, nếu chẳng may một lúc nào đó bạn cần “tiếp xúc thân mật” với các bác sĩ nội soi và cái máy nội soi.

Trình tự một buổi khám nội soi
- Khi bác sĩ chỉ định, bạn đặt hẹn và được hướng dẫn cách chuẩn bị.
- Vào ngày soi, bạn được hướng dẫn vào nơi chuẩn bị, có thể thay trang phục nếu cần.
- Nếu nội soi gây mê, bác sĩ sẽ khám để kiểm tra điều kiện an toàn.
- Bác sĩ soi giải thích chi tiết về quá trình soi, các tai biến có thể gặp và cách xử trí. Bạn có thể phải ký giấy để chứng minh đã được giải thích và hiểu rõ thủ thuật sắp làm.
- Bạn vào phòng soi với ít nhất một bác sĩ và một điều dưỡng.
- Các bước nội soi dạ dày:

  • Nhân viên nội soi hỏi rõ lại tên tuổi bạn để tránh nhầm lẫn.
  • Hỏi thêm một số vấn đề như tình trạng dị ứng, răng giả...
  • Xịt thuốc tê vào miệng để giảm khó chịu cho bạn.
  • Bạn nằm xuống bàn soi theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Bác sĩ đặt một “ngáng miệng” vào miệng bạn nhằm bảo vệ răng bạn và cũng để ngừa việc bạn vô tình “cắn"làm hỏng máy.
  • Máy nội soi được đưa nhẹ nhàng qua họng. Có thể bạn được yêu cầu “nuốt” nhằm tạo phản xạ  đóng nắp thanh môn, bảo vệ đường thở của bạn và giúp máy soi đi vào nhẹ nhàng, dễ dàng hơn. Bạn có thể hơi khó chịu nhưng thường thoáng qua. Bạn nên hít vào sâu và thở ra chậm để giảm cảm giác buồn nôn.
  • Thời gian nội soi khoảng 10 phút. Bác sĩ sẽ lấy mẫu sinh thiết nếu cần, sẽ lâu hơn một chút, nhưng thường không đau.
  • Rút máy soi và ngáng miệng ra

Sau khi soi, bạn có thể hơi đau ở họng hoặc thấy bụng hơi trướng. Sau 1 tiếng, bạn có thể ra về và ăn uống bình thường. Kết quả soi thường có ngay nhưng kết quả sinh thiết thường cần vài ngày sau đó.



Bài: TS. BS. VÕ XUÂN QUANG

Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin



ĐỐI TÁC CỦA CHÚNG TÔI

KhamOnline