THÔNG TIN Y KHOA | NỘI SOI - TIÊU HÓA
Chiếc phi thuyền tí hon
Có thể nói, phi thuyền khám phá vũ trụ thế nào thì chiếc máy nội soi khám phá cơ thể con người như thế. Đó chính là chiếc “phi thuyền tí hon” du hành trong cơ thể con người, quay phim, chụp ảnh, “lấy mẫu”, sửa chữa những hỏng hóc trong cơ thể con người...
Chị T. (quận 3) rụng rời chân tay khi cầm kết quả chẩn đoán ung thư đại tràng. Điều đáng đau khổ là cách đây gần 1 năm, trong một lần thăm khám khi có dấu hiệu đi ngoài ra máu, chị được bác sĩ chỉ định làm nội soi nhưng đã “trốn”. Giá như phát hiện từ ngày ấy...
Sợ nội soi như chị T. không phải là hiếm. Chị H. (Hóc Môn) đến bệnh viện trong tình trạng đau quằn quại vì cái dạ dày hành hạ, nhưng vẫn thều thào: “Bác sĩ ơi, đừng nội soi”. Ngay đến các ông “vai năm tấc rộng, thân mười thước cao” cũng thường xanh mặt khi nghe nói đến nội soi. Vậy, nội soi là gì, có cần thiết không và có “khủng khiếp” như người ta thường sợ không?
Từ mơ ước, viễn tưởng đến hiện thực
Nội soi dĩ nhiên có nghĩa là... soi vào bên trong. Nhìn thấu ruột rà bệnh nhân để xem nơi đó có gì, “máy móc” trong ấy hư hỏng thế nào..., đây hiển nhiên là mơ ước của thầy thuốc mọi thời đại. Thế nên cách đây hàng ngàn năm, cụ Hippocrate đã táo bạo dùng một dụng cụ để quan sát trực tràng bệnh nhân. Có lẽ, đó chính là “thủy tổ” của máy nội soi hiện đại. Ngày nay, kỹ thuật nội soi hiện đại không chỉ là nhìn vào trong cơ thể như thời xưa nữa mà còn dùng để lấy mẫu mô xét nghiệm hay phẫu thuật điều trị. Nói cách khác, máy nội soi ngày nay không chỉ là “con mắt kéo dài” của các lương y như thời cụ Hippocrate, mà còn là “cánh tay nối dài” và vô cùng đắc lực của các bác sĩ thời hiện đại.
Chiếc máy nội soi thực sự được Philip Bozzini phát minh vào năm 1805 nhờ một hệ thống truyền dẫn ánh sáng. Tuy nhiên, những nhà khoa học thời đó chỉ biết cách truyền ánh sáng theo đường thẳng và chỉ có thể làm được các máy soi thẳng như cái ống cứng đờ, đưa vào cơ thể rất khó chịu. Có giai đoạn không xử lý được vấn đề truyền ánh sáng, các nhà kỹ thuật đành gắn luôn cái bóng đèn trên đầu máy soi khiến bệnh nhân cảm thấy bụng nóng ran trong khi soi. Nhìn chung, cho đến giữa thế kỷ 20, các máy nội soi và kỹ thuật nội soi vẫn còn rất thô sơ và có rất ít giá trị chẩn đoán.
Thế rồi, sự xuất hiện của sợi quang (optic fiber) giúp truyền dẫn ánh sáng theo đường cong đã khiến máy nội soi có bước cải tiến đáng kể. Đến vài chục năm gần đây, công nghệ vi truyền hình qua các loại chip thu nhận hình ảnh cực nhỏ đã giúp máy nội soi trở thành một công cụ mạnh mẽ trong tay các bác sĩ.
Máy nội soi ngày nay nhỏ xíu và mềm mại, sử dụng các sợi quang để truyền ánh sáng và chip điện tử để ghi hình, đem lại hình ảnh rõ nét hơn và giảm thiểu đến mức tối đa sự khó chịu của bệnh nhân. Cấu trúc máy phức tạp hơn vì cần linh động để quan sát khắp nơi, có thêm bộ phận cấp hơi để dễ quan sát (tạo khoảng không như thợ lặn cần kính lặn để thấy rõ dưới nước), cấp nước để rửa mặt kính (như nút phun nước trên xe hơi, nhưng không có que gạt nước). Trong máy còn có một ống rỗng gọi là kênh thủ thuật, qua đó bác sĩ đưa các dụng cụ khác nhau vào để “cấu xé” (sinh thiết), “tiêm chích” (tiêm các loại thuốc trị bệnh) hay “cắt xén” (phẫu thuật cắt khối u). Nói chung là các vị bác sĩ luôn phấn khởi tuyên bố, cái gì bàn tay làm được thì máy nội soi cũng làm được! Và hình ảnh chiếc máy tí hon du hành trong cơ thể con người để “quay phim”, sửa chữa những hỏng hóc trong cơ thể người không còn là chuyện viễn tưởng chỉ có thể xuất hiện trong những bộ phim đầy kỹ xảo như Innerspace!
Từ chẩn đoán, dự phòng đến điều trị
Các thủ thuật nội soi, trên một phương diện nào đó, cũng chỉ là một phương tiện chẩn đoán như phim X-quang hay thử máu. Việc chỉ định nội soi do đó cũng có nhiều ý nghĩa khác nhau và phục vụ cho những mục đích khác nhau trong việc chăm sóc sức khỏe người bệnh. Với góc nhìn này, hiện chúng ta đang có một sự khác biệt rất lớn giữa Việt Nam và thế giới. Ở các nước phát triển, nội soi tiêu hóa rất phổ biến và được thực hiện hàng năm để truy tìm các bệnh ung thư giai đoạn sớm. Nội soi được chỉ định dù cho bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh và hoàn toàn không có triệu chứng gì. Trong trường hợp này, các tổn thương nếu được phát hiện thường là ở giai đoạn rất sớm, có thể điều trị khỏi không để lại di chứng với một chi phí tối thiểu. Ở nước ta thì ngược lại, người bệnh thường có cảm giác e dè, thậm chí sợ hãi khi bác sĩ yêu cầu đi nội soi.
Cần biết là những bệnh lý về tiêu hóa thường xuất hiện và phát triển trong một thời gian khá dài trước khi có biểu hiện ra ngoài. Nội soi để chẩn đoán thường được chỉ định khi bệnh nhân đã có triệu chứng và tìm đến bác sĩ (thường nhất là do đau bụng, đôi khi có thể là sụt cân, ói mửa, tiêu chảy v.v..). Tất nhiên nội soi vẫn có thể tìm ra nguyên nhân nhưng đáng tiếc là đôi khi lại quá trễ, có thể không điều trị được nữa hoặc phải trả một cái giá là đau lòng là cắt bỏ một phần cơ thể. Trường hợp chị T. nói trên là một ví dụ điển hình.
Bệnh lý ung thư dạ dày cũng có thể đưa ra một phép so sánh khá rõ trong vấn đề nội soi dự phòng giữa Việt Nam và thế giới. Việt Nam và Nhật Bản cùng nằm trong vùng nguy cơ cao bị ung thư dạ dày. Theo số liệu của viện K, mỗi năm, tại Việt Nam có trên 13.000 số ca mắc mới được chẩn đoán và làm tử vong gần 10.000 người. Chỉ có khoảng 6% được chẩn đoán sớm và được điều trị khỏi không để lại di chứng. Hơn 70% ở giai đoạn trễ khiến bác sĩ phải “bó tay”. Còn Nhật Bản áp dụng tầm soát định kỳ hàng năm bằng nội soi dạ dày cho những đối tượng lớn tuổi, nhờ đó phát hiện ung thư ở giai đoạn rất sớm.
Khi được phát hiện sớm, các khối u có thể được cắt bỏ bằng nội soi mà không cần mổ, và đây lại là một ưu điểm khác nữa của nội soi. Tất cả các chuyên khoa đều có thể ứng dụng nội soi để chẩn đoán hay điều trị một số loại bệnh lý. Việc điều trị bằng nội soi đều có đặc điểm chung là thực hiện nhanh, ít đau, ít xâm lấn, ít để lại sẹo. Vì thế, thời gian hồi phục của người bệnh rất nhanh, thời gian nằm viện rất ngắn hoặc thậm chí không cần nằm viện. Nhờ đó, chi phí điều trị sẽ thấp hơn các biện pháp điều trị cổ điển. Và không có gì đáng ngạc nhiên khi việc điều trị bằng các phẫu thuật nội soi ngày càng được ứng dụng rộng rãi.
Nội soi đang ngày càng phổ biến trong ngành y và đem lại lợi ích to lớn cho cộng đồng, vì nó đi đúng theo khuynh hướng của y học hiện đại: Phát hiện tổn thương càng sớm càng tốt và can thiệp tối thiểu để bảo tồn chức năng cơ thể. Lợi ích của nội soi lớn hơn những bất tiện mà nó đem lại rất nhiều.
Vậy thì, lẽ nào chúng ta e ngại nội soi?
Bài: TS. BS Võ Xuân Quang