THÔNG TIN Y KHOA | NỘI TỔNG QUÁT
Bệnh say nắng
Say nắng, say nóng là hiện tượng rất thường gặp trong mùa hè. Không chỉ có biểu hiện: mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu,... Say nắng còn có thể dẫn đến đột quỵ và nếu không xử trí kịp thời có thể để lại các di chứng thần kinh không hồi phục thậm chí tử vong.
Thế trong điều kiện hoàn cảnh nào con người dễ bị say nắng nhất?
Các tình huống dễ dẫn đến say nắng/ nóng bao gồm:
* Công nhân làm việc ở môi trường nóng bức kéo dài và không uống đủ nước (Hầm mỏ)
* Vận động trong thời tiết nóng bức kéo dài và không uống đủ nước (Đạp xe đường trường)
* Người già sống trong nhà kín không có điều hòa trong mùa hè nóng bức
* Trẻ em bị bỏ quên trong xe đậu dưới trời nắng
Nguyên nhân nào dẫn tới say nắng?
Hình ảnh sưu tầm (Internet)
Say nắng hay say nóng là một hội chứng đặc biệt, xảy ra khi có đủ hai điều kiện:
* Ở trong môi trường có nhiệt độ cao trong thời gian kéo dài
* Kèm với tình trạng mất nước toàn thân nghiêm trọngCơ thể con người có cơ chế điều hòa nhiệt độ giữ cho thân nhiệt ổn định ở mức 37 độ C.
Việc mất nước đáng kể làm cho các cơ chế điều hòa này không hiệu quả và trung tâm điều hòa nhiệt bị rối loạn hoạt động. Cơ thể mất khả năng kiểm soát thân nhiệt.
Khi thân nhiệt tăng cao, tất cả các cơ quan điều hòa chủ yếu khác của cơ thể sẽ bị ảnh hưởng nhanh chóng. Say nắng/ nóng xảy ra khi nhiệt độ cơ thể tăng đến mức khoảng 40,5 độ C.
Biểu hiện khi bị say nắng?
Hình ảnh sưu tầm (Internet)
Ở giai đoạn đầu, bệnh nhân chỉ bị những triệu chứng nhẹ thể hiện tình trạng mất sức, mệt mỏi do nóng gây ra (Heat exhaustion).
Các triệu chứng này liên quan đến hai cơ chế:
- Mất nước nhẹ: khát nước, mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt, nước tiểu sậm, tim đập nhanh, da tái nhợt, thở nhanh.
- Mất điện giải: nôn ói, vọp bẻ, lơ mơ, thay đổi hành viNếu không can thiệp ngay, bệnh nhân sẽ nhanh chóng diễn tiến nặng, choáng do nóng (heat stroke).
Ở giai đoạn này, thân nhiệt tăng cao hơn 40,5 độ C, kèm theo hôn mê, co giật và có thể trụy tim mạch.
Bất cứ ai cũng có thể bị say nắng, nhưng riêng ở một số người nguy cơ này thường rất cao? Lí do tại sao?
Do cơ chế sinh bệnh của say nắng/ nóng là mất khả năng điều hòa thân nhiệt trong điều kiện mất nước toàn thân nghiêm trọng, một số đối tượng dễ bị say nóng/nắng hơn người khác:
- Trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 4 tuổi: Do dự trữ nước trong người quá thấp nên tình trạng mất nước diễn ra nhanh hơn. Mặt khác, trung tâm điều nhiệt chưa ổn định ở trẻ.
- Người già, đặc biệt trên 65 tuổi: Do chức năng hô hấp, tuần hoàn thường bị suy giảm. Đồng thời, trung tâm điều nhiệt cũng dễ bị ảnh hưởng hơn. Mặt khác, người gia thường có những bệnh mãn tính đi kèm và hay sử dụng nhiều loại thuốc. Tất cả những yếu tố dẫn đển một hậu quả chung là kém thích nghi hơn người trẻ tuổi. Yếu tố nguy cơ còn tăng cao nếu là người già sống đơn độc trong những ngôi nhà không có điều hòa tốt.
- Một số bệnh (tim, phổi, thận, béo phì hay thiếu cân, cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tâm thần, thiếu máu hồng cầu liềm, nghiện rượu, đang bị sốt do bất kỳ nguyên nhân nào) và một số thuốc (kháng histamin, thuốc giảm cân, lợi tiểu, an thần, thuốc chống động kinh, các thuốc tim mạch như chặn beta và co mạch, thuốc chống trầm cảm, các chất gây nghiện như cocain methaphetamin) cũng đi kèm với việc tăng rủi ro cho say nóng/ nắng.
Biến chứng của say nắng như thế nào? Có nguy hiểm không?
Nếu phát hiện và giải quyết kịp thời, bệnh hồi phục nhanh chóng. Nếu để diễn tiến đến giai đoạn nặng, bệnh nhân có thể tử vong trong vài phút. Nếu điều trị quá trễ, bệnh nhân có thể không tử vong nhưng có những tổn thương không hồi phục ở các cơ quan đầu não trong cơ thể như suy gan, suy thận, chết não,...
Nói chung, say nóng/ nắng là một vấn đề nguy hiểm. Ở Việt Nam không có số liệu chính xác. Ở Mỹ, chỉ riêng số trẻ chết vì bị bỏ quên trong xe trung bình là 37 trẻ mỗi năm.
Phòng chống say nắng như thế nào cho hiệu quả?
• Chú ý các bản tin thời tiết, các dự báo về những đợt nắng nóng để có biện pháp phù hợp.
• Mặc đồ mỏng, màu sáng, rộng rãi và mang nón rộng vành nếu dự định ở lâu ngoài trời. Dùng kem chống nắng với độ SPF> 30
• Uống nhiều nước, ít nhất 8 ly nước mỗi ngày. Nếu có điều kiện, thay một phần nước lọc bằng các loại nước có điện giải (các loại nước dùng trong thể thao).
Chú ý tình trạng sức khỏe bản thân nếu phải tập luyện hay làm việc ngoài nắng nóng kéo dài. Nên uống khoảng 750ml nước 2 giờ trước khi bắt đầu. Tiếp tục uống 250ml mỗi 20 phút vận động, ngay cả khi không cảm thấy khát.
Nếu không thật sự cần thiết, hủy các vận động vào ngày nắng nóng hoặc dời chúng đến những thời điểm mát hơn trong ngày, vào sáng sớm hay chiều tối. Theo dõi màu sắc nước tiểu. nếu nước tiểu sậm màu, chứng tỏ là đang thiếu nước và cần bổ sung. Kiểm tra cân nặng trước và sau khi vận động. Việc sụt cân nhanh chứng tỏ đang thiếu nước
• Tránh dùng café và rượu trước khi vận động/ đi làm vì cả hai sẽ làm tăng thêm tình trạng mất nước.
• Nếu sống trong một căn nhà không có điều hòa hay thông khi tốt, nên ra ngoài và đến những nơi có điều hòa khoảng 2 giờ (siêu thị, nhà sách chẳng hạn), tốt nhất là vào những giờ nóng nhất trong ngày.
Chú ý mở các cửa số để tạo lưu thông không khí trong nhà.
Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Xuân Quang
Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin
___________________________________________________________________________________
Quý khách vui lòng liên hệ số điện thoại 0933 668 827 hoặc email CS@khamonline.com hay Đăng ký qua link: https://goo.gl/TNGSa8 để đặt hẹn và được tư vấn.