THÔNG TIN Y KHOA | NỘI NHIỄM - VIÊM GAN

Mẫn cảm với vaccine là thế nào?

Trong tháng 3, một số trường hợp trẻ em tử vong sau khi tiêm ngừa Quinvaxem đã làm dư luận một lần nữa băn khoăn về vấn đề tai biến do vaccine. Tuy các thông báo từ Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế Việt Nam đã xác nhận là vaccine vẫn an toàn, một bộ phận không nhỏ người dân vẫn lo ngại và từ chối loại vaccine này. Sự lo ngại này có cơ sở hay không và chúng ta nên làm gì để hạn chế những mất mát này?

Trên thực tế, phản ứng sau tiêm vaccine không phải là một vấn đề mới mà nó đã tồn tại ngay từ khi những mũi vaccine đầu tiên được đưa vào thực nghiệm. Sự phát sinh các tai biến có liên quan đến cơ chế hoạt động của vaccine cũng như liên quan đến hiệu quả sinh miễn dịch của nó.

Cơ chế hoạt động của vaccine

Ai cũng biết là máu có 3 loại tế bào chủ yếu: hồng cầu để vận chuyển oxy, tiểu cầu để giúp đông máu và bạch cầu giúp chống lại nhiễm trùng. Bạch cầu có nhiều loại khác nhau, trong đó nhóm tế bào lympho chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ cơ thể đối với tác nhân lạ từ bên ngoài.  Khả năng bảo vệ này gọi chung là miễn dịch và gồm hai loại: miễn dịch dịch thể và miễn dịch tế bào.

Cơ chế phát sinh các phản ứng sau tiêm chủng

(Ảnh minh họa: Nguồn Internet)

Tâm lý chung của các bậc cha mẹ là lên án vaccine mỗi khi trẻ con có sự cố dù trên thực tế, các bất thường xảy ra sau khi chủng không phải bao giờ cũng do vaccine. Để không bỏ sót, tất cả các phản ứng bất thường sau tiêm chủng (AEFI=Adverse Event Follow Immunization) đều được ghi nhận và báo cáo về các nhà quản lý để được điều tra và xác định có thực sự là liên quan đến vaccine hay không. Theo hướng dẫn của Tổ chức y tế thế giới năm 2013, các phản ứng sau tiêm chủng có thể chia thành 5 nhóm như sau:

1.Phản ứng do chính sản phẩm vaccine (các phản ứng dị ứng, quá mẫn ….)

2.Phản ứng do sản phẩm vaccine bị lỗi (virus vẫn còn hoạt tính, độc tố còn mạnh …)

3.Phản ứng do quá trình chủng phạm sai lầm (vận chuyển, bảo quản, kỹ thuật…)

4.Phản ứng do lo lắng quá mức (bị stress, ngất xỉu, phản xạ cường phó giao cảm …)

5.Trùng hợp với một bệnh khác hay một bệnh tiềm ẩn

Nhóm 3 và 4 là những nhóm phản ứng có thể phòng ngừa với việc chuẩn bị tâm lý tốt và quy trình chủng ngừa phòng sai sót tốt. Nhóm 2 thường liên quan đến nhà sản xuất và thường xảy ra trên diện rộng, ít nhất là theo lô. Nhóm 1 liên quan đến cơ địa của trẻ và là nhóm đáng lo ngại nhất vì phản ứng có thể xảy ra dù vaccine đã được sản xuất đúng theo yêu cầu và được vận chuyển, bảo quản, chủng ngừa đúng kỹ thuật.  Nhóm 5 (và những ca không đủ thông tin, không được xếp nhóm) chính là nguyên nhân gây ra sự chênh lệch về góc nhìn của người dân và nhà quản lý khi phần lớn các ca tử vong rơi vào các nhóm này.

(Ảnh minh họa: Nguồn Internet)

Cụ thể trong nhóm 1, các triệu chứng thường gặp có thể tại chỗ tiêm như nóng, sưng, đỏ, đau, ngứa hoặc toàn thân như sốt nhẹ, đau nhức cơ. Sự xuất hiện của chúng là có thể dự đoán trước và đôi khi phản ảnh tình trạng miễn dịch tốt của trẻ, biểu hiện tình trạng cơ thể phản ứng với vật lạ, có thể qua phản ứng kháng nguyên-kháng thể trong máu hoặc qua các quá trình thực bào trong mô. Biểu hiện tại chỗ thường nổi bật chỉ vì đó nơi tập trung vật lạ/kháng nguyên/chính là vaccine được đưa vào. Không có gì phải lo lắng vì chúng thường diễn tiến lành tính và mất nhanh. Quá trình sản xuất vaccine và các liều lượng được tính toán sao cho kháng thể đạt được nồng độ bảo vệ mà không gây xáo trộn quá mức hệ miễn dịch của cơ thể.

Trong một số trường hợp hiếm, cơ thể trẻ “quá nhạy cảm” với các kháng nguyên trong vaccine được đưa vào và dẫn đến những phản ứng mãnh liệt hơn bình thường. Có thể là các kháng thể được tạo ra với số lượng ồ ạt kích hoạt chuổi phản ứng kháng nguyên-kháng thể rầm rộ và/hoặc quá trình thực bào bị kích thích quá độ nhưng cả hai quá trình đều dẫn đến việc cơ thể không còn khả năng phân biệt bạn/thù mà bắt đầu tiêu hủy chính các tế bào lành của bản thân. Đó là các phản ứng quá mẫn cảm (hypersensivity reaction) hay phản ứng dị ứng (allergic reaction). Choáng phản vệ là hình thức cấp tính nhất của phản ứng quá mẫn cảm, khi đó trẻ bị tụt huyết áp, trụy mạch và ngưng thở chỉ khoảnh khác sau khi tiếp xúc với kháng nguyên. Các biểu hiện trễ hơn của quá mẫn có thể xảy ra ở đường thở, hệ thần kinh hay về máu. Nói chung, các biến cố được xếp là nghiêm trọng khi dẫn đến tử vong hoặc đe dọa mạng sống, trẻ phải nằm viện theo dõi hoặc gây tổn thương cơ quan trầm trọng và kéo dài, dẫn đến dị tật bẩm sinh hay cần phải can thiệp để ngừa tổn thương.

Về nguyên tắc, vaccine cũng là một hình thức dược phẩm nên các phản ứng phụ của vaccine cũng không khác gì các thuốc, trừ hai điểm khác biệt. Trước hết, hầu hết thuốc thuộc nhóm sản phẩm hóa học với các công thức rõ ràng và được tổng hợp theo quy trình ổn định. Vaccine là sản phẩm sinh học với thành phần chính là hữu cơ, đôi khi gồm nhiều nhóm khác nhau, không đồng nhất và khó phân tích hay thanh lọc. Các hợp chất hữu cơ này cũng dễ dàng bị phân rã, biến chất nếu điều kiện bảo quản không phù hợp. Vì thế, các tác dụng phụ của thuốc thường liên quan đến các chất chuyển hóa và đặc tính dược học của chúng trong khi các phản ứng phụ của vaccine thường liên quan đến miễn dịch và dị ứng. Kế đến, thuốc là sản phẩm để trị bệnh – trong khi vaccine là sản phẩm để phòng bệnh. Do đó, khi cân nhắc vấn đề lợi ích/rủi ro thì yếu tố an toàn của vaccine được đặc biệt coi trọng và các ca phản ứng nghiêm trọng thường chịu sự phán xét rất khắt khe của dư luận. Trên thực tế, hồ sơ về an toàn của vaccine được thiết lập, thực hiện và theo dõi rất nghiêm ngặt. Tuy mọi vaccine đều có khả năng gây ra phản ứng nặng nhưng các số liệu thống kê chỉ ghi nhận số ca nặng trong khoảng 1-20 ca/triệu liều.

(Ảnh minh họa: Nguồn Internet)

Để có thể đánh giá chính xác nguyên nhân của một phản ứng phụ, Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra một quy trình điều tra với nhiều câu hỏi thăm dò. Một số lớn ca không đủ thông tin hoặc không đủ chứng cứ chỉ có thể được đưa vào diện không rõ nguyên nhân, không thể xếp loại. Sự dè dặt này là cần thiết vì việc đánh giá không đúng sẽ gây ảnh hưởng đến viêc phòng bệnh của hàng triệu trẻ em khác. Chính vì thế, những câu chuyện như Quinvaxem không ngừng lập lại trong lịch sử của vaccine.

Hạn chế phản ứng nghiêm trọng do vaccine
Câu chuyện của Pentaxim và Quinvaxem có thể gom về một điểm mấu chốt là thành phần vaccine ho gà toàn bào và vô bào. Đây không phải là chuyện mới mà nó đã xảy ra cách nay hơn 20 năm với DTwP (vaccine bạch hầu –uốn ván-ho gà toàn bào) và DtaP (Vaccine bạch hầu-uốn ván –ho gà vô bào). Những năm 90, sự trùng hợp của những cái chết không rõ lý do ở trẻ sau khi chủng DTP cũng đã đưa đến nghi vấn về vai trò của vaccine. Tuy các nhà nghiên cứu đã loại trừ việc này, nhưng từ 1996 thì DtaP đã hoàn toàn thay thế DTP ở Mỹ và nhiều nước châu Âu. Cơ sở của việc thay thế này là DTaP ít gây đau và sốt hơn vì nó chỉ chứa vài kháng nguyên bề mặt là độc tố bạch hầu đã làm giảm độc lực thay vì toàn bộ hơn 3000 kháng nguyên của vi khuẩn đã chết. Mặt trái của DTaP là hiệu quả bảo vệ kém hơn và thời gian bảo vệ ngắn hơn, dẫn đến một số cảnh báo là tần suất bệnh đang có xu hướng tăng dần ở các nước này trong những năm gần đây, kể cả việc phát dịch (California –Mỹ 2010 và Queensland-Úc 2011). Chính vì vậy, DTP và Quinvaxem vẫn được khuyến cáo ở các nước đang có tần suất dịch bệnh cao, trong đó có Việt Nam.

Mặt khác, tuy biết rằng khả năng phản ứng nặng là rất thấp, cũng như sự “trùng hợp” có thể đóng một vai trò lớn, không bậc cha mẹ nào chấp nhận cái gọi là “tỷ lệ tử vong cho phép”. Do đó, việc chọn lựa Pentaxim hay Infanrix là yêu cầu chính đáng của cá nhân, cần được giải quyết phù hợp. Những ý kiến đề nghị tăng nhà cung cấp hay cải tiến quy trình xét duyệt có thể giúp tránh cơn sốt vaccine như trong thời gian vừa qua. Mặt khác, khi cân nhắc về việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, việc tiếp tục sử dụng Quinvaxem là cần thiết cho đến khi có những bằng chứng thuyết phục ngược lại. Trong tình hình đó, các bậc cha mẹ nên chú ý những gì để tránh những sự cố đáng tiếc?

-Hợp tác tốt với bác sĩ để thực hiện đánh giá sàng lọc trước chủng ngừa chính xác

-Không chủng ngừa bất kỳ vaccine nào khi trẻ đang sốt hay có bệnh cấp tính khác.

-Không chủng Quinvaxem cho trẻ đã từng có phản ứng nặng với liều Quinvaxem trước, hay vaccine tương tự là DTP, hoặc có biểu hiện phản ứng nặng với một trong những thành phần của vaccine.

-Khi trẻ chủng Quinvaxem, cần thực hiện đúng yêu cầu theo dõi sau chủng 30 phút tại cơ sở và 48 giờ tại nhà. Bất kỳ thay đổi nào của trẻ (toàn trạng, tinh thần, ăn ngủ, thở, nhiệt độ, phát ban, phản ứng tại chỗ tiêm) đều cần được khám và chẩn đoán sớm để ngừa diễn tiến xấu.

Đã có những tiền lệ về phản ứng nặng do vaccine chỉ được phát hiện sau khi đưa vào thị trường. Một ví dụ kinh điển là vaccine Rotashield, được dùng từ năm 1998 và đã bị ngưng 1 năm sau đó do làm tăng tỷ lệ trẻ bị lồng ruột lên từ 20-30 lần. Rất nhiều ca tử vong do Quinvaxem hiện chưa giải thích được đang cần có những điều tra độc lập để có câu trả lời khẳng định về sự an toàn của nó.

Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Xuân Quang

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin

(Bài viết đăng trên báo Tuổi Trẻ cuối tuần ngày 3/4/2016, Số 12 - 2016)



ĐỐI TÁC CỦA CHÚNG TÔI

KhamOnline