THÔNG TIN Y KHOA | NHI

Lưng... cụ non

Một tấm lưng thẳng đem lại vóc dáng đẹp và có thể thêm vài centimet chiều cao cho con bạn khi trưởng thành. Nhưng để có tấm lưng đẹp cho con, bạn cần chú ý chăm sóc con ngay từ bé, đặc biệt là ở lứa tuổi học đường.

Ngoài các bệnh về mắt vốn quá phổ biến ở Việt Nam hiện nay trong lớp trẻ ở lứa tuổi học đường, có một tật bệnh khác cũng rất hay gặp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả sức khoẻ, sự phát triển, vóc dáng lẫn khả năng học tập của con trẻ, đó là tật cong vẹo cột sống. Tật này thường phát sinh rất sớm ở trẻ em bậc tiểu học.


Những ông cụ non


Một đứa trẻ lưng cong vẹo thì dáng đi cũng khó mà thẳng thớm, thậm chí còng như một ông cụ… non. Mà trẻ nhỏ lại rất dễ bị tật này. Cũng dễ hiểu, vì cột sống ở lứa tuổi nhỏ uốn cong, mềm dẻo, có tính chất đàn hồi, cử động dễ dàng, chịu được trọng tải nặng và vận động mạnh. Nhưng đối với trẻ em mới lớn, các đốt sống, gân cơ còn yếu nên dễ vẹo và lệch. Vì thế, nếu không chú ý uốn nắn ngay từ nhỏ, trẻ rất dễ mắc tật vẹo cột sống này.


Nguyên nhân dẫn đến vẹo cột sống khá nhiều. Trước hết, cặp sách của trẻ thời nay khá nặng nề. Cách đây 2 năm, trường hợp bé Yến Anh (Hóc Môn) gãy xương vai do đeo cặp quá nặng đã khiến dư luận phải giật mình nhìn lại việc mang vác cặp của trẻ, nhưng điều này vẫn chưa được chú ý đúng mức. Trẻ em chỉ nên mang trọng lượng cặp bằng 1/10 trọng lượng cơ thể, nhưng một số loại cặp thời trang có thể lên tới hơn 1kg, thêm sách vở, các dụng cụ cho những môn ngoại khóa, rồi nước uống, quà vặt mang theo… có thể lên tới 4-5kg, trong khi cân nặng của các em tiểu học chỉ dao động trong khoảng 20-40kg.



Nhưng cặp sách không phải là nguyên nhân duy nhất mang đến nguy cơ vẹo cột sống. Việc ngồi sai tư thế cũng là lý do trọng yếu khiến trẻ mắc tật bệnh này. Tư thế thường thấy nhất là ngồi lệch nghiêng một bên, ngồi vẹo người đi, lâu dần, cột sống thay đổi cho thích hợp với dáng ngồi của trẻ, dẫn đến tình trạng lệch, vẹo.


Bàn ghế không hợp lứa tuổi trẻ cũng có ảnh hưởng tương tự. Trẻ ngồi học không thoải mái, không có điểm tì, tựa hợp lý sẽ rất dễ bị vẹo cột sống.


Ngoài ra, lớp học thiếu sáng hoặc bảng đen bị chói cũng ảnh hưởng đến cột sống trẻ.


Chưa hết, một nguyên nhân gián tiếp khiến không ít bậc phụ huynh giật mình, đó là trẻ ít vận động, thích xem tivi, chơi máy tính… cũng dễ bị cong vẹo cột sống. Ngoài lý do xem tivi, chơi máy tính cũng thường có tư thế ngồi sai, việc thiếu vận động, vui chơi ngoài trời hay tập thể thao còn gây căng thẳng thần kinh, quá tải cho hệ cơ xương. Nếu kéo dài điều này, cột sống cũng dễ bị cong vẹo. Một cuộc nghiên cứu cho thấy, nhóm học sinh ít vận động bị cong vẹo cột sống nhiều hơn so với nhóm thường xuyên tập luyện thể thao hoặc vui chơi ngoài trời.


Để lưng bé thẳng


Để bé có tấm lưng thẳng thớm, mẹ không chỉ chăm sóc bé ở tuổi học đường mà cần chú ý bé từ khi mới sinh. Theo dõi và cho bé khám định kỳ để được tiêm chủng lao và bại liệt, những bệnh vốn ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống bé khi lớn lên. Cũng đừng để bé mang nặng, xách nặng, lao động sớm.


Khi bé đến tuổi đi học, nên chuẩn bị cho bé một góc học tập riêng có đủ ánh sáng với bàn ghế phù hợp lứa tuổi bé. Tránh tình trạng để bé nằm lăn ra sàn học, hoặc ngồi gù lưng trên chiếc bàn thấp kiểu Nhật, hay bàn học từ thời lớp 1 cũng là bàn học đến tận cấp 2, cấp 3… Trẻ ngồi học với tư thế thoải mái thì cơ bắp sẽ thư giãn, hô hấp và tuần hoàn thuận lợi, học bài cũng mau tiếp thu hơn. Nhưng ba mẹ cũng luôn nhắc bé giữ tư thế ngay ngắn khi ngồi học, không vẹo đầu, xoay vặn người, ngồi lệch…, dù thoải mái theo ý bé nhưng sẽ gây tác hại lớn đến cột sống sau này.


Tư thế ngồi đúng giúp trẻ tránh được các bệnh về xương sống và khúc xạ


Khi sắm cặp sách cho trẻ, chọn loại cặp nhẹ nhất để giảm thiểu cân nặng cặp sách trẻ mang. Nên chọn loại ba lô đeo đằng sau với hai quai bản rộng, lót mút đệm để phân tán lực tốt hơn, thay vì loại cặp xách một bên. Hoặc cũng có thể dùng loại ba lô có bánh xe để bé đỡ phải mang vác, chỉ cho con đeo cặp những lúc cần thiết nhất với sách vở thiết yếu nhất, hạn chế thời gian mang cặp cùng trọng lượng cặp.


Ngoài ra, cho trẻ có thời gian vận động thể dục thể thao, chơi đùa ngoài trời, giúp cho cột sống cơ thể mềm dẻo. Cũng nên cho bé ăn uống đủ chất để nâng cao sức khỏe, thể trạng.


Ở lứa tuổi học đường, xương trẻ vẫn còn mềm dẻo nên khi có vấn đề vẫn còn khắc phục được. Vì thế, cũng nên cho trẻ khám sức khoẻ định kỳ để phát hiện ra tật cong vẹo cột sống nếu có và khắc phục, chữa trị ngay, thay vì để đến lớn, xương cứng lại sẽ bị vẹo, gù, không sửa được. Khi đó, một cô gái muốn có dáng đi người mẫu cũng không dễ chút nào.


Mà đâu chỉ con gái hay con trai, tấm lưng thẳng luôn giúp dáng vóc đẹp hơn và cao hơn. Nếu chỉ quan tâm đến canxi mà không chú ý đến tật cong vẹo cột sống này, bạn đã thiếu sót rất nhiều trong việc “đầu tư” chiều cao cho con đấy!


Tư thế ngồi đúng: Ngồi thẳng lưng, hai bàn chân đặt xuống sàn, hai khuỷu tay đặt thoải mái trên mặt bàn, không rụt cổ, không để vở chéo quá 25 độ khi viết.


Cách phát hiện trẻ vẹo cột sống: Cho trẻ cởi trần, cúi lưng, ngón tay trỏ chạm đầu ngón chân, quan sát phía sau nếu thấy lưng trẻ gù một bên thì đưa trẻ đi khám để có chẩn đoán chính xác.


Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Hồng Thê

Trưởng khoa Nhi, Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin



ĐỐI TÁC CỦA CHÚNG TÔI

KhamOnline