THÔNG TIN Y KHOA | THÔNG TIN VỀ VIRUS ZIKA

Việt Nam siết chặt kiểm dịch cửa khẩu để phòng dịch Zika

Bộ Y tế tăng cường biện pháp giám sát tại các cửa khẩu, kiểm tra sàng lọc bằng máy đo thân nhiệt, quan sát thể trạng, khai thác tiền sử dịch tễ nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ nhiễm virus Zika.

Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo phụ nữ có thai không nên di chuyển đến các quốc gia và vùng lãnh thổ có dịch virus Zika. Ảnh: Independent.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, bệnh do virus Zika là một loại bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi truyền, có thể bùng phát thành dịch, đặc biệt tại các nước có dịch sốt xuất huyết đang lưu hành như Việt Nam. Trước tình hình dịch bệnh diễn tiến phức tạp, lan nhanh ở nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực mà chưa có biện pháp phòng chữa đặc hiệu, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị tăng cường phòng chống dịch bằng biện pháp kiểm dịch y tế quốc tế, giám sát tại cộng đồng, cơ sở y tế, xây dựng kế hoạch chủ động sẵn sàng đáp ứng phòng chống dịch, phun hóa chất diệt muỗi, xử lý ổ dịch, tuyên truyền nâng cao ý thức phòng và phát hiện bệnh sớm.

Bộ Y tế ban hành tài liệu chính thức về hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh do virus Zika. Trong đó yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp giám sát chặt chẽ hành khách nhập cảnh từ quốc gia, vùng lãnh thổ đang có dịch bệnh do virus Zika nhằm phát hiện sớm những trường hợp nghi ngờ nhiễm. Các nhân viên tại cửa khẩu được tập huấn kiểm tra sàng lọc bằng máy đo thân nhiệt, quan sát thể trạng hành khách, khai thác tiền sử dịch tễ và khám sơ bộ. Khi phát hiện trường hợp bệnh nghi ngờ sẽ cách ly tạm thời ngay tại cửa khẩu và chuyển về cơ sở y tế để lấy mẫu xét nghiệm, quản lý theo quy định.

"Trường hợp bệnh nghi ngờ" được định nghĩa là người có tiền sử ở, đi hoặc đến từ khu vực có dịch hoặc nghi ngờ dịch bệnh do virus Zika trong vòng 12 ngày trước khi khởi phát, bị sốt, phát ban, kèm theo ít nhất một trong các biểu hiện:

- Viêm kết mạc mắt.

- Đau khớp, đau cơ.

- Đau đầu.
Người bị nghi ngờ mắc bệnh sẽ được cách ly tạm thời để tiến hành các biện pháp xét nghiệm y tế theo quy định. Trong trường hợp có xét nghiệm khẳng định nhiễm virus Zika bằng phương pháp sinh học phân tử hoặc phân lập virus, huyết thanh học thì được xem là bệnh xác định, cần được cách ly ngay.

Bộ cũng khuyến cáo người dân, đặc biệt những người đi, đến hoặc về từ quốc gia có dịch, cán bộ y tế, nhân viên làm việc tại khu vực cửa khẩu, cán bộ tham gia công tác phòng chống bệnh do virus Zika chủ động tự theo dõi sức khỏe và thông báo cho cơ quan y tế khi có biểu hiện bệnh.

Để phòng bệnh trong cộng đồng, mọi người nên thường xuyên áp dụng các biện pháp diệt lăng quăng (bọ gậy), diệt muỗi. Thường xuyên ngủ màn và sử dụng các biện pháp khác phòng, chống muỗi đốt. Hạn chế đi tới các vùng đang có dịch khi không cần thiết, đặc biệt đối với phụ nữ đang mang thai, những người mắc các bệnh suy giảm miễn dịch. Nếu phải đi, cần tìm hiểu kỹ các thông tin về tình hình dịch bệnh tại nơi đến để chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm phù hợp cho bản thân. Người về từ vùng dịch tự theo dõi tình trạng sức khỏe trong vòng 12 ngày, khi có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất để được tư vấn, cách ly và điều trị kịp thời.

Bộ cũng chỉ đạo các cơ sở y tế, bệnh viện gấp rút xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh do virus Zika, chuẩn bị đầy đủ về vật tư, hóa chất, trang thiết bị, bảo đảm sẵn sàng đáp ứng các tình huống về dịch bệnh. Khi xảy ra dịch, bệnh nhân đang điều trị tại cơ sở y tế cần sử dụng biện pháp phòng hộ cá nhân tránh muỗi đốt, hạn chế tối đa biến chứng, tử vong. Đối với hộ gia đình khi phát hiện có người nghi ngờ nhiễm bệnh cần thông báo ngay với cơ sở y tế khi có biểu hiện triệu chứng.

--------

Virus Zika thuộc họ Arbovirus, nhóm Flaviviridae, cùng nhóm với virus sốt xuất huyết Dengue, viêm não Nhật Bản, Chikungunya, sốt vàng và sốt Tây sông Nile. Zika được phát hiện đầu tiên từ khỉ Rhesus vào năm 1947 tại rừng Zika thuộc Uganda. Trường hợp bệnh đầu tiên trên người phát hiện tại Uganda và Tanzania năm 1952.

Năm 2007, vụ dịch đầu tiên xảy ra tại đảo Yap (Micronesia) với 185 trường hợp bệnh trong vòng 13 tuần. Tháng 10/ 2013 dịch lớn tại Polynesia của Pháp với khoảng 10.000 trường hợp bệnh ghi nhận trong đó có 70 ca nặng với biến chứng thần kinh (hội chứng Guillain-Barré, viêm não màng não) hoặc biến chứng tự miễn. Năm 2015 các vụ dịch lan rộng ở khu vực Nam Mỹ tại Brazil và Colombia. Các trường hợp bệnh rải rác được báo cáo tại Thái Lan, Indonesia và New Caledonia. Đến nay có 31 quốc gia và vùng lãnh thổ thông báo có các ca nhiễm Zika.

Người nhiễm virus này có biểu hiện như sốt, phát ban trên da, viêm kết mạc, đau khớp, đau cơ, mệt mỏi và đau đầu. Chưa ghi nhận trường hợp tử vong do nhiễm virus Zika.

---------------
Thi Trân

(Nguồn vnexpress.net)



ĐỐI TÁC CỦA CHÚNG TÔI

KhamOnline