THÔNG TIN Y KHOA | NỘI TỔNG QUÁT
Sốt
Sốt là tình trạng nhiệt độ cơ thể tăng cao hơn mức bình thường. Bản thân sốt không phải là bệnh mà là triệu chứng của một bệnh nào đó, thường nhất là nhiễm trùng.
Sốt làm cơ thể khó chịu và hầu hết mọi người sẽ thấy khỏe hơn khi hết sốt. Tuy nhiên, tùy vào độ tuổi, thể trạng, và nguyên nhân gây sốt mà bác sĩ sẽ quyết định có cần hạ sốt hay không. Các nhà chuyên môn tin rằng, sốt là phản ứng của hàng rào bảo vệ cơ thể tự nhiên chống lại sự nhiễm trùng. Tuy vậy, cũng có rất nhiều tình trạng sốt mà không phải do nhiễm trùng.
Thông thường sốt không đe dọa tính mạng người bệnh. Tuy nhiên, tăng thân nhiệt ác tính (Hyperthermia) làm thân nhiệt tăng lên đến mức nguy hiểm. Bệnh lý này gây ra do tình trạng thân nhiệt tăng quá mức đi kèm với sốc nhiệt, tác dụng phụ của một số thuốc, ma túy, đột quỵ. Khi bị tăng thân nhiệt ác tính, cơ thể sẽ mất khả năng kiểm soát thân nhiệt.
Hãy nhanh chóng đưa trẻ đến bác sĩ khi trẻ nhỏ sốt kèm theo các biểu hiện như hôn mê, kiệt sức, bỏ ăn, viêm họng, ho, đau tai, nôn ói, tiêu chảy.
Theo khuyến cáo của Hội nhi khoa Mỹ, nếu trẻ sơ sinh dưới 4 tháng tuổi có nhiệt độ đo ở hậu môn lớn hơn hoặc bằng 100,4 độ F (38 độ C), nên đưa trẻ đến bệnh viện cấp cứu ngay lập tức vì có thể trẻ bị nhiễm trùng nguy hiểm đe dọa tính mạng. Bất kỳ trẻ nào sốt trên 104 độ F (40 độ C) cũng là trường hợp khẩn cấp cần được đưa đến bệnh viện ngay vì sốt cao có thể dẫn đến động kinh ở các bé.
* Hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay nếu trẻ có sốt và:
- Sắc mặt phờ phạc.
- Ngủ li bì, kiệt sức.
- Hệ miễn dịch yếu hoặc có bệnh lý khác.
- Động kinh.
- Có các triệu chứng như nổi mẫn, viêm họng, đau đầu, cứng cổ hoặc đau tai.
* Hãy đưa trẻ đến bác sĩ nếu sốt kéo dài hơn 1 ngày (trẻ dưới 2 tuổi) hay quá 3 ngày (trẻ từ 2 tuổi trở lên)
Nguyên nhân gây sốt
(Hình minh họa: Nguồn Internet)
Vùng hạ đồi của não là nơi điều khiển thân nhiệt của cơ thể giúp nó ổn định ở 98,6 độ F (37 độ C) với chút ít dao động trong ngày. Khi phản ứng lại sự nhiễm trùng, bệnh hay các nguyên nhân khác, vùng điều khiển thân nhiệt sẽ tác động làm nhiệt độ của cơ thể tăng cao lên.
Ngoài các trường hợp sốt thông thường là do nhiễm trùng như cảm lạnh, nhiễm trùng tiêu hóa …, còn một số nguyên nhân gây sốt hay gặp khác như:
- Nhiễm trùng tai, phổi, da, họng, bàng quang hoặc thận.
- Các trường hợp viêm nhiễm.
- Tác dụng phụ của thuốc
- Ung thư
- Vaccine
- Huyết khối
- Bệnh tự miễn như lupus, viêm khớp dạng thấp, viêm ruột.
- Rối loạn hormone trong bệnh cường giáp.
- Sử dụng các thuốc cấm như amphetamines, cocaine
Chẩn đoán
(Hình minh họa: Nguồn Internet)
Sốt rất dễ nhận ra, tuy nhiên rất khó để xác định được nguyên nhân gây sốt. Ngoài việc khám lâm sàng, bác sĩ sẽ hỏi thêm về các triệu chứng, tình trạng cũng như các thuốc đang dùng, nếu người bệnh có đi đến những khu vực nhiễm trùng hoặc có nguy cơ bị nhiễm trùng. Chẳng hạn như đặc thù của sốt rét là người bệnh sẽ bị sốt tái đi tái lại. Một vài vùng ở Mỹ là điểm nóng của các bệnh nhiễm trùng như bệnh Lyme hay sốt phát ban Rocky Mountain.
Đôi khi người bệnh cũng bị sốt mà không rõ nguyên do. Các trường hợp như vậy, nguyên nhân có thể khác thường hoặc biểu hiện không rõ ràng như: nhiễm trùng mãn tính, bệnh mô liên kết, ung thư,...
Điều trị
Điều trị tập trung vào nguyên nhân gây sốt. Ví dụ thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm khuẩn trong viêm họng. Thông thường để điều trị sốt có thể dùng thuốc hạ sốt acetaminophen (Tylenol), ibuprofen (Advil, Motrin), naproxen (Aleve). Trẻ nhỏ hay các bé vị thành niên không nên dùng aspirin để hạ sốt bởi vì nó có thể dẫn đến hội chứng Reye.
Biên dịch từ nguồn WebMD
Nhóm Biên Dịch Y Khoa, Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin
___________________________________________________________________________________
Quý khách vui lòng liên hệ số điện thoại 0933 668 827 hoặc email CS@khamonline.com hay Đăng ký qua link: https://goo.gl/TNGSa8 để đặt hẹn và được tư vấn.