THÔNG TIN Y KHOA | RĂNG HÀM MẶT
Ê buốt - Mòn răng Phần 2
MÀI MÒN (MÒN CƠ HỌC)
Mài mòn là tình trạng mất mô răng bởi tác nhân mài mòn bên ngoài như đánh răng quá mạnh hoặc chất mài mòn trong kem đánh răng. Các loại kem đánh răng luôn có chất mài mòn giúp tăng cường làm sạch răng, tùy loại kem có thể có ít hoặc nhiều chất mài mòn.
Nếu chúng ta đánh răng quá mạnh qua nhiều năm sẽ làm răng bị mòn nhanh hơn. Mặt khác đánh răng mạnh cũng làm tụt nướu răng, làm bộc lộ phần chân răng dễ nhạy cảm hơn. Ví dụ hình 2
Chúng ta nên sử dụng bàn chải lông mềm, đánh răng nhẹ nhàng đúng cách, và thay bàn chải mỗi 3 tháng hoặc nếu thấy lông bàn chải bị xơ cứng. Các nha sĩ luôn khuyên chải răng theo chiều dọc, tránh chải theo chiều ngang để hạn chế mòn cổ chân răng, và tụt nướu.
MÒN DO LỰC UỐN RĂNG (MÒN CƠ HỌC)
Mòn răng do lực uốn răng là mất mô răng ở vùng cổ răng do lực kéo căng và lực nén trong quá trình răng bị uốn cong khi nhai hay nghiến răng. Mặc dù răng chúng ta rất cứng chắc nhưng khi nhai vẫn có độ uốn cong nhất định, tạo ra những vùng bị căng, nén ở cổ răng dẫn đến men răng bị nứt gẫy nếu chịu lực quá mức.
Mòn răng do lực uốn răng cũng có thể xãy ra ở những người mất răng nhưng không trồng lại răng, thói quen nhai 1 bên làm cho những răng còn lại chịu tải lực nhai nhiều hơn, răng bị uốn cong nhiều hơn. Kết quả là vùng cổ chân răng bị gẫy men tạo ra khuyết chân răng. Hình 3
Một số trường hợp bệnh nhân có một số răng gây cản trở vận động hàm sang bên hay có tật nghiến răng, làm cho các răng này chịu lực sang bên quá mức cũng làm răng bị uốn cong nhiều hơn. Trường hợp này cần điều trị cắn khớp, loại bỏ cản trở.
Mòn răng do lực uốn sẽ tạo ra những vết khắc hình chữ V ở vùng cổ răng thường thấy ở răng nanh, răng cối nhỏ hay những răng cản trở vận động hàm sang bên.
XÓI MÒN RĂNG (MÒN HÓA HỌC): nguyên nhân quan trọng gây mòn răng hiện nay
Xói mòn là sự mất mô răng không hồi phục bằng một quá trình hóa học do acid (mà không liên quan đến các vi khuẩn sinh acid trong miệng). Các acid nay có nguồn gốc trong thực phẩm, thức uống, dịch vị do trào ngược dạ dày thực quản, hơi acid trong không khí…chúng sẽ làm hòa tan men răng gây xói mòn răng (Hình 4)4. Ngược lại, các acid do vi khuẩn trong môi trường miệng sản xuất sẽ gây ra bệnh sâu răng (http://www.yersinclinic.com/vi/document/262/benh-sau-rang ).
Như chúng ta đã biết ở bài bệnh sâu răng nếu pH <5.5 men răng sẽ bị hòa tan. Thực phẩm chứa nhiều acid bao gồm: các loại trái cây, cam, chanh, các loại nước ngọt có ga, nước giải khát, rượu vang ...đều có khả năng gây xói mòn răng nếu dùng thường xuyên, quá mức. Sau đây là pH một số loại thức uống:
Ngoài ra, ở những người có bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản, hay nôn ói làm cho dịch vị (acid HCl) tiếp xúc với răng, gây xói mòn răng. Trường hợp này cần xét nghiệm vi khuẩn H.PYLORI và nội soi dạ dày để tìm nguyên nhân và điều trị dứt điểm.
YẾU TỐ NGUY CƠ XÓI MÒN RĂNG BAO GỒM:
• Thường xuyên sử dụng các sản phẩm có tính axit trong chế độ ăn uống, đặc biệt là nước ngọt, nước ép trái cây và các loại thực phẩm có tính axit
• Trào ngược dạ dày thường xuyên không kiểm soát
• Dùng các loại thuốc có tính axit kéo dài và sử dụng bằng cách nhai, đặc biệt vitamin C và aspirin
• Những người trong các ngành nghề liên quan đến các yếu tố nguy cơ như tiếp xúc với các chất có tính axit, ví dụ, những người sản xuất rượu vang và nếm thức ăn, vận động viên bơi lội, và người lao động sản xuất pin
• Tốc độ dòng chảy nước bọt thấp và không đủ khả năng đệm của nước bọt, thiểu sản nước bọt
VAI TRÒ NƯỚC BỌT TRONG BỆNH XÓI MÒN RĂNG
Khi các chất có tính axit được đưa vào miệng, tuyến nước bọt sẽ phản ứng bằng cách tăng tiết và dòng chảy nước bọt sẽ tăng nhanh để làm sạch các axit trong khoang miệng. Nước bọt của chúng ta chứa bicacbonat và urê, nó nhanh chóng trung hòa các chất có tính axit và trả về pH miệng bình thường – điều này được gọi là khả năng đệm của nước bọt, một cơ chế quan trọng để điều chỉnh pH của môi trường miệng ổn định bình thường. Ngoài ra nước bọt còn cung cấp một số lượng chất khoáng giúp lành thương men răng. Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ dòng chảy nước bọt và khả năng đệm, bao gồm các bệnh tự miễn (ví dụ, hội chứng Sjogren), thuốc điều trị (ví dụ, thuốc chống trầm cảm và thuốc chống loạn thần) và quá trình lão hóa. Khi tốc độ dòng chảy nước bọt giảm, khả năng làm sạch và khả năng đệm của nó sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến sự lưu giữ các axit bất thường trong miệng, có thể góp phần cho xói mòn răng. Do đó tốc độ dòng chảy nước bọt và khả năng đệm là các yếu tố bệnh căn quan trọng đối với xói mòn răng.
Tốc độ dòng chảy nước bọt thấp và khả năng đệm nghèo nàn thường liên hệ với sự phát triển của sự xói mòn răng.
MÒN RĂNG DO KẾT HỢP NHIỀU NGUYÊN NHÂN
Ở trên chúng ta đã phân tích từng khía cạnh nguyên nhân mòn răng nhưng thực tế các nguyên nhân này đan xen vào nhau, phối hợp với nhau. Có thể nói bệnh mòn răng là do đa nguyên nhân. Giả sử sau khi răng tiếp xúc với thực phẩm chứa acid, răng trở nên bị mềm hơn do xói mòn, điều này làm cho nó dễ bị mòn do nhai, hoặc mài mòn do đánh răng. Ngược lại nếu mặt nhai của răng bị mòn hết lớp men do thói quen hay nhai xương, sụn và ngà răng bị lộ ra, chúng sẽ dễ bị xói mòn trước các acid trong thực phẩm do lớp men cứng chắc bảo vệ đã mất. Các quá trình mòn răng do nhai mòn, mài mòn, xói mòn thay nhau luân phiên, đồng thời, hay hỗ trợ nhau. Kết quả là răng chúng ta sẽ bị mòn, dẫn đến ê buốt răng.
TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG CỦA MÒN RĂNG:
Các triệu chúng lâm sàng của mòn răng giai đoạn đầu thường rất ít, chỉ có thể phát hiện nhờ nha sĩ khi mỗi lần khám răng định kỳ. Triệu chứng đau, ê buốt khi đánh răng, dùng thức uống lạnh, hoặc khi nhai thức ăn cứng thường phổ biến. Một khi có xuất hiện những triệu chứng này thì răng của chúng ta đã bị mòn khá nhiều, có thể đã mòn nhiều vào mô ngà răng hoặc đến tủy. Do đó việc tái khám răng định kỳ rất quan trọng để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Bác sĩ Nguyễn Đức Trình
Chuyên khoa Răng Hàm Mặt, Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin