THÔNG TIN Y KHOA | RĂNG HÀM MẶT
Ê buốt - Mòn răng Phần 1
Ê buốt răng hẳn là một tình trạng rất quen thuộc với nhiều người, nó có thể bị ê buốt khi đánh răng, khi nhai, hay dùng thức uống nóng, lạnh... Nguyên nhân ê buốt răng có thể do sâu răng, tụt nướu do viêm nha chu, răng nhạy cảm, mòn răng hay nhiều nguyên nhân khác.
Trong bài viết này tôi muốn đề cập chủ yếu đến vấn đề ê buốt răng do mòn răng. Nguyên nhân dẫn đến mòn răng chủ yếu do hai quá trình mòn cơ học và hóa học (xói mòn răng). Nguyên nhân mòn cơ học do lực cắn mạnh; nhai thức ăn thô, cứng; tật nghiến răng; đánh răng mạnh; mòn do lực uốn răng. Nguyên nhân mòn hóa học (xói mòn răng) liên quan đến các chất acid có trong thực phẩm, thức uống, hơi acid trong không khí hoặc dịch vị do trào ngược dạ dày.
Một khi răng bị mòn, răng trở nên nhạy cảm hơn và dễ bị ê buốt, đặc biệt trong thời tiết giá lạnh. Sau đây là một số định nghĩa liên quan đến mòn răng:
Trong các nguyên nhân trên, mòn răng do xói mòn răng đang có xu hướng ngày càng gia tăng trên toàn thế giới. Nó đã trở thành một nguyên nhân được các chuyên gia quan tâm đặc biệt.
Chúng ta cần nhắc lại giải phẫu răng, cấu tạo của một chiếc răng:
Thân răng: là phần chúng ta nhìn thấy trong miệng.
Chân răng: là phần nằm trong xương hàm, được neo chặt trong xương.
Men răng là phần bao bọc xung quanh thân răng, dưới lớp men này là ngà răng, và trong cùng trung tâm của răng là tủy răng chứa các mạnh máu dây thần kinh nuôi dưỡng và nhận cảm giác cho răng.
Ở lớp men răng không có cảm giác, ngược lại trong lớp ngà răng có các kênh dẫn truyền cảm giác đau đến tủy răng. Một khi lớp men bị mất đi làm bộc lộ ngà răng bên dưới, lúc này, nếu có 1 kích thích nóng, lạnh, chua, hay ngọt… sẽ gây ra cảm giác đau, ê buốt.
Trong bệnh lý mòn răng, tùy mức độ mòn có thể làm mất cả lớp men răng và ngà răng. Triệu chứng lâm sàng chủ yếu là ê buốt răng khi đánh răng, khi hít không khí lạnh, hay khi ăn nhai các loại thực phẩm cứng, nóng, lạnh, chua, ngọt... Nếu không điều trị, cuối cùng tủy răng bị lộ ra và gây viêm, chết tủy.
MÒN RĂNG DO NHAI MÒN
Nhai mòn là tình trạng không thể tránh được khi chúng ta hàng ngày vẫn sử dụng bộ răng để ăn nhai. Nhưng tùy theo chế độ ăn uống mà mức độ mòn răng nhanh hay chậm, nhiều hay ít. Trong quá trình phát triển của loài người, chúng ta đã chuyển từ chế độ ăn thô, cứng sang chế độ thức ăn được chế biến kỹ nên hàm răng người hiện đại cũng ít mòn hơn do nhai, và sử dụng được lâu hơn. Điều này góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, tăng tuổi thọ. Ở những người mất một số răng nhưng không trồng răng lại, lực nhai sẽ tập trung lên những chiếc răng còn lại nhiều hơn, làm cho các răng này nhanh mòn hơn. Thêm vào đó, thói quen nhai 1 bên cũng làm cho các răng bên thường nhai sẽ mòn nhanh hơn. Như hình 1 bên dưới
Bên cạnh đó cũng có một số người lại thích ăn các loại thực phẩm cứng như nhai xương, sụn… sẽ làm cho răng nhanh mòn hơn. Ngoài ra, chế độ ăn thức ăn cứng còn có nguy cơ làm bể múi răng, nứt tét chân răng, nếu bể sâu xuống chân răng có thể phải nhổ bỏ răng.
Tật nghiến răng cũng làm cho răng mòn nhiều, nhất là vị trí răng nanh, răng cối nhỏ. Nếu bạn bị nghiến răng cần điều trị bằng cách mang máng nhai vào ban đêm để bảo vệ răng.
Bác sĩ Nguyễn Đức Trình
Chuyên khoa Răng Hàm Mặt, Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin