THÔNG TIN Y KHOA | TIÊU HÓA - GAN MẬT
Đói, đau, đầy bụng
Tết, lại một dịp nữa để chúng ta mở lòng chia sẻ niềm vui và tận hưởng không khí thanh bình của đất nước. Đây là dịp các chị các cô trổ tài nội trợ bếp núc, cũng là dịp các anh các chú rung đùi bên nhau chén thù chén tạc.
Thật không may, ngày tết cũng đi kèm với rất nhiều phiền toái và rủi ro liên quan đến vấn đề ăn uống và thực phẩm.
Đầy bụng ngày tết
Thật vậy, tết chưa đến mà nhiều người trong chúng ta đã cảm thấy rất đầy rồi. Hình ảnh ngày tết gắn liền với mâm cao cỗ đầy, thịt nguội, bánh chưng, dưa hành củ kiệu … vốn là biểu tượng của những bữa ăn ngon lành và thỏa mãn. Tuy nhiên, nếu không chú ý, rất nhiều khả năng bạn sẽ mang cái bụng ậm ạch khó chịu cho đến hết mùng vẫn chưa khỏe đấy.
(Ảnh minh họa: Nguồn Internet)
Trước hết phải thấy là bữa ăn ngày tết rất NẶNG về số lượng và rất LẠ về chất lượng. Nặng theo nghĩa đen, là một bữa ăn rất nhiều món, nhiều thịt mỡ, nhiều calories. NẶNG còn do dồn dập, bữa trước chưa qua bữa sau đã đến. Nhiều khi đến nhà bà con bạn bè … dù đã no cành hông nhưng nể tình lại phải cố. Cũng có thể bạn biết, nhưng đang vui …
Hậu quả cuối ngày như thế nào, không cần nghĩ cũng biết. Thật ra lúc đầu ít ai nghĩ nhiều đến việc này. Sau vài câu chuyện vui, có thể một vài dĩa thức ăn đã nghiễm nhiên ngự trị trong dạ dày. Chợt bạn cảm thấy tưng tức vùng trên rốn. Rất nhanh, nó chuyển thành sự khó chịu và bỏng rát và sau đó cảm giác đầy bụng và buồn nôn.
Nguyên nhân của hiện tượng này thật đơn giản. Nói một cách nôm na, hệ tiêu hóa của chúng ta đang bị quá tải nghiêm trọng. Dạ dày đang phải nỗ lực co bóp để nghiền nát đủ thứ đang chen chúc bên trong. Tình trạng tăng áp suất trong dạ dày cũng như trong ổ bụng là cơ chế gây ra các triệu chứng vừa nêu. Một hậu quả thường thấy của sự tăng áp suất này là trào ngược dạ dày thực quản hoặc ói. Không phải ngẫu nhiên mà các bệnh nhân bị trào ngược luôn được khuyến cáo phải ăn từng ít một, đừng ăn nhiều quá … nhưng tết mà, ai lại để ý chứ?
Mặt khác, dạ dày của chúng ta còn phải khổ sở đối phó với cái sự “LẠ”. Lạ ở đâu? Thì là món ngon vật lạ đấy! Ngày tết, đi ăn ngoài đi đến bạn bè, ngoài những món ăn truyền thống như cháo gà cháo vịt thì đó cũng là cơ hội để “trăm món đua nở” trên bàn tiệc. Đặc biệt là những bữa tiệc liên hoan cuối năm hoặc những bữa tiệc thân mật của các chiến hữu.
(Ảnh minh họa: Nguồn Internet)
Những vật liệu lạ (hải sản, thịt rừng, thú hoang dại) được chế biến lạ (ăn “tươi sống”, tái, tiết canh, …) kèm với những thức uống lạ (rượu thuốc, rượu bổ, rượu gia truyền …) nhanh chóng đánh tan thành trì yếu ớt của dạ dày để gây hiệu quả (hay đúng hơn là hậu quả) rất nghiêm trọng. Đơn giản nhất thì chúng cũng góp phần gây nên cái sự đầy bụng.
Một thực trạng ở nước ta hiện nay là tỷ lệ nhiễm vi khuẩn HP rất cao, lên đến 70% dân số. Mặt khác, với tình hình vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường yếu kém như hiện nay, số ngưởi bệnh dạ dày rất cao. Một số lớn bệnh nhân không có biểu hiện gì rõ rang, nhưng những dịp vui thế này chính là yếu tốt thúc đẩy để căn bệnh tiềm ẩn đó đường đường chính chính xuất hiện.
Đau bụng ngày tết
Việc đầy bụng gây khó chịu không ít nhưng thường thì bệnh nhân vẫn có thể chịu được. Cách giải quyết tự phát thật đơn giản nhưng cũng khá hiệu quả: ngưng ăn hoặc tìm cách móc họng để ói ra cho bằng hết. Một khi bao tử trở nên xẹp lép, triệu chứng đầy bụng sẽ giảm ngay.
Đáng tiếc là một số trường hợp cơn đau ngày càng tăng lên và không giảm dù người bệnh chẳng dám ăn nữa hoặc đã nôn ói rất nhiều. Có nhiều nguyên nhân gây đau bụng liên quan đến một bữa ăn thịnh soạn. Trước hết cần loại trừ ngay tình trạng viêm dạ dày cấp do virus/vi khuẩn hay do các độc tố. Bộ ba đau bụng – nôn ói – tiêu chảy là một gợi ý mạnh cho tình trạng viêm dạ dày – ruột cấp. Ở người lớn, Norovirus là một tác nhân gây bệnh có khả năng lây mạnh qua tay và qua nguồn nước.
Việc chế biến và bảo quản thức ăn không hợp lý (cũng lưu ý bạn đọc là việc dư thừa thức ăn, buộc phải hâm tới hâm lui trong mấy ngày tết là quá phổ biến và nếu cảm thấy thức ăn bị biến chất thì đừng do dự bỏ đi) là nguyên nhân khác làm nảy sinh các chất độc trong thức ăn.
Ở phương Tây, việc đau bụng sau một bữa tiệc làm người ta nghĩ ngay đến vấn đề sỏi mật. Ở Việt Nam, bệnh sỏi mật cũng khá phổ biến nhưng thường là sỏi ống mật hơn là túi mật. Tuy nhiên, cả hai loại sỏi này đều có thể gây nên một cơn đau quằn quại mà danh từ chuyên môn là “cơn đau quặn gan” thường được khởi phát bằng một bữa ăn nhiều mỡ.
Một nguyên nhân khác cũng hay gây đau bụng nghiêm trọng sau ăn quá no, là viêm tụy cấp. Bệnh hay gặp trên các bệnh nhân bị tiểu đường hay đã có sẵn tiền căn viêm tụy mãn. Đau thượng vị lói ra sau lưng kèm theo nôn ói nhiều là triệu chứng rất gợi ý viêm tụy cấp.
Trong cả ba trường hợp, việc điều trị đều nằm ngoài tầm tay của người bệnh và thường phải cần đến bác sĩ hay bệnh viện để có thể tìm ra nguyên nhân và xử trí. Nói chung, việc điều trị các chứng này đều đơn giản và chỉ cần vài ngày nằm viện nhưng như thế thì còn gì là tết nhỉ?
Đói bụng ngày tết
Là một nhóm người hưởng thụ tết theo một cách khác. Các bạn thanh thiếu niên, các bạn trẻ chưa có gia đình lại coi tết là một dịp để phát huy tinh thần tự do tự cường bằng cách chơi game, chơi bài bất kể giờ giấc ăn uống. Việc bỏ bữa không ai để ý này dẫn đến tình trạng ngược đời: thiếu ăn trong ngày tết. Đã có những đứa trẻ vui sướng vì có tiền và miệt mài trong cách tiệm game cho đến khi ngất hoặc thậm chí tử vong. Thật vậy, những cái chết vì chơi game liên tục không ăn uống đã được ghi nhận ở Thái Lan, Đài Loan, Mỹ, Anh … Ở Việt Nam, cái chết của một sinh viên ngày 29/1/2010 ở Đà Nẵng cũng được cho là do game. Tuy chết thì ít nhưng việc ngất xỉu vì đói tại các tiệm game thì e là không hiếm chút nào. Do vậy, các bậc phụ huynh nên chú ý, đừng để con em mình bị “đói”trong ngày tết như vậy !
(Ảnh minh họa: Nguồn Internet)
Tóm lại, vui xuân cũng có chừng mực. Việc chú ý đến chế độ ăn uống của mình và người thân trong một phạm vi nào đó sẽ giúp bạn tránh được rất nhiều phiền phức không đang có. Cẩn tắc vô áy náy, bạn nhé!
Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Xuân Quang
Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin