THÔNG TIN Y KHOA | NỘI SOI - TIÊU HÓA

Bệnh thực quản trào ngược

- Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Quốc Vĩnh

Ở Việt Nam những năm gần đây người ta lưu tâm nhiều đến bệnh thực quản trào ngược. Dĩ nhiên là bệnh đã có từ rất lâu nhưng với kiểu cách ăn uống ngày càng Âu hóa như hiện nay thì bệnh không nhiều, không đáng lưu tâm mới là chuyện lạ.

Với sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện chẩn đoán hình ảnh cũng như nội soi, bệnh trào ngược dạ dày thực quản đã được chỉ đích danh thay vì “đổ thừa” cho các đối tác khác như viêm, loét dạ dày, viêm loét tá tràng, viêm mũi xoang, viêm thực quản … Sự khó chịu dai dẳng mà bệnh gây ra cho bệnh nhân là một khía cạnh khác của sự lưu tâm này.


Cái “thùng” và “nắp đậy”


Nhưng bệnh thực quản trào ngược là gì? Ngay tên bệnh đã chỉ rõ tính chất bệnh, đó là tình trạng dịch dạy dày trào ngược trở lại lên thực quản. Điều này làm sáng tỏ hai điều. Thứ nhất, bình thường dịch dạ dày không trào ngược lên thực quản hoặc có ít, không đáng kể. Thứ hai, dịch dạ dày trào ngược lên thực quản sẽ tác động lên niêm mạc thực quản sinh bệnh.


(Ảnh minh họa: Nguồn internet)


Bạn sẽ hỏi, ơ kìa, thức ăn, nước uống từ thực quản xuống dạ dày, rồi từ dạ dày lên thực quản có gì khác nhau?
Khác nhau lắm, bởi vì trong dịch, thức ăn trở lại thực quản có kèm theo những sản phẩm vốn có của dạ dày như Pepsin, Acid chlohydrid (HCl) … Những sản phẩm này sẽ kích thích niêm mạc thực quản gây ra bệnh. Xin được nói thêm là niêm mạc dạ dày – do tính chất của nó – là nơi duy nhất trong cơ thể chịu được HCl – một trong những acid mạnh nhất trong thế giới tự nhiên này.


(Ảnh minh họa: Nguồn webmd)


Trong điều kiện bình thường, cơ thể chúng ta tự có một cơ chế trào ngược rất thông minh, bao gồm nhiều yếu tố:


1) Hoạt động của cơ thắt thực quản dưới
Cơ thắt này đóng vai trò như một cái nắp “đậy kín” ngăn không cho dịch dạ dày trào ngược lên. Nó chỉ giãn, mở ra khi đẩy thức ăn từ trên xuống dạ dày. Đây là yếu tố quan trọng nhất.


2) Dịch nhầy ở thực quản
Bicarbonat, nước bọt có tính kiềm sẽ trung hòa bớt tính gây hấn của acid


3) Nhu động của thực quản đẩy dịch trào ngược xuống lại dạ dày

Sự trào ngược xảy ra trong điều kiện nào? Ta hãy hình dung dạ dày như một cái “thùng” đựng mà “nắp đậy” là cơ chế chống trào ngược như trên mà đại diện là cơ thắt thực quản dưới. Sự trào ngược dễ dàng xảy ra khi “nắp đậy” suy yếu hoặc “thùng” quá đầy (Chú ý là cái thùng này lại có lỗ thông bên dưới) hay cái thùng bị đổ nằm ngang (Chú ý là trong điều kiện bình thường thì nắp nằm trên, thùng nằm dưới theo phương thẳng đứng), đặc biệt khi thùng đã khá đầy.


Cái nắp suy yếu khi nào?


(Ảnh minh họa: Nguồn internet)


-    Giảm áp lực cơ thực quản dưới do thuốc: cholecystokinine, glucagon, thuốc kháng tiết choline hoặc thức ăn, nước uống như: cafein, rượu, thuốc lá, chocolate, các chất mỡ.
-    Sự giãn của cơ thắt thực quản dưới kéo dài quá.
-    Rối loạn vận động thức quản
-    Giảm tiết nước bọt (Chẳng hạn như dưới tác động của thuốc lá).


Cái thùng quá đầy khi nào?


-    Ăn, uống quá nhiều hoặc quá cẩu thả làm thức ăn chưa được tiêu hóa.
-    Ăn uống những chất dễ sinh hơi hoặc khó tiêu như: nước có ga, chocolate, các chất kích thích, các chất béo …
-    Tình trạng viêm, loét dạ dày hoặc ung thư, hẹp môn vị (cửa thoát của thùng) làm thức ăn thoát đi qua chậm chạp.
-    Một số trường hợp làm thùng “đầy một cách giả tạo” như: béo phì, mang nịt ngực, nịt lưng quá chặt.


Cái thùng nằm ngang khi nào?


Dễ nhận thấy là cái thùng nằm ngang khi chúng ta nằm. Đặc biệt là sau khi ăn no, chúng ta thường thích nằm (để nghỉ ngơi, nằm đọc sách, nằm xem tivi hoặc đơn giản là “ăn no lại nằm”). Khi ấy, cái thùng vốn đã đầy càng sễ bật nắp.


Triệu chứng bệnh thực quản trào ngược


-    Ợ nóng (nóng bỏng sau xương ức): thường là triệu chứng chính.
-    Ợ chua: do dịch acid
-    Cảm giác thức ăn vướng sau xương ức.
-    Đau ngực (bệnh thực quản trào ngược là nguyên nhân đau ngực không do tim mạch thường thấy nhất).
-    Một số triệu chứng khác: rối loạn cảm giác họng, đau họng, ho khò khè, khàn tiếng, khó thở (đặc biệt vào đêm), nấc cục, nuốt khó, nuốt đau.
-    Biến chứng: bệnhh trào ngược thực quản lâu dài có thể dẫn đến tình trạng dị sản niêm mạc thực quản (Niêm mạc Barrett), hẹp thực quản hay ung thư hóa.


Chẩn đoán bệnh thực quản trào ngược


-    Dựa trên các triệu chứng lâm sàng.
-    Các thăm khám cận lâm sàng
-    Nội soi thực quản – dạ dày tá tràng: đây là thủ thuật khám nghiệm chủ yếu hiện nay.
-    Đo độ pH thực quản: rất khó và rất ít nơi thực hiện
-    Đo áp xuất lòng thực quản: rất khó và rất ít nơi thực hiện


Tham khảo bài viết của Thạc sĩ Bác sĩ Trần Quốc Vĩnh về Công nghệ nội soi Evis X1-CV1500 thế hệ mới nhất trên thế giới.


Điều trị và phòng ngừa


1) Tránh để “nắp” suy yếu
-    Chú ý, việc các thuốc làm giảm áp lực co thắt.
-    Tránh hút thuốc lá (Có nguy cơ làm giảm tiết nước bọt)


2) Tránh để thùng quá đầy
Vấn đề ăn uống, sinh hoạt: Tránh thức ăn dễ làm “đầy thùng” như rượu, chocolate, nước ngọt có ga, cà phê, thức ăn kích thích (hành, tỏi, ướt, …), chất béo, … Ăn chậm, nhai kỹ để bớt việc cho dạ dày.


(Ảnh minh họa: Nguồn internet)


Vấn đề dùng thuốc: Làm lành các tổn thương dạ dày, tá tràng để sự đẩy thức ăn hiệu quả, tạo thùng trống nhanh.
Giảm bớt chất cường toan (acid chlohydric) gây hại cho cả dạ dày và thực quản. Một số thuốc lại có tác dụng làm một màng ngăn bề mặt (Giống như người ta bỏ lá chuối vào thùng nước đầy để nước không bị sánh ra ngoài khi di chuyển).


3) Tránh để thùng đầy “đổ” ngang
-    Tránh ăn quá no, đặc biệt là bữa ăn tối (Nên ăn buổi cuối cùng 4 tiếng trước khi ngủ).
-    Tránh nằm ngay sau khi ăn xong.
-    Nếu có thể thì thực hiện biện pháp “kê cao gối mà ngủ”.


(Ảnh minh họa: Nguồn Internet)


Vâng, chúng ta có thể kê cao gối mà ngủ, tạm biệt nỗi lo lắng dai dẳng về bệnh lý thực quản trào ngược khi chúng ta hiểu biết và điều trị đúng cách.



Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Quốc Vĩnh
Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin



Để được tư vấn về dịch vụ và đặt hẹn với bác sĩ nhanh chóng, Quý Khách hàng vui lòng liên hệ hotline: 0903 800 551 hoặc 0903 800 328



ĐỐI TÁC CỦA CHÚNG TÔI

KhamOnline