THÔNG TIN Y KHOA | NỘI TỔNG QUÁT
Ung thư - Lý thuyết và thực tế
Bất chấp những tiến bộ vượt bậc về công nghệ và tri thức, ngày nay ung thư vẫn còn là một trong những chứng bệnh nan y của xã hội loài người. Điều trớ trêu là mãi đến tận bây giờ, người ta vẫn không thể trả lời thật thuyết phục câu hỏi vì sao lại có ung thư.
Có khá nhiều yếu tố được xác định liên quan khắng khít với ung thư nhưng phần lớn chỉ có thể coi là yếu tố nguy cơ, yếu tố sinh ung thư mà không phải là nguyên nhân duy nhất và trực tiếp. Một loại ưng thư có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau và một tác nhân có thể gây ra nhiều loại ung thư khác nhau. Hiếm khi tìm được mối liên quan A dẫn đến B, không có A thì không có B trong phạm trù này.
Người bệnh ung thư và thân nhân của họ luôn dằn vặt bởi câu hỏi vì sao … nhưng hiếm khi có được một câu trả lời thuyết phục từ các bác sĩ. Cũng vì nguyên nhân không rõ mà khi nói đến ung thư , ta như lạc vào một mê hồn trận của những lời khuyên, những chế độ ăn hay những loại thần dược - thực phẩm chức năng.
Khi tế bào nổi loạn
Các bạn trẻ đang mê mẩn những sản phẩm công nghệ cao như Ipad, Iphone có biết, con người mãi mãi là tổ hợp những công nghệ cao cấp nhất? Chỉ một tế bào đơn lẻ cũng chứa đựng những chu trình phức tạp hơn nhiều so với những máy móc bạn đang có trên tay. Cơ thể ta có hàng tỷ tế bào sinh ra và chết đi dưới sự kiểm soát chặt chẽ của các quy luật sinh học. Khi còn trẻ, cơ thể đang phát triển thì số tế bào sinh ra nhiều hơn chết đi. Ngược lại, trong quá trình già cõi, số tế bào chết đi nhiều hơn số được sinh ra.
(Ảnh minh họa: Nguồn Internet)
Ung thư là một thể bệnh đặc biệt trong đó sự sinh sản tế bào diễn ra ngoài tầm kiểm soát. Thật khó tin một căn bệnh nặng nề như thế lại có thể bắt nguồn chỉ từ sự rối loạn tăng trưởng của một tế bào, và chỉ một tế bào duy nhất mà thôi. Sự phát triển ồ ạt, “vô tổ chức, vô chính phủ” của đám tế bào nổi loạn này sẽ dẫn đến khối u trong đa số trường hợp và dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Trước hết, chúng không kiêng nể gì những hàng xóm hiền lành mà ngang nhiên phát triển, chiếm chỗ … gây ra tình trạng chèn ép, xấm lấn vị trí ban đầu của khối u. Kế đó, do liên kết lỏng lẻo giữa các tế bào u mà chúng dễ dàng rơi rớt ra chung quanh, vào máu hay vào hệ bạch huyết và theo dòng mà di cư đến những miền khác trong cơ thể, gọi là di căn. Khi khối u còn nhỏ và đơn giản, phẫu thuật cắt bỏ u là biện pháp hiệu quả. Tuy nhiên, khi khối u gây chèn ép, dính hay lan rọng ra chung quanh, liên quan đến các mạch máu, thần kinh, nội tạng khác … thì việc cắt bỏ không thực hiện được. Còn khi tế bào u gieo rắc khắp nơi thì phẫu thuật không còn mang ý nghĩa gì.
Ung thư từ đâu đến?
Nói đến ung thư, ta thường thở dài “trời kêu ai nấy dạ !”. Có thật vậy không? Hay chỉ vì ta quá nhiệt tình không đợi ông trời điểm danh đã mạnh dạn … đưa đơn về hưu non? Ngày nay, tuy chưa xác định nguyên nhân sâu xa bên trong, nhưng có thể khẳng định 90 – 95% ung thư sinh ra do sự tác động của yếu tố bên ngoài (yếu tố môi trường) trong khi chỉ có 5-10% là liên quan đến yếu tố bên trong (yếu tố di truyền).
Khái niệm môi trường ở đây bao gồm những điều kiện sống và sinh hoạt mà chúng ta xây dựng/dung nạp chung quanh ta mỗi ngày. Đó có thể là thói quen hút thuốc lá, là chế độ ăn, là nghề nghiệp mà chúng ta đang làm hoặc những vật dụng mà chúng ta tiếp xúc hàng ngày. Ý thức về những nguy cơ tiềm tàng chung quanh sẽ giúp ta giảm bớt rủi ro chạm mặt với căn bệnh ung thư.
Các yếu tố có khả năng gây ung thư hoặc có nguy cơ gây ung thư cao có thể kể đến:
1) Chế độ sinh hoạt:
Thuốc lá liên quan đến 85% số ca tử vong vì ung thư phổi. Ngoài ra, thuốc lá cũng cho thấy mối liên quan cao với ung thư miệng, thanh quản, thực quản, tụy tạng, túi mật, thận và cổ tử cung. Các nguy cơ này giảm dần khi bệnh nhân bỏ thuốc sớm. Tiếp xúc với khói thuốc thụ động (như các bé sống cùng với ba hút nhiều thuốc lá) cũng là yếu tố nguy cơ tương tự.
(Ảnh minh họa: Nguồn Internet)
Chế độ ăn nhiều mỡ làm tăng nguy cơ ung thư vú, ruột già, tụy tạng, tử cung, buồng trứng. Uống nhiều rượu làm tăng nguy cơ bị ung thư miệng, họng, thực quản và thanh quản, ung thư gan, ung thư vú. Kết hợp rượu và thuốc lá càng tăng rủi ro cho người sử dụng.
Đối với phụ nữ mãn kinh, liệu pháp hormon thay thế làm tăng nguy cơ ung thư tử cung, ung thư vú khi dùng oestrogen liều cao lâu dài.
2) Yếu tố nghề nghiệp:
Việc tiếp xúc thường xuyên các kim loại nặng như amiăng, nickel, cadmium uranium, radon, ... ở nơi làm việc, chất hóa học như chloride, bezidene, benzen, thuốc trừ sâu làm gia tăng nguy cơ bị ung thư.
Các bức xạ tự nhiên như tia cực tím trong ánh mặt trời làm tổn thương da, gây ung thư da. Tia cực tím nhiều nhất trong mùa hè, từ 11 giờ trưa đến 3 giờ chiều. Đội nón, dùng áo tay dài hoặc kem chống nắng có SPF từ 15 -30 giúp hạn chế nguy cơ này. Các bức xạ nhân tạo cũng gây ung thư, như trường hợp các nhân viên X quang không được bảo vệ đầy đủ, các nạn nhân sự cố phóng xạ hay bom hạt nhân ... Đây là những người có nguy cơ ung thư nhiều cơ quan khác nhau.
3) Yếu tố nhiễm khuẩn:
Ngày nay, một số vi khuẩn gây tình trạng viêm nhiễm mãn tính và rối loạn chuyển hóa tế bào, từ đó làm tăng nguy cơ bị ung thư. Những mối liên quan thường thấy nhất bao gồm HPV và ung thư cổ tử cung, HP và ung thư dạ dày, các virus viêm gan B, C và bệnh ung thư gan.
4) Yếu tố gia đình di truyền:
Một số loại ung thư như u hắc tố, ung thư vú, buồng trứng, ruột già ... có khuynh hướng xảy ra nhiều hơn trong cùng một gia đình. Tuy nhiên, một số trường hợp chưa hẳn là di truyền mà do yếu tố môi trường của gia đình hay ngẫu nhiên.
5) Do ô nhiễm môi trường:
Đáng tiếc là trong cuộc chiến chống ung thư, con người ngày càng yếu thế do chính sự hủy hoại môi trường của mình. Theo Hội ung thư Mỹ (ACS), ung thư do ô nhiễm môi trường chiếm khoảng 12% trong tổng số những nguyên nhân gây ung thư. Nguyên nhân rất đa dạng do ô nhiễm nguồn không khí, nguồn nước, do ô nhiễm thực phẩm, ô nhiễm các vật dụng sinh hoạt như đồ dùng dân dụng, chảo chống dính, mỹ phẩm làm đẹp ...
Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Xuân Quang
Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin