THÔNG TIN Y KHOA | NỘI TỔNG QUÁT
Biết và hiểu bệnh
Nếu có quyền được biết, bạn nên tận dụng quyền đó của mình. Nhưng mặt khác bạn cũng cần phải chọn lựa thông minh, chắc lọc những điều mình biết chứ không chỉ tin tưởng mù quáng vào bác sĩ, vào những lời quảng cáo có cánh hay vào … google.
Kiến thức luôn quan trọng, đặc biệt khi nó ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mệnh của bạn. Nhưng đôi khi vì nhiều lý do, người bệnh Việt Nam bỏ qua quyền được biết hoặc tìm hiểu một cách không thấu đáo, phiến diện. Hiểu bệnh của mình cũng là cách tốt nhất để bạn có những quyết định đúng đắn trong việc chăm sóc sức khỏe.
Bỏ qua quyền được … biết
Luật khám chữa bệnh hiệu lực từ 1/1/2011 có hẳn một chương quy định về quyền lợi và nghĩa vụ của người bệnh, trong đó có 3 quyền nổi bật là quyền được biết, quyền được tôn trọng và quyền được giữ bí mật. Trên thực tế, dường như bệnh nhân chỉ biết đến một quyền duy nhất là … quyền được đóng tiền. Nỗi sợ hãi bệnh tật và việc mù thông tin đặt người bệnh vào vị trí phụ thuộc, luôn ở trong trạng thái xin xỏ, cầu khẩn. Cứ xem cách thức người nhà hỏi thăm thông tin hoặc cách xin thông tin bệnh án khi xuất viện thì dễ dàng nhận thấy điều này.
Điều này thật ra cũng có lý do của nó. Thử hỏi, có bao nhiêu bệnh nhân đã đọc qua luật khám và chữa bệnh? Có bao nhiêu bệnh viện thông báo về quyền lợi và trách nhiệm của bệnh nhân khi họ vào viện? Trình độ chuyên môn của bác sĩ có thể rất cao, chín mười so với thế giới. Các máy móc thiết bị tại các bệnh viện của ta còn hiện đại hơn nhiều so với bệnh viện trung bình ở Âu Mỹ. Tuy nhiên, nhận thức về quyền lợi của bệnh nhân và cách hành xử để bảo đảm những quyền lợi đó thì … chúng ta đang lạc hậu hàng chục năm. Vì vậy, hãy sử dụng quyền lợi chính đáng của mình một cách thông minh và hợp lý. Mỗi khi cần đến dịch vụ y tế, người bệnh nên biết ai đang điều trị cho mình, phương thức điều trị gồm những gì – bao gồm lợi và hại, thời gian và chi phí điều trị, tiên lượng trước mắt và lâu dài v.v… Rất nhiều điều cần phải biết thay vì phó mặc cho bác sĩ hay cho số phận.
Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu, nên tìm hiểu kỹ về quyền lợi và nghĩa vụ của người bệnh khi vào viện.
Bác sĩ là thượng đế
Các bác sĩ nước ngoài đến làm việc ở Việt Nam thường “khen” bệnh nhân Việt Nam ngoan ngoãn, dễ thương. Thật vậy, dân ta có ý thức vô cùng kính nể các bác nên lúc nào cũng tuân theo y lệnh răm rắp trăm phần trăm, chẳng bao giờ có ý kiến ý cò. Một số lớn bệnh nhân rất vui vẻ uống đủ thứ thuốc chẳng biết nguồn gốc để trị đủ thứ bệnh không rõ tên tuổi, chỉ vì … bác sĩ dặn uống như vậy ! Đã đành là có sự tín nghiệm lương y như từ mẫu nhưng chí ít cũng nên biết mình đang uống gì và vì sao chứ?
(Ảnh minh họa: Nguồn Internet)
Một ví dụ khác, khi một bệnh nhân có một vấn đề y khoa hiểm nghèo, có thể phải mổ hay điều trị thuốc đặc trị, việc trưng cầu một ý kiến thứ 2 hoàn toàn độc lập là điều cần thiết để đảm bảo tính khách quan và cơ sở khoa học trong quyết định này. Đó là một trong những quyền lợi quan trọng của người bệnh khi tiếp nhận dịch vụ y khoa. Ở nhiều nước, bảo hiểm phải có trách nhiệm chi trả luôn những chi phí liên quan đến việc tham khảo này (ý kiến thứ hai – second opinion). Thật ra thì các bệnh viện của ta đều có chế độ hội chẩn đoán bác sĩ trong khoa, liên khoa, ngoại viện đối với các bệnh nhân khó. Tuy nhiên, đây là chế độ chuyên môn phản ảnh trách nhiệm của cơ sở điều trị và người bệnh ít khi được tham gia vào quá trình này mà chỉ thụ động nằm chờ phán xét.
Khi có vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe cần quyết định, nên chủ động tìm thêm ý kiến thứ hai.
Quá tin vào quảng cáo
Trong thời buổi thông tin đa chiều như hiện nay, người bệnh rất dễ bị lung lạc bởi những lời lẽ có cánh, những bộ phim hoành tráng hay những trang báo màu mè truyền tải những thông tin sai lệch. Trong tư tưởng đơn thuần của một số người bệnh, những gì đã lên báo hay được chiếu trên “đài tàng hình” thì làm sao mà sai? Bởi vậy, hàng năm đều có những vụ xì căng đan về khám chữa bệnh liên quan đến quảng cáo. Có thể đơn cử hai ví dụ điển hình là các thực phẩm chức năng và các phòng khám Trung Quốc.
Bộ Y tế Việt Nam định nghĩa thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ gây bệnh. Đó không phải là thuốc nhưng qua vai trò quảng cáo, một số thực phẩm chức năng bỗng trở thành thần dược trị bách bệnh, được bán với giá trên trời hoặc trở thành công cụ lừa đảo.
Một số phòng khám Trung Quốc tai tiếng cũng vậy. Những hình ảnh và lời lẽ hoa mỹ đã giúp che giấu bản chất vụ lợi và kinh doanh sức khỏe một cách phi đạo đức của một nhóm người. Tuy nhiên, bệnh nhân tự mình đi vào để bị trấn lột thì còn có thể trách ai được?
Hãy tỉnh táo khi nghe hay xem quảng cáo. Mục đích của quảng cáo là để giới thiệu cho chúng ta biết, không phải để chúng ta tin tưởng một cách mù quáng.
Cái gì không biết thì … tra google !
Một số bạn trẻ có tinh thần yêu cộng nghệ nhưng lại ghét bệnh viện, có xu hướng sử dụng internet để tự chẩn đoán và điều trị cho mình. Mặt khác, hình thức tư vấn online cũng rất phổ biến và giúp ích được không ít người bệnh.
(Ảnh sưu tầm: Nguồn internet)
Vấn đề nằm ở chỗ việc xác định bệnh lý cần phải dựa vào 3 yếu tố: hỏi bệnh sử, khám lâm sàng (bao gồm nhìn sờ gõ nghe) và các cận lâm sàng (chủ yếu là xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh). Không một bác sĩ nào có thể tự tin đưa ra một chẩn đoán dựa vào một vài triệu chứng được nêu ra, chưa nói đến việc mô tả không chính xác.
Vì thế, hãy dùng internet một cách hợp lý: tra cứu thông tin về bệnh của mình (sau khi được bác sĩ chẩn đoán) và những thuốc đang uống (để tìm hiểu tác dụng phụ). Như vậy người bệnh có thể phát huy tốt nhất sức mạnh của ông “bác sĩ Google”.
Internet là công cụ để tham khảo, không phải là công cụ để chẩn đoán và điều trị.
Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Xuân Quang
Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin