THÔNG TIN Y KHOA | NỘI TỔNG QUÁT

Ở đâu có sự sống, ở đó có hy vọng

Viết về điều trị ung thư thật khó. Về mặt khoa học, mỗi bệnh án là một bài toán mà lời giải không bao giờ giống nhau. Không những mỗi loại ung thư có những cách điều trị khác nhau mà mỗi giai đoạn của một bệnh nhân cũng có những phác đồ điều trị khác nhau.

Hơn nữa, điều trị ung thư không phải là điều trị một căn bệnh mà là điều trị một con người với rất nhiều vấn đề liên quan. Người bệnh ung thư không chỉ sống nhờ thuốc mà còn nhờ vào niềm tin và hy vọng. Có thể các phép lạ của Chúa là điều không có thật nhưng những điều kỳ diệu, vẫn xảy ra mỗi ngày trong cuộc chiến không cân sức này.

 

(Ảnh minh họa: Nguồn Internet)

 

Điều trị “chính quy”


Trước tiên phải khẳng định, hãy tin vào bác sĩ và các điều trị khoa học. Hãy lạc quan vì nhờ kỹ thuật mới, các khối u ngày nay được chẩn đoán khá sớm, khả năng khỏi hoàn toàn rất cao.


Các phương pháp phẫu thuật hay xạ trị thường chỉ dùng nếu bệnh còn ở giai đoạn sớm. Nhờ sự phát triển của phẫu thuật nội soi, khuynh hướng “cắt bỏ” thay thế bằng “cắt giữ” giúp bảo tồn cơ thể toàn vẹn, giữ được chức năng sau khi cắt khối u. Nhờ thế, bệnh nhân hoàn toàn có cuộc sống bình thường sau điều trị.


Ví dụ, đối với ung thư dạ dày sớm, trước đây cắt bỏ 2/3 dạ dày với di chứng nặng nề thì ngày nay chỉ cần cắt riêng phần u bằng nội soi trong khoảng 15 phút và bệnh nhân có thể ra về sau khi theo dõi vài giờ.


Các phương pháp điều trị như hóa chất (dùng thuốc chống ung thư) hay miễn dịch (làm tăng sức đề kháng của cơ thể) có tác dụng trên toàn cơ thể nên chỉ áp dụng cho những ung thư có tính chất toàn thân hoặc đã lan rộng.

 

(Ảnh minh họa: Nguồn Internet)


Khi khối u đã lan rộng hay di căn thì các lựa chọn điều trị bị hạn chế rất nhiều. Khi đó, Tây y chỉ có những phương pháp điều trị hỗ trợ nhằm giúp bệnh nhân có cuộc sống dễ chịu trong phần đời còn lại.


Điều trị dân gian


Có khá nhiều biện pháp chữa ung thư bằng thảo dược tự nhiên, bằng những bài thuốc Nam hay thuốc Bắc. Giá trị của chúng đến đâu và nên dùng như thế nào? Đây thực sự là vấn đề tế nhị và là một con dao hai lưỡi, có thể giúp rất nhiều và cũng là thủ phạm đưa đến nhiều cái chết oan ức.


Trước hết, hãy điểm qua một vài kinh nghiệm được truyền bá rộng rãi. Chữa ung thư bằng gạo Lứt muối mè là một bài thuốc khá “kinh điển” được nhiều người tin dùng từ hàng chục năm nay. Hai sản phẩm khá nổi tiếng khác là lá đu đủ và lá trinh nữ hoàng cung cũng từng được hô hào trong nhiều năm. Gần đây, thuốc ung thư chế từ nấm Lim Xanh – một loại nấm đặc hữu của Việt Nam – cũng đang thử nghiệm tại bệnh viện St. John’s (Birmingham, Anh). Ngoài ra, còn có vô số bài thuốc “gia truyền” mà người cung cấp luôn luôn khăng khăng giấu kín thành phần và cách pha chế.


Y học thay thế và bổ sung là một nhóm các phương pháp săn sóc sức khỏe bao gồm thủ thuật và thuốc được xem là có hiệu quả bởi các chuẩn mực của y học thực hành. Chúng được cùng để “bổ sung” cho điều trị quy ước, nhằm nâng cao tinh thần và giúp bệnh nhân thoải mái.


Cho đến nay chưa có phương pháp điều trị dân gian nào được chính thức công nhận là thuốc điều trị ung thư. Không thể phủ nhận có những trường hợp điều trị thành công, bớt hay khỏi bệnh. Điều chúng ta cần hiểu là:


-    Số lớn ca “thành công” thật ra là chẩn đoán không đúng bệnh và bệnh nhân hoàn toàn không bị ung thư.


-    Ngay cả ung thư cũng có một tỷ lệ nhỏ tự khỏi nếu thể trạng tốt lên và hệ miễn dịch được tăng cường.


-    Một người uống lá đu đủ có tác dụng không có nghĩa là mọi người uống lá đu đủ đều có tác dụng. Một sản phẩm chỉ có thể coi là thuốc điều trị nếu nó đem lại hiệu quả hằng định và giống nhau trên mọi bệnh nhân có cùng chứng bệnh. Những bài thuốc dân gian có tác dụng ngẫu nhiên và lẻ tẻ không thể coi như phương pháp điều trị hữu hiệu.


Điều trị thảo mộc cũng có cơ sở khoa học vì xét cho cùng, nhiều loại thuốc ung thư cũng được chiết xuất từ cây cỏ. Vấn đề ở đây là chúng ta chưa tìm được hoạt chất có giá trị, chưa xác định được liều lượng thích đáng cũng như chưa chứng minh được dược liệu đó có tác dụng phụ hay không? Trên con đường đấu tranh với căn bệnh của nhân loại, người ta vẫn đang nghiên cứu những phương pháp còn ”điên rồ” hơn như dùng nam châm (Hàn Quốc), dùng nọc độc bọ cạp (Cuba) hay kể cả dùng HIV (Anh). Vậy có gì lạ nếu người dân Việt Nam tìm được một loại thảo dược có thể điều trị ung thư?


Một số bài thuốc dân gian cũng đã được các cơ quan chức năng khảo sát cẩn thận, đều cho thấy có tác dụng tốt nhưng không thể dùng như thuốc đặc trị mà chỉ là biện pháp hỗ trợ điều trị.


Các nhà khoa học luôn nhấn mạnh thời gian vàng trong ung thư, khi các điều trị kinh điển mang lại hiệu quả tốt. Phung phí thời gian vàng vào những bài thuốc không rõ ràng, để khi người bệnh nhận ra sự thật thì có thể đã trễ, không còn làm gì được nữa. Chính vì thế, những cơ sở tự ý trương bảng “điều trị khỏi ung thư” dù với mục đích tốt (như một doanh nghiệp nước rửa chén ở Đà Nẵng) hay xấu (các phòng khám Trung Quốc đang lan tràn khắp nơi) đều đã được xử lý nghiêm khắc.


Để gút lại, những bài thuốc này chỉ nên dùng trong hai trường hợp. Một là dùng để hỗ trợ điều trị chính thống, như vậy sẽ có tác dụng nâng đỡ, bồi bổ cơ thể và phần lớn bác sĩ sẽ không ngăn cấm trừ khi nó đi ngược chiến lược điều trị (ví dụ kiêng ăn, dùng gạo Lứt muối mè kéo dài). Hai là khi các cách điều trị kinh điển đã hoàn toàn hết tác dụng và các bác sĩ chỉ còn mong chờ phép lạ, thì các bài thuốc này còn có thể cung cấp một hy vọng nhỏ nhoi cho người bệnh bấu víu vào.


Điều trị giảm đau


Bệnh nào cũng đau nhưng trong ung thư, triệu chứng đau thật sự phức tạp và là biểu hiện đau lòng của hầu hết bệnh nhân giai đoạn cuối, là cực hình đối với những bậc cha mẹ, con cái, vợ chồng khi bất lực nhìn người thân quằn quại trong cơn đau từ ngày này qua ngày khác. Cơn đau đôi khi còn đáng sợ hơn cái chết !


Đau trong ung thư có thể có nguyên nhân cơ học  (tắc nghẽn) hay do hủy hoại (xâm lấn tại chỗ) hay do thần kinh (chèn ép các hạch, rễ thần kinh). Yếu tố tâm lý cũng có thể đóng vai trò lớn trong trường hợp bệnh nhân lo sợ bị bỏ rơi hay bị lệ thuộc. Mức độ đau có thể từ ít, nhiều đến không chịu đựng nổi. Đau có thể gián đoạn hay liên tục nhưng hầu như chỉ có xu hướng tăng dần mà không giảm đi.


Điều trị đau, trước hết nhằm vào nguyên nhân gây đau, bắt đầu từ các loại thuốc giảm đau thông thường, đi từ liều thấp đến liều cao, chuyển từ loại không á phiện đến các dẫn xuất á phiện kết hợp các thủ thuật phong bế thần kinh khi cần thiết.


Việc điều trị lâu dài cho các bệnh nhân ung thư không chỉ giải quyết triệu chứng đau mà tất cả những gì liên quan nhằm đảm bảo cho họ một cuốc sống yên bình trước khi chết, được gọi chung là điều trị nâng đỡ. Các bác sĩ trước đây chỉ quan tâm đến điều trị căn bản. Sau khi xác định không thể làm gì hơn, họ thường dùng khái niệm “cho về” … hàm nghĩa chờ chết.


Gần đây, đã có chuyển biến về nhận thức trong ngành y với sự quan tâm nhiều hơn đối với các đối tượng này, như chương trình Chăm sóc giảm nhẹ của bệnh viện Ung Bướu triển khai từ tháng 1/2011. Theo ThS.BS CKI Quách Thanh Khánh (BV. Ung Bướu TP.HCM), mỗi năm có khoảng 200,000 người được chẩn đoán ung thư và khoảng 70% số người phát hiện đã rơi vào giai đoạn cuối. 75% số ca có đau nhức và 53% bị đau ở mức độ từ trung bình đến nặng. Họ chính là những người cần được chăm sóc giảm nhẹ để giảm chịu đựng về thực thế, tâm lý cũng như xã hội và tâm linh.


Điều trị tâm lý


Một trong những nhu cầu rất lớn của người bệnh ung thư là được chia sẻ. Thật vậy, trong khi những người khỏe mạnh quay cuồng với cuộc sống thì người bệnh ung thư như bị giam trong một thế giới riêng với những bộ áo trắng, những chai dịch truyền và những viên thuốc. Họ có rất nhiều thời giờ để nghĩ về những gì đã qua và những gì sắp đến.


Câu chuyện của Bác sĩ Richard Teo ở Singapore là một ví dụ điển hình cho thấy bệnh nhân ung thư cần đến sự cảm thông của những người chung quanh như thế nào. Khi là một bác sĩ, Richard Teo biết là bệnh nhân bị đau … nhưng ông chỉ thấm thía khi trờ thành bệnh nhân ung thư và trải qua cảm giác này. Có nhiều bài học rút ra từ lời trần tình của Teo nhưng sự cảm kích của ông đối với những người chung quanh là điều dễ dàng nhận thấy trong 10 tháng bị ung thư. (xem tại www.richardteo.com).


Một cách khác để chia sẻ nỗi đau là ghi lại nhật ký và lắng nghe những lời động viên từ khắp nơi trên thế giới. Trang web www.ungthu.net là một trong những câu chuyện cảm động về cuộc chiến chống ưng thư của cặp vợ chồng trẻ ở Việt Nam, cũng như ghi lại kinh nghiệm của một số trường hợp khác.


Cuộc sống của người bệnh ung thư có thể dài, có thể ngắn, có thể khỏi bệnh, cũng có thể chết rất nhanh. Các thay đổi tâm lý thường vượt khỏi nhận thức của người bác sĩ điều trị, nhất là các bác sĩ Việt Nam hầu như chỉ quan tâm đến việc cho thuốc và chỉ định mổ. Chính gia đình và người thân là người phải “chấn đoán” và “điều trị” các rối loạn tâm lý này.

 

(Ảnh minh họa: Nguồn Internet)


Có thể bạn không có kinh nghiệm, nhưng tình yêu và sự quan tâm là những vị thuốc tốt nhất phối hợp thành bài thuốc đặc trị cho chứng bệnh này.


Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Xuân Quang
Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin



ĐỐI TÁC CỦA CHÚNG TÔI

KhamOnline