THÔNG TIN Y KHOA | NỘI SOI - TIÊU HÓA

Thở để tìm vi khuẩn

Con vi khuẩn H.Pylori đã không còn xa lạ đối với những người từng được bác sĩ chẩn đoán bị đau dạ dày. Khổ nỗi, trước đây, việc “truy tầm” để xác định sự hiện diện của H. Pylori (Helicobacter Pylori) trong bao tử người bệnh không hề nhẹ nhàng. Ít nhất, người bệnh phải “đổ máu” với phương pháp xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán H. Pylori. Còn muốn chính xác tuyệt đối thì cần phải nội soi, bấm một mẩu niêm mạc dạ dày nhỏ xíu và tìm H.Pylori. Đối với những người “yếu bóng vía” thì nội soi là một nỗi ám ảnh, cả về tâm lý lẫn cảm giác khó chịu trên thực tế.

May thay các nhà khoa học đã không ngừng nghiên cứu, tìm tòi, và họ đã phát minh ra phương pháp PY test, hay còn gọi là thở bong bóng, thở test. Từ nay, muốn biết mình có nhiễm H.Pylori hay không, bạn không cần nem nép trước cái máy nội soi nữa mà chỉ cần uống một viên nang, thở vào một chiếc bong bóng và … ngồi chờ mà thôi.


PY Test là gì?


Phương pháp này nghe thật hấp dẫn và ắt hẳn sẽ nhận được sự ủng hộ của những ai quan tâm đến con vi khuẩn H.Pylori đáng ghét kia. Nhưng những người thận trọng sẽ đặt câu hỏi: PY test là gì? Phương pháp này có chính xác không và có giới hạn gì không?


Nói một cách mô phạm thì PY test là xét nghiệm không xâm lấn để tìm sự hiện diện của H.Pylori trong dạ dày một cách nhanh chóng và chính xác. Các nghiên cứu khoa học cho thấy, enzyme urease không hiện diện trong tế bào động vật có vú. Vì thế, việc có mặt urease trong dạ dày chứng tỏ có sự hiện diện của vi khuẩn. Mà vi khuẩn duy nhất có thể tồn tại trong dạ dày là H. Pylori. Đánh dấu được sự có mặt của urease trong dạ dày tức là có thể kết luận có “em” H.Pylori lảng vảng đâu đây. Một phép suy luận vô cùng đơn giản.


Khi xét nghiệm, người bệnh sẽ được nuốt một viên nang chứa urea đánh dấu với C14. Vào dạ dày, nếu gặp enzyme urease của H.Pylori, urea trong viên nang sẽ phân cắt tạo thành CO2 và NH3 ở bề mặt chung giữa lớp biểu mô với khoan dạ dày và C14O2 được hấp thụ vào máu và thoát ra theo hơi thở. Đó là cơ sở khoa học cho việc “thở và tìm vi khuẩn”.

 

(Ảnh minh họa: Nguồn Internet)


Nhưng liệu PY test có dương tính giả bởi nhầm lẫn với các vi khuẩn khác vốn cũng có khả năng thủy phân urea C14? Các nhà sản xuất đã tính đến trường hợp này. Vì thế, khi tham gia xét nghiệm, người bệnh sẽ được hướng dẫn gắp viên nang cho vào miệng, uống 20 ml nước và đợi 3 phút sau đó uống tiếp 20 ml nước để chắc chắn viên nang sẽ không bị vướng lại ở thực quản hay đâu khác mà sẽ yên vị trong dạ dày.

 

(Ảnh minh họa: Nguồn Internet)


Chỉ khi đến dạ dày, viên nang mới tan ra nên kết quả sẽ đảm bảo không bị ảnh hưởng bởi các loại vi khuẩn khác có thể có trên đường đi của viên nang, như các vi khuẩn ở miệng.


Cũng lý do này mà người thực hiện xét nghiệm thường được yêu cầu phải dùng dụng cụ gắp viên nang (chứ không dùng tay) và phải nuốt trọn viên nang (chứ không nhai vỡ rồi mới nuốt). Như thế, kết quả mới bảo đảm chính xác.


Vấn đề cuối cùng cũng khiến mọi người boăn khoăn, là liệu xét nghiệm này có phản ứng phụ nào không? Trên thực tế, urea thậm chí được tìm thấy trong sữa mẹ. Và vì thế, không có bất kỳ giới hạn nào trong việc sử dụng phương pháp này trên phụ nữ mang thai và/hoặc trẻ em. Cục Quản lý Dược – Thực phẩm (FDA) của Mỹ đã chấp thuận viêc sử dụng PY test cho mọi độ tuổi, mọi đối tượng.


Khi nào và thế nào?


PY test thường dùng để kiểm tra H.Pylori sau đợt điều trị với kháng sinh. Phương pháp này cũng thích hợp đối với trẻ em có các triệu chứng về tiêu hóa (đau thượng vị, ăn không tiêu, tiêu chảy, táo bón, …) nhằm giúp giảm tránh cho trẻ việc nội soi. Những người trong gia đình có người nhiễm H.Pylori cũng nên sử dụng phương pháp này để tầm soát H.Pylori. Tuy nhiên cần phải tư vấn bác sĩ tiêu hóa trước khi làm xét nghiệm này.


Để làm PY test, bệnh nhân cần phải nhịn ăn uống 4 giờ trước khi tiến hành xét nghiệm và nên ngưng các sản phẩm có chứa kháng sinh hay bismuth ít nhất 1 tháng, hoặc các thuốc ức chế acid, PPI, sucralfate ít nhất 2 tuần trước khi tiến hành xét nghiệm.


Khi xét nghiệm, bệnh nhân sẽ uống viên nang, chờ 3 phút rồi uống tiếp 20 ml nước, sau đó chờ thêm 10 phút nữa, nín thở từ 5-10 giây, sau đó thổi hơi thật chậm vào trong bóng chứa qua ống hút, làm đầy hoàn toàn bóng chứa. Bóng chứa sẽ được cột chặt lại và gửi đi xét nghiệm. Kết quả sẽ có sau 15 phút, và bạn sẽ biết liệu mình có đang “nuôi” vi khuẩn H.Pylori trong bụng hay không để tùy cơ định liệu.

 

 

(Ảnh minh họa: nguồn Internet)


So sánh về độ chính xác của PY test với các phương pháp xét nghiệm tìm H. Pylori khác thì độ nhạy và độ đặc hiệu của PY test tương đương với nội soi làm CLO test (tiêu chuẩn vàng). Đây là xét nghiệm không xâm lấn nhưng có độ chính xác cao hơn nhiều so với xét nghiệm máu. Ngoài ra, chưa thấy có tác dụng khó chịu nào khi sử dụng PY test.


Không cần phải chịu đựng nỗi khó chịu khi nội soi, cũng không cần phải rúm người trước cây kim chích trong phương pháp xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán Helicobacter Pylori. Giờ đây, bạn chỉ cần … thở và ngồi chờ máy móc truy tìm H.Pylori.


Bác sĩ Trần Văn Huy
Trưởng khoa Nội Soi, Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin



ĐỐI TÁC CỦA CHÚNG TÔI

KhamOnline