THÔNG TIN Y KHOA | RĂNG HÀM MẶT
Giải đáp thắc mắc về chăm sóc răng miệng ở người trung niên và người cao tuổi - Phần 2
Nguyễn Đức Phúc - Lâm Đồng
Chào bác sĩ,
Tôi năm nay 43 tuổi. Thời gian gần đây không hiểu vì sao tôi bị ê buốt cả hai hàm răng, chỉ cần uống chút nước mát thôi là cảm thấy buốt rồi. Tôi đã thử kết hợp súc miệng nước muối sau mỗi lần đánh răng nhưng tình trạng vẫn không cải thiện. Mong bác sĩ tư vấn giúp tôi. Rất cảm ơn!
BS Nguyễn Đức Trình, phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin
Chào anh,
Tình trạng ê buốt răng có thể do sâu răng, mòn răng hay trụt nướu răng, anh nên đến nha sĩ khám sớm để đánh giá nguyên nhân ê buốt răng. Nếu sâu răng thì cần phải trám lại, nếu bị mòn cổ chân răng có thể cần trám lại...
Anh có thể sử dụng kem đánh răng dành cho răng nhạy cảm để giảm tình trạng ê buốt. Quan trọng nhất phải tái khám răng để đánh giá chính xác nguyên nhân và có hướng điều trị thích hợp.
- Thúy Nga - lethi…@yahoo.com.vn
Chào bác sĩ,
Tôi là nữ, 60 tuổi ở Tây Ninh. Tôi có 12 răng cửa bị mòn cổ răng và đã trám vài năm rồi. Nay bạn bè khuyên nên làm răng sứ cho đẹp. Nhưng có người lại nói răng sứ là răng giả, không tốt bằng răng thật, vì khi làm răng sứ sẽ phải lấy tủy. Vậy theo BS tôi có nên làm răng sứ không? Mong BS cho tôi lời khuyên. Cám ơn BS Trình rất nhiều.
BS Nguyễn Đức Trình, phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin
Chào cô Nga,
Phục hình răng sứ thì cũng tuân theo chỉ định có thể phục hình răng để phục hồi chức năng ăn nhai hoặc phục hồi thẩm mỹ nụ cười, hay kết hợp cả 2. Vấn đề tâm lý của bệnh nhân cũng rất quan trọng, cô nên xác định rõ nguyện vọng của mình, muốn cải thiện chức năng hay thẩm mỹ.
Nếu răng của cô vẫn tốt, miếng trám hiện tại vẫn tốt mà cô không có nhu cầu cải thiện thẩm mỹ thì không cần phải phục hình, ngược lại nếu cô muốn cải thiện thẩm mỹ nụ cười thì phục hình răng sứ là một giải pháp tốt. Cô nên đến nha sĩ để được tư vấn kỹ hơn.
(Ảnh minh họa: Nguồn internet)
- Trầm Hương - Huongtram…@gmail.com
Chào bác sĩ,
Tôi năm nay 45 tuổi, sức khỏe tốt. Tuy nhiên, tôi bị mất 1 răng cửa nên muốn trồng răng để cải thiện thẩm mỹ và ăn nhai. Nhờ bác sĩ tư vấn giúp tôi có nên trồng răng giả bằng răng sứ không? Răng giả bằng răng toàn sứ có ưu điểm gì hơn so với răng giả có kim loại? Tôi xin cảm ơn bác sĩ!
BS Nguyễn Đức Trình, phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin
Chào chị Hương,
Tình trạng của chị bị mất 1 răng có thể phục hồi lại bằng cách làm cầu răng sứ nhưng cần thiết phải mài 2 răng bên cạnh để phụ hồi lại răng mất. Hoặc có thể thực hiện cấy ghép implant, bác sĩ sẽ đặt 1 trụ implant vào trong xương hàm sau thời gian lành thương sẽ tiến hàng lắp răng giả lên trên implant.
Implant có ưu điểm là không phải mài 2 răng bên cạnh giúp bảo tồn răng, chị có thể tham khảo giải pháp này.
Răng toàn sứ có nhiều ưu điểm, độ thẩm mỹ cao, hoàn toàn làm bằng khối sứ trắng nên không bị ánh đen như răng sứ kim loại, khả năng tương tác ánh sáng gần giống như răng thật nên khó phát hiện. Ngoài ra, không bị nhiễm màu nướu do các oxit kim loại.
- Trần Thị Mai - maivan…@yahoo.com
Chào bác sĩ,
Răng tôi không đều, có 2 răng khểnh ở cả hàm trên và hàm dưới nên muốn niềng răng cho đẹp hơn. Nhưng niềng răng có tốt không, vì tôi nghe nói sau khi niềng răng lại yếu đi. Tôi còn phân vân về điều này nên chưa dám niềng răng. Xin bác sĩ cho tôi lời khuyên!
BS Nguyễn Đức Trình, phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin
Chào bạn,
Theo như mô tả của bạn thì bạn đang muốn cải thiện thẩm mỹ, giải pháp niềng răng để chỉnh lại răng mọc lệch luôn có ưu điểm hơn so với phục hình vì giữ lại các răng thật không bị mài đi. Nhưng ngược lại niềng răng mất thời gian lâu hơn, thời gian đi lại nhiều lần có thể khiến bệnh nhân nản.
Việc niềng răng được thực hiện bởi chuyên gia chỉnh nha sử dụng đúng thời gian điều trị thích hợp thì sẽ không làm răng yếu đi. Nếu chỉnh lực quá mức có thể dẫn đến viêm tủy, chết tủy hoặc tiêu ngót chân răng. Bạn nên xác định tâm lý và đến những cơ sở uy tín để điều trị.
- Huỳnh Tấn Tú, 56 tuổi - tantuhuynh…@gmail.com
Chào bác sĩ,
Tôi đi trồng răng giả cách đây 1 tuần nhưng hiện tại tôi thấy nó vướng víu, lúng búng, cảm giác không thật và còn gây đau khi nhai nên tôi không ăn uống được. Bây giờ tôi phải làm gì để hết các triệu chứng này? và mong bác sĩ hướng dẫn cho tôi cách vệ sinh răng giả? Chân thành cảm ơn.
BS Nguyễn Đức Trình, phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin
Chào anh,
Theo mô tả thì không biết anh đang sử dụng răng giả tháo lắp hay cố định. Sau khi trồng lại răng có thể cần 1 thời gian để môi, má, lưỡi thích nghi lại sau thời gian mất răng.
Nếu anh làm hàm giả tháo lắp cần phải thực hiện chữa đau nhiều lần để không bị đè ép gây đau nướu... và anh mất 1 thời gian mới thích nghi được. Với hàm giả này, cần phải tháo ra làm sạch hàm giả và răng sau mỗi lần ăn.
Nếu sử dụng răng cố định thì dễ thích nghi hơn so với răng giả tháo lắp, anh cần quay lại nha sĩ để kiểm tra để điều chỉnh thích hợp. Nếu là răng cố định anh cũng cần phải chải răng kỹ, sử dụng chỉ nha khoa, có thể sử dụng tăm nước để làm sạch dưới nhịp cầu.
- Trần Bảo Yến - Long An
Tôi thường gặp tình trạng chảy máu khi đánh răng, đôi lúc hơi thở có mùi hôi. Có phải do tôi đánh răng mạnh tay làm ảnh hưởng đến chân răng hay không? Làm sao để hết tình trạng này thưa bác sĩ?
BS Nguyễn Đức Trình, phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin
Tình trạng chảy máu khi đánh răng phần lớn do viêm nướu. Viêm nướu có thể do vôi răng mảng bám, đang sử dụng thuốc để điều trị bệnh lý y khoa hoặc thay đổi nội tiết tố. Đối với những trẻ đang dậy thì hoặc phụ nữ đang mang thai càng dễ bị viêm nướu do thay đổi hoormon. Đánh răng mạnh cũng có thể làm cho nướu bị chấn thương chảy máu và làm mòn chân răng.
Bạn nên sử dụng bàn chải lông mềm, đánh răng nhẹ nhàng. Bạn cũng nên đến nha sĩ sớm để xác định nguyên nhân viêm nướu có thể phải làm cạo vôi răng, làm sạch răng và được hướng dẫn cách chải răng đúng cách để loại bỏ mảng bám.
- Phuonganh…@gmail.com
Chào bác sĩ,
BS cho tôi hỏi, sưng mộng răng có nguy hiểm không? Tôi bị sưng mộng răng ở nhiều răng lắm, lợi trương to lên, đỏ và đau nữa. Tôi không ăn uống được gì và rất khó chịu. Nhiều người nói cứ ngậm nước muối, rang chịu đau vài hôm rồi sẽ tự khỏi. Nhưng mà tôi vẫn thấy lo lắng lắm, hình như tôi bị viêm nướu hay viêm răng gì đó, nhờ BS tư vấn giúp. Chân thành cảm ơn BS!
BS Nguyễn Đức Trình, phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin
Chào bạn,
Theo mô tả của bạn có thể bạn đang bị viêm nướu, ngậm nước muối chỉ là một biện pháp hỗ trợ, quan trọng là bạn phải đến nha sĩ sớm để xác định nguyên nhân, nếu viêm nướu cho vôi răng mảng bám thì bác sĩ sẽ cạo vôi răng và làm sạch răng thì tình trạng sẽ khỏi. Viêm nướu lâu ngày không được điều trị có thể dẫn đến viêm sâu xuống chân răng dẫn đến viêm nha chu, khi đó việc điều trị sẽ khó khăn hơn.
- Hồng Ngọc - nguyenhongngoc…@gmail.com
Chào bác sĩ,
Hai răng cấm của tôi cùng lúc bị sâu nặng, đã bị vỡ ra nên tôi muốn nhổ đi để sau trồng lại. Nhưng theo bác sĩ thì tôi có nên nhổ hai răng cấm cùng lúc không? Nếu nhổ thì có ảnh hưởng gì về sau không ạ? Chân thành cảm ơn bác sĩ!
BS Nguyễn Đức Trình, phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin
Chào bạn,
Sâu răng quá mức không thể giữ được thì cần phải loại bỏ vì nếu không loại bỏ vi khuẩn bên trong chân răng có thể gây nhiễm trùng. Nếu nhiễm trùng lâu ngày không điều trị, vi khuẩn có thể xâm nhập vào máu đi đến các cơ quan khác trong cơ thể và gây hại.
Chống chỉ định tạm thời nhổ răng trong 1 số trường hợp có những bệnh lý đặc biệt như tiểu đường, huyết áp, tim mạch hay các bệnh rối loạn trong cầm máu. Những bệnh lý này cần phải được kiểm soát tốt trước khi nhổ răng.
Nếu như tình trạng sức khỏe của bạn tốt thì việc nhổ răng vẫn an toàn. Bạn cần đến nha sĩ để đánh giá tình trạng răng cũng như toàn thân để sớm loại bỏ những răng sâu này.
- Thế Quang - Bình Phước
Thưa bác sĩ,
Làm sao để ngăn ngừa sâu răng hiệu quả nhất? Tôi chăm sóc răng miệng rất kỹ mà vẫn bị sâu răng. Không chỉ sâu răng hàm mà còn sâu các răng khác và sâu ở nhiều chỗ, có các đốm đen nhỏ và thỉnh thoảng còn bị đau nữa ạ. Khi bị đau răng thì tôi nên dùng thuốc gì để giảm đau ạ, tôi cũng bị đau dạ dày? Chân thành cảm ơn bác sĩ!
BS Nguyễn Đức Trình, phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin
Chào bạn,
Việc ngăn ngừa sâu răng bao gồm chải răng sạch đúng cách ít nhất ngày 2 lần, sử dụng kem đánh răng có flo, sử dụng chỉ nha khoa làm sạch kẽ răng hàng ngày, hạn chế ăn vặt, đặc biệt thức ăn có độ bám dính cao như đường, bột.
Việc dùng thuốc khi đau răng do sâu chỉ là biện pháp tạm thời, quan trọng là bạn cần đến nha sĩ để điều trị dứt điểm sâu răng. Với những răng sâu mức độ nhẹ chỉ cần trám lại, những răng sâu đến tủy thì bắt buộc phải điều trị tủy và phục hồi lại.