THÔNG TIN Y KHOA | RĂNG HÀM MẶT
Giải đáp thắc mắc về chăm sóc răng miệng ở người trung niên và người cao tuổi - Phần 1
Răng miệng là cửa ngõ của bộ máy tiêu hóa, nếu không được chăm sóc kỹ càng sẽ có thể ảnh hưởng đến toàn cơ thể. Sức khỏe răng miệng đặc biệt quan trọng đối với người trung niên và cao tuổi vì họ thường dễ mắc các bệnh hệ thống có ảnh hưởng đến vùng miệng và lúc đó thì những tổn thương vùng miệng lại tác động ngược lại một cách trực tiếp hay gián tiếp trên tình trạng dinh dưỡng, khả năng đề kháng và chất lượng cuộc sống nói chung.
Những thắc mắc xoay quanh vấn đề chăm sóc răng miệng ở người trung niên và người cao tuổi được Bác sĩ Nguyễn Đức Trình - Chuyên khoa Răng Hàm Mặt, Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin giải đáp.
(Ảnh minh họa: Nguồn internet)
- ducphuc19…@gmail.com
- Xin bác sĩ cho biết, răng của người trung niên và cao tuổi có đặc điểm gì khác biệt so với các độ tuổi khác? Việc chăm sóc răng ở lứa tuổi này cần lưu ý điều gì? Việc ăn uống của người cao tuổi cần chú ý điều gì để tốt cho răng?
BS Nguyễn Đức Trình, Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin
Chào bạn,
Răng miệng ở tuổi trung niên và cao tuổi thì có một số khác biệt so với người trẻ, ví dụ như: tình trạng loãng xương, xương hàm giảm độ dẻo dai, răng cũng trở nên giòn hơn, ống tủy răng cũng trở nên hẹp hơn, khoảng dây chằng dây chu hẹp hơn, răng trở nên cứng khớp, quá trình lành thương với người cao tuổi cũng diễn ra chậm hơn... dẫn đến việc điều trị gặp nhiều khó khăn. Ví dụ như nhổ răng khó hơn, điều trị ống tủy cũng trở nên phức tạp hơn.
Ngoài ra, người cao tuổi còn có tình trạng mòn răng dẫn đến răng dễ ê buốt, hiện tượng trục nướu dẫn đến có khe hở giữa các răng gây khó khăn cho việc vệ sinh răng miệng. Việc điều trị răng của ở người cao tuổi còn gặp nhiều khó khăn do các bệnh toàn thân đi kèm bao gồm như: tiểu đường, tim mạch, vấn đề gan thận...
Chăm sóc răng miệng ở người cao tuổi cần được quan tâm để phòng ngừa các bệnh sâu răng, viêm nha chu, đánh răng sạch, sử dụng kem đánh răng có flo, dùng chỉ tơ nha khoa ít nhất ngày 1 lần.
Với những người có mang hàm giả cần phải làm sạch hàm giả và các răng còn lại sau khi ăn để tránh đọng thức ăn gây sâu răng. Đối với những răng trụt nướu gây hở chân răng cần sử dụng bàn chải kẽ, quan trọng nhất phải tái khám răng định kỳ 6 tháng 1 lần để được cạo vôi răng, làm sạch mảng bám.
Ngày nay, vấn đề ung thư hốc miệng ngày càng gia tăng, việc khám răng định kỳ cũng giúp cho đánh giá được những tổn thương ban đầu để có hướng điều trị sớm, hiệu quả hơn.
Một chế độ ăn uống cân bằng cũng tốt cho sức khỏe toàn thân cũng như sức khỏe răng miệng, hạn chế ăn các chất đường, bột và chất béo, tăng cường chất xơ, uống sữa để bổ sung canxi cũng giúp cho xương cứng chắc hơn.
- Như Quỳnh - quận 12, TP.HCM
Thưa bác sĩ,
Nhiều cụ ông, cụ bà cho rằng già rồi, răng rụng là chuyện bình thường và không có ý định đi trồng răng lại. Xin BS cho biết, nếu mất răng mà không trồng lại thì sẽ có ảnh hưởng gì đến sức khỏe?
BS Nguyễn Đức Trình, phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin
Quan niệm già thì rụng răng là chuyện bình thường ngày nay không còn đúng nữa, nó là một quan niệm sai lầm.
Sâu răng và viêm nha chu là 2 bệnh phổ biến nhất dẫn đến mất răng nhưng 2 bệnh lý này hoàn toàn có thể phòng ngừa được và có thể chữa khỏi thành công ở giai đoạn sớm, quan trọng là phải tái khám định kỳ 6 tháng 1 lần để phát hiện sớm và điều trị kịp thời bao gồm cạo vôi răng, làm sạch răng định kỳ để phòng ngừa bệnh viêm nha chu, phát hiện và trám những răng sâu ở giai đoạn sớm.
Tình trạng mất răng lâu ngày mà không trồng lại sẽ ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai, ảnh hưởng đến bộ máy tiêu hóa. Thói quen nhai 1 bên do mất răng sẽ dẫn đến đau khớp thái dương hàm. Mất răng lâu ngày dẫn đến những răng bên cạnh bị nghiêng, xô lệch, răng đối diện bị trồi dẫn đến việc tiếp xúc răng giữa hai hàm không tốt gây khó khăn trong việc nghiền thức ăn và có thể dẫn đến đau khớp thái dường hàm... Vì vậy, mất răng cần được phục hồi sớm.
- Nguyễn Văn Tính - TP.HCM
Bố tôi 68 tuổi có chiếc răng cửa lung lay, định nhổ. Xin hỏi, có cách nào để giữ lại chiếc răng đó không? Nếu phải nhổ mà bố tôi đang có bệnh cao huyết áp (có uống thuốc mỗi ngày), thì khi đi nhổ răng phải lưu ý những gì?
BS Nguyễn Đức Trình, phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin
Chào bạn,
Nguyên nhân răng lung lay có thể do nhiễm trùng chân răng lâu ngày do sâu răng, chết tủy hoặc bệnh viêm nha chu. Bố của bạn cần đến bác sĩ răng hàm mặt để kiểm tra xác định nguyên nhân để điều trị đúng.
Nếu răng lung lay quá mức, không giữ được thì cần phải nhổ, nếu lung lay nhẹ có thể giữ được thì sẽ điều trị. Có thể chữa tủy, trám lại và cạo vôi làm sạch chân răng.
Với những người bệnh có bệnh toàn thân như cao huyết áp cần phải được điều trị và theo dõi liên tục bởi bác sĩ chuyên khoa tim mạch để duy trì huyết áp ổn định. Trước bất kỳ 1 thủ thuật điều trị nào có nguy cơ thì luôn có sự phê duyệt ý kiến của bác sĩ chuyên khoa tim mạch.
Vì vậy, sự phối hợp giữa bác sĩ tim mạch và bác sĩ răng hàm mặt rất quan trọng. Trước bất kỳ can thiệp nào đều phải luôn chuẩn bị những phương tiện cấp cứu, can thiệp nhẹ nhàng, sử dụng thuốc tê không có chất co mạch. Bạn nên đưa bố bạn đến bác sĩ để có đánh giá và điều trị sớm.
- Hải Vân - tranhai…@gmail.com
Chào bác sĩ Trình,
Vài năm trước tôi bị tai nạn, có một cái răng cửa nứt gần chân răng và đen lại nhưng không đau hay buốt nên cũng mặc kệ. Nhưng dạo gần đây mỗi khi uống nước lạnh hay nóng thì răng tôi đều bị buốt và nhức. Liệu như vậy có thể chữa được không và chi phí thế nào? Chân thành cám ơn BS.
BS Nguyễn Đức Trình, phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin
Chào bạn Vân,
Theo như mô tả của bạn, có thể răng của bạn đã bị viêm tủy. Bạn cần đến nha sĩ để kiểm tra, chụp phim X-quang xem liệu răng của bạn đang bị viêm tủy có hồi phục hay không hồi phục. Nếu chỉ là viêm tủy có hồi phục thì chỉ cần trám lại răng. Trường hợp viêm tủy không hồi phục cần phải chữa tủy và phục hồi lại.
Chi phí điều trị tủy có thể phụ thuộc vào răng, số lượng chân răng thường các răng phía trước sẽ thấp hơn các răng cấm phía trong. Chi phí điều trị tủy chưa trám có thể từ 500.000 - 1.000.000 đồng tùy cơ sở.
- Thúy Liên - Cần Thơ
Mẹ em có hàm răng hơi hô, mẹ em cũng muốn đi niềng răng từ lâu rồi nhưng vẫn chưa làm vì sợ tốn kém và vướng víu, bất tiện Bây giờ mẹ em 56 tuổi, có còn niềng răng được nữa không? Có phải là người già niềng răng sẽ mất nhiều thời gian hơn người trẻ không? Ở độ tuổi này thì biện pháp nào thích hợp, và có chi phí khoảng bao nhiêu? Xin cảm ơn chương trình!
BS Nguyễn Đức Trình, phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin
Chào bạn,
Người lớn tuổi vẫn có thể niềng răng được nhưng trước hết bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng răng miệng, tình trạng y khoa liệu người bệnh có mắc bệnh toàn thân như: loãng xương, tiểu đường, huyết áp, tim mạch...
Sau khi khảo sát những vấn đề trên mới quyết định bệnh nhân có đủ điều kiện điều trị hay không vì thời gian điều trị chỉnh nha ở người lớn tuổi có thể kéo dài hơn so với người trẻ và mức độ chịu đựng của người lớn tuổi giảm so với người trẻ.
Ngoài phương pháp niềng răng, chỉnh hô thì có thể phục hình (làm răng sứ) để giảm độ nhô của răng nhưng bắt buộc phải mài răng, có thể chữa tủy, có thể làm cho răng bị yếu hơn. Ngoài ra còn tùy thuộc vào mong muốn của bệnh nhân có nhất thiết phải cải thiện thẩm mỹ hay không, bạn có thể đưa mẹ đến nha sĩ để được tư vấn rõ hơn.
- Ngọc Lan - 45 tuổi, Long An
Chào bác sĩ,
Tôi bị bệnh sâu răng lâu rồi, bây giờ chỗ bị sâu đã lõm xuống khá sâu ở răng cấm. Vậy tôi muốn hỏi bệnh này có thể chữa được không hay tôi phải nhổ răng? Cách chữa như thế nào và mất nhiều thời gian không? Tôi xin cảm ơn.
BS Nguyễn Đức Trình, phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin
Chào chị Lan,
Sâu răng ở giai đoạn sớm hoàn toàn có thể chữa khỏi và có thể sử dụng như 1 răng lành mạnh. Nếu sâu răng lâu ngày không điều trị tình trạng hư hỏng men răng quá nhiều, chân răng bị phá hủy nhiều có thể phải nhổ răng. Trường hợp sâu răng đến tủy nhưng vẫn có thể giữ lại được bác sĩ sẽ điều trị tủy và phục hồi lại răng.
Nếu răng của chị chỉ sâu ở lớp nông chưa đến tủy chỉ cần trám lại trong 1 lần hẹn, trường hợp phải điều trị tủy thì thời gian nhiều hơn tùy vào mức độ nặng nhẹ của nhiễm trùng.
- Ng. Văn Long - rong…@gmail.com
Cháu chào bác sĩ ạ,
Bà của cháu có dùng răng giả và nó đang bị hở, miệng chấu bị hôi. Vậy có phải chắc chắn do răng giả bị hở không ạ? Bà cháu dùng răng giả được 4 năm rồi. Cháu cảm ơn!
BS Nguyễn Đức Trình, phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin
Chào em,
Hàm giả bị hở là 1 nguyên nhân dẫn đến đọng thức ăn bên dưới dẫn đến hôi miệng, ngoài ra hôi miệng có thể do nguyên nhân viêm xoang, trào ngược dạ dày thực quản, bệnh thận, gan hoặc do ăn những thực phẩm có mùi như hành, tỏi...
Hàm giả cần phải được làm mới sau 3-4 năm và nên được tái khám định kỳ mỗi 6 tháng. Mất răng sau 1 thời gian sẽ làm cho xương hàm bị teo có thể dẫn đến hàm giả lỏng lẻo, bệnh nhân cần tái khám định kỳ để đệm lại hàm giả cho khít sát hơn.
- Thanh Thủy - TP.HCM
Chào bác sĩ,
Mẹ tôi năm nay ngoài 60, hai năm gần đây có hiện tượng chân răng nướu bị đen, răng bị đau và lung lay, một thời gian sau thì bị rụng. Gần đây lại bị đau răng và không ăn được. Vậy có cách nào cải thiện tình trạng răng miệng của mẹ tôi không? Xin cảm ơn bác sĩ.
BS Nguyễn Đức Trình, phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin
Chào bạn,
Theo mô tả của bạn, tôi nghĩ mẹ bạn có thể bị viêm nha chu. Bệnh viêm nha chu do tích tụ vôi răng mảng bám vi khuẩn lâu ngày dẫn đến viêm nướu, tiêu xương ổ răng làm trụt nướu răng dẫn đến răng bị lộ ra và lung lay.
Bệnh viêm nha chu hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng cách vệ sinh răng miệng kỹ, thường xuyên cạo vôi răng, làm sạch răng định kỳ 6 tháng 1 lần. Bạn nên đưa mẹ đến nha sĩ sớm để đánh giá mức độ bệnh để điều trị kịp thời.
- Thái Minh - Kon Tum
Thưa bác sĩ,
Hai chiếc răng hàm của tôi hiện nay bị sâu khá nặng, một phần đã vỡ khiến tôi ngày đêm đau nhức. Tôi muốn nhổ nhưng khá sợ đau và biến chứng có thể xảy ra. Tôi đang bị bệnh tiểu đường tuyp 2. BS có thể tư vấn giúp tôi có nhất thiết phải nhổ không ạ? Cám ơn BS!
BS Nguyễn Đức Trình, phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin
Chào bạn,
Nếu tình trạng răng của bạn sâu quá nhiều không thể giữ được cần phải nhổ để loại bỏ nhiễm trùng. Đối với người tiểu đường vấn đề lành thương sẽ chậm hơn, dễ nhiễm trùng hơn sau khi nhổ răng vì vậy bạn nên được khám và điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa nội tiết để duy trì mức đường huyết ổn định.
Trước khi thực hiện thủ thuật nhổ răng cần phải có ý kiến của bác sĩ nội tiết, đường huyết phải ở mức ổn định để giảm biến chứng sau nhổ răng. Khi nhổ răng cho bệnh nhân tiểu đường có thể sử dụng kháng sinh phòng ngừa, can thiệp nhẹ nhàng, chăm sóc hậu phẫu tốt để tránh nhiễm trùng.
- Huy Hùng - Q.9, TP.HCM
Xin chào bác sĩ,
Tôi lấy tủy cũng được 3 tuần rồi. Sau khi lấy tủy thì không đau nhức gì nhưng tôi mới ăn ổi, nhai trúng hạt cứng, sau đó thì cái răng mới lấy tủy hơi ê ê khi nhai. Theo BS trường hợp của tôi có cần tái khám không? Cảm ơn BS nhiều.
BS Nguyễn Đức Trình, phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin
Chào bạn,
Có trường hợp sau khi lấy tủy có thể răng vẫn còn nhạy cảm do các ống tủy phụ vẫn còn, do việc điều trị tủy chỉ làm sạch được các ống tủy chính. Bạn nên tái khám có thể phải chụp phim lại để đánh giá kết quả điều trị tủy có tốt hay không. Nếu không phát hiện gì bất thường có thể bác sĩ sẽ cho toa thuốc và theo dõi 1 thời gian và tình trạng sẽ dần khỏi.
Một số trường hợp thất bại khi điều trị tủy có thể nhiễm trùng nặng lâu ngày, chân răng cong, không tìm được hết các ống tủy... Và tình trạng đáp ứng của bệnh nhân không tốt gây đau nhức có thể phải quyết định nhổ răng. Bạn nên tái khám sớm để đánh giá tình trạng.