THÔNG TIN Y KHOA | NỘI SOI - TIÊU HÓA
Thông tin về ung thư đại trực tràng
Ung thư là gì ?
Ung thư là sự phát triển bất thường và ác tính của tế bào, bao gồm hơn 100 loại bệnh khác nhau.
Cũng như tất cả các các cơ quan khác của cơ thể, đại tràng và trực tràng cũng có ra nhiều loại tế bào. Trong điều kiện bình thương, các tế bào chỉ được tạo ra thêm khi cơ thể cần. Nếu tế bào sản sinh quá mức cần thiết, một khối u sẽ hình thành,có thể lành tính hay ác tính.
Khối u lành tính không phải là ung thư. Chúng thường được cắt bỏ và trong đa số các trường hợp không tái phát. Điều quan trọng là, những tế bào từ những khối u lành tính không thể lan tràn đến những phần khác của cơ thể. Khối u lành tính thường hiếm khi ảnh hưởng đến đời sống của bệnh nhân.
Khối u ác tính là ung thư. Những tế bào ung thư có thể xâm nhập và gây tổn hại những mô và cơ quan lân cận. Những tế bào ung thư cũng có thể xâm nhập vào máu và hệ thống bạch huyết. Đó là lý do tại sao ung thư có thể lan tràn từ một tổ chức ban đầu đến những tổ chức khác của cơ thể. Sự lan tràn này của ung thư được gọi là di căn.
Khi ung thư lan tràn đến những phần khác của cơ thể, những khối u mới cũng cùng loại và được gọi tên tương tự như khối u nguyên phát. Ví dụ, nếu ung thư đại trực tràng lan đến gan, tế bào ung thư trong gan là tế bào ung thư của đại tràng. Bệnh là ung thư đại tràng di căn. Chúng không phải là ung thư gan.
Ung thư đại trực tràng là gì ?
Đại tràng là phần cuối của ống tiêu hóa (tận cùng là hậu môn). Khối u đại trực tràng phát triển từ niêm mạc thành ống đại – trực tràng. Những khối u lành tính được gọi là polyp. Khối u ác tính của đại tràng được gọi là ung thư đại trực tràng. Những khối u polyp lành tính không thể xâm lấn vào những mô lân cận và không thể lan tràn đến những cớ quan khác trong cơ thể. Những polyp này thường có thể cắt bỏ dễ dàng trong tiến trình nội soi đại tràng và không nguy hại đến đời sống bệnh nhân. Nếu polyp không được cắt bỏ, nó có thể trở thành ác tính (ung thư hóa polyp) một thời gian sau đó. Hầu hết các ung thư đại trực tràng đều xuất phát từ các polyp. Ung thư của đại tràng và trực tràng (gọi chung là ung thư đại trực tràng) có thề xâm lấn và gây tổn hại mô và cơ quan lân cận. Ung thư cũng có thể lan tràn đến những cơ quan khác trong cơ thể (như phổi hay gan). Sự lan tràng của ung thư đến những cơ quan xa gọi là di căn. Một khi đã di căn xa,việc điều trị ung thư đại trực tràng là rất hạn chế.
Trên thế giới, ung thư đại trực tràng đứng hàng thứ ba các loại ung thư ở nam và đứng hàng thứ tư ở nữ. Tần suất của ung thư đại trực tràng thay đổi nhiều theo vùng miền. Nó xuất hiện nhiều ở phương Tây và ít hơn ở Châu Á và Châu Phi. Trong những quốc gia có chế độ ăn Âu hóa, tần suất ung thư đại trực tràng gia tăng rất nhiều.
Nguyên nhân của ung thư đại trực tràng ?
Có thể chắc chắn một điều là ung thư đại trực tràng là một bệnh không lây (người ta không bị ung thư đại trực tràng sau khi tiếp xúc với người bệnh). Một vài người có thể dễ bị ung thư đại trực tràng hơn những người khác.
Yếu tố nguy cơ ung thư đại trực tràng là:
- Chế độ ăn nhiều mỡ.
- Tiền sử gia đình có người bị ung thư đại trực tràng.
- Đa polyp.
- Có polyp trong đại trực tràng
- Viêm đại tràng mãn tính.
Chế độ ăn và ung thư đại tràng
Chế độ ăn nhiều mỡ được coi là làm gia tăng ung thư đại trực tràng. Những nước có tỷ lệ người ăn mỡ cao thì tần suất ung thư đại trực tràng là cao hơn hẳn những nước mà người dân có chế độ ăn ít mỡ. Người ta cho rằng những sản phẩm của quá trình chuyển hóa mỡ có thể dẫn đến sự thành lập các chất sinh ung thư. Một chế độ ăn nhiều rau, nhiểu chất sợi như bột, ngũ cốc có thể ngăn sự thành lập các chất sinh ung và làm giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng.
Polyp và ung thư đại tràng
Hầu hất các ung thư đại trực tràng đều phát sinh từ các polyp đại tràng. Vì vậy , việc cắt bỏ polyp là một phương cách hữu hiệu để phòng ngừa ung thư đại trực tràng. Những polyp này phát triển khi những nhiễm sắc thể của những tế bào trong thành đại tràng bị tổn thương. Những nhiễm sắc thể chứa những thông tin di truyền thừa kế từ mỗi bố mẹ. Bình thường những nhiễm sắc thể khỏe mạnh kiểm soát sự phát triển của tế bào. Khi nhiễm sắc thể bị tổn hại, sự phát triển của tế bào không được kiểm soát, kết quả là hình ảnh một khối u nhô vào lòng ruột (polyp). Ban đầu các polyp thường là lành tính. Nhiều năm sau, các polyp lành tính này có thể bị tổn hại thêm nhiều nhiễm sắc thể và bị ung thư hóa.
Viêm loét và ung thư đại tràng
Viêm loét đại tràng mãn gây ra tình trạng viêm ở thành đại tràng. Ung thư đại tràng được coi là biến chứng của viêm loét đại tràng mãn. Nguy cơ ung thư đại trànng bắt đầu sau một quá trình 8-10 năm bị viêm đại tràng. Nguy cơ ung thư hóa của viêm loét đại tràng cũng có mối liên hệ với vị trí và sự lan tràn của bệnh lý này.
Hiện nay, ước lượng tần suất lũy tiến của ung thư đại tràng xuất phát từ viêm loét đại tràng là 2,5% trong 10 năm và 7,6% trong 30 năm và 10,8% trong 50 năm. Những bệnh nhân có nguy cơ cao của ung thư đại tràng:
- Tiền sử gia đình có ung thư đại tràng,
- Viêm loét đại tràng kéo dài
- Có kèm xơ hóa đường mật nguyên phát (primary sclerosing cholangitis (PSC).
Kể từ khi phát hiện mối quan hệ giữa ung thư đại tràng và viêm loét đại tràng, người ta đã tiến hành tầm soát ung thư giai đoạn sớm. Kiểm tra định kỳ hàng năm được khuyến cáo sau khi bệnh tiến triển được 8 năm sau khi bệnh được biết đến rộng rãi. Trong quá trình thăm khám này, các mẫu sinh thiết từ niêm mạc đại tràng được khảo sát để tìm kiếm những thay đổi tiền ung thư. Khi những thay đổi tiền ung thư được tìm thấy, việc cắt bỏ đại tràng có thể cần thiết để dự phòng ung thư đại tràng.
Di truyền với ung thư đại tràng
Nền tảng di truyền của một người là yếu tố quan trọng trong ung thư đại tràng. Những người có mối quan hệ huyết thống gần nhất của bệnh nhân ung thư đại tràng, có nguy cơ bị ung thư đại tràng là 18% (tăng gấp 3 lần so với người bình thường ở Hoa Kỳ)
Mặc dù tiền sử gia đình là một yếu tố nguy cơ quan trọng, nhưng đa số (80%) ung thư đại tràng xảy ra trên những bệnh nhân không có tiền sử gia đình bị ung thư đại tràng. Gần 20% ung thư kết hợp với tiền sử ung thư đại tràng. Và 5% là do các hội chứng ung thư di truyền. Hội chứng ung thư di truyền là một rối loạn mà các thành viên trong gia đình có các khiếm khuyết gen gạy ung thư được truyền từ bố, mẹ hoặc cả hai.
Nhiễm sắc thể chứa các thông tin di truyền, và khi nhiễm sắc thể bị tổn hại gây ra khuyết tật di truyền dẫn đến sự hình thành polyp và sau đó là ung thư đại – trực tràng.
Trong các trường hợp polyp và ung thư đại – trực tràng đơn lẻ (nghĩa là không có yếu tố gia đình), sự tổn hại nhiễm sắc thể là mắc phải (phát triển trong tế bào trưởng thành). Sự tổn hại của nhiễm sắc thể chỉ có thể tìm thấy trong polyp và ung thư phát triển từ những tế bào này.
Trong hội chứng ung thư đại tràng di truyền, khuyết tật nhiễm sắc thể đã có từ khi mới chào đời và có mặt trong mọi tế bào của cơ thể. Những bệnh nhân này có nguy cơ phát triển một số lượng lớn các polyp đại tràng và có nguy cơ cao phát triển ung thư đại trực tràng trong thời kỳ tuổi trẻ, và cũng có nguy cơ phát triển ung thư ở các cơ quan khác.
FAP (Familial Adenomatous polyposis): là một hội chứng ung thư đại tràng di truyền, nơi các thành viên trong gia đình sẽ phát triển vô số (hàng trăm thậm chí hàng nghìn) polyp đại trực tràng bắt đầu ngay từ tuổi thiếu niên.Trừ khi những những polyp này được phát hiện và điều trị sớm (bằng cách cắt bỏ đại tràng), bệnh nhân gần như chắc chắn phát triển thành ung thư đại trực tràng từ những polyp này. Ung thư thường phát triển ở lứa tuổi 40 tuổi. Những bệnh nhân này cũng có nguy cơ phát triển những loại ung thư khác như ung thư tuyến giáp, ung thư dạ dày và ung thư nhú Vater.
AFAP (Attenuated familial adenomatous polypsis): là một phiên bản nhẹ hơn của FAP. Những thành viên của AFAP thường có ít hơn 100 polyp đại trực tràng. Tuy nhiên, họ vẫn có nguy cơ cao phát triển thành ung thư đại trực tràng ngay ở lứa tuổi trẻ. Họ cũng thường có nhiều polyp dạ dày và polyp tá tràng.
HNPCC (hereditary nonpolyposis colon cancer): là hội chứng ung thư di truyền mà các thành viên sẽ bị nhiều polyp và ung thư đại trực tràng, thường nhất là đại tràng P, trong độ tuổi từ 30 đến 40 tuổi. Một vài thành viên bệnh HNPCC cũng có nguy cơ bị bệnh ung thư tử cung, ung thư dạ dày, ung thư buồng trứng, ung thư niệu quản, ung thư đường mật.
MYH polyposis syndrome: là hội chứng ung thư đại trực tràng được khám phá gần đây. Những thành viên thuộc nhóm này có thể có từ 10 -100 polyp ở độ tuổi quanh 40, cũng có nguy cơ phát triển thành ung thư đại trực tràng.
Triệu chứng của ung thư đại trực tràng là gì ?
Các triệu chứng của ung thư đại trực tràng thì rất nhiều và không đặc hiệu. Chúng có thể bao gồm các triệu chứng:
- Mệt
- Yếu
- Khó thở
- Thay đổi thói quen đi cầu
- Phân dẹp
- Tiêu chảy hay táo bón
- Đi cầu ra máu đỏ hay máu đen
- Giảm cân
- Đau bụng
- Chuột rút
- Đầy hơi …
Những triệu chứng này cũng gặp nhiều trong một số bệnh lý khác như: hội chứng ruột kích thích, viêm loét đại tràng, bệnh Crohn, các bệnh lý túi thừa, loét dạ dày tá tràng có thể có các triệu chứng giống như ung thư đại trực tràng.
Ung thư đại trực tràng có thể tồn tại nhiều năm trước khi có các triệu chứng lâm sàng. Các triệu chứng lâm sàng tùy thuộc nhiều vào vị trí tổn thương. Đại tràng phải thường rộng nên khối u có thể phát triển đến kích cỡ khá lớn trước khi gây triệu chứng. Ung thư đại tràng phải có thể gây ra thiếu máu thiếu sắt do mất máu rỉ rả trong một thời gian dài. Thiếu máu thiếu sắt gây ra suy nhược, mệt mỏi và khó thở. Đại tràng trái thường hẹp hơn đại tràng phải. Vì vậy ung thư đại tràng phía bên trái thường gây tắc ruột , táo bón, phân dẹp, tiêu chảy đau bụng, chuột rút và đầy hơi. Phân màu đỏ tươi cũng có thể chỉ ra ung thư đoạn gần cuối của đại tràng hoặc trực tràng.
Làm thế nào để phát hiện ung thư đại trực tràng ?
Khi nghi ngờ ung thư đại trực tràng, người ta thường thực hiện những xét nghiệm sau:
Chụp Xquang đại tràng có cản quang bằng baryt: bệnh nhân được thụt đại trực tràng với baryt có màu trắng. Baryt trám đầy lòng đại trực tràng sẽ cho hình ảnh đại tràng trên màn ảnh x quang. Khối u hay các bất thường khác thường gây hình khuyết trên nền trắng của thuốc baryt.
Nội soi đại tràng: là một thủ thuật bác sĩ soi đưa một ống nội soi mềm vào trong lòng để kiểm tra toàn bộ đại trực tràng. Nội soi được coi là chính xác hơn chụp đại tràng cản quang đặc biệt trong việc phát hiện những polyp nhỏ. Hơn nữa, qua nội soi các bác sĩ có thể lấy một phần mẫu của tổn thương gửi đến các bác sĩ Giải phẫu bệnh. Các bác sĩ giải phẫu bệnh sẽ nhuộm màu và quan sát mẫu polyp dưới kính hiển vi để xác định tính chất bệnh học của tổn thương và tìm ung thư. Hầu hết các polyp được cắt bỏ là lành tính nhưng có một số ít trong chúng là những tổn thương tiền ung thư. Việc cắt bỏ những polyp tiền ung thư ngăn chặn sự phát triển thành ung thư của các tổn thương này.
Nếu tổn thương ung thư hóa được phát hiện trong qua trình nội soi đại tràng, một mẫu mô nhỏ (biopsy) được cắt ra và được khám xét dưới kính hiển vi để khẳng định chẩn đoán. Nếu ung thư đại trực tràng được xác định qua sinh thiết, các xét nghiệm nhằm đánh giá mức độ lan tràn của ung thư đại trực tràng đến các cơ quan khác. Vì ung thư đại trực tràng có khuynh hướng lan đến phổi và gan, các xét nghiệm thường được dùng là:
- Xquang phổi,
- Siêu âm bụng, chậu.
- CT scan phổi, gan và bụng.
Thỉnh thoảng, các bác sĩ cho chỉ định CEA (carcinoembyonic antigen). CEA là một chất được sinh ra từ một vài tế bào ung thư. Nó thường tăng cao trong ung thư đại trực tràng đặc biệt là khi ung thư đã di căn.
Làm thế nào để phòng ngừa ung thư đại trực tràng ?
Thật không may là ung thư đại trực tràng thường đã ở giai đoạn tiến triển khi chúng được phát hiện. Phòng ngừa hiệu quả nhất là phát hiện sớm và cắt bỏ các polyp tiền ung thư trước khi chúng chuyển sang ung thư. Ngay cả trong những trường hợp ung thư đã tiến triển việc phát hiện sớm vẫn cải thiện đáng kể cơ hội sống còn của bệnh nhân bằng cách phẫu thuật cắt bỏ khối ung thư trước khi di căn sang cơ quan khác.
Nhiều tổ chức y tế trên thế giới đề nghị Hướng dẫn tầm soát chung. Chúng bao gồm:
Thăm khám trực tràng và tìm máu ẩn trong phân: Các hướng dẫn đều khuyến cáo rằng nên thăm khám trực tràng hàng năm và xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân đối vối những người trên 40 tuổi. Trong quá trình thăm khám trực tràng , bác sĩ sẽ cho một ngón tay đeo găng vào trong trực tràng để phát hiện những tăng trưởng bất thường. Mẫu phân có thể được lấy để tìm máu ẩn trong phân. Tuyến tiền liệt cũng có thể được thăm khám cùng một lúc.
Một xét nghiệm sàng lọc quan trọng ung thư đại trực tràng là tìm máu ẩn trong phân. Các khối u đại – trực tràng có khuynh hướng chảy máu rỉ rả trộn lẫn vào phân. Lượng máu nhỏ trộn vào phân thường không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Nguyên tắc của xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân dựa trên sự chuyển đổi màu hóa học để phát hiện một số vi chất của máu. Những test này rất thuận tiện và không đắt tiền. Nguy cơ một người có xét nghiệm máu ẩn dương tính có thể có polyp đại trực tràng là 30-45% và ung thư đại trực tràng là 3-5%. Ung thư đại trực tràng được phát hiện sớm thường có tiên lượng lâu dài tốt hơn.
Điều quan trọng là hãy nhớ rằng xét nghiệm máu ẩn dương tính không nhất thiết có nghĩa là người đó có ung thư đại trực tràng. Nhiều bệnh khác cũng có thể gây máu ẩn trong phân. Tuy nhiên, bệnh nhân có máu ẩn trong phân cần tiếp tục được kiểm tra với chụp x quang đại tràng cản quang, nội soi đại trực tràng, các xét nghiệm khác để loại trừ ung thư đại trực tràng và để tìm nguồn gốc chảy máu. Một điều cũng rất quan trọng là xét nghiệm máu ẩn trong phân âm tính không có ý nghĩa là không có ung thư hoặc polyp đại trực tràng. Ngay cả trong điều kiện thử nghiệm lý tưởng nhất, có ít nhất 20% ung thư đại trực tràng bị bỏ sót qua xét nghiệm này. Nhiều bệnh nhân có polyp đại trực tràng có xét nghiệm âm tính với máu ẩn trong phân. Ở những bệnh nhân nghi ngờ ung thư đại trực tràng hoặc những người có nguy cơ cao polyp và ung thư đại trực tràng cần nội soi đại tràng sigma hoặc nội soi toàn bộ đại tràng ngay cả trong những trường hợp xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân là âm tính.
Nội soi đại tràng sigma và nội soi toàn bộ đại tràng
Từ 50 tuổi, nội soi đại tràng sigma là một thử nghiệm sàng lọc được đề nghị mỗi 3-5 năm. Soi đại tràng sigma là một thủ thuật nội soi trực tràng và phần thấp của đại tràng (đại tràng sigma) bằng một ống nội soi mềm ngắn hơn ống soi đại tràng toàn bộ. Các nghiên cứu gần đây cho thấy việc tầm soát bằng nội soi đại tràng sigma làm giảm tỷ lệ tử vong của ung thư đại trực tràng. Đây là kết quả của việc phát hiện các polyp và ung thư sớm ở những người không có triệu chứng. Nếu một polyp hay ung thư được tìm thấy, bệnh nhân sẽ được nội soi đại tràng toàn bộ. Đa số các polyp đại tràng có thể cắt bỏ qua nội soi mà không cần phẫu thuật. Gần đây người ta đề nghị tầm soát ung thư đại trực tràng bằng nội soi đại tràng toàn bộ thay vì chỉ nội soi đại tràng sigma ở những người lứa tuổi tứ 50-55 tuổi.
Bệnh nhân có nguy cơ cao với ung thư đại trực tràng có thể được sàng lọc với nội soi đại tràng sớm hơn lứa tuổi 50 tuổi. Chẳng hạn, bệnh nhân có tiền sử gia đình ung thư đại trực tràng được khuyến cáo nội soi đại tràng sàng lọc bắt đầu sớm hơn 10 năm trước độ tuổi của người thân 1 thế hệ khi ung thư đại trực tràng đầu tiên được phát hiện, hay 5 năm nếu là tổn thương polyp tiền ung thư. Những bệnh nhân có hội chứng ung thư di truyền như FAP, AFAP, HNPCC, MYH đều được khuyến cáo nội soi đại tràng sớm hơn. Các khuyến nghị khác nhau tùy thuộc vào kiểu khiếm khuyết di truyền, ví dụ như trong FAP, nội soi được khuyến cáo từ tuổi thiếu niên để tìm sự phát triển khối u của đại tràmg. Bệnh nhân có tiền sử polyp hoặc ung thư đại trực tràng cũng phải trải qua nội soi đại tràng để loại trừ tái phát. Bệnh nhân bị viêm loét đại tràng hơn 10 năm có nguy cơ cao đối với ung thư đại trực tràng cũng nên nội soi đại tràng thường xuyên để tìm kiếm những thay đổi tiền ung thư trên niêm mạc đại tràng.
Tư vấn di truyền và thủ nghiệm
Có nhiều loại xét nghiệm máu giúp xác định các hội chứng về di truyền của FAP, AFAP, MYH. Gia đình có nhiều thành viên ung thư đại trực tràng, các bệnh nhân có nhiều polyp đại tràng, các bệnh nhân có ung thư ở lứa tuổi trẻ , các bệnh nhân có những ung thư khác như ung thư niệu quản, ung thư tử cung , tá tràng … nên được tư vấn thực hiện các thử nghiệm di truyền.
Các thuận lợi của tư vấn di truyền để thực hiện kiểm tra di truyền bao gồm:
- Xác định các thành viên trong gia đình có nguy cơ cao với ung thư đại trực tràng để tiến hành nội soi đại tràng sớm.
- Xác định các thành viên có nguy cơ cao để tiến hành tầm soát để phòng ngừa các bệnh ung thư khác với các thử nghiệm như siêu âm với ung thư cổ từ cung, các xét nghiệm nước tiểu với bệnh ung thư niệu quản và nội soi dạ dày đối với bệnh nhân bị ung thư dạ dày – tá tràng
- Làm giảm mối âu lo tiêu cực của các thành viên với các khiếm khuyết về gen di truyền.
Chế độ ăn uống để ngăn ngừa ung thư đại tràng
Mọi người có thể thay đổi thói quen ăn uống bằng cách giảm lượng chất béo và tăng khẩu phần chất xơ trong chế độ ăn uống. Các nguồn chính của chất béo là: thịt, cá, trứng, sữa, sản phẩm trộn salad, dầu ăn. Chất xơ bao gồm: trái cây, rau, bánh mì và ngũ cốc nguyên hạt. Các chất xơ trong chế độ ăn dẫn đến sự hình thành các khối phân và hạn chế sự tạo những chất sinh ung thư.
Ngoài ra chế độ ăn giàu chất xơ còn dẫn đến sự tống xuất nhanh chóng các khối phân, do đó thời gian một chất có tiềm năng sinh ung thư phản ứng với niêm mạc ruột ngắn đi.
Các phương pháp điều trị và khả năng sống còn của bệnh nhân ung thư đại trực tràng
Phẫu thuật là phương pháp điều trị phổ biến nhất cho ung thư đại trực tràng. Trong quá trình phẫu thuật thì khối u, một phần ruột bình thường và các hạch bạch huyết cận khối u sẽ được cắt bỏ. Sau đó các bác sĩ sẽ nối các phần ruột còn lành lại với nhau. Trong ung thư trực tràng, trực tràng được cắt bỏ. Sau đó, các bác sĩ phẫu thuật sẽ mở thông đại tràng tạo ra một hậu môn nhân tạo trên thành bụng để phân được bài tiết ra ngoài. Các Y tá sẽ được huấn luyện đặc biệt để tư vấn hướng dẫn những bệnh nhân này và hầu hết các bệnh nhân có thể đời sống bình thường.
Tiên lượng lâu dài sau phẫu thuật tùy thuộc vào việc ung thư đại trực tràng đã di căn đến đâu. Nguy cơ di căn tỷ lệ thuận với chiều sâu xâm lấn của ung thư vào thành ruột.
Ở những bệnh nhân ung thư đại tràng giai đoạn sớm, ung thư chỉ giới hạn trong lớp niêm mạc bề mặt, phẫu thuật là là điều trị duy nhất cần thiết. Khả năng sống còn dài hạn vượt quá 80%.
Ở những bệnh nhân ung thư đại tràng tiến triển, khi khối u đã xâm lấn sâu vào thành ruột và đã
di căn xa, tỷ lệ sống còn sau 5 năm là ít hơn 10%.
Ở một số bệnh nhân,tại thời điểm phẫu thuật không có di căn xa nhưng ung thư đã xâm lấn sâu vào trong thành ruột hoặc các hạch lân cận, có nguy cơ ung thư tái phát tại chỗ, lân cận hay thậm chí cơ quan xa. Hóa trị là phương pháp điều trị có thể trì hoãn sự tái phát của khối u và cải thiện khả năng sống còn ở những bệnh nhân này.
Hóa trị là phương pháp sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Hóa trị là một liệu pháp hệ thống nghĩa là nó đi khắp cơ thể để tiêu diệt tế bào ung thư. Sau khi phẫu thuật ung thư đại trực tràng, một số bệnh nhân có thể có vi di căn (các di căn rất nhỏ không thể phát hiện được). Hóa trị được dùng ngay sau phẫu thuật để tiêu diệt các tế bào ung thư này. Hóa trị được dùng theo cách này gọi là hóa trị bổ trợ. Các nghiên cứu gần đây cho thấy sự tăng khả năng sống còn và làm chậm sự tái phát của khối u ở những bệnh nhân được hóa trị bổ trợ trong vòng 5 tuần sau phẫu thuật . Hầu hết các phác đồ thuốc bao gồm việc dùng chất fluorauracil-5 (5-FU). Mặt khác, kết quả việc dùng hóa trị liệu đề giảm hoặc kiểm soát khối u là đáng thất vọng. Chưa có bằng chứng hóa trị liệu cải thiện khả năng sống còn tổng thể ở những bệnh nhân đại tràng đã di căn.
Hóa trị thường được sử dụng tại phòng khám, ở bệnh viện hoặc ở nhà. Tác dụng phụ của hóa trị liệu là khác nhau theo mỗi người. Các thuốc hóa trị liệu hiện nay thường được dung nạp tốt và các tác dụng phụ là có thể kiểm soát được. Nói chung, các thuốc hóa trị phá huỷ các tế bào phát triển nhanh và phân chia. Vì vậy hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu thường bị tác động bởi hóa trị liệu. Những tác dụng phụ thường gặp là: thiếu máu (do giảm hồng cầu), dễ bị nhiễm trùng (do giảm bạch cầu), dễ bị bầm tím (do giảm tiểu cầu). Các tế bào chân tóc và tế bào ruột cũng là loại tế bào phân chia nhanh chóng. Do đó hóa trị có thể gây rụng tóc, loét miệng, buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy.
Xạ trị dùng hạn chế trong ung thư đại tràng nhưng được dùng điều trị ung thư trực tràng. Người ta ghi nhận có sự giảm đáng kể sự tái phát của ung thư trực tràng ở những bệnh nhân được xạ trị trước hoặc sau khi phẫu thuật. Nếu không xạ trị, nguy cơ tái phát của ung thư trực tràng là gần 50%, con số này là 7% nếu có xạ trị. Tác dụng phụ của xạ trị bao gồm mệt mỏi, rụng lông tạm thời hoặc vĩnh viễn, kích ứng da tại vùng điều trị.
Các phương pháp điều trị khác bao gồm: hóa trị gan, nơi thường xuyên di căn của ung thư đại trực tràng. Người ta đưa hóa chất trị liệu vào gan qua mạch máu trực tiếp nuôi dưỡng ung thư gan với liều cao. Các báo cáo cho thấy tỷ lệ đáp ứng đối với phương pháp trị liệu là rất cao, gần 80% . Tuy nhiên tác dụng phụ có thể rất nghiêm trọng.
Những phương pháp điều trị khác nữa là cố gắng tăng cường hệ miễn dịch- hệ thống bảo vệ cơ thể- trong nỗ lực tấn công hiệu quả hơn và kiểm soát ung thư đại trực tràng. Đối với những bệnh nhân vượt quá chỉ định phẫu thuật như có khối u quá lớn đang gây tắc nghẽn hoặc đang chảy máu, điều trị bằng Laser có thể được sử dụng để tiêu diệt các tế bào ung thư và làm giảm các triệu chứng liên quan. Một phương pháp nữa là sử dụng liệu pháp quang động. Trong phương pháp này một tác nhân nhạy cảm ánh sáng được đưa vào khối u, sau đó kích hoạt để phá huỷ khối u
Chăm sóc theo dõi bệnh nhân ung thư đại trực tràng
Chăm sóc theo dõi sau điều trị ung thư đại trực tràng rất quan trọng. Ung thư có thể tái phát gần vị trí ban đầu hoặc di căn xa như gan, phổi. Các test theo dõi tiếp theo bao gồm:
- Tổng trạng
- Men gan: men gan bất thường có thể gợi ý di căn gan
- CT bụng chậu: có thể thấy khối u trong gan,xương chậu hoặc 1 số cơ quan khác
- Xquang phổi
- CEA: CEA có thể tăng cao trước phẫu thuật và trở về bình thường sau phẫu thuật. Việc tăng cao dần chỉ số CEA chỉ điểm ung thư tái phát.
- Nội soi đại tràng: khảo sát sự tái phát của polyp hay ung thư đại trực tràng.
- Ngoài việc kiểm tra ung thư tái phát, ung thư đại trực tràng có thể có nguy cơ cao ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú, ung thư buồng trứng. Vì vậy cũng cần thăm khám, theo dõi những cơ quan này.
Tương lai nào cho bệnh nhân ung thư đại trực tràng
Ung thư đại trực tràng hãy còn là một trong những nguyên nhân chính gây bệnh và tử vong, đặc biệt tại các nước phương tây. Quá trình và nguyên nhân bệnh sinh ung thư đại trực tràng ngày càng được biết rõ. Điều này đưa đến các khuyến cáo tầm soát và phòng ngừa bệnh. Việc phát hiện và cắt bỏ các polyp giúp ngăn ngừa hiệu quả bệnh ung thư đại trực tràng. Phát hiện sớm ung thư đại trực tràng cải thiện rõ rệt cơ hội chữa lành bệnh và khả năng sống còn của bệnh nhân. Việc điều trị đối với ung thư đại trực tràng tiến triển hãy còn là một thách thức lớn nhưng những nghiên cứu trong lĩnh vực này vẫn còn rất mạnh mẽ và các phương pháp điều trị mới liên tục xuất hiện. Các biện pháp mới và thú vị gần đây được đề cập đặc biệt là tác dụng kháng viêm của Aspirin hoặc các tác nhân kháng viêm khác. Trong các thử nghiệm, việc sử dụng các thuốc này đã ngăn chặn sự hình thành ung thư đại trực tràng. Các yếu tố khác được đề cập đề ngăn ngừa ung thư đại trực tràng bao gồm: Calcium, Selenium, các Vitamin A, C và E. Tuy nhiên cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để có kết luận chắc chắn trước khi các thuốc này được dử dụng rộng rãi để ngăn ngừa ung thư đại trực tràng.
Tài liệu dịch từ nội dung của trang web Medicinenet.com
Link: http://www.medicinenet.com/colon_cancer/article.htm
"©2012, WebMD, LLC. All rights reserved"
Đọc thêm:
Các thay đổi trong Hướng dẫn về tầm soát ung thư đại trực tràng
http://www.yersinclinic.com/vi/document/25/huong-dan-tam-soat-ung-thu-dai-truc-trang