THÔNG TIN Y KHOA | NỘI TIM MẠCH

Nhồi máu cơ tim

Nhồi máu cơ tim là gì?

 

Nhồi máu cơ tim xảy ra khi máu không lưu thông đến tim, cơ tim sẽ không có oxy để hoạt động, các tế bào sẽ bị tổn thương và chết. Do đó, điều trị chủ yếu nhằm phục hồi tuần hoàn máu nhanh chóng. Nói cách khác, nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào của nhồi máu cơ tim, bạn cần đến bệnh viện trong thời gian nhanh nhất có thể.


Nguyên nhân



Theo thời gian, cholesterol và mảng bám mỡ có thể đóng bên trong thành động mạch gây hẹp và làm giảm lưu lượng máu đến tim. Hầu hết các trường hợp nhồi máu cơ tim xảy ra khi mảng xơ vữa bị bong tróc khỏi thành mạch, hình thành cục máu đông và gây tắc nghẽn.


Triệu chứng

 

 

Bạn sẽ có cảm giác khó chịu và đau nặng ngực. Có thể kèm khó thở, vã mồ hôi, ngất xỉu hoặc khó chịu vùng dạ dày, đau vùng cổ, hàm hay vai. Nam và nữ có những triệu chứng tương đối khác nhau. Nam giới thường bị ngất, toát mồ hôi lạnh và đau lan dọc xuống cánh tay trái.


Triệu chứng ở phụ nữ


 

Phụ nữ thường có triệu chứng đau sau gáy, nóng rát lồng ngực và khó thở. Họ thường cho đó là bệnh của dạ dày, do có các triệu chứng khó chịu dạ dày, cảm giác buồn nôn và ói mửa. Họ thường cảm thấy rất mệt mỏi, choáng váng hay chóng mặt. Vài tuần trước đó, phụ nữ có thể có triệu chứng giống như cảm cúm và mất ngủ.


Phải làm sao khi bị nhồi máu cơ tim?


 

Nếu bạn hoặc người bên cạnh nghi ngờ có các triệu chứng của nhồi máu cơ tim, hãy gọi ngay cấp cứu. Nếu thật sự là cơn nhồi máu, nếu bạn được điều  trị sớm trong vòng 90 phút thì khả năng sống sót sẽ rất cao. Trong khi gọi cấp cứu, có thể nhai nuốt ngay 1 viên aspirin (nếu không bị dị ứng) để giảm nguy cơ có cục máu đông. Nếu họ bất tỉnh? Cấp cứu ngưng tim ngưng thở giúp tăng gấp đôi hy vọng sống sót của bệnh nhân.


Chẩn đoán

 

 

Nếu bạn đang bị nhồi máu cơ tim, thì đo điện tâm đồ sẽ giúp bác sĩ thấy rõ dấu hiệu của nó. Ngoài ra, qua điên tim, bác sĩ cũng chẩn đoán được vị trí nhánh động mạch bị hẹp hay tắc. Mặt khác, xét nghiệm máu cũng giúp ích trong chẩn đoán nhồi máu cơ tim qua việc đo lường các protein mà tế bào tim phóng thích ra khi bị hoại tử.

 

Điều trị


Bác sĩ sẽ tìm cách nhanh chóng phục hồi tuần hoàn máu đến tim. Có thể dùng thuốc tiêu cục máu đông. Có thể chụp mạch vành và đặt stent vào mạch máu bị hẹp. Trước đó, mạch máu bị hẹp thường được nong bằng một bong bóng giúp ép các mảng xơ vữa vào sát thành mạch. Stent sẽ giúp cho lòng mạch mở rộng sau khi nong.


Yếu tố nguy cơ

 

 

Yếu tố nguy cơ gây nhồi máu cơ tim sẽ tăng theo tuổi tác. Nam giới có nguy cơ nhồi máu cơ tim nhiều hơn. Ngoài ra, tiền sử gia đình có người bị nhồi máu cơ tim cũng góp phần làm tăng nguy cơ. Hút thuốc cũng là một trong yếu tố nguy cơ gây nhồi máu cơ tim. Mặt khác, bệnh cao huyết áp, tăng mỡ máu, tiểu đường, béo phì, stress, lười vận động, trầm cảm cũng là những yếu tố nguy cơ của nhồi máu cơ tim.

Biện pháp ngăn ngừa

 

 

Bỏ hút thuốc, là bạn đã ngăn ngừa được 1/3 nguy cơ nhồi máu cơ tim. Năng tập thể dục và ăn uống điều độ. Hiệp hội tim mạch Mỹ khuyến cáo nên tập thể dục trung bình khoảng 30 phút mỗi ngày, 5 ngày 1 tuần. Ăn nhiều trái cây, rau củ và các loại hạt sẽ giúp động mạch của bạn lành lặn.


Một vài người uống thuốc aspirin mỗi ngày để ngăn ngừa nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, bạn nên đi khám bác sĩ để xem thuốc có phù hợp với mình không. Trên hết, bạn nên có lối sống vui khỏe và không bị stress.


Cuộc sống sau nhồi máu cơ tim

 

 

Nếu bạn nhập viện điều trị bệnh này, có thể chỉ vài ngày bạn sẽ xuất viện và cuộc sống của bạn sẽ trở lại bình thường sau vài tuần.


Các chương trình trị liệu hồi phục tim mạch sẽ giúp bạn khỏe lại. Bạn nên có chương trình tập riêng cho mình và học cách sống để có một trái tim khỏe mạnh. Các chuyên gia tư vấn sẽ hỗ trợ bạn nếu bạn cảm thấy bi quan hay lo lắng về khả năng tái phát cơn nhồi máu.


Biên dịch từ nguồn WebMD

(Nhóm biên dịch Y khoa, Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin)



ĐỐI TÁC CỦA CHÚNG TÔI

KhamOnline