THÔNG TIN Y KHOA | NỘI TIM MẠCH
Tìm hiểu về cao huyết áp
Cao huyết áp là gì?
Cao huyết áp hay Tăng huyết áp là một tình trạng khá phổ biến ở những người lớn tuổi. Huyết áp là áp lực máu lưu thông tác động lên thành động mạch. Huyết áp quá cao sẽ làm tăng gánh nặng cho tim và có thể gây tổn thương các động mạch. Qua thời gian, nếu không kiểm soát được chứng cao huyết áp sẽ làm tăng nguy cơ cho bệnh lý tim mạch, đột quỵ và bệnh thận.
Triệu chứng cao huyết áp
Cao huyết áp đôi khi được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”, bởi vì bệnh cao huyết áp có thể không có biểu hiện lâm sàng qua nhiều năm. Trên thực tế, có khoảng 1/5 số người bệnh không biết mình đang bị cao huyết áp.
(Ảnh minh họa: nguồn internet)
Bệnh cao huyết áp diễn tiến âm thầm bên trong và gây ảnh hưởng đến tim, phổi, mạch máu, não và thận. Ở Mỹ, cao huyết áp là yếu tố nguy cơ chủ yếu của đột quỵ và nhồi máu cơ tim.
Nguyên nhân gây ra cao huyết áp
Huyết áp bình thường trong ngưỡng từ 120/80 trở xuống. Số đo huyết áp cao hơn mức đó có thể được xem là tình trạng cao huyết áp. Hầu hết các trường hợp cao huyết áp là chưa rõ nguyên nhân. Chỉ số trên (gọi là huyết áp tâm thu) thể hiện áp lực khi tim đập. Chỉ số dưới (gọi là huyết áp tâm trương), đo áp lực lúc tim nghĩ giữa các nhịp đập, khi tim co bóp dẫn máu về. Thỉnh thoảng, bệnh lý về thận hay thượng thận có thể dẫn đến cao huyết áp.
Tiền cao huyết áp: dấu hiệu cảnh báo
Khoảng 1/3 người Mỹ có tình trạng tiền cao huyết áp. Huyết áp của họ luôn cao hơn mức trung bình, huyết áp tâm thu luôn ở ngưỡng 120 đến 139 và huyết áp tâm trương là 80 đến 89. Những người này có nguy cơ bệnh lý tim mạch cao hơn những người có huyết áp thấp hơn. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ khuyên bạn thay đổi lối sống để giúp làm giảm huyết áp.
Ngưỡng nguy hiểm của cao huyết áp
Cho dù bạn không có triệu chứng của cao huyết áp, nhưng nếu huyết áp của bạn có bất kỳ chỉ số nào lớn hơn hoặc bằng 140/90 thì bạn được xem là bị cao huyết áp. Nếu huyết áp lớn hơn hoặc bằng 180/110, cơn cao huyết áp mang tính kịch phát. Hãy nghỉ ngơi vài phút và kiểm tra lại huyết áp lần nữa. Nếu huyết áp vẫn cao, bạn nên gọi ngay cấp cứu. Một cơn cao huyết áp kịch phát có thể dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy thận, hôn mê. Những dấu hiệu của cơn cao huyết áp kịch phát là: đau đầu dữ dội, bứt rứt, chảy máu mũi và khó thở.
Ai có nguy cơ bị cao huyết áp
Trước 45 tuổi, nam giới có nguy cơ bị cao huyết áp cao hơn nữ. Tỉ lệ cao huyết áp của nam và nữ tương đối ngang nhau khi lớn tuổi hơn. Tiến gần đến tuổi 65, nữ lại có nguy cơ cao huyết áp nhiều hơn nam. Nếu bạn bị tiểu đường hoặc có người thân bị cao huyết áp thì bạn có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn. Có khoảng 60% bệnh nhân tiểu đường bị cao huyết áp.
Dịch từ nguồn WebMD
(Nhóm biên dịch y khoa - Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin)