THÔNG TIN Y KHOA | NỘI TIM MẠCH
Bệnh tim mạch là gì?
Khi nói đến bệnh tim mạch, hầu hết mọi người đều liên tưởng đến hình ảnh của cơn nhồi máu cơ tim. Thật ra, bệnh tim bao gồm nhiều nhóm khác nhau bao gồm vài bệnh lý nghiêm trọng có thể làm tổn thương tim của bạn và cản trở tim họat động bình thường. Đó chính là bệnh mạch vành, lọan nhịp tim, bệnh về cơ tim và suy tim. Để có một trái tim khỏe, bạn nên tìm hiểu những dấu hiệu cảnh báo sớm đối với mỗi loại bệnh để biết cách phòng ngừa.
Tắc nghẽn động mạch
Sự tích tụ mảng xơ vữa(chất béo và cholesterol) có thể làm hẹp động mạch tim làm cho máu tuần hòan khó hơn. Nhiều người thậm chí không biết họ đang gặp vấn đề tim mạch cho đến khi động mạch bị tắc nghẽn hoàn toàn và bị nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cảnh báo bệnh lý mạch vành như thường xuyên đau ngực đặc hiệu, hay cơn đau thắt ngực.
Cơn nhồi máu cơ tim diễn ra như thế nào?
Mảng xơa vữa ở động mạch, bên ngoài thì cứng còn bên trong thì mềm xốp. Đôi khi vỏ ngoài của nó bị vỡ, một cục huyết khối sẽ hình thành. Nếu như mảng huyết khối này làm tắc nghẽn hoàn toàn động mạch, nó ngăn chặn nguồn cung cấp máu đến tim. Vì máu chứa oxy nên việc thiếu oxy sẽ nhanh chóng làm tổn thương tim và có thể giết chết bạn. Cơn nhồi máu cơ tim đến bất thình lình nên việc quan trọng là phải đi cấp cứu ngay tức thì.
Cảm giác nhồi máu cơ tim như thế nào?
Bạn sẽ có các triệu chứng:
• Đau ngực họăc nặng ngực.
• Cảm giác khó chịu lan xuống phần lưng, hàm, cổ họng và cánh tay.
• Buồn nôn, khó tiêu hay ợ nóng.
• Cảm giác yếu ớt, bức rức, hay khó thở.
• Tim đập nhanh hoặc không đều.
Cho dù những triệu chứng trên đều nhẹ thì đây cũng là trường hợp khẩn cấp.
Triệu chứng ở phụ nữ
Phụ nữ thường không cảm thấy bị đau ngực. So với nam giới, nữ giới hay bị ợ nóng hay tim đập nhanh, ăn không ngon, ho, hay cảm thấy mệt hoặc yếu. Đừng bỏ qua những triệu chứng này. Bạn càng chậm trễ điều trị, càng nhiều tổn thương xảy ra.
Hành động nhanh
Nếu bạn cảm thấy đau ngực, nên đi cấp cứu ngay cho dù bạn không chắc chắn đó là bệnh tim. Gọi cấp cứu lưu động, gọi taxi, gọi người thân… tìm cách nhanh nhất để đến cơ sở y tế gần đó. Đừng cố gắng tự mình lái xe đến bệnh viện vì có thể có biến cố bất ngờ trên đường. Hành động nhanh có thể cứu bạn thoát khỏi cái chết.
Nhịp tim không đều: Chứng loạn nhịp tim
Xung điện giúp cho tim bạn đập theo một nhịp đều đặn. Chứng loạn nhịp làm cho tim đập nhanh, đập chậm, hay rung nhẹ. Những biểu hiện này thường vô hại và biến mất nhanh chóng, nhưng một số khác có thể làm ảnh hưởng đến lưu lượng máu và gây tổn thương nghiêm trọng cơ thể bạn. Hãy cho bác sĩ của bạn biết nếu như bạn nhận thấy những điều bất thường.
Bệnh liên quan đến cơ tim
Cơ tim bất thường, hay bệnh cơ tim, làm máu khó bơm tới các bộ phận của cơ thể. Theo thời gian, nhiều vấn đề sức khỏe như huyết áp cao, béo phì hay tiểu đường sẽ gây ra bệnh cơ tim và có thể dẫn đến suy tim.
Suy tim
Suy tim không có nghĩa là tim ngừng đập mà chỉ là tim không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Vì vậy, để bù trừ , tim dần lớn hơn và đập nhanh hơn. Tim trở nên yếu hơn, rồi lưu lượng máu sẽ bắt đầu giảm đáng kể. Đén lúc đó, sẽ xuất hiện các triệu chứng của suy tim. Hầu hết các ca suy tìm đều là kết quả của bệnh lý mạch vành và nhồi máu cơ tim.
Bệnh tim bẩm sinh
Từ khi mới sinh, bạn có thể có 1 van bị hở hay 1 dị tật vách ngăn tim. Đôi khi những dị tật này không được phát hiện cho đến khi bạn trưởng thành.
Không phải ai cũng cần điều trị, nhưng một số người cần dùng thuốc hay phẫu thuật. Nếu như bạn có bệnh lý tim bẩm sinh, bạn có nhiều khả năng bị loạn nhịp, suy tim và nhiễm trùng van tim, tuy cũng có một số cách giảm thiểu những nguy cơ trên.
Dịch từ nguồn WebMD
(Nhóm biên dịch y khoa - Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin)