THÔNG TIN Y KHOA | NỘI TỔNG QUÁT

10 Sai lầm y khoa làm thay đổi cách chăm sóc bệnh nhân

Các sai lầm trong y khoa vẫn là một đề tài nóng, đặc biệt là trong thời gian qua chúng ta có liên tiếp một số ca tai biến về sản phụ khoa. Nhân bàn về sự an toàn của bệnh nhân, mời các bạn xem bài dịch từ một loạt báo cáo đặc biệt của Medscape News vào ngày 12/1/2012 - Chuyên mục Business of Medicine. Bài đầu tiên nói về một số biến cố mang tính lịch sử, dẫn đến sự thay đổi cách thức mà người bác sĩ nhìn nhận hay xử lý vấn đề.

Chúng ta học được nhiều từ những sai lầm đau đớn của chính mình. Các nhầm lẫn y khoa có thể làm tổn thương bệnh nhân và đặt các bác sĩ vào những vị trí khó khăn về luật pháp cũng như chuyên môn. Tuy nhiên, nghiên cứu các nhầm lẫn và học cách ngăn ngừa, theo dõi và thay đổi chúng đã góp phần làm thay đổi nhiều tiêu chuẩn trong chăm sóc bệnh nhân. Bằng cách loại trừ những sai sót y khoa phổ biến, các bác sĩ có thể bảo vệ bệnh nhân và bảo vệ chính họ khỏi những vụ kiện cáo, đồng thời giúp giảm chi phí bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của họ.

 

Vào năm 1910, khi Abraham Flexner nghiên cứu tình trạng đào tạo y khoa của Mỹ, chỉ có 16 trong 155 trường yêu cầu bậc trung học khi tuyển sinh và lý luận về vi khuẩn vẫn còn bị bài xích. Hiện nay, việc hành nghề y ở Mỹ đã được chuẩn hóa khá tốt, phần lớn nhờ vào các kỳ thi kiểm tra chuyên môn dành cho các bác sĩ đào tạo tại Mỹ, cũng như nhờ các đạo luật về việc vi phạm hành nghề y.

 

Ngày nay, các tiêu chuẩn chăm sóc sức khỏe chủ yếu dựa vào các chứng cứ khoa học. Trong 20 năm qua, nhiều phiên tòa cũng đã hướng giới bác sĩ và bệnh viện vào trong một tiêu chuẩn chung của quốc gia hơn là chấp nhận những thay đổi về hành nghề y theo từng địa phương.

 

1.Chăm sóc bệnh nhân bị chấn thương

 

Vào năm 1976, Bs Jim Styner, một phẫu thuật viên chỉnh hình, đã bị rơi máy bay vào một cánh đồng bắp ở bang Nebraska và chịu những tổn thương trầm trọng. Vơ ông chết và 3 trong 4 đứa con của ông bị thương nặng. Tại bệnh viện địa phương, các chăm sóc mà ông và các con nhận được rất kém, ngay cả khi so với các tiêu chuẩn thời đó.

 

“Nếu chỉ với vài thứ đơn giản trên cánh đồng mà tôi còn có thể làm tốt hơn những gì họ làm trong bệnh viện, như vậy thì hệ thống chăm sóc của chúng ta rõ ràng là không đúng và cần phải được thay đổi "-Bs Styner nói.

 

Thảm kịch của gia đình ông và những sơ sót y khoa trong vụ đó đã dẫn đến sự hình thành Phương pháp chăm sóc nâng cao cho bệnh nhân bị chấn thương (Advanced Trauma Life Support: ATLS) và làm thay đổi hẳn các tiêu chuẩn về chăm sóc bệnh nhân chấn thương trong giờ đầu tiên.

 

Bác sĩ Styner đã giúp xây dựng khóa học ATLS đầu tiên. Đến năm 1980, Ủy ban về chấn thương của Hiệp hội các phẫu thuật viên Mỹ (American College of Surgeons) đã thừa nhận ATLS và bắt đầu đưa nó vào các khóa học trên khắp thế giới. Giờ đây, ATLS đã trở thành tiêu chuẩn trong chăm sóc bệnh nhân chấn thương ở các khoa cấp cứu và các đơn vị cấp cứu lưu động tại Mỹ. Các Hiệp hội điều dưỡng chấn thương (Society of Trauma Nurses) và Hiệp hội kỹ thuật viên cấp cứu quốc gia (National Assocciation of Emergency Medical Technician) cũng đã xây dựng những chương trình tương tự dựa trên ATLS.

 

2.Theo dõi bệnh nhân được gây mê

Judy được 39 tuổi khi cô vào bệnh viện để cắt tử cung. Sau khi cô chết trên bàn mổ, việc mổ tử thi đã xác nhận là Bác sĩ gây mê đã đặt ống nội khí quản vào thực quản thay vì khí quản.

 

Ngày nay, các Bác sĩ gây mê dùng một thiết bị gọi là Et CO2 (End Tidal carbon dioxid monitoring) để theo dõi nồng độ khí carbonic (vốn cao hơn trong khí quản so với thực quản).

 

Vào năm 1982, chương trình 20/20 của đài ABC đã chạy một bài tựa đề là “Giấc ngủ sâu: 6000 ca sẽ chết hay chịu tổn thương não” (The Deep Sleep: 6000 will die or suffer Brain Damage). Chương trình này đã vạch trần nhiều trường hợp sai lầm y khoa dẫn đến cái chết hoặc tổn thương trầm trọng. Hiệp hội gây mê Mỹ đã phản ứng lại bằng cách đưa ra một chương trình nhằm tiêu chuẩn hóa kỹ thuật gây mê và phương pháp theo dõi bệnh nhân, và sau đó là thành lập Tổ chức an toàn bệnh nhân trong gây mê (Anesthesia Patient Safety Foundation) vào năm 1985.

 

Các tiêu chuẩn thực hành ngày nay bao gồm việc theo dõi độ bảo hòa oxy (pulse oxymeter) và EtCO2 cho mọi bệnh nhân được gây mê. Các tiêu chuẩn mới đã làm giảm đáng kể tần suất bị tổn thương não do thiếu Oxy và các biến chứng lớn khác. Sự đẩy mạnh sử dụng các thiết bị theo dõi điện tử  khi gây mê đã làm giảm tỷ lệ tử vong do gây mê từ 1/10000 còn 1/200000 trong vòng không tới 2 năm.

 

3.Theo dõi tim thai

Sally và Ed đang trông chờ em bé đầu tiên của họ. Cuộc chuyển dạ của Sally bị kéo dài nên Bác sĩ đã thêm Oxytocin để tăng co. Thật không may là Oxytocin làm xuất hiện tình trạng suy thai. Không phát hiện kịp thời, đứa bé đã bị tổn thương não trầm trọng dẫn đến di chứng bại não.

 

Việc theo dõi thai bao gồm cơn gò và tim thai đã trở thành tiêu chuẩn với một khoảng thời gian phản ứng cho phép là 30 phút từ lúc nhận biết suy thai cho đến lúc sinh. Mục đích của việc theo dõi tim thai liên tục là nhằm đánh giá tình trạng thai trong quá trình chuyển dạ, giúp bác sĩ có thể can thiệp kịp thời vào bất cứ lúc nào khi có bằng chứng suy thai (xác nhận suy thai nếu tim thai vượt khỏi trên hay dưới mốc bình thường từ 110-160/phút hoặc tim thai không thay đổi theo cơn gò).

 

Theo dõi tim thai bằng các thiết bị điện tử (Electronic Fetal Monitoring hay FHR monitoring) được dùng lần đầu vào những năm 60. Từ 1980, việc sử dụng EFM đã tăng một cách ngoạn mục, từ 45% lên đến 85% số sản phụ đi sinh vào năm 2002 (theo số liệu của Hội các bác sĩ Sản phụ khoa Mỹ - American Congress of Obstetricians and Gynecologists – ACOG)

 

“Dù có sử dụng thiết bị theo dõi tim thai điện tử, các y tá hay bác sĩ vẫn cần phải xem các số liệu thường xuyên” – Hướng dẫn của ACOG tuyên bố.

 

4.Cắt nhầm bên

Bill bị động kinh và đâm xe vào một gốc cây, dập nát hai chân. Chụp động mạch cho thấy chân phải còn cứu được nhưng chân trái cần được cắt bỏ. Thật không may, kỹ thuật viên X quang đã đánh dấu nhầm bên và phẫu thuật viên đã cắt đi chân phải của Bill trước.

 

Việc ngăn ngừa phẫu thuật sai chỗ đã được Ủy ban liên hiệp giám định các cơ quan y tế (JCAHO) đưa lên thành một trong những mục tiêu an toàn cho bệnh nhân. Xây dựng các quy trình đã trở thành một tiêu chuẩn được giám định đối với các bệnh viện, trung tâm phẫu thuật lưu động, và các phòng khám có phẫu thuật.

 

JCAHO yêu cầu phải chuẩn hóa các bước kiểm tra trước mổ để xác nhận đúng loại phẫu thuật trên đúng bệnh nhân và đúng vị trí. Các biện pháp đề ra bao gồm việc đánh dấu chỗ mổ, cho phép bệnh nhân tham gia vào quá  trình duyệt mổ,  yêu cầu tất cả thành viên kíp mổ tham gia vào việc đối chiếu  thông tin trong phòng mổ.

 

Bất chấp những cố gắng này, một thăm dò của JCAHO cho thấy mỗi tuần đều có khoảng 40 ca mổ nhầm chỗ trong cả nước. Giải pháp đề ra là chúng ta vẫn cần có một phương pháp thu thập thông tin cẩn thận hơn và được tiêu chuẩn hóa.

 

5.Đếm gạc

Tom được 12 tuổi khi bị viêm ruột thừa vỡ và được đưa đến bệnh viện địa phương. Ba ngày sau khi cắt ruột thừa, Tom bị sốt cao. Một tuần sau, các bác sĩ thực hiện phẫu thuật lần 2 và tìm thấy một miếng gạc phẫu thuật sót lại bên trong.

 

Việc đếm gạc và dụng cụ hậu phẫu đã là thường quy từ nhiều thập kỷ. Cho đến nay vẫn chưa có một chuẩn duy nhất, dù nhiều tổ chức điều dưỡng và phẫu thuật đã đưa ra những quy trình  khá tốt cho việc kiểm gạc, kim và các dụng cụ khác

 

Có nhiều cách kiểm gạc khác nhau được sử dụng trong cùng một phòng hay thậm chí trong cùng một ca mổ, theo Hội các điều dưỡng phòng mổ cho biết. Chính sự không thống nhất này là nguồn gốc tạo cơ hội cho các sai lầm.

 

Một nghiên cứu của Bộ Y tế Mỹ cho biết loại sai sót này có thể xảy ra từ 1/100 cho đến 1/5000 ca. Một nghiên cứu khác đăng trên báo Annals of Surgery năm 2008 cho thấy nhầm lẫn về kiểm dụng cụ và gạc xảy ra trong khoảng 12.5% số ca phẫu thuật.

 

Các nhóm điều dưỡng và phẫu thuật khuyên rằng mỗi thành viên của nhóm phẫu thuật phải đóng một vai trò bình đẳng trong việc đảm bảo tính chính xác của số đếm. Gần đây, các nhà sản xuất đã làm gạc với các vạch có thể nhìn thấy trên x-quang, các hệ thống nhận dạng bằng tần số vô tuyến, và dùng mã vạch để cảnh báo cho nhân viên biết về việc thiếu gạc.

 

6. Các dị ứng nguy hiểm

Betty chỉ là một đứa bé khi được cho dùng  penicillin. Sau khi dùng thuốc, em trở nên tím tái và được chở nhanh đến bệnh viện. Lúc đó, Betty chỉ 15 tuổi. Vì một chứng viêm họng đơn giản do Streptococcus, em đã chết vì dị ứng penicillin. Không có ai hỏi em về tiền căn dị ứng trước đó.

 

Trên thực tế, các bệnh án luôn dành một chỗ để ghi nhận tiền căn dị ứng. Vấn đề này càng trở nên nổi bật hơn sau khi Viện Y học báo cáo về vấn đề an toàn bệnh nhân trong năm 1999.

 

Trong năm 2008, Ban tư vấn về an toàn bệnh nhân của Pennsylvania ghi nhận hơn 3800 trường hợp trong đó bệnh nhân được kê loại thuốc mà họ đã biết là bị dị ứng trước đó. Nguyên nhân của việc bỏ sót thông tin về dị ứng của bệnh nhân có thể do có ghi trên hồ sơ giấy nhưng không đưa vào hồ sơ điện tử, hoặc các dị ứng phát sinh trong các đợt trị bệnh không được ghi nhận hay báo lại cho những người có trách nhiệm.

 

Chiến lược để giải quyết vấn đề này bao gồm việc bổ sung những nhãn nhắc nhở về dị ứng ở những vị trí nổi bật được quy định, loại bỏ việc ghi các thuốc dị ứng lên băng đeo tay của bệnh nhân và làm việc ghi nhận tiền căn dị ứng là một mục bắt buộc trong phần mềm quản lý  bệnh nhân.

 

7. Cho nhầm Kali

Linda cảm thấy không khỏe lắm trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Việc nôn mửa kéo dài dẫn đến việc cô có tình trạng mất nước và hạ Kali. Tại khoa cấp cứu, một y tá đã tính liều Kali sai và cho quá liều cần thiết. Linda tử vong trong 1 giờ sau đó.

 

Trong những năm 80 và 90, các nhóm nghiên cứu về vấn đề an toàn bệnh nhân, bao gồm cả JCAHO, đã chú ý đến việc loại trừ các lọ KCL nồng độ cao ra khỏi khu vực chăm sóc bệnh nhân. Hiện tại, hầu hết các bệnh viện ở Mỹ đã loại trừ Kali ra khỏi kho thuốc dùng của các khoa. Kali được cung cấp dưới dạng pha sẵn vào dịch truyền bởi các nhà sản xuất, và được ghi nhãn rõ ràng.

 

Các sai lầm mang tính bi kịch này xảy ra do sự thiếu kiến thức về mối nguy khi cho Kali tĩnh mạch với nồng độ cao hoặc thường hơn, do sự lơ đãng và sự sơ suất của y tá khi chọn lấy một ống thuốc trên kệ. Hạn chế việc tiếp cận thuốc như thế này đã làm giảm các sai sót có thể dẫn đến tử vong.

 

Những chiến lược an toàn bổ sung bao gồm việc dùng các dung dịch pha sẵn, tách riêng Kali khỏi những thuốc khác, dán các loại nhãn báo động, nghiêm cấm việc pha thuốc riêng cho từng bệnh nhân và thực hiện việc đối chiếu với một dược sĩ.

 

8.Loét chèn ép

Frank đã 72 tuổi khi anh bị gãy chân phải của mình trong một tai nạn xe hơi và phải nằm vài tuần trong một cơ sở phục hồi chức năng. Các y tá đã không biết rằng bệnh nhân cần được xoay trở thường xuyên, và Frank đã bị loét do chèn ép khá sâu. Khi chỗ loét bị nhiễm trùng nặng, chân của Frank đã phải bị cắt bỏ.

 

Mỗi năm, hơn 2,5 triệu người ở Mỹ bị loét chèn ép, theo Cơ quan về nghiên cứu và chất lượng y tế (Agency for Healthcare Research and Quality). Các vết loét này cũng có thể gây tử vong. Để nâng cao mức trách nhiệm của các bệnh viện trong vấn đề này, hiện nay các chương trình Medicare & Medicaid đã không còn đồng ý chi trả cho chi phí điều trị loét chèn ép nếu nó xảy ra do nằm viện.

 

Cách chính để ngăn loét chèn ép là phải xoay trở thường xuyên, thường là ít nhất mỗi 2 giờ. Biện pháp này đã được ghi nhận ít nhất từ thế kỷ 19. Hiện nay, nhà dưỡng lão và các bệnh viện cũng có nhiều cách khác để ngừa loét bằng cách thiết lập lịch xoay trở bệnh nhân, giữ khô tấm trải bằng cách dùng các ống thông hay các tấm đệm không thấm nước. Ngoài ra, thay đổi sự chèn ép thường xuyên với các loại nệm hơi cũng đã trở thành phổ biến.

 

9.Các kỹ thuật nâng bệnh nhân

Lillian đã 68 tuổi và nặng 115kg khi cô được phẫu thuật cắt túi mật. Ngày thứ hai sau mổ, cô cần giúp đỡ để vào nhà vệ sinh.  Điều dưỡng của cô, Millie, không đỡ nổi Lillian nên cả hai đã cùng té, làm gãy tay phải của Millie và chân trái của Lillian.

 

Trước kia, trường điều dưỡng dạy học viên là phải đỡ bệnh nhân bằng tay với tư thế phù hợp. Tuy nhiên, làm đúng như thế vẫn không đủ để bảo vệ người điều dưỡng khi có bệnh nhân quá nặng,  khi buộc phải dùng các tư thế sai hay khi phải lập đi lập lại việc đỡ bệnh nhân bằng tay – Theo 1 tư liệu của Hội điều dưỡng Mỹ (ANA).

 

Do đó, Hội điều dưỡng Mỹ ủng hộ các chính sách loại trừ việc nâng bệnh nhân bằng tay. Nhiều phương pháp giúp di chuyển bệnh nhân dễ dàng và an toàn hơn như các dây treo toàn thân, các thang nâng di động, các thiết bị di chuyển ngang và các ván trượt ...

 

ANA cho biết vẫn chưa có một chính sách hay quy định nào của liên bang về vấn đề này  mặc dù có nhiều bang đã ban hành luật này.

 

10. Khám ngực

Khi Christy được 42 tuổi, bác sĩ của cô phát hiện một khối u lớn bên ngực trái. Khối u lẽ ra đã được phát hiện trong hai kỳ khám trước nếu như cô khám đầy đủ. Vào lúc được phát hiện, khối u này đã quá khả năng điều trị.

 

Khám ngực bởi bác sĩ, dạy cách tự khám ngực, khuyến cáo chụp nhũ ảnh định kỳ ... tất cả đã trở thành tiêu chuẩn. Nhũ ảnh được làm lần đầu vào những năm 50 và đã trở thành một công cụ chẩn đoán phổ biến vào những năm 60. Đây là phương pháp then chốt để phát hiện sớm ung thư vú ở giai đoạn có thể trị dễ dàng. Vào năm 2005, có khoảng 68% phụ nữ từ 40 đến 64 tuổi có làm nhũ ảnh trong vòng 2 năm, theo các số liệu từ các công ty bảo hiểm. Tất cả các bang của Mỹ trừ Utah đều yêu cầu các gói bảo hiểm tư nhân và Medicaid phải trả cho việc tầm soát ung thư tuyến vú.

 

 

Trên đây chỉ là một vài ví dụ về các sai lầm y khoa dẫn đến cái chết hay tổn thương cho bệnh nhân, nhưng đồng thời cũng đưa đến sự thay đổi cách thức mà các bác sĩ hành nghề  tại Mỹ. Nhận thức rằng tất cả những sai lầm này đều có thể ngăn ngừa được, chính quyền liên bang và nhiều học viện y khoa  đã đưa ra những cẩm nang hướng dẫn cho việc ngăn ngừa và điều trị các loại bệnh..

 

 

Thông tin về người biên soạn

 

Tác giả: Barry B. Bialek, MD

CoverMD™ Senior Contributing Editor

Family Practice, Boulder, Colorado

 

Cùng tham gia: Mark Crane

Ký giả tự do, Brick, New Jersey

 

Người dịch: TS. BS Võ Xuân Quang, Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin



ĐỐI TÁC CỦA CHÚNG TÔI

KhamOnline