THÔNG TIN Y KHOA | NỘI TỔNG QUÁT

Màu áo trắng

Lễ hội áo trắng (White Coat Ceremony) là một nét văn hóa rất đặc trưng cho ngành Y trên thế giới. Lễ hội được tổ chức cho sinh viên Y khoa năm thứ nhất trong những ngày đầu đến trường. Nội dung của lễ hội gồm nhiều mục khác nhau nhưng hai điểm chính yếu là sinh viên được khoác lên chiếc áo trắng tượng trưng cho ngành Y khoa và đồng thời được tuyên thệ lời thề Hypocrates  để xác lập con đường tương lai cho cả cuộc đời mình.

Lịch sử của lễ hội áo trắng bắt nguồn từ năm 1989 ở trường Pritzker School of Medicine, Chicago, Mỹ nhưng chỉ đến năm 1993 thì Lễ hội chính thức được thừa nhận tại Columbia University College of Physicians and Surgeons, Mỹ. Từ đó trở đi, lời thề Hypocrates được thực hiện khi sinh viên bắt đầu vào trường Y chứ không phải khi sắp tốt nghiệp và chuẩn bị hành nghề. Qua Lễ hội, Bác sĩ Arnold Gold ở Đại học Columbia cho rằng việc chấp nhận những ràng buộc, trách nhiệm và đạo đức y khoa là những vấn đề mà mỗi người làm nghề Y cần hiểu và chấp nhận trước khi thực sự bước những bước đầu tiên. Những ý tưởng về Lễ hội áo trắng sau đó đã nhanh chóng lan rộng và được thực hiện trên hầu hết các trường Y khoa ở Mỹ. Những năm sau đó, Lễ hội áo trắng đã được thực hiện ở nhiều nước khác như  Iran,  Israel, Canada, UK, Dominican Republic, Brazil, Poland, German, Italia, Australia, Rumania, Jamaica v.v… với một vài điểm khác biệt về thời điểm tổ chức. Ngày nay, lễ hội áo trắng đã trở thành niềm háo hức của các tân sinh viên Y khoa, niềm tự hào của các gia đình khi đưa con em mình vào một môi trường mới. Cũng chính vì thế, màu áo trắng tự bản thân nó đã mang một ý nghĩa biểu tượng mà các sinh viên Y khoa luôn trân trọng trong suốt quãng thời gian học tập và hành nghề.


Lịch sử của bản thân chiếc áo trắng lại có nhiều điểm lý thú khác. Chiếc áo trắng mà chúng ta vẫn nghĩ là “áo bác sĩ” vốn là chiếc áo của các nhân viên các phòng thí nghiệm, các lab (lab coat). Trong thế kỷ 19, khi ngành Y chuyển mình từ những phạm trù huyền bí và phù thủy trở thành một ngành dựa trên chứng cứ và thực nghiệm, các bác sĩ muốn xác lập vị trí của mình là những nhà khoa học nên đã dùng các áo khoác trắng thường thấy ở các nhân viên phòng thí nghiệm. Cho đến nay, mối liên hệ áo choàng trắng - bác sĩ đã hơn 100 năm. Ở nước ta, “áo trắng” là ám chỉ tuyệt đối cho ngành Y nói chung và các bác sĩ nói riêng, mặc dù các kỹ thuật, điều dưỡng hoặc dược sĩ, nha sĩ cũng dùng chung một loại. Thậm chí, các nhân viên thú y, các nhân viên nhà thuốc cũng rất ưa chuộng áo blouse trắng.


Tại các nước phát triển, các loại đồng phục dùng trong y khoa đa dạng hơn nhiều thay vì chỉ là chiếc blouse trắng đơn thuần. Trước hết, chiếc áo trắng cho trong Lễ hội cho sinh viên Y khoa không phải là chiếc áo bác sĩ mà ta thường thấy mà là một loại áo khá ngắn như các loại áo veste thông thường.


Một số trường Y khoa còn có Lễ hội lần hai khi sinh viên tốt nghiệp, trong đó sinh viên được cởi chiếc áo trắng ngắn này và được chính thức sử dụng chiếc áo bác sĩ truyền thống có độ dài ngang gối. Mặt khác, hầu hết các điều dưỡng và kỹ thuật viên thường không dùng áo blouse trắng mà thường sử dụng các đồng phục đơn giản theo bộ áo/quần (Scrub).

 

Vì nhiều lý do, việc sử dụng các bộ đồng phục này ngày càng phổ biến trên thế giới. Ở nước ta, đồng phục dạng này được sử dụng chủ yếu trong phòng mổ, hay còn gọi là “đồ mổ”. Các bác sĩ và điều dưỡng của các bệnh viện và phòng khám vẫn lựa chọn chủ yếu là áo blouse.


Thiên thần áo trắng


Trước thế kỷ 19, các bác sĩ mang áo choàng đen vì ngành Y là một ngành mang tính huyền bí. Khi những ý tưởng ban đầu về vi khuẩn và nhiễm khuẩn đang manh nha, các bác sĩ bắt đầu nhận thấy ý nghĩa của sự “sạch sẽ” và màu trắng, biểu tượng cho sự sạch sẽ, đã nhanh chóng được lựa chọn cho quần áo cũng như các loại đồ vải dùng trong ngành Y. Không chỉ bác sĩ, bệnh nhân cũng mặc đồ trắng. Các loại vải trải giường, các đồ vải trong phẫu thuật v.v.. đều tuyền trắng!


Không chỉ mang ý nghĩa thực tế, chiếc áo trắng còn có ý nghĩa tượng trưng rất lớn về mặt đạo đức và tinh thần. Màu trắng tượng trưng cho sự thanh khiết  và trong sạch, biểu tượng cho tâm hồn của một người dâng cuộc đời mình cho sự cứu giúp những người đau yếu và bệnh tật, không chịu sự cám dỗ của mọi tác động vật chất bên ngoài. Chiếc áo trắng là tượng trưng mạnh mẽ cho sự đam mê và vinh dự, tượng trưng cho một chuẩn mực mà người làm nghề phải phấn đấu để đạt được sự chấp thuận và tin tưởng của bệnh nhân. Cụm từ “thiên thần áo trắng” không phải ngẫu nhiên được sinh ra mà xuất phát thực tế từ nhiều tấm gương hy sinh quên mình vì đồng loại.


Tại Việt Nam, các sinh viên Y khoa được dùng áo choàng trắng ngay từ năm thứ nhất khi vào các phòng lab và tiếp tục sử dụng nó suốt những năm sau đó, kể cả cho đến khi ra trường. Bệnh nhân có thói quen gọi tất cả những ai mặc áo choàng trắng là “bác sĩ”. Về hình thức, không có nhiều thay đổi trừ độ dài trên gối, ngang hoặc dưới gối. Ngoài ra, tay ngắn hoặc tay dài là  lựa chọn chủ yếu khi may áo. Dạng áo may công nghiệp theo các kích cỡ tiêu chuẩn cũng như việc giặt là tập trung công nghiệp là rất hạn chế. Phần lớn các áo choàng trắng được coi là tài sản cá nhân và được xử lý tại nhà. Các bác sĩ Việt Nam có thể mặc áo blouse kèm hoặc không kèm với áo/đồng phục khác bên trong.


Biểu tượng và thực tế


Điều này có thể làm bạn ngạc nhiên nhưng theo thống kê, chỉ có 1/8 các bác sĩ hành nghề ở Mỹ mang áo blouse trắng tại nơi làm việc. Phần lớn các bác sĩ mặc scrub-các loại đồng phục ngắn gọn gàng và đơn giản nhưng thực dụng hơn.

 

Có nhiều lý do để giới y khoa ngoảnh mặt với chiếc áo chòang trắng truyền thống.  Trước hết, áo choàng dài lòng thòng, vướng víu và bất tiện trong việc giặt là, cất giữ và mang mặc. Kế đến, áo choàng gây cảm giác nóng bức, khó chịu khi thời tiết trở nóng. Việc thấm mồ hôi qua áo choàng trắng không chỉ gây ấn tượng dơ mà còn gây phản cảm cực kỳ. Kế đến, màu trắng có thể là biểu trưng cho sự sạch sẽ nhưng trên thực tế, áo choàng trắng không sạch hơn và cũng không dơ hơn bất cứ loại quần áo thông thường nào mà chúng ta vẫn đang mặc. Một số bác sĩ còn cho là việc mang áo choàng trắng (loại tay dài) còn tạo điều kiện gây lây nhiễm chéo giữa các bệnh nhân do sự tiếp xúc của tay áo từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác. Cùng với việc đề cao chính sách rửa tay thường xuyên để chống lây nhiễm chéo, các áo trắng tay dài phần nào tỏ ra bất tiện trong việc thường xuyên rửa tay mỗi ngày trong bệnh viện.


Một số nhóm bác sĩ  còn phản đối áo choàng trắng vì lý do chuyên môn. Đó là các bác sĩ nhi khoa, do các bệnh nhi thường khóc thét lên khi thấy mỗi ai mang áo choàng trắng. Đó là các bác sĩ tâm thần, do các bệnh nhân thường có phản ứng quá khích khi tiếp xúc  với những “đối thủ”  mang áo trắng. Đó cũng là các bác sĩ tim mạch, thường xuyên đau đầu vì những bệnh nhân có “hội chứng áo choàng trắng” với huyết áp nhảy vọt lên ầm ầm, chỉ vì thấy mặt ông bác sĩ hay cô y tá mặc áo trắng.


Y khoa hiện đại lấy bệnh nhân làm trung tâm nên các bệnh viện luôn cố gắng tạo cảm giác gần gũi và các nhân viên thì cố gắng tạo không khí gia đình. Vì thế, các bộ đồng phục của y tá, bác sĩ ngày nay rất nhẹ nhàng, đơn giản và nhiều khi có rất nhiều màu sắc, hoa lá hay họa tiết ấn tượng. Các khoa nhi và các khoa sản thường là những đơn vị nổi bật trong sử dụng các đồng phục có tính thân thiện cao.

Tuy phần lớn các cơ sở y khoa đều có những đồng phục chính thức với tên và logo nhưng  sở thích cá nhân và tính đa dạng luôn được tôn trọng. Điều đó phần nào giúp bệnh nhân bớt nhàm chán và không có cảm giác đang bị “ ở tù” với các cai ngục thuần túy trong một đồng phục.


Ở một số nước, áo choàng trắng không những không được ưa thích mà còn chính thức bị cấm sử dụng. Cụ thể, ở Anh, từ 2007, các loại áo choàng trắng tay dài đã không còn được dùng nhằm giảm nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện. Luật mới đơn giản là: dưới khuỷu tay phải trống trơn, nghĩa là không vạt áo, không nữ trang, không đồng hồ. Thật không may, áo trắng và cà vạt cũng nằm trong danh sách bị cấm.


Ở Mỹ, tuy các bác sĩ chủ động từ bỏ áo choàng trắng nhưng cho đến nay, không có việc cấm chính thức cà vạt cũng như áo choàng. Sự chuyển đổi sang các dạng đồng phục ngắn đơn giản chỉ là do tính thực dụng của nó hơn là do có bằng chứng rõ ràng trong việc làm tăng lây nhiễm ở bệnh viện.


Áo trắng ở Việt Nam


Có thể nói là chiếc áo trắng ở Việt Nam mang ý nghĩa biểu trưng mạnh mẽ hơn hầu hết các nước khác trên thế giới. Ngược lại, việc mặc chiếc áo trắng cũng mang đến càng nhiều khó khăn hơn mỗi ngày. Ở một xứ nhiệt đới, mặc blouse trắng kèm áo trong thường làm nóng bức và khó chịu nếu không kèm theo việc sử dụng máy điều hòa mọi lúc, mọi nơi trong bệnh viện. Mặc áo blouse trắng không áo trong đôi khi lại khá phản cảm. Điều đáng ngạc nhiên là cho đến nay, chưa có một sự chuyển dịch đáng kể nào trong lựa chọn và có lẽ đến 90% các nhân viên y tế vẫn trung thành với chiếc áo trắng của mình (tuy không ít trong số chúng đã trở thành màu cháo lòng!). Thậm chí, các nhân viên khác như thu ngân hay nhà ăn nhiều khi cũng thích dùng áo blouse trắng dù thực sự không cần thiết.


Thông tin gần đây cho biết Bộ Y tế đang tiến hành thay đổi trang phục dự kiến theo hướng phân chia màu sắc để phân biệt các vị trí công việc trong bệnh viện. Bà Trần Thị Hằng, chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết: "Chúng tôi muốn thông qua kiểu dáng trang phục và màu sắc, người bệnh có thể phân biệt được các cán bộ y tế ở từng vị trí. Không chỉ phân biệt bác sĩ, điều dưỡng mà học viên, nhân viên hành chính, kỹ thuật viên, thậm chí là sinh viên của các trường... cũng sẽ khác nhau".


Việc thay đổi trang phục Y tế là cần thiết nhưng thay đổi như thế nào lại là một vấn đề khác. Xu hướng của thế giới về trang phục y tế là rất rõ, các đồng phục ngắn đặc biệt hữu ích ở các nước nóng như nước ta. Chúng tôi không cho là việc thống nhất về màu sắc là quan trọng vì bệnh viện vốn không phải là quân đội hay công an. Cái mà các phòng khám, bệnh viện cũng như các bệnh nhân cần có và muốn thấy là sự thân thiện và sự hài lòng về dịch vụ y tế. Khi mà định hướng tính đúng, tính đủ, tự chủ về kinh tế đang được triển khai thì việc tự chủ về  trang phục trong hoạt động của mỗi cơ sở có lẽ cũng là cần thiết.


Chiếc áo trắng mãi mãi sẽ là biểu trưng của ngành Y nhưng điều đó không có nghĩa là mỗi nhân viên ngành Y của chúng ta bắt buộc phải mặc chiếc áo ấy mỗi ngày, mỗi giờ làm việc.


TS.BS Võ Xuân Quang
Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin



ĐỐI TÁC CỦA CHÚNG TÔI

KhamOnline