THÔNG TIN Y KHOA | RĂNG HÀM MẶT
Bệnh nha chu - Nhiễm trùng thầm lặng
Nướu răng và xương hàm tạo thành nền tảng để giữ răng của chúng ta đúng vị trí. Chúng ta cần răng không chỉ để duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh mà còn mang lại vẻ ngoài tự tin khi giao tiếp, cả hai đều là quan trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần.
Một quan niệm phổ biến là ta sẽ mất răng khi già đi và dẫn đến việc kiểm tra sức khỏe răng miệng và làm sạch răng thường xuyên trở nên không quan trọng. Điều này thật sự không đúng.
Bệnh sâu răng và viêm nha chu là những bệnh lý phổ biến ở hầu hết mọi người, dẫn đến mất răng và cả hai có thể được ngăn chặn trong hầu hết các trường hợp.
Bệnh nha chu là gì?
Bệnh nha chu là một bệnh nhiễm khuẩn mạn tính có ảnh hưởng đến nướu và xương nâng đỡ răng. Bệnh nha chu bao gồm bệnh viêm nướu và bệnh viêm nha chu.
Bệnh nha chu có thể ảnh hưởng đến một răng hay nhiều răng. Nó bắt đầu khi vi khuẩn trong mảng bám (là một mảng mỏng không màu, dính, tạo thành liên tục trên răng của bạn) làm nướu bị đỏ hoặc sưng lên. Bất kỳ mảng bám chỗ nào mà không được loại bỏ bằng bàn chải đánh răng hoặc chỉ nha khoa, nó sẽ dần cứng lại để trở thành cao răng (vôi răng) sau một khoảng thời gian ngắn. Vôi răng chỉ có thể được loại bỏ thông qua lấy vôi răng bởi nha sĩ. Mảng bám răng và vôi răng cũng tạo thành đến 3 mm bên dưới đường viền nướu, nơi này hay gọi là khe nướu có độ sâu 3 mm bao quanh mỗi răng.
Viêm nướu
Trong giai đoạn này, nướu đỏ lên, sưng lên và dễ chảy máu. Thường có ít hoặc không có cảm giác khó chịu. Tình trạng này được gọi là viêm nướu và có nhiều báo cáo cho thấy hơn 80% dân số có một số dấu hiệu của viêm nướu. Nó thường bị gây ra do kỹ thuật và thói quen vệ sinh răng miệng kém. Hầu hết mọi người bỏ qua các vấn đề chảy máu nướu răng lúc đánh răng nếu như không có đau kèm theo. Theo thời gian, nếu không được điều trị, viêm nướu có thể tiến triển thành viêm nha chu.
Viêm nha chu
Theo thời gian, mảng bám có thể lây lan và phát triển xuống dưới đường viền nướu. Chất độc, độc tố được sản xuất bởi các vi khuẩn trong mảng bám xâm nhập vào nướu răng và cuối cùng làm cho xương nâng đỡ răng bị phá hủy. Nướu tách khỏi răng, hình thành túi nha chu (đó là khoảng trống giữa răng và nướu răng) và bị nhiễm trùng. Khi bệnh tiến triển, các túi nha chu sâu hơn và nhiều mô nướu và xương bị phá hủy. Thông thường, quá trình phá hủy này không có hoặc có triệu chứng rất ít. Cuối cùng, răng có thể bị lung lay, di chuyển ra khỏi vị trí hoặc có mủ và sưng phồng. Thường ở giai đoạn cuối này bệnh nhân nhận ra cái gì đó không ổn và tìm cách điều trị. Tuy nhiên, việc điều trị có thể không phải lúc nào cũng thành công ở giai đoạn này.
Dấu hiệu chính của bệnh nha chu
1 Chảy máu khi đánh răng
2 Răng lung lay
3 Răng di chuyển, hay di lệch răng khỏi vị trí ban đầu
4 Có mủ hay sưng
5 Hôi miệng
Có thể làm gì để ngăn ngừa bệnh nha chu?
Hầu hết bệnh nha chu xảy ra do bất cẩn hay không quan tâm sức khỏe răng miệng. Để ngăn ngừa viêm nướu và viêm nha chu, các cách sau đây cần được thực hiện:
1. Khám răng định kỳ để kiểm tra răng và nướu răng. Việc kiểm tra này phải mất thời gian và bạn có thể cảm thấy khó chịu. Nó có thể gây đau ở những bệnh nhân thật sự đã bị bệnh nha chu. Chụp phim X - quang răng thường được dùng để xác nhận mức độ tiêu xương.
2. Thực hiện theo lời khuyên của nha sĩ để điều trị nha chu nếu cần. Đến nha sĩ thường xuyên để cạo vôi răng và đánh bóng răng 6 tháng 1 lần. Nếu vôi răng bị tích lũy, bệnh nha chu sẽ xảy ra vào lúc nào đó trong đời. Cạo vôi răng kỹ lưỡng không phải là không đau nhưng dễ được bệnh nhân chấp nhận, miễn là răng được làm sạch. Hoàn toàn không đau khi cạo vôi hoặc cạo nhanh chóng không có nghĩa là nha sĩ của bạn quá giỏi trong khi vôi răng nằm sâu dưới nướu và 360 độ xung quanh mỗi chân răng. Nếu khó chịu bạn có thể đề nghị nha sĩ sử dụng thuốc tê để giảm bớt khó chịu.
3. Sử dụng một bàn chải đánh răng mềm, hay cực mền và làm theo lời khuyên của bác sĩ nha khoa về một phương pháp đánh răng hiệu quả riêng cho bạn và dùng chỉ nha khoa hàng ngày. Dùng chỉ ít nhất một lần một ngày hoặc sử dụng dụng cụ hỗ trợ làm sạch kẽ răng khác nếu không thể dùng chỉ nha khoa.
Bác sĩ Nguyễn Đức Trình
Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin