THÔNG TIN Y KHOA | NHI

Điếc ở trẻ em

So với cậu anh họ, Sóc được khen là ngoan ngoãn. Mỗi khi anh họ bé Sóc bắt đầu buồn ngủ, cả nhà phải “đi nhẹ, nói khẽ”, cậu bé có thể gắt gỏng khóc lóc cả giờ mỗi khi có bất kỳ tiếng động nhỏ nào. Trong khi đó, mặc xung quanh có ồn ào như vỡ chợ, Sóc vẫn ngủ ngon.

Sóc được 6 tháng, mẹ bé mới phát hiện con hoàn toàn không chú ý đến tiếng động, không quay đầu theo hướng đồ chơi phát ra nhạc, không giật mình khi nghe tiếng sấm, tiếng còi xe, … Hoảng hồn đưa Sóc đi khám, chị bàng hoàng phát hiện Sóc bị căm điếc bẩm sinh.


Bế quang tỏa cảng


Nếu Beethoven điếc ngay từ thuở nhỏ chứ không phải từ lúc trưởng thành, thế giới sẽ không có những bản giao hưởng bất hữu và kho tàng âm nhạc của nhân loại sẽ khuyết đi một khoảng rộng không thể bù đắp. Biết đâu chừng những đứa trẻ như bé Sóc cũng là một tài năng âm nhạc sớm bị vùi lấp bởi bệnh tật?


Đó là những giả thuyết khá xa xôi. Nhưng trên thực tế, điếc là một khuyết tật rất lớn và gây nên rất nhiều hậu quả tai hại, đặc biệt đối với trẻ nhỏ.


Vì khác với người lớn, trẻ nhỏ cần tiếp nhận âm thanh để phát triển ngôn ngữ thì mới nói được. Chính vì vậy rất nhiều trường hợp, điếc từ thuở nhỏ dẫn đến câm, khuyết tật nhân đôi, bất hạnh nhân lên gấp nhiều lần khi một người mất khả năng giao tiếp bằng tiếng nói.

 

(Hình minh họa: nguồn internet)


Giảm thính lực và điếc không chỉ dẫn đến câm mà còn ảnh hưởng đến trí tuệ, gây rối loạn về nhân cách, ứng xử đối với trẻ nhỏ và gây khó khăn trong học tập khi trẻ tới tuổi đến trường. Có thể tưởng tượng người bị điếc hay giảm thính lực như những người đứng trong phòng kiếng cách âm trong chương trình “Tam sao thất bản”, chỉ có thể nhìn và đoán lời người khác mà không thể nghe họ nói gì. Nếu bị cô lập trong phòng kính như thế một thời gian, hẳn bạn không thể không nổi cáu.


Thế nên khá dễ hiểu là một đứa trẻ không nghe được, không thể giao tiếp sẽ cảm thấy như thế nào và phát triển ra sao. Bé bị “bế quan tỏa cảng” tách rời cuộc sống xã hội dẫn tới tâm lý không ổn định, rối loạn ứng xử, tư duy kém, thậm chí bị tự kỷ.


Nguyên nhân giảm thính lực và điếc


-    Di truyền (mẹ có gen điếc) trong quá trình mang thai mẹ bị nhiễm virus Rubeol, cytomegalovirus, giang mai hay mẹ dùng các loại thuốc như: gentamycin, streptomycin, dòng họ Aminoglycoside, sinh ra điếc và các bệnh bẩm sinh về não, bẩm sinh về tim, …


-    Trẻ sinh non, thiếu cân, nhất là dưới 1500g, ngạt, thiếu oxy trong bào thai, vàng da tăng bilirubin gián tiếp, quan trọng nhất là vàng da nhân (ictere nucleaire), xuất huyết não, chảy máu tai trong.


-    Do viêm não, màng não, nhiễm trùng hay do virus hoặc bị lao, những virus cấp như quai bị, viêm tai, chấn thương sọ não, u dây thần kinh VIII, cần thiết phải đi khám tỷ mỷ và khám có hệ thống để được phát hiện và xử lý sớm.


Trở lại cuộc sống


Điều may mắn là, dù trẻ có điếc bẩm sinh hoặc giảm thính lực hay điếc thứ phát, vẫn có thể khắc phục, chữa khỏi hoặc ít nhất là giảm những ảnh hưởng nặng nề của khuyết tật này lên cuộc sống của trẻ, với điều kiện trẻ được phát hiện tật sớm. Các biện pháp như: giải quyết các bệnh lý bẩm sinh của tai ngoài và tai giữa, đeo máy trợ thính, cấy ốc tai, … kèm với sự giáo huấn nghe – nói có thể giúp cuộc sống trở nên bình thường như bao trẻ khác.


Đáng tiếc là, nhiều trẻ điếc bẩm sinh không được phát hiện sớm hoặc do chỉ giảm thính lực điếc vừa, cha mẹ thường không chú ý, trẻ chỉ được phát hiện khi thấy trẻ chậm nói, nói ít, diễn đạt khó khăn, …, lúc này đôi khi sự can thiệp của y khoa đã là quá trễ, hoặc nếu có chữa khỏi thì quá trình hòa nhập lại với cuộc sống của trẻ cũng rất khó khăn.

 

(Hình minh họa: nguồn internet)


Vì thế, cách tốt nhất là nên phát hiện sớm để xử lý. Ngay khi mới ra đời, trẻ phải được bác sĩ Nhi khoa khám tổng thể và chi tiết để được phát hiện các bệnh bẩm sinh, các sang chấn sản khoa và khám thính lực cho trẻ sơ sinh. Đơn giản là dùng tiếng nói hoặc chùm chìa khóa nhẹ nhàng gần tai trẻ khi phát ra âm thanh khiến trẻ sơ sinh chú ý và mở mắt.


Khi trẻ được hai tháng tuổi, cha mẹ nên chú ý phản xạ của trẻ đối với tiếng động. Có thể dùng lời nói hoặc những đồ chơi như lục lạc, đồ chơi có nhạc … tạo ra tiếng động, trẻ nghe được sẽ quay mắt về hướng có tiếng động.


Trẻ 6 tháng tuổi thường có khả năng quay đầu hoàn toàn về hướng có tiếng động.


Nếu bị điếc, trẻ 8 tháng tuổi sẽ không phản ứng khi ta vỗ tay hoặc nói gần tai trẻ.


Trẻ 12 tháng đến 18 tháng đã có thể phát âm những từ đơn giản như bà, ba, … Nếu trẻ chậm nói, cần chú ý kiểm trả thính lực của trẻ để loại trừ nguyên nhân do điếc.


Trẻ 24 tháng đến 36 tháng bị điếc sẽ không phát âm được những từ đơn giản và không định hướng nơi phát ra tiếng động hoặc lời nói.


Trẻ điếc trước 6 tuổi rất nặng nề, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống và khả năng tư duy của trẻ. Nên phát hiện giảm thính lực và điếc càng sớm càng tốt ngày từ khi sơ sinh tới tuổi đến trường. Ngoài việc khám tổng quát từ khi mới sinh để phát hiện những bệnh bẩm sinh, dị dạng tai ngoài và dị dạng các cơ quan liên quan tới thính giác, trẻ con còn cần được khám chuyên khoa Thần kinh Nhi nhằm phát hiện xuất huyết não, não nhỏ, não to và các dị vật về thần kinh, đồng thời khám thính lực ở chuyên khoa Tai – Mũi – Họng.


Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Hồng Thê

Trưởng khoa Nhi, Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin



ĐỐI TÁC CỦA CHÚNG TÔI

KhamOnline