THÔNG TIN Y KHOA | NỘI TỔNG QUÁT
53,7 phút
Thông tin từ cục quản lý khám chữa bệnh cho biết, trong năm 2014 nhờ vào nhiều cải tiến quy trình khám chữa bệnh và chống quá tải, thời gian khám bệnh của người bệnh đã giảm đáng kể. Tính trung bình, tổng thời gian cần thiết của người bệnh đã giảm được 48,5 phút. Thời gian khám trung bình (từ khi người bệnh bắt đầu làm thủ tục đăng ký đến khám bệnh, làm kỹ thuật cận lâm sàng, kê đơn và nhận thuốc) lâu nhất là ở tuyến trung ương: 53,7 phút.
Trước hết, không thể nghi ngờ tính chính xác của con số này vì đây là thành quả nghiên cứu và tính toán của rất nhiều đồng nghiệp có trình độ chuyên môn cao. Chỉ là con số này có vẻ làm cho người ta khó mà tin được. Thật vậy, người dân ở tình về thành khám bệnh, đơn vị tính thường dùng là ‘ngày’–nhanh thì mất 1 ngày, chậm thì 2,3 ngày cũng là thường. Dân thành thị đi khám thì hay tính bằng ‘buổi’, thường thì mất nửa buổi hay một buổi. Theo ước tính, việc đi khám và xét nghiệm chỉ mất không đến 1 tiếng, về nguyên tắc là khả thi như sau:
-Đăng ký: 5 phút.
-Khám bác sĩ: 10 phút.
-Làm 1 xét nghiệm đơn giản (thử công thức máu hay x quang phổi hay điện tâm đồ): 10 phút.
-Đọc kết quả xét nghiệm: 10 phút.
-Trở lại bác sĩ để giải thích và cho thuốc: 5 phút.
-Đến nhà thuốc nhận thuốc: 5 phút.
-Thời gian đóng tiền ở các quầy: 5 phút.
Đúng vậy, thời gian dành cho từng vị trí là tối ưu và hoàn toàn phù hợp. Vấn đề ở đây là, trong thực tế, có khá nhiều khoảng chờ giữa các khâu đó. Có rất nhiều lý do để chờ, và cái nào cũng vô cùng hợp lý. Đến cửa bệnh viện thì chờ gửi xe, vào cửa thì chờ đăng ký, đăng ký xong thì chờ gọi tên, khám bác sĩ xong thì chờ lấy máu, lấy máu xong thì chờ kết quả,v.v….Có những cái sự chờ nhẹ nhàng như chờ thang máy, cũng có nơi nặng nề hơn như chờ toilet (lấy nước tiểu chẳng hạn). Chờ đủ nước tiểu để làm siêu âm, chờ bác sĩ hội chẩn, chờ y tá nghĩ trưa… Dân ta đã quen chờ đến mức đi khám bệnh mà không chờ thì đúng là hơi lạ! Chưa kể đến phần lớn bệnh nhân đến tuyến trung ương ít khi nào có 1 xét nghiệm đơn giản mà thường là “kiểm tra toàn diện” với đủ loại xét nghiệm cận lâm sàng. Bởi vậy, con số 53,7 phút trên có lẽ chỉ xảy ra vào một ngày đẹp trời, các bộ phận hành chính đóng cửa toàn bộ bệnh viện và diễn tập trên một bệnh nhân mẫu, lần lượt đi qua các chặng một cách trơn tru như xe chạy trên đường cao tốc không đèn đỏ.
Trên thực tế, cũng nhờ chỉ thị của bộ mà các bác bên dưới không ngừng suy tư, làm sao cho bệnh nhân đừng phải chờ. Tăng bàn khám, giảm các bước, bố trí vị trí hợp lý, áp dụng công nghệ thông tin ….Rất nhiều việc có thể làm được và đã được làm, tuy con số trên báo cáo có chút khó tin. Dù sao, đây cũng là tin mừng cho bà con.
Một thông tin đáng chú ý khác là những số liệu trên được cho là có nguồn gốc từ hệ thống các bệnh viện công, nơi vẫn thường bị than phiền vì sự quá tải và chờ đợi. Đó có phải là sự cảnh báo cho hệ thống các phòng khám tư, bệnh viện tư tự xem lại mình? Rất nhiều phòng khám tư khi giới thiệu luôn nhấn mạnh về vẻ đẹp và sự tiện nghi của mình- và đặc biệt là giảm thiểu sự chờ đợi của khách. Liệu hệ thống y tế tư có cạnh tranh nổi với con số 53,7 phút? Câu trả lời thật ra cũng đơn giản: Đừng nhìn vào con số đó mà hãy làm tốt công việc của mình. Tại mỗi nơi, mỗi vị trí, luôn luôn có những điểm có thể được sửa đổi. Đừng cho là mình tốt nhất mà hãy luôn tự nhủ là mỗi ngày ta đều có thể làm tốt hơn.
Bàn về quy trình, một quy trình khám bệnh an toàn và chặt chẽ thì sẽ phức tạp và tốn nhiều chi phí, tốn nhiều thời gian. Ngược lại, một quy trình khám bệnh qua loa, lỏng lẽo thì sẽ nhanh hơn nhưng nhiều rủi ro và dễ sai sót. Chỉ những người trực tiếp vận hành/ bị vận hành trong một quy trình mới có thể vạch ra những điểm thừa, những điểm không hợp lý của nó. Am hiểu sâu sắc hệ thống của mình về cả phần cứng lẫn phần mềm, kết hợp với lắng nghe tiếng nói của nhân viên/bệnh nhân thì các nhà quản lý mới có thể đưa ra những quy trình hợp lý , giúp rút ngắn thời gian khám.
TS.BS Võ Xuân Quang
Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin