THÔNG TIN Y KHOA | NỘI TỔNG QUÁT

Cái tôi và sự bạo lực

Một mẫu tin làm ai cũng sững sờ trong những ngày qua, là có đến 6.200 người phải vào viện vì đánh nhau trên cả nước. Con số thật lớn nhưng có lẽ không ai đoán được con số thật của nó, 16.200 hay 26.000…, nếu kể cả những người không phải vào viện trong những vụ đánh nhau đó. Người ta đánh nhau vì những lý do thật ngớ ngẩn và không đâu, như chỉ vì một cú chạm vai hay một câu chửi.  Một số nạn nhân bất đắc dĩ còn phải chịu xui xẻo chỉ vì cố can ngăn, hay đơn giản chỉ vì ham vui mà đứng quan sát. Dư luận băn khoăn vì sự gia tăng của bạo lực và phần lớn đổ lỗi cho chất lượng giáo dục thấp kém nhưng đó có thật là nguyên nhân chủ yếu ?

Cái tôi trên hết


Đâu rồi hình ảnh người Việt thân thiện, hòa nhã với phương châm một câu nhịn, chín câu lành ? Xã hội ngày nay dường như đang là sự lên ngôi của cái “tôi”. Mọi người chỉ biết vì mình và vì lợi ích trước mắt của mình. Không kể đến những vấn đề lừa lọc trong kinh doanh hay xuống cấp về giao thông, có vẻ là tình trạng bạo lực này cũng là một hậu quả trước mắt của việc đề cao cái “ tôi”. Không cho phép người khác nói xấu, không cho phép đụng chạm, “tôi” là nhân vật quan trọng nhất và tất cả những cá thể khác chỉ được phép tuân lệnh hoặc nhượng bộ.

 

(Hình minh họa: nguồn internet)


Không thể nói việc sử dụng bạo lực chỉ xảy ra ở những vùng quê xa xôi hay ở những người thất học. Không, hẳn là những cá thể vi phạm đều đã trải qua nền giáo dục cơ bản, chí ít cũng là giáo dục phổ thông, để có thể hiểu được những quy tắc ứng xử cơ bản trong xã hội. Mặc dù vậy, nắm đấm vẫn là cách ứng xử được ưa chuộng.


Sự chia sẻ và lòng nhân ái


Hệ thống giáo dục phương tây nhằm vào đào tạo con người, giúp họ thích ứng tốt với hoàn cảnh và môi trường xã hội. Một trong những mục tiêu rất quan trọng của nó là giúp các em hình thành lòng nhân ái và sự chia sẻ vì cộng đồng. Các cháu học sinh từ lớp 6 đã có thể làm công tác tình nguyện ở trường. Có nhiều việc các em có thể làm như đi bán bánh gây quỹ, giúp các bạn học yếu lớp dưới, phụ việc vặt các đêm sinh hoạt, chiếu phim … Các cháu tuổi trung học cấp 3 có thể làm nhiều việc hơn như hiến máu, giúp đỡ bệnh nhân ở bệnh viện, phụ giúp việc ở các nhà dưỡng lão, giúp việc ở các thư viện địa phương. Điều đáng chú ý là các em làm các việc này một cách tự nguyện và rất hăng say, không phải vì phong trào hay do ép buộc. Có thể nói ngay từ nhỏ, các em đã hiểu giá trị của sự chia sẻ.

 

(Hình minh họa: nguồn internet)


Nói rộng hơn, sự chia sẻ và lòng nhân ái phần nào đã được nâng lên thành một quy cách ứng xử trong cuộc sống, được công nhận và khuyến khích bởi chính quyền. Những ai đã sống ở Mỹ một thời gian hẳn rất quen thuộc với các tên như Goodwill, Salvation Army và rất nhiều tổ chức khác, là nơi nhận những đóng góp về vật dụng, tiền bạc để chia sẻ cho những người còn thiếu thốn. Tất cả các bệnh viện, nhiều trường đại học đều có những quỹ nghiên cứu, quỹ giúp đỡ bệnh nhân hoạt động dựa trên sự đóng góp  của những người hảo tâm. Những khoản đóng góp này được chính phủ công nhận và khuyến khích bằng cách giảm hay miễn thuế trên khoản đóng góp từ thiện. Mặt khác, khi đến tuổi, một số lớn người về hưu không chọn cuộc sống đơn điệu hay hưởng thụ mà họ tiếp tục góp phần giúp đỡ cộng đồng bằng các công tác thiện nguyện ở các bệnh viện, thư viện hay nhiều cơ quan khác.


Chúng tôi không cho rằng người Việt Nam ta thiếu lòng nhân ái. Báo chí mỗi ngày vẫn đưa tin người này, người nọ đến đây, đến đó để làm từ thiện. Hoặc nếu chúng ta tự mình đến những ngồi chùa nơi nuôi dưỡng người cơ nhỡ hoặc các trung tâm nuôi trẻ mồ côi, mỗi ngày đều có hàng trăm người đến để đóng góp tiền bạc, công sức vào việc thiện mà không cần để lại tên tuổi. Sự khác biệt là những hành động trên chỉ là riêng lẻ và xã hội Việt Nam ta dường như đang thừa bạo lực mà thiếu đi lòng nhân ái trên diện rộng.


Chúng tôi còn nhớ những năm 80 nhà trường có nhiều phong trào như đôi bạn học tập hay những hình thức học nhóm để cùng nhau tiến bộ. Ngày nay, mỗi đứa trẻ  có lịch học còn dày hơn lịch công tác của bố mẹ chúng. Không còn việc cùng nhau học mà mỗi trẻ đều học cho mình và học vì chính mình. Chúng được nhồi nhét ý nghĩ là chỉ cần học tốt và không cần phải làm bất cứ việc gì khác, kể cả phụ giúp cha mẹ,  nói gì đến việc giúp đỡ bạn bè hay hàng xóm. Chúng được dạy là phải học thật nhiều vì tương lai sau này của bản thân, để được thành “ông này bà kia” chứ không phải đế xây dựng đất nước hay giúp đỡ cộng đồng. Thế mà chúng ta lại hỏi vì sao người Việt ta ngày nay chỉ biết đến cái tôi mà không tôn trọng người khác !!!


Từ thiện và tình nguyện ( Charity /Volunteer)


Từ thiện và tình nguyện có khác nhau đôi chút về ý nghĩa. Từ thiện là sự đóng góp, thường là vật chất- trong đa số là tiền, cho những đối tượng nào đó khó khăn, thiếu thốn trong xã hội. Các đối tượng của từ thiện có thể là một người, một nhóm người, một tỉnh hay thậm chí là cả một nước.


Ngược lại, tình nguyện hay thiện nguyện thường là sự đóng góp bằng công sức, việc làm cụ thể cho một tổ chức, một cộng đồng. Các công tác tình nguyện không nhất thiết phải giúp cho những đối tượng khó khăn nhưng thường mang ý nghĩa xây dựng, hỗ trợ nhiều hơn.


Điểm chung của từ thiện và thiện nguyện là tinh thần chia sẻ vì nhau và khuyến khích lòng nhân ái. Không phải chỉ có người giàu mới làm từ thiện. Có câu nói là: “Nếu bạn không đủ nghèo để nhận từ thiện, có nghĩa là bạn đã đủ giàu để làm từ thiện “. Việc chia sẻ không nhất phải  hoành tráng như quỹ từ thiện của Bill Gates nhưng một khoản đóng góp 25 usd mỗi năm cho quỹ nghiên cứu ung thư trẻ em cũng được xã hội trân trọng. Cũng như thế, không chỉ người khỏe mới đi làm tình nguyện mà kể cả những người già yếu, bệnh tật cũng có thể đi làm tình nguyện theo cách của mình. Tại bệnh viện, chúng tôi đã từng thấy các cụ già chống gậy lụm khụm làm công tác hướng dẫn đường đi cho bệnh nhân. Chúng tôi cũng thấy một em học sinh bị bệnh Down đi làm công tác chuyển giao bệnh phẩm.

 

(Hình minh họa: nguồn internet)

 

Một nền giáo dục hiệu quả giúp chúng ta xây dựng nên những con người có tri thức và có nhân cách. Dường như chúng ta đã bỏ qua điều đó mà chỉ mãi mê vào những bài văn hay và những con toán tốt. Một xã hội mà sự từ thiện dường như chỉ được nhắc đến khi gắn với tên tuổi của các ngôi sao hay hoa hậu. Một xã hội mà hầu như các ý thức về tình nguyện bị bỏ quên vì không ai hứng thú với việc “ăn cơm nhà đi vác tù và hàng tổng “. Vậy, đừng hỏi tại sao càng ngày chúng ta càng thiếu vắng lòng nhân ái. Nói cách khác, câu hỏi về sự bạo lực sẽ mãi mãi không có câu trả lời nếu chúng ta không nhìn ra được bản chất của vấn đề và sửa đổi.

Bài: TS.BS Võ Xuân Quang

Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin



ĐỐI TÁC CỦA CHÚNG TÔI

KhamOnline