THÔNG TIN Y KHOA | NỘI TỔNG QUÁT

Ai là thượng đế ?

Y học hiện đại không chỉ thay đổi ở những kỹ thuật chẩn đoán và điều trị mới xuất hiện liên tục, mà còn thay đổi cả các quan điểm tiếp cận và giải quyết các vấn đề liên quan đến chăm sóc sức khỏe. Một trong những thay đổi lớn nhất được ghi nhận cho đến nay là cách thức mà người bệnh tương tác với hệ thống y tế.

QUAN ĐIỂM BỆNH NHÂN LÀ CHỦ

 

1. Quan điểm cổ điển: lấy bác sĩ là trung tâm hệ thống y tế (Physician centered).

 

Đây là cách thức hệ thống y tế vận hành từ thời xa xưa. Bác sĩ là chủ thể tích cực của hệ thống y tế và người bệnh nhân chỉ là đối tượng chịu tác động. Người bệnh chỉ tìm đến thầy thuốc khi có một vài triệu chứng. Lúc đó, người bệnh trở thành đối tượng để thăm khám, xét nghiệm, chụp chiếu… và chẩn đoán ra một căn bệnh nào đó. Bác sĩ sẽ chỉ định thuốc, phẫu thuật hay một phương phàp điều trị, và thường thì người bệnh không có hay có rất ít quyền lựa chọn.

 

 

 

Sưu tầm từ Internet

 

Trong hệ thống này, bác sĩ đóng vai trò của "người quyết định" . Người bệnh chỉ răm rắp tuân theo, nhiều khi không ý thức được chuyện gì đang xảy ra với mình, phó mặc vận mệnh cho bàn tay người thầy thuốc mà mình đã lỡ “trao thân gửi phận”.

 

2. Quan điểm hiện đại: lấy bệnh nhân là trung tâm (Patient centered).

 

Trong trường hợp này, người bệnh không phải là đối tượng chịu tác động mà trở thành chủ thể tích cực và chủ động kiểm soát tình trạng sức khỏe của mình. Trước hết, quan điểm này phù hợp với nguyên tắc cơ bản là phòng bệnh hơn chữa bệnh. Người bệnh (nói đúng hơn là người bình thường) cần có sự quan tâm tích cực đến sức khỏe bản thân. Việc theo dõi định kỳ hàng năm và cập nhật các thông số sinh học giúp phát hiện sớm những vấn đề thường gặp như bệnh lý tim mạch, cácrối loạn chuyển hóa hay suy giảm các cơ quan. Việc tầm soát sớm các bệnh ung thư đường tiêu hóa, hô hấp và niệu dục cũng được bao gồm trong các buổi khám sức khỏe định kỳ. Khi có vấn đề xảy ra, người bệnh tìm đến bác sĩ để được tư vấn về chẩn đoán, các khả năng điều trị khác nhau, kết quả điều trị và tiên lượng trong từng trường hợp cụ thể. Khi có đủ thông tin và hoàn toàn hiểu rõ về tình trạng của mình, chính người bệnh chứ không ai khác sẽ đưa ra lựa chọn cuối cùng.

 

Sưu tầm từ Internet

 

CƠ CHẾ BAO CẤP VÀ CƠ CHẾ THỊ TRƯỜNG

 

Xét về mặt nào đó, sự khác nhau giữa hai quan điểm trên cũng chính là sự khác nhau giữa hai cơ chế vận hành kinh tế thời bao cấp với hình thức cho - nhận và thời thị trường theo quy luật cung - cầu. Thời bao cấp, chăm sóc sức khỏe là một công tác trong đó người cung cấp và thụ hưởng chỉ là những mắt xích trong một dây chuyền. Vô hình trung, cả hai đều không có sự lựa chọn. Ngược lại, trong cơ chế thị trường, chăm sóc sức khỏe cũng trở thành một dịch vụ. Người bác sĩ /Bệnh viện/Phòng khám v.v.. có thể hiểu chung là nhà cung cấp dịch vụ còn người bệnh trở thành người mua dịch vụ. Khi đã nói đến bán-mua, là nói đến quy luật cung cầu, nói đến chất lượng hàng hóa, dịch vụ và quyền chọn lựa của người mua. Do vậy, người bệnh - hay người mua - đã trở thành chủ thể tích cực trong quá trình lựa chọn dịch vụ cho mình.

 

Ý THỨC CỦA NGƯỜI BỆNH

 

Điều đáng tiếc là quan điểm bệnh nhân làm chủ vẫn chưa phổ biến ở nước ta. Trước hết, phần lớn mọi người vẫn không ý thức được việc chăm sóc sức khỏe là vấn đề của chính mình chứ không phải của các bác sĩ. Trên thực tế lâm sàng, đa số bệnh nhân khi được hỏi về quá trình bệnh của mình đều ấp úng trả lời: “Nghe bác sĩ nói hình như tui bị bệnh tim, bệnh phổi….” Còn bệnh tim hay phổi ấy là cái gì, thì có trời mà biết. Có lẽ cũng đến gần phân nửa bệnh nhân của chúng ta không hề quan tâm xem bệnh của mình là bệnh gì, diễn tiến ra sao, có những phương pháp điều trị như thế nào… Họ phó mặc chuyện đấy cho bác sĩ và yên tâm uống đủ loại thuốc, nhiều khi cũng không biết là thuốc gì (vì chuyện đó có nhà thuốc lo rồi !!! ).

Cũng xin nhấn mạnh là cái sự “ không ý thức” này không chỉ gặp ở những người dân quê đến từ miên sâu, miền xa, mà cũng rất phổ biến cả với các vị kỹ sư, thầy giáo, các bậc trí thức, doanh nhân ở tầng cao của xã hội. Cho đến bao giờ thì mỗi người ý thức được việc chăm sóc sức khỏe là việc của chính mình chứ không phải của bác sĩ? Khi nào thì mỗi người có một hồ sơ y tế nghiêm túc thay vì cứ mỗi lần bệnh lại đi thăm một ông bác sĩ khác hay vào bệnh viện để mua một quyển “sổ sức khỏe" mới?

 

CẤU TRÚC HỆ THỐNG Y TẾ

 

Nói chung, ngành y tế của ta vẫn chưa thực sự thoát ly chiếc áo bao cấp. Các loại dịch vụ y tế ở ta hiện nay đều được cả xã hội định giá thấp hơn giá trị thật của nó. Vì sao người dân Việt Nam sẵn lòng chi 60.000usd để mua một chiếc xe có giá 20.000usd nhưng lại than phiền vì chụp CT mất 100usd trong khi kỹ thuật này là một vài nghìn usd ở các nước khác? Vì sao người dân Việt Nam vui vẻ bỏ ra hàng trăm cây vàng để mua nhà nhưng lại nhăn mặt khi bỏ ra 1 triệu để đi soi ruột tầm soát ung thư mỗi năm? Thử hỏi, sức khỏe có thực sự là vàng không khi mà chi phí để mua sức khỏe lại thấp như thế?

 

Căn bản là chúng ta vẫn quan niệm về việc chăm sóc sức khỏe là một hình thức “PHỤC VỤ” chứ không phải “DỊCH VỤ”. Khi mà các kỹ thuật y tế chưa được xác định đúng giá trị của nó thì người bệnh khi đến bệnh viện đã mang sẵn một tư tưởng là đi xin, chứ không phải đi mua. Và nếu đã đi xin, đương nhiên không có khả năng lựa chọn. Khi đã không được lựa chọn, người bệnh cũng không thể nào giữ vai trò chủ động trong việc chăm sóc sức khỏe của bản thân mình.


BẠN CÓ MUỐN LỰA CHỌN?

 

Sức khỏe không đơn giản chỉ là không bị bệnh, mà là một trạng thái hoàn toàn khỏe mạnh về mặt thể chất, tinh thần và xã hội (WHO). Chất lượng dịch vụ y tế không chỉ là trị hết bệnh mà còn là trị hết như thế nào, bao gồm thời gian, cách giao tiếp, môi trường y tế v.v…

 

Mọi sự vật tồn tại đều có lý do của nó. Chúng ta có rất nhiều nhà hàng năm sao nhưng cũng không ít gánh hàng rong bên đường. Chúng ta có rất nhiều bệnh viện đông nghịt bệnh nhân mà mỗi lần bước vào ai cũng phải thở dài, nhưng cũng có những cơ sở khang trang, nơi bệnh nhân/khách hàng thực sự là thượng đế.

 

Vấn đề là bạn muốn lựa chọn như thế nào?

 

Học trò của Yersin



ĐỐI TÁC CỦA CHÚNG TÔI

KhamOnline