THÔNG TIN Y KHOA | NỘI TỔNG QUÁT
Nhầm lẫn y khoa: Năm 2015 sẽ ra sao ?
Năm 2014 là một năm không bình yên với nhiều tai nạn và sự cố nghiêm trọng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong ngành Y, những vụ nhầm lẫn liên tiếp xảy ra , hoặc trên số lượng lớn, hoặc gây hậu quả nghiêm trọng ... là những trường hợp gây ảnh hưởng xấu trong dư luận và đặt ra nhiều câu hỏi cho các nhà lãnh đạo.
Điểm qua một số vụ tiêu biểu trong năm qua:
Ngày 20/7 tại bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa, 3 cháu bé khỏe mạnh được tiêm thuốc dãn cơ Esmeron thay vì vaccine viêm gan B. Cả ba đều tử vong sau đó và y tá đã thừa nhận lấy nhầm thuốc do bị cúp điện nên không đủ ánh sáng khi lấy thuốc.
Thuốc gây mê và Vaccine được giữ trong cùng một chỗ. Khi bị cúp điện, y tá đã dùng ánh sáng từ điện thoại di động để tìm vaccine chích cho trẻ.
Ngày 25/7, một cháu bé 7 tháng tuổi, nằm điều trị viêm phổi và nhiễm trùng tiêu hóa tại Bệnh viện Phụ sản quốc tế Phương Châu đã bị tiêm nhầm Ventoline thay vì nước cất.
Một y tá đã rút thuốc Ventoline và đặt lên bàn , không dán nhãn. Một y tá khác đã tưởng nhầm đây là nước cất và dùng để đẩy thuốc qua máy bơm tự động.
Chú ý là ống tiêm không được dán nhãn thuốc và trên thực tế, có khá nhiều hãng thuốc cung cấp sẵn ống tiêm với nước cất dưới dạng sẵn sàng sử dụng, không có nhãn.
Ngày 27/10, tại Trường mầm non Sao Mai (phường 3, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), 60 trẻ bị tiêm nhầm nước cất thay vì tiêm vắc–xin sởi – rubella. Nguyên nhân được xác định là cán bộ tiêm chủng có tay nghề chuyên môn yếu kém nên lầm tưởng các ống dung dịch hồi chỉnh là loại vaccine.
Các lọ vaccine được cất ở đáy phích. Y tá chỉ thấy các dung dịch hồi chỉnh ở trên nên nhầm tưởng đây là vaccine đã được chuẩn bị xong.
Ngày 20/12 tại trạm y tế xã Tương giang, Từ sơn , Bắc Ninh , 31 thai phụ được tiêm nhầm vaccine DPT ngừa bạch hầu, uốn ván, ho gà thay vì vaccine AT phòng uốn ván. Điều oái ăm là người vi phạm lại là người chịu trách nhiệm cho chương trình tiêm chủng tại đây. Nguyên nhân của sự vụ là do “tinh thần trách nhiệm của cán bộ tiêm chủng quá thấp, lơ đãng, chủ quan”.
Cán bộ tiêm chủng vắng vì có việc gia đình. Người vi phạm là người thay thế đã không phân biệt được hai loại vaccine khác nhau nên đã chích nhầm.Chú ý là cả hai lọ vaccine đều có chữ UỐN VÁN
Nguyên nhân ở đâu ?
Khi mỗi một vụ việc xảy ra, dư luận lại có cái nhìn khắt khe đối với ngành y tế . Những phê phán khắc nghiệt như “tay nghề non nớt, tác nghiệp yếu kém vụng về cẩu thả, thiếu trách nhiệm…” tràn lan trong những bình luận và nhận xét trên các website đăng tin. Trên thực tế, nếu tìm hiểu sâu từng trường hợp cụ thể, chúng ta có thể thấy những nguyên nhân cá biệt như: cúp điện nên không đủ ánh sáng, làm thay vì nhân viên chuyên trách đi vắng, ngộ nhận vì ống tiêm không dán nhãn, sắp xếp vaccine ở đáy phích nên bị bỏ sót. Tuy nhiên, tất cả những nguyên nhân cá biệt trên đều có thể xuất hiện trên nền một nguyên nhân chung : các cán bộ y tế đã không tôn trọng quy trình 3 tra 5 đối, bao gồm
3 kiểm tra : 1. Họ tên bệnh nhân 2. Tên thuốc 3. Liều lượng thuốc
5 đối chiếu:1. Số giường 2. Nhãn thuốc 3. Chất lượng thuốc 4. Ðường dùng thuốc 5. Thời gian dùng
Nói chính xác hơn, cả 4 trường hợp đều vi phạm về kiểm tra nhãn thuốc: Esmeron thay vì vaccine viêm gan B, Vaccine bạch hầu uốn ván ho gà , thay vì uốn ván , Sterile water thay vì Measle and Rubella vaccine –trong trường hợp này là tiếng Anh, và cuối cùng là sử dụng một ống tiêm không nhãn thuốc mà không rõ nguồn gốc.
Định luật Murphy nói : nếu một quy trình có khả năng xảy ra sai sót, chắc chắn nó sẽ xảy ra vào một lúc nào đó. Định luật Murphu cải tiến nói: nếu một quy trình có khả năng xảy ra sai sót, chắc chắn là nó đã xảy ra rồi- chỉ là chúng ta không biết mà thôi.
Nếu cả 4 trường hợp đều do không kiểm tra nhãn thuốc, có nghĩa về bản chất đây là một lỗi hệ thống. Các quy định của ngành đã không đủ để buộc người thực hiện theo đúng các quy trình . Các chương trình đào tạo y tế đã không đủ để tạo một thói quen bản năng cho nhân viên y tế thực hiện các bước cần thiết trong hoạt động hàng ngày. Với suy nghĩ đó, chúng tôi cho rằng những sự cố tương tự chắc chắn sẽ tiếp tục xảy ra trong một tương lai gần nếu chúng ta không có biện pháp cụ thể.
Trên thực tế, bản chất của con người là không hoàn hảo và không có ai, không có quy trình nào đảm bảo an toàn 100%. Ngay tại Mỹ, nơi mà các nhầm lẫn Y khoa được xử lý nghiêm ngặt và rất nhiều chương trình được đưa ra nhằm ngăn ngừa thì những vụ việc như cắt nhầm thận lành, thận bệnh vẫn tiếp tục xảy ra hàng năm. Dù tất cả các bệnh viện/phòng mổ đều yêu cầu kiểm tra 2 nhân viên trước cuộc mổ bao gồm : tên, ngày sinh, nội dung cuộc mổ, bên được mổ … nhưng chính việc phớt lờ quy định và thực hiện cuộc mổ theo trí nhớ là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sai lầm. Cũng như vậy, nếu quy định 3 tra 5 đối chỉ được coi là hình thức và bị xem nhẹ, hoạt động y tế hàng ngày chỉ dựa vào yếu tố quen việc, quen tay thì khi một yếu tố thúc đẩy xuất hiện, nhầm lẫn Y khoa sẽ xảy ra.
Bàn về một phương diện khác, mọi quy trình làm việc chỉ hoàn hảo nếu nó được viết ra và kiểm tra bởi những người trực tiếp thực hiện. Các quy trình của bộ Y tế chỉ là cái khung cơ bản nhưng mỗi cơ sở đều có những đặc thù khác nhau về điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực . Chính các nhà quản lý cơ sở phải xem lại các quy trình đó cần được bổ sung những gì tại cơ sở mình. Chắc chắn bộ Y tế không thể nêu ra quy trình tiêm vaccine khi bị cúp điện nhưng chính nhà quản lý cơ sở phải biết đánh giá việc tiêm vaccine trong điều kiện đó có an toàn hay không hay cần phải ngưng ngay và chờ khi lưới điện phục hồi. Cũng như vậy, việc giữ vaccine và thuốc gây mê cùng một chỗ là một vi phạm quá rõ ràng và chắc chắn đã không xảy ra khi sở y tế kiểm tra để cấp giấy phép tiêm chủng . Vậy đây là “ tối kiến “ của ai và vì sao không ai cảm thấy đây là một quả bom đang chờ nổ ?
Trong Y khoa nói riêng và trong quản lý các ngành nói cung, Six Sigma là một chương trình đặc biệt nhằm hạ thấp tỷ lệ các sai sót. Một trong những nguyên tắc quan trọng là mỗi một sai sót cần phải được điều tra cẩn thận, không phải để trừng phạt mà để ngăn ngừa những sai sót tương tự có thể xảy ra. Mỗi một sai sót là một bài học mà các nhà quản lý phải biết sử dụng để làm cho hệ thống tốt hơn. Lấy ví dụ, để tránh mổ nhầm bên thì đưa ra bên mổ phải được đánh dấu một ngày trước khi mổ bởi 2 nhân viên y tế cùng với sự đồng thuận của chính bệnh nhân. Để tránh cho nhầm thuốc thì nhãn thuốc phải được scan đồng thời với nhãn bệnh nhân (khi dùng các phần mềm quản lý bệnh nhân), nếu 2 nhãn này không phù hợp với y lệnh trên máy tính thì hệ thống lập tức sẽ cảnh báo. Để tránh truyền nhầm nhóm máu thì việc xác định bệnh nhân và nhóm máu phải được thực hiện tại giường đồng thời bởi 2 nhân viên y tế: điều dưỡng phụ trách và nhân viên ngân hàng máu, ngay trước khi thực hiện truyền máu.
Ở Việt Nam ta, nền y tế vẫn còn nhiều bất cập. Trong điều kiện cơ sở vật chất không đủ và tình trạng bệnh nhân luôn quá tải, có thể nói đó là mảnh đất mầu mỡ cho các nhầm lẫn Y khoa phát sinh . Điều chúng tôi muốn nói là ngoài các cơ chế giám sát và trừng phạt, xin các nhà quản lý hãy chú tâm vào việc hoàn thiện hệ thống và các quy trình của mình, đừng tạo cơ hội cho các nhầm lẫn xảy ra vì hầu như chắc chắc là nó sẽ xảy ra, không sớm thì muộn.
Những nguy cơ tiềm ẩn:
Những một sự việc nêu trên thật ra chỉ là phần nổi của tảng băng. Cần nhớ đây chỉ là những vụ việc xảy ra với số lượng lớn, hoặc gây hậu quả nghiêm trọng nên đã bị phát hiện và tìm được nguyên nhân. Có bao nhiêu vụ nhầm lẫn khác xảy ra với CÁC LOẠI THUỐC KHÁC và KHÔNG BỊ PHÁT HIỆN ? Không ai có được con số chính xác nhưng chúng tôi tin là nó vẫn đang xảy ra mỗi ngày tại các cơ sở y tế từ lớn đến nhỏ. Những hậu quả trực tiếp của nó là rất rõ ràng, không thể chối cãi như là sự mất mát của những gia đình, sự hao tốn nhân lực, chi phí để khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, cái mất mát lớn hơn nhiều là sự mất lòng tin của người dân đối với ngành Y tế nói chung, và các cán bộ y tế nói riêng. Tất nhiên, có nhiều lý do nhưng sự mất lòng tin- hay mất sự tôn trọng- đối với ngành Y có thể là một yếu tố góp phần dẫn đến sự bạo hành đối với các ngành Y đang ngày càng gia tăng, một báo động khác của ngành Y tế ?
Cùng với sự mất lòng tin vào ngành y là sự mất lòng tin vào các chiến lược y tế, ngay cả những sản phẩm vốn được coi là cứu tinh của nhân loại chống lại bệnh tật, các vaccine ? Thử hỏi có bao nhiêu bậc cha mẹ đã ngập ngừng hoặc cương quyết quay đầu với vaccine khi đọc tin về những cái chết do “Quinvaxem” (2013) hay do “vaccine viêm gan B “ (2014). Cho dù sự việc làm sáng tỏ và nguyên nhân không phải do vaccine thì nó cũng đã làm dây lên làn sóng nghi ngờ về chất lượng của “ người tiêm vaccine”. Ai sẽ là người gánh chịu hậu quả của sự mất lòng tin này? Còn ai khác ngoài các thế hệ tương lai của chính con em chúng ta. Trong những vụ việc trên, chúng tôi phần nào thông cảm với những người vi phạm vì sự cố xảy ra trong những điều kiện đặc biệt nhưng việc phi tang chứng cứ và đỗ lỗi cho bản thân vaccine là một hành động không thể chấp nhận được vì những hậu quả không nhìn thấy ngay của nó là rất to lớn.
Kết luận:
Năm 2013 là một năm khó khăn của ngành y tế với vụ việc Cát Tường. Năm 2014 càng xấu hơn với những biến cố liên quan đến vaccine và dịch sởi bùng phát. Chúng tôi hiểu các nhà lãnh đạo có rất nhiều việc phải làm và chỉ có thể giải quyết những vấn đề mang tính vĩ mô. Dù phương châm hoạt động Bộ y tế đưa ra “ lấy người bệnh là trung tâm “ vẫn là chủ đạo nhưng có lẽ một trong những mục tiêu cụ thể trong năm 2015 nên tập trung vào việc phòng chống các nhầm lẫn y khoa. Phải thấy ngành Y là một ngành đặc thù và mỗi một sai lầm của nó đều dẫn đến hậu quả là một con người, hay đôi khi là cả một thế hệ. Chúng ta rất cần có những chương trình, những hoạt động cụ thể rà soát lại tất cả các hoạt động y tế để tìm ra những rủi ro trước khi sự cố xảy ra. Chỉ có thế thì dần dần ngành Y mới có thể lấy lại được sự yêu mến và tin tưởng của quần chúng nhân dân.
TS. BS Võ Xuân Quang
Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin