THÔNG TIN Y KHOA | NHI

Bệnh sởi - chủng ngừa và bài học từ các nước phát triển

Những số liệu từ Sở Y tế Hà Nội vừa qua cho thấy, 88,5% bệnh nhân sởi là do chưa chủng hoặc chủng ngừa không đủ liều. Thống kê của bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM còn đáng chú ý hơn với con số 98% bệnh nhân sởi chỉ chủng một liều.

Bệnh sởi và chủng ngừa

Câu hỏi đặt ra, có phải là người Việt ta quá bận rộn với chuyện cơm áo gạo tiền mà bỏ quên việc chăm lo sức khỏe cho con, hay phần đông cho đây chỉ là chuyện nhỏ không cần quan tâm? Cần khẳng định ngay không phải do nghèo vì việc tiêm chủng hoàn toàn miễn phí! Vì sao những nước khác đã tuyên bố sạch sởi từ hàng chục năm nay mà đến nay chúng ta vẫn có nhiều cái chết đau thương vì bệnh sởi?

Thật ra, câu trả lời lại rất đơn giản, vấn đề nằm trong ý thức của chúng ta: Đừng xem việc chủng ngừa là việc của cá nhân, mà đó là trách nhiệm của cả cộng đồng. Chủng ngừa là một biện pháp phòng bệnh có ý nghĩa đặc biệt, không chỉ bảo vệ người được chủng mà còn giúp bảo vệ người thân và bảo vệ cả cộng đồng.

Bản thân con cái chúng ta có chủng ngừa nhưng nhiều trẻ khác xung quanh không chủng thì vẫn có nguy cơ từ những ổ bệnh đang rình rập. Chính vì thế, cần có sự phối hợp của các hệ thống quản lý giúp việc chủng ngừa được thực hiện tối ưu thay vì mong chờ vào ý thức của 100% người dân.

Bài học từ các nước phát triển

Đối với những nước phát triển, việc chủng ngừa từ lâu đã được coi là chính sách bắt buộc trong nhiều lĩnh vực liên đới. Ví dụ, những người muốn nhập cư vào Mỹ hoặc đi du học đều bắt buộc phải thực hiện chủng ngừa trước khi nộp hồ sơ xin visa. Các công dân Mỹ khi ra nước ngoài làm việc đều được khuyến cáo cụ thể những loại vắc-xin cần chủng ngừa tùy theo vùng lãnh thổ sắp đến.

Riêng đối với trẻ em, việc quản lý chủng ngừa càng chặt chẽ hơn. Mỗi hộ gia đình có trẻ em trong độ tuổi cần chủng ngừa thường xuyên nhận được các lịch chủng ngừa, các phiếu thông tin chủng ngừa cũng như các nhắc nhở về thời điểm chủng ngừa cho trẻ. Kế đến, hệ thống y tế tư với các bác sĩ gia đình càng quản lý chặt hơn lịch chủng ngừa của trẻ và nhắc nhở gia đình đi đúng hẹn. Đây là một phần công việc chính thức của họ.

Cuối cùng, vai trò phối hợp của hệ thống giáo dục là cực kỳ quan trọng. Mỗi trẻ muốn nhập học đều phải nộp phiếu chủng ngừa cập nhật đến thời điểm vào học. Nếu chủng ngừa thiếu sót, nhà trường sẽ yêu cầu phụ huynh hoàn tất việc này. Các y tá học đường có trách nhiệm kiểm tra lịch chủng ngừa của từng học sinh, đồng thời phát hiện sớm những ca nghi ngờ bệnh để cách ly lập tức, tránh lây lan thành dịch. Tất cả những biện pháp này thật ra rất đơn giản và không tốn kém bao nhiêu.

Hệ thống trạm y tế phường, xã của ta quản lý khá tốt danh sách các trẻ đã chủng và chưa chủng, nhưng chúng ta không thực sự coi trọng việc một bộ phận trẻ không được chủng đúng cách mà coi đó là chuyện cá nhân, chuyện gia đình của trẻ. Các bác sĩ tư ở ta thì chỉ kê toa cho thuốc mà ít khi quan tâm đến tình trạng miễn dịch và chủng ngừa của trẻ.

Đối với bệnh sởi ở Mỹ, số liệu chính xác theo Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa bệnh tật của nước này là 189 ca mắc bệnh và 0 ca tử vong ở toàn nước Mỹ vào năm 2013. Chúng tôi muốn nhấn mạnh con số này để chúng ta có thể hiểu được sự nghiêm trọng của 8.000 ca mắc bệnh và hơn 100 ca tử vong ở Việt Nam vào thời điểm này.

Chỉ khi đó, toàn thể chúng ta mới thấy hết được trách nhiệm của mình cũng như vai trò của các nhà quản lý và các bộ phận liên quan trong việc tìm ra giải pháp chấm dứt dịch bệnh này, tiến đến một nước Việt Nam và một thế giới không còn bệnh sởi.

TS. BS. Võ Xuân Quang

Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin

 

(Nguồn http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140429/benh-soi-chung-ngua-va-bai-hoc-tu-cac-nuoc-phat-trien.aspx)



ĐỐI TÁC CỦA CHÚNG TÔI

KhamOnline