THÔNG TIN Y KHOA | NỘI TIM MẠCH
Giải đáp thắc mắc với chủ đề "Theo dõi và điều trị tăng huyết áp"
Vừa qua, ngày 22/6/2013 tại hội trường lầu 9, Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin diễn ra buổi tư vấn sức khỏe miễn phí với chủ đề “Theo dõi và điều trị tăng huyết áp”. Buổi tư vấn sức khỏe đã thu hút đông đảo sự quan tâm của khách mời và bệnh nhân.
Dưới đây là một số câu hỏi tiêu biểu và những vấn đề được nhiều người quan tâm:
Câu 1:
Tôi năm nay 64 tuổi. Huyết áp của tôi thường là thấp. Huyết áp tâm thu chỉ từ 88 đến 100 hoặc tốt lắm là 105, như vậy có nguy hiểm không?
Thưa bác sĩ, huyết áp tâm thu thường bao nhiêu là chấp nhận được. Khi cần giải quyết công việc nhanh chóng thì huyết áp tâm thu có lúc tăng lên 110 hoặc 125, trong trường hợp của tôi có gọi là tăng huyết áp hay không?
Xin cảm ơn bác sĩ.
(Nguyễn Lệ Kiều)
Trả lời:
Huyết áp tâm thu của bạn ở mức 80-90 mmHg thì hơi thấp. Tuy nhiên điều quan trọng là bạn cảm giác như thế nào vì nhiều người huyết áp đo có vẻ thấp nhưng vẫn thấy bình thường, không triệu chứng. Bạn nên uống nhiều nước mỗi ngày, tập thể dục đều đặn để cải thiện huyết áp tâm thu tốt hơn (nên ở mức khoảng 120mmHg)
Khi huyết áp tâm thu của bạn ở mức 110, 125 mmHg thì hoàn toàn bình thường, không có gì phải lo lắng cả vì khi huyết áp tâm thu từ 140mmHg trở lên mới gọi là tăng huyết áp.
Câu 2:
Thưa bác sĩ, mới đây tôi bị tim đập nhanh, hay giật mình. Tôi đi khám, Bác sĩ cho tôi điện tâm đồ và siêu âm tim. Sau đó cho tôi thuốc điều trị và có nói tôi bị thiếu máu cơ tim nhẹ.
Vậy thưa bác sĩ có phải tôi bị bệnh mạch vành không? Thỉnh thoảng tôi có nhói ở ngực trái một chút rồi thôi.
Xin cảm ơn bác sĩ.
(Trương Ngọc Bích)
Trả lời:
Đau thắt ngực là một trong những biểu hiện thường thấy của bệnh mạch vành nhưng chỉ có “nhói ở ngực trái một chút rồi thôi” thì cần phải xem lại vì có nhiều nguyên nhân khác cũng gây đau ngực (đau thần kinh liên sươn, đau do viêm dạ dày trào ngược thực quản,…). Để chẩn đoán bệnh mạch vành, ngoài điện tâm đồ và siêu âm tim (bạn đã được thực hiện) – nếu có dấu hiệu gợi ý – bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn làm những nghiệm pháp chuyên sâu hơn: Điện tâm đồ gắng sức, siêu âm tim gắng sức. Nếu các nghiệm pháp này dương tính thì nhiều khả năng bạn có bệnh mạch vành. Bạn cần khám với bác sĩ chuyên khoa Tim mạch để được tư vấn rõ rang hơn, làm điện tâm đồ gắng sức và làm một số xét nghiệm cần thiết để đánh giá yếu tố nguy cơ bệnh mạch vành (xét nghiệm đường huyết, mỡ máu,…)
Câu 3:
Xin hỏi bác sĩ:
Thế nào gọi là van tim? Hở van tim 2/4 – ¼ có ảnh hưởng gì đến huyết áp và đột quỵ.
(Vũ Hà)
Trả lời:
Tim có 4 van: Van 2 lá (ngăn giữa nhĩ trái và thất trái), van 3 lá (ngăn giữa nhĩ phải và thất phải), van động mạch chủ và van động mạch phổi.
Hở van ¼ được xem là nhẹ, một số trường hợp được xem là bình thường. Hờ van 2/4 cũng được xem là nhẹ, cần theo dõi mức độ hở có tiến triển không bằng cách siêu âm tim định kỳ mỗi 3-6 tháng.
Hẹp hở van động mạch chủ có thể ảnh hưởng lên huyết áp. Một số trường hợp hẹp hở van 2 lá tạo huyết khối trong buồng nhĩ, nếu huyết khối di chuyển làm tắc mạch máu não sẽ gây ra đột quỵ.
PGS TS BS Trương Quang Bình khái quát về "Tăng huyết áp"
Câu 4:
Vợ tôi hay xảy ra cơn đau thắt ngực, đi khám đã làm điện tâm đồ gắng sức và siêu âm tim. Bác sĩ không phát hiện hẹp động mạch vành. Bác sĩ bảo vợ tôi chưa cần chụp động mạch vành có cản quang. Nhưng thỉnh thoảng vẫn có cơn đau thắt ngực
Xin bác sĩ cho lời khuyên đối với trường hợp của vợ tôi?
(Nguyễn Văn Công)
Trả lời:
Chụp động mạch vành cản quang được xem là chìa khóa vàng, tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh mạch vành nên với kết quả chụp động mạch vành như vậy anh có thể yên tâm là vợ anh không có bệnh mạch vành. Do vậy cần có bác sĩ tư vấn để vợ anh cần làm thêm một số nghiệm pháp để chẩn đoán đau ngực do nhiều nguyên nhân khác như viêm dạ dày trào ngược thực quản (Nội soi dạ dày), phổi (XQ phổi), đau thần kinh liên sườn,...
Tuy nhiên cũng xin lưu ý một số trường hợp đặc biệt cơn đau thắt ngực chụp động mạch vành không có tổn thương nhưng đau ngực là do co thắt động mạch vành (Cơn đau thắt ngực Prinzemetal) hoặc cầu cơ bắt ngang qua động mạch vành gây cản trở máu lưu thông trong lòng động mạch vành trong mỗi nhát bóp của cơ tim nên gây ra đau ngực.
Câu 5:
Tôi năm nay 46 tuổi, đã được bệnh viện đo huyết áp lưu động. Kết quả là hơn 140/90 một chút. Vậy có bắt buộc phải dùng thuốc hay chỉ cần theo dõi và có chế độ sống tốt là được. Nếu phải dùng thuốc thì có loại thuốc nam (các loại rau, củ, quả chế biến) nào hay không? Liều lượng thế nào thì hợp lý để chữa huyết áp hiện tại của tôi. Nếu với huyết áp hiện tại dùng thuốc nam không thể chữa được thì phải dùng thuốc tây vậy loại thuốc tây nào tốt nhất, liều lượng thế nào, thuốc nào không có tác dụng phụ?
(Phạm Ngọc Nam)
Trả lời:
Kết quả đo huyết áp lưu động ghi nhận huyết áp trung bình hơn 140/90 mmHg (dù chỉ là hơn một chút) thì có nghĩa là bạn đã có tăng huyết áp rồi đấy, tuy nhiên mức độ nhẹ và độ 1 thôi. Bạn có thể áp dụng phương pháp không dùng thuốc trước (thay đổi lối sống) trong vòng 4-6 tuần. Trong thời gian này và kết thúc thời gian này, cần đánh giá lại huyết áp xem sao. Nếu huyết áp về giới hạn bình thường và ổn định thì quá tốt, bạn nên phát huy và duy trì lối sống lành mạnh đó và cố gắng chuyển thành thói quen luôn. Nếu sau thời gian 4-6 tuần áp dụng thay đổi lối sống lành mạnh mà huyết áp vẫn cứ cao hơn 140/90 mmHg một chút, thậm chí bằng 140/90 mmHg thì bạn nên bắt đầu điều trị để tránh tổn thương các cơ quan đích sau này. Loại thuốc và liều lượng sẽ do bác sĩ chuyên khoa tim mạch quyết định anh nhé!
BS CKI Vũ Minh Đức hướng dẫn bệnh nhân theo dõi và điều trị tăng huyết áp
Câu 6:
Người bị huyết áp có thể dùng dầu dừa được không?
Cảm ơn bác sĩ nhiều.
Trả lời:
Cho đến nay trong chế độ ăn lành mạnh cho người tăng huyết áp (DASH) thì dầu olive (ô-liu) được nói đến như là một trong những chất có lợi, riêng dầu dừa vẫn chưa có những khuyến cáo chính thức.
Câu 7:
Dùng thuốc tăng huyết áp Telmisartan phối hợp ½ viêm thuốc làm chậm nhịp tim có bị loạn nhịp tim không?
(Lê Phước)
Trả lời:
Thuốc Telmisartan là thuốc hạ huyết áp, còn ½ viên thuốc làm chậm nhịp tim có lẽ được bác sĩ chỉ định do bạn có nhịp tim hơi nhanh hoặc được dùng để giảm công cơ tim trong các trường hợp thiếu máu cơ tim cục bộ. Các thuốc làm chậm nhịp tim như Concor, Betaboc, Atenolol,… dùng để điều trị loạn nhịp hoặc dùng trong các trường hợp có thei61u máu cơ tim cục bộ. Các trường hợp dùng thuốc chống loạn nhịp cần cẩn thận và có hướng dẫn thật chi tiết của bác sĩ, dùng không đúng có thể gây ra nhịp chậm. Chúng tôi sẽ có tư vấn tốt hơn nếu biết rõ thuốc làm chậm nhịp tim của bạn đang sử dụng là thuốc gì.
Câu 8:
Thưa bác sĩ.
Trong một lần tái khám bác sĩ (BHYT) có chỉ định siêu âm tim , ghi kết luận: rối loạn chức năng tâm thu.
Xin hỏi: thế nào là rối loạn chức năng tâm thu?
Bản thân bệnh nhânh cần lưu ý gì khi rối loạn chức năng tâm thu?
Trả lời:
Có lẽ có một chút nhầm lẫn khi bạn đặt câu hỏi: Rối loạn chức năng tâm trương chứ không phải Rối loạn chức năng tâm thu. Dày thất trái và rối loạn chức năng tâm trương là những thông tin thường thấy trên siêu âm của người tăng huyết áp. Bạn cần được bác sĩ chuyên khoa tim mạch theo dõi và điều trị, chọn thuốc hạ áp phù hợp để cải thiện những vấn đề này tốt hơn.
Câu 9:
Tôi năm nay 42 tuổi, cách đây 1 năm, tôi chụp CT và bác sĩ nghi vấn bị đốt sống thoái hoá cổ do bị đau nửa đầu thường xuyên.
Hỏi bác sĩ tôi có bị tắc nghẽn mạch máu nào không?
(Tào Viết Chánh)
Trả lời:
Đau nửa đầu thường là đau đầu do rối loạn vận mạch (Đau đầu Migrain) và cần được điều trị những thuốc chuyên biệt theo chuyên khoa Nội thần kinh.
Chụp CT cột sống cổ có thể giúp chúng ta có thông tin hẹp lỗ liên hợp gây cản trở lưu thông máu của động mạch sống nền hay không. Để biết có tắc nghẽn mạch máu não nào hay không hoặc có phình mạch, dị dạng mạch máu não nào hay không, bạn có thể chụp MRI mạch máu não (MRA).
BS CKI Vũ Minh Đức đang giải đáp thắc mắc cho bệnh nhân
Câu 10:
Tôi bị bệnh hơn 20 năm. Trung bình sáng thức dậy 170/110, trước khi ngủ 160/90. Nếu uống thuốc thì giảm còn 140/85, ăn kiêng mặn, ngọt. Xin bác sĩ vui lòng tư vấn cho tôi tăng huyết áp, tăng đường huyết và sỏi thận có liên quan gì với nhau không?
(Võ Văn Thắng)
Trả lời:
Huyết áp của bạn vẫn còn cao như vậy nghĩa là thuốc hạ áp dùng vẫn chưa phù hợp và đầy đủ. Bạn cần có bác sĩ chuyên khoa tim mạch điều chỉnh thuốc để hiệu quả điều trị tốt hơn, đặc biệt nên điều trị tốt các bệnh và yếu tố nguy cơ đi kèm (đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa mỡ,…) thì huyết áp mới đạt được số tối ưu. Tình trạng đường huyết cao, không ổn định sẽ góp phần làm cho huyết áp cao, dao động, không ổn định và ngược lại.
Câu 11:
Xin bác sĩ cho biết tác dụng của adalat nhỏ dưới lưỡi trong điều trị cơn cao huyết áp cấp?
(Nguyễn Thị Vương Thuý)
Câu 12:
Tôi có mẹ bị cao huyết áp khi đi khám ở Bệnh viện Đại học Y dược thì bác sĩ không cho sử dụng adadat nhỏ dưới lưỡi nhưng khi đi đến một phòng khám thì bác sĩ lại cho nhỏ adalat dưới lưỡi để hạ huyết áp. Vậy xin hỏi bác sĩ phương pháp nào là đúng?
(Nguyễn Thị Ngọc Đào)
Trả lời:
Adalate nhỏ dưới lưỡi là thuốc dùng để hạ huyết áp cấp cứu, khẩn cấp. Trước đây Adalate nhỏ dưới lưỡi được dùng khá phổ biến. Tuy nhiên ngày nay, thuốc này không được khuyến cáo dùng - ngay cả trong hạ áp cấp cứu mà thay bằng Lopril ngậm dưới lưỡi an toàn hơn. Việc dùng Adalate nhỏ dưới lưỡi không cẩn thận và quá liều có thể dẫn đến tụt huyết áp nguy hiểm.
Câu 13:
Thưa bác sĩ, cách đây 6 năm, năm 2007 tôi bị chóng mặt đi bác sĩ Hoà Hảo nói tôi chóng mặt tư thế, cho tôi chỉ định chụp MRI. Kết luận tôi bị tổn thương não chất trắng.
Xin bác sĩ vui lòng giải nghĩa giùm vài nét về bệnh lý này, tác hại và cách phòng tránh.
Xin hỏi thêm bác sĩ mắt bên phải của tôi có hiện tượng muỗi bay thoáng qua, gần đây tôi bị giật mình khi nghe tiếng động. xin hỏi đây có phải là tôi bị tăng huyết áp hay không. Cảm ơn bác sĩ.
(Trương Ngọc Bích)
Trả lời:
Tổn thương não chất trắng là một bệnh lý thuộc chuyên khoa nội thần kinh, do kém phát triển hoặc tổn thương hủy myelin sợi thần kinh – nguyên nhân có thể do bẩm sinh, thiếu men, viêm não,…
Hiện tượng ruồi bay trước mắt không nói lên bạn có tăng huyết áp hay không. Việc chẩn đoán tăng huyết áp tùy thuộc vào Huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương của bạn là bao nhiêu. Bác sĩ chuyên khoa tim mạch sẽ có một kết luận cho bạn. Nhiều trường hợp huyết áp tăng không rõ ràng, có thể bác sĩ sẽ cho bạn đo huyết áp lưu động 24 giờ rồi sẽ cho kết luận chính xác. Riêng hiện tượng ruồi bay trước mắt, bạn nên đi khám và soi đáy mắt để đánh giá tổn thương đáy mắt – có thể là tổn thương đáy mắt của tăng huyết áp hoặc đái tháo đường, xơ vữa động mạch,…
Câu 14:
Bệnh nhân 36 tuổi, bị xuất huyết não cách đây 1 năm, di chứng liệt tay phải, khó kiềm chế cảm xúc, dễ nóng giận. Bệnh nhân bị Tình trạng huyết áp kẹp (khoảng cách giữa HATT và HATTR hẹp) mặc dù đã dùng thuốc nhưng vẫn có nguy cơ đột quỵ cao? Xin Bác sĩ tư vấn cho cách giải quyết ah?
Việc sử dụng amlodipine và coversyl lâu dài có tác dụng phụ gì không ah?
(Phùng Thị Cẩm Vân)
Trả lời:
Việc thay đổi tính khí (khó kiềm chế cảm xúc, dễ nóng giận, cáu gắt,…) có thể gặp sau tai biến mạch máu não. Những thay đổi như thế này cũng góp phần làm cho huyết áp dễ dao động, tăng cao bất thường. Do vậy cần có bác sĩ theo dõi điều trị, sử dụng thuốc hạ áp thật hợp lý và thậm chí dùng thêm một chút thuốc an định hoặc chống trầm cảm. Tình trạng huyết áp kẹp cần lưu ý chế độ ăn uống của người có di chứng tai biến mạch máu não – tránh tình trạng thiếu nước. Một lưu ý khác cho các trường hợp huyết áp kẹp là nên siêu âm tim để khảo sát van đông mạch chủ có hẹp hở gì bất thường hay không.
Tác dụng phụ của Amlodipine: một số ít người dùng có tác dụng phụ là phù chân
Tác dụng phụ của Coversyl: một số người dùng bị ho khan
Câu 15:
Cách thức thực hiện huyết áp 24 giờ, cách đánh giá?
Đo huyết áp tại nhà lúc nào là tốt nhất?
Cảm ơn bác sĩ.
Trả lời:
Cách đo huyết áp lưu động 24 giờ. Bạn đến gặp bác sĩ chuyên khoa tim mạch, bác sĩ sẽ cài đặt chế độ đo cho máy có tham khảo giờ đi ngủ buối tối và giờ thức giấc buổi sáng của bạn. Bác sĩ sẽ đeo máy cho bạn, cho bạn cảm nhận mỗi lần máy đo là thế nào. Sau đó bạn đeo máy về nhà. Máy có chế độ đo huyết áp và lưu số liệu tự động. Sau 24 giờ bạn đến gặp lại bác sĩ để được tháo máy, phân tích kết quả.
Nếu là người tăng huyết áp, muốn kiểm tra huyết áp, bạn có thể đo buổi sáng trươc khi dùng thuốc và buổi tối trươc khi dùng thuốc. Huyết áp cơ thể thường cao nhất vào buổi trưa, nếu bạn muốn đanh giá xem sau khi dùng thuốc, huyết áp có được kiểm soát tốt không thì có thể đo kiểm tra vào 2 giờ trưa.
Câu 16:
Có thể ngưng dùng thuốc khi huyết áp về bình thường không? Bác sĩ đã nói là không được. Bác sĩ cũng nói: nhiệm vụ bác sĩ là điều chỉnh, có thể giảm cho phù hợp.
Xin hỏi, trong thực tế có bao giờ bác sĩ giảm dần thuốc đến mức dừng hẳn không?
(Nguyễn Văn Công)
Trả lời:
Nếu bạn được chẩn đoán là tăng huyết áp nguyên phát (Không có nguyên nhân) thì gần như đồng nghĩa với việc bạn dùng thuốc suốt đời. Người thầy thuốc có nhiệm vụ theo dõi, đánh giá để chọn liều thuốc thấp nhất nhưng kiểm soát huyết áp tối ưu nhất cho bạn. Khi bạn dùng thuốc hạ áp và đo thấy huyết áp bình thương thì đừng vội nghĩ rằng mình đã “khỏi bệnh” và tự ý ngưng thuốc vì thật ra huyết áp tốt như vậy là nhờ có sự can thiệp của thuốc hạ áp. Nhiều trường hợp tư ý ngưng thuốc như vậy làm huyết áp lại tăng trở lại, không ít trường hợp dùng thuốc gián đoạn như vậy đã xảy ra sự cố tăng huyết váp và đột quị. Trong thực tế không nhiều trường hợp tăng huyết áp dùng thuốc sau 1 thời gian theo dõi ngưng thuốc: ví dụ người trẻ thừa cân quá nhiều, chưa thay đổi lối sống. Sau một thời gian dùng thuốc và thay đổi lối sống lành mạnh thì huyết áp trở về giới hạn bình thường, có thể ngưng dùng thuốc, theo dõi huyết áp và áp dụng các biện pháp không dùng thuốc
Câu 17:
Bloc nhánh phải trên ECG có thể điều trị thế nào? Qua chụp CT 64 lát cắt mạch vành có vảy làm hẹp 25% có điều trị được không?
(Nguyễn Ngọc Châu)
Trả lời:
Bloc nhánh phải ghi nhận trên ECG thường liên quan đến bệnh lý phổi đi kèm (có thể chỉ đơn giản là bệnh lý phổi cũ trước đó), không có ý nghĩa quan trọng như Bloc nhánh trái. Chỉ lưu ý các Bloc nhánh phải mới xuất hiện, trước đây hoàn toàn không có. Thông tin “vảy” trên MSCT 64 mạch vành mà bạn cung cấp chính xác là vôi hóa. Vôi hóa (Calcification) khác với mảng xơ vữa (Plaque). Khi ghi nhận hẹp 25% thì thái độ là theo dõi chứ chưa can thiệp. Nếu hẹp 75% trở lên (khi chụp động mạch vành có cản quang) thì mới có chỉ định can thiệp. Cần lưu ý MSCT mạch vành chỉ có tính chất tham khảo. Nếu có đau thắt ngực rõ ràng cần làm các nghiệm pháp gắng sức và chụp mạch vành có cản quang (nếu nghiệm pháp gắng sức dương tính) để đánh giá tổn thương mạch vành chuẩn mực và can thiệp đúng đắn hơn tại các đơn vị can thiệp mạch vành.
BS CKI Vũ Minh Đức
Giám đốc Khối phòng khám, Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin