THÔNG TIN Y KHOA | NỘI TỔNG QUÁT

Khám sức khỏe định kỳ: Đến hẹn lại lên

Khám sức khỏe tổng quát thường được coi là một sự bắt buộc cho công việc khiến ý nghĩa lớn lao của nó trong tâm trí mọi người giảm đi nhiều phần. Bài viết dưới đây của TS.BS Võ Xuân Quang sẽ giúp người đọc có cái nhìn đúng đắn hơn về tầm quan trọng của tham khám tổng quát định kỳ.

Từ nhiều năm nay, khái niệm khám sức khỏe định kỳ đã trở nên khá quen thuộc với đội ngũ những người làm công hưởng lương. Nhờ có quy định rõ trong luật lao động, các chủ doanh nghiệp và các nhà đầu tư dù muốn dù không cũng phải chấp hành yêu cầu này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc khám sức khoẻ định kỳ lại như trăm hoa đua nở, mỗi nơi mỗi khác. Người lao động phần lớn coi đây là một điều kiện, một sự bắt buộc để được làm việc hơn là quyền lợi của bản thân. Sự đánh giá chưa đúng việc khám định kỳ, phần nào đã làm giảm đi ý nghĩa cũng như hiệu quả tích cực của nó. Bài viết tìm hiểu nội dung các quy định và tình hình chung, góp phần giúp các lãnh đạo cơ quan cũng như người lao động có một cái nhìn đúng đắn hơn về lĩnh vực này.


Khám sức khỏe định kỳ là gì?

 

Theo quy định, hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động, kể cả người học nghề, tập nghề; lao động nữ phải được khám chuyên khoa phụ sản; người làm công việc nặng nhọc, độc hại, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi phải được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần. Nội dung khám tối thiểu theo thông tư 13 quy định bao gồm:


1. KHÁM TỔNG QUÁT

2. (KHÁM PHỤ KHOA)

3. X QUANG PHỔI

4. XÉT NGHIỆM

NGFL (Công thức máu)

GLUCOSE (Đường huyết)

TPTNT (Tổng phân tích nước tiểu)


Khái niệm “tối thiểu” đã dẫn đến những khuynh hướng khác nhau khá rõ khi các doanh nghiệp cân nhắc việc khám hàng năm. Những nơi có quan điểm “đối phó” và chỉ muốn tiết kiệm chi phí thường chỉ khám đúng những gì yêu cầu, thường được gọi là gói khám tối thiểu. Với các gói khám này, bác sĩ chỉ có thể phát hiện được những vấn đề nghiêm trọng và những bệnh đơn giản thường gặp như cao huyết áp, thiếu máu, tiểu đường v.v… Một số doanh nghiệp quan tâm đến sức khỏe của nhân viên thường có yêu cầu cao hơn với các xét nghiệm về viêm gan, ung thư cổ tử cung, điện tâm đồ, siêu âm bụng, các xét nghiệm về gan, thận và chuyển hóa mỡ (thường gọi là gói khám tiêu chuẩn).


Gói khám tiêu chuẩn có thể thay đổi cấu hình tùy theo yêu cầu của đơn vị đến khám và năng lực của nơi khám, nhưng thường đủ để đánh giá chính xác tình trạng bệnh và phát hiện sớm được nhiều rối loạn chuyển hóa hay tổn thương u bướu trong cơ thể. Một số công ty “quý phái”, ăn nên làm ra và quý trọng nhân viên của mình còn có thể yêu cầu khá nhiều xét nghiệm cao cấp nhằm tầm soát bệnh tim mạch, ung thư và rối loạn chuyển hóa các loại. Các gói khám cao cấp này vượt xa yêu cầu của Bộ Y tế và giúp ích rất nhiều trong việc quản lý sức khỏe người lao động.


Trên thực tế, khám sức khỏe định kỳ có một số nguyên tắc quan trọng mà người lao động có thể chưa nắm được nên thường bị nhầm lẫn.


a. Trước hết, khám định kỳ được tổ chức do người sử dụng lao động nhằm đánh giá người lao động có đủ sức khỏe để thực hiện công việc mình đang làm hay không? Do đó, việc phân loại sức khỏe tốt, khá, trung bình, yếu v.v.. chỉ là một yếu tố để người sử dụng lao động tham khảo mà thôi. Ví dụ: Một người sức khỏe trung bình có thể sẽ không còn phù hợp với công việc khuân vác ở công trường một người sức khỏe yếu thì vẫn hoàn toàn thực hiện được việc dán tem thư ở văn phòng. Người khám không thể kết luận là không đủ sức khỏe làm việc vì bản thân họ không biết được đó là công việc gì và nặng nhẹ thế nào!


b. Kế đến, cần hiểu là khám định kỳ là khám tổng quát và tầm soát. Đại đa số bệnh được phát hiện sẽ cần làm thêm một số xét nghiệm cũng như cần ý kiến bác sĩ chuyên khoa. Những vấn đề này mang tính cá nhân nên thường là người khám sẽ phải tự chi trả vì nó không nằm trong nội dung gói khám. Vì thế, đừng hy vọng là công ty sẽ chi trả tất cả những chi phí phát sinh cũng như không nên nghĩ là bác sĩ sẽ giúp bạn phát hiện bệnh chỉ trong một lần khám.


c. Cuối cùng, việc đánh giá phân loại của bác sĩ chủ yếu dựa trên khám tổng quát và một số xét nghiệm cơ bản. Các xét nghiệm không đầy đủ tất yếu dẫn đến kết luận thiếu sót. Vì thế, việc chẩn đoán thiếu sót có thể xảy ra và không hẳn hoàn toàn do lỗi của người khám mà chủ yếu do sự khống chế của gói khám ký kết giữa hai bên.


Lợi và hại?


Câu hỏi này có vẻ buồn cười vì đi khám bệnh mà cũng có hại? Có, bạn ạ. Việc gì cũng có mặt trái - thuốc uống không đúng còn sinh bệnh mà! Việc khám sức khỏe nếu làm đúng, làm đủ thì có hiệu quả rất tốt, giúp người đến khám hiểu được cơ thể của mình và tìm ra bệnh ở giai đoạn sớm. Tuy nhiên, nếu vì tiết kiệm chi phí mà chỉ khám qua loa sơ sài để được phiếu kết quả “tốt, đủ sức khỏe” thì rất có khả năng bạn đang tự hại mình đấy. Như đã giới thiệu ở trên, những yêu cầu tối thiểu không đủ để đánh giá sức khỏe hàng năm của mỗi người và nếu chỉ dựa vào đấy, việc bỏ sót bệnh - bỏ sót vì chủ quan cho là mình “sức khỏe tốt” vẫn rất dễ xảy ra.


Mặt khác, cần biết là việc khám định kỳ mang ý nghĩa TẦM SOÁT hơn là ĐIỀU TRỊ BỆNH. Vì thế, có thể hàng trăm người bình thường, chỉ có 1 người có bệnh nghiêm trọng. Việc chủ quan cho là ai cũng bình thường rất dễ xảy ra nếu như người khám thiếu kinh nghiệm hoặc làm việc tắc trách chủ quan. Điều này được nhấn mạnh vì trên thị trường dành cho khám công ty hiện nay, thượng vàng hạ cám đều có đủ cả và có khá nhiều nhà tổ chức làm việc theo kiểu chụp giựt, gom người chỗ nọ, thuê máy chỗ kia và cũng đua nhau ký hợp đồng với giá thật “bèo”. Khỏi phải nói thêm về chất lượng của các đội khám này - chủ yếu chỉ để cấp giấy và hợp thức hóa với nhà nước mà thôi!


Quyền lợi hay nghĩa vụ?


Sự khác biệt về ý thức nêu ở trên có thể hiểu một cách đơn giản: đây là quyền lợi hay nghĩa vụ? Nếu người nhân viên ý thức được đây là quyền lợi, họ sẽ cố gắng hợp tác hết mức có thể và sau đó sử dụng bộ hồ sơ khám đó làm tài liệu tham khảo về sức khỏe của mình trong suốt thời gian sau đó. Ngược lại, nếu chỉ xem đây là nghĩa vụ… đi khám cho xong vì công ty “ bắt” đi làm, thì chắc chắn đây sẽ là một sự lãng phí.


Thật ra, để giải quyết vấn đề này không đơn giản chút nào vì nó cần sự hợp tác của 3 bên: người lao động, người sử dụng lao động và nơi cung cấp dịch vụ. Về phía người sử dụng lao động (nhân sự), cần ý thức rằng đây không phải đối phó mà là phục vụ cho lợi ích của người lao động. Người lao động nên và cần có quyền quản lý hồ sơ của mình và sử dụng nó theo cách tốt nhất. Về phía người lao động, nếu có thể được thì nên sử dụng nơi quản lý hồ sơ sức khỏe của mình là nơi khám bệnh và theo dõi mỗi khi có vấn đề. Nhờ vậy, có thể tiết kiệm được khá nhiều chi phí cũng như thời gian cho dịch vụ y tế. Cuối cùng, nhà cung cấp dịch vụ cần có ý thức phục vụ lâu dài mà không phải là làm việc theo mùa, đến hẹn lại lên để rồi hết hẹn lại quên… thì sẽ không xây dựng được mối quan hệ gắn bó lâu dài với bên đối tác lẫn từng người bệnh cụ thể.


Chọn lựa nơi khám như thế nào?


Trước đây, việc khám sức khỏe chỉ được thực hiện bởi các cơ quan y tế công. Những năm sau này, do chủ trương xã hội hóa mà các đơn vị y tế tư nhân cũng tham gia vào lĩnh vực này một cách tích cực. Việc khám định kỳ cũng có “mùa”, thường là vào cuối năm - khi mà các cơ quan xí nghiệp thu vén công tác và bổ sung những gì còn thiếu sót. Mùa khám thường bắt đầu vào tháng 7, khi các phòng nhân sự bắt đầu tìm kiếm những đối tác để ký hợp đồng khám cho cơ quan mình. Việc chọn lựa thường dựa vào 2 yếu tố chính: chi phí và quan hệ. Tuy nhiên, một sự đánh giá tổng thể là cần thiết để đảm bảo người lao động thu được lợi ích tốt nhất từ khoản chi phí đầu tư của chủ doanh nghiệp dành cho người lao động. Người lao động hãy coi việc tổ chức khám định kỳ chu đáo là phần thưởng tốt trong mọi phần thưởng.


Một số hướng dẫn để chọn lựa nơi khám:


1. Giá: Việc so sánh chi phí giữa một số đơn vị cung cấp dịch vụ là cần thiết. Cần chú ý là mỗi nơi khám có thể cấu hình gói khám khác nhau. Do đó, việc so sánh giá giữa hai gói khác nhau là không hợp lý và không thực tế. Cách tốt nhất là yêu cầu báo giá theo một gói được chọn sẵn.


2. Vị trí: Vị trí khám cần tạo thuận lợi cho công nhân viên và không làm mất thêm giờ công. Việc lấy mẫu tại chỗ và khám tại chỗ có thể là một giải pháp tốt để làm hạn chế việc mất giờ công nhưng cần nhìn nhận một thực tế là đội ngũ nhân viên đến tận nơi thường là nhân viên thời vụ, hợp đồng và thiết bị di động thường không tốt bằng những thiết bị cố định.


3. Quy trình: Một cơ sở khám có quy trình hợp lý và rõ ràng chứng tỏ tính chuyên nghiệp cao và hạn chế được những sai sót, nhầm lẫn. Cần chú ý là việc khám định kỳ được thực hiện hàng loạt, số lượng lớn nên việc lẫn lộn mẫu, nhầm số là rất dễ xảy ra nếu không có cơ chế làm việc khoa học và phân công trách nhiệm rõ ràng.


4. Cơ sở vật chất: bộ phận nhân sự nên đi tiền trạm để đánh giá tình trạng cơ sở vật chất bao gồm phòng ốc, trang bị và các dụng cụ vật tư dùng trong khám bệnh. Khái niệm “đẳng cấp” có thể dùng để giải thích tại sao với cùng một cấu trúc gói khám mà sự chênh lệch về chi phí nhiều khi rất lớn.


5. Tính thân thiện của dịch vụ: Bao gồm phong cách phục vụ cũng như cách tổ chức cuộc thăm khám. Tính tiện lợi, sự nhanh chóng và nụ cười của nhân viên là những điểm cộng để chọn lựa.


6. Kết quả: kết quả của cuộc thăm khám đáp ứng được yêu cầu của tập thể bằng hệ thống phân loại chính xác và đầy đủ cũng như yêu cầu cá nhân bằng bộ hồ sơ phản ảnh toàn bộ những vấn đề ghi nhận được, đảm bảo sử dụng mỗi khi cần tham khảo tình hình sức khỏe.


Nói chung, một sự chọn lựa thông minh sẽ bao gồm chi phí hợp lý đi kèm với một kết quả đầy đủ nhưng đồng thời cũng cung cấp cho mỗi cá nhân một trải nghiệm thoải mái mà nhà cung cấp dịch vụ y tế mang đến.


Tác giả: TS.BS Võ Xuân Quang

 

Mọi thông tin chi tiết về ưu đãi hoặc tư vấn dịch vụ, vui lòng liên hệ hotline: 0903 800 551 hoặc 0903 800 328



ĐỐI TÁC CỦA CHÚNG TÔI

KhamOnline